Phóng Sự

Người Việt trong nghề giáo tại Quận Cam (kỳ 6)

Monday, 23/03/2015 - 09:12:54

Cho dầu theo học chương trình Việt Ngữ, các học sinh vẫn phải tuân theo tiêu chuẩn nội dụng theo cấp lớp đối với tất cả các học sinh khác trên toàn tiểu bang California ví dụ như toán, xã hội học, đọc và hiểu ngôn ngữ, v.v.. Đây là chương trình vẫn cần nhiều quyết tâm của học khu và hỗ trợ của cộng đồng.

Bài BĂNG HUYỀN

Giáo viên dạy Việt ngữ tại trường trung học (tiếp theo)

Nếu những ngoại ngữ như tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp, tiếng Latin… đã có lịch sử giảng dạy lâu đời trong các trường trung học tại Hoa Kỳ nói chung và tại Quận Cam nói riêng, thì tiếng Việt tại quận Cam là một ngôn ngữ chỉ mới được cộng đồng Việt Nam vận động đưa vào giảng dạy thành công từ năm 1999 tại trường trung học Westminster (thuộc học khu Huntington Beach High School District - HBUHSD), trường Bolsa Grande và La Quinta vào năm 2002, và trường trung học Garden Grove (thuộc học khu Garden Grove) từ năm 2004.

Thầy Quyên Di là giảng sư tại UCLA và Cal State University Long Beach.



Theo tài liệu của Luật sư Nguyễn Quốc Lân, phó chủ tịch học khu Garden Grove phổ biến trên nhật báo Viễn Đông vào tháng Ba 2014, ngoài những trường trung học kể trên, trong học khu Garden Grove còn mở thêm lớp tiếng Việt như một ngoại ngữ “tại trường Rancho Alamitos và Santiago (chỉ mới bắt đầu từ niên khóa 2013-2014), vào niên khoá 2014-2015, chương trình Việt Ngữ được mở ra thêm hai trường Pacifica và Los Amigos, vậy là có 7 trường trung học trong Học Khu Garden Grove có chương trình Việt Ngữ như là một ngoại ngữ.
Chương trình Việt Ngữ cũng đang được mở rộng đến các trường trung học đệ nhất cấp. Bắt đầu từ niên học 2013-2014, chương trình Việt Ngữ đang được bắt đầu tại Trường Trung Học Irvine và Walton. Vào niên khoá 2014-2015, chương trình Việt Ngữ có thể được mở ra tại các trường Alamitos, Jordan, Lake, McGarvin và Ralston nếu có đủ thầy cô giáo hay yêu cầu của phụ huynh. Học Khu Garden Grove có tất cả 10 trường trung học đệ nhất cấp (intermediate school). Các học sinh hoàn tất năm thứ nhất Việt Ngữ tại các trường trung học đệ nhất cấp có thể theo học tiếp chương trình năm thứ hai tại trường trung học đệ nhất cấp trong học khu.
Bắt đầu từ niên khoá 2016-2017, học khu dự trù mở một trường đặc biệt giảng dạy về ngôn ngữ để thực hiện chương trình Song Ngữ Đa Phần Việt Ngữ (Dual Language Immersion) bắt đầu từ cấp lớp mẫu giáo. Đây là một chương trình giảng dạy Việt Ngữ đầu tiên tại California, nhưng theo một mô hình rất phổ thông tại nhiều nơi trên toàn Hoa Kỳ để giảng dạy các ngoại ngữ như Hoa ngữ, Nhật, Đại Hàn, Tây Ban Nha, v.v.. Các cuộc nghiên cứu về giáo dục cho thấy các học sinh theo học chương trình song ngữ này có khả năng lưu giữ và xử dụng ngoại ngữ lâu hơn và có khả năng học giỏi hơn trong các bộ môn khác kể cả Anh Văn, toán, xã hội học và khoa học.
Chương trình tiên khởi này có thể sẽ gặp nhiều khó khăn như chuẩn bị tài liệu giảng dạy hay tuyển chọn thầy cô giáo có bằng cấp sư phạm và khả năng Anh Ngữ và Việt Ngữ. Hiện nay chưa có tài liệu giảng dạy Việt Ngữ tại California mà có thể phù hợp với tiêu chuẩn cấp lớp tại California. Cho dầu theo học chương trình Việt Ngữ, các học sinh vẫn phải tuân theo tiêu chuẩn nội dụng theo cấp lớp đối với tất cả các học sinh khác trên toàn tiểu bang California ví dụ như toán, xã hội học, đọc và hiểu ngôn ngữ, v.v.. Đây là chương trình vẫn cần nhiều quyết tâm của học khu và hỗ trợ của cộng đồng.

Để có chứng chỉ dạy tiếng Việt trong trường trung học

Kể về những khó khăn ban đầu để có chứng chỉ dạy tiếng Việt ở trường trung học, thầy Dzũng Bạch giáo viên dạy Việt ngữ tại trường trung học La Quinta, kiêm trưởng phân khoa ngoại ngữ tại trường trung học này cho biết: “Theo tiêu chuẩn của Quận Cam quy định để trở thành giáo viên dạy ngoại ngữ cấp trung học thuộc hệ thống trường công lập, giáo viên đó phải có giấy phép dạy học chính thức (Teaching Credential) do Bộ Giáo Dục Tiểu Bang cấp. Ngoài ra, nhiều học khu còn đòi hỏi các giáo viên ấy lấy bằng Bilingual Teaching Credential. Giáo viên có bằng này có thể dạy một môn học bằng cả hai thứ tiếng.
“Như với giáo viên dạy tiếng Việt, để lấy được bằng Bilingual Teaching Credential, ứng viên phải học chương trình sư phạm và thực tập giảng dạy giống y các sinh viên sư phạm khác, ngoài ra phải lấy thêm một lớp về sư phạm song ngữ và một lớp về văn hóa Việt Nam, sau đó dự một cuộc thi lượng định khả năng và kiến thức về Việt ngữ, văn hóa, địa lý, lịch sử Việt Nam.
“Hồi đầu những giáo viên dạy lớp tiếng Việt như tôi hay cô Quỳnh Trang, cô Thảo Ly vẫn chưa có Bilingual Teaching Credential, vì Bộ Giáo Dục Tiểu Bang California lúc đó vẫn chưa có đề thi Bilingual Teaching Credential cho ngoại ngữ là tiếng Việt. Chúng tôi phải theo học lớp Sư Phạm Song Ngữ (Multiple Subject Credential Bilingual) và một lớp về văn hóa Việt Nam (CSET Vietnamese), rồi đợi một thời gian sau mới có đề thi để các giáo viên dạy tiếng Việt lấy Bilingual Teaching Credential.”
Thầy Dzũng Bạch cho biết vào thời gian thầy thi lấy bằng Bilingual Teaching Credential, Thầy Quyên Di là giảng sư phụ trách giảng dạy hai lớp nói trên cho một số đại học thuộc hệ thống California State University, đồng thời cũng là người định tiêu chuẩn cho việc soạn đề thi lượng định khả năng nói trên cho Bộ Giáo Dục Tiểu Bang California.
Nói thêm về cách thức để có chứng chỉ hành nghề cho giáo viên dạy được chương trình song ngữ ở Trung Học và Tiểu Học, nhất là với môn Việt ngữ, Thầy Quyên Di hiện đang giảng dạy tại UCLA và Cal State University Long Beach với tính cách là giảng sư (lecturer) và giám sát viên đại học (university supervisor) cho biết: “Giáo viên song ngữ dạy bậc Trung Học và Tiểu Học là những giáo viên có khả năng dạy các môn học trong nhà trường Mỹ bằng hai ngôn ngữ: tiếng Anh và một ngôn ngữ nữa (trong trường hợp giáo viên song ngữ Anh-Việt thì là tiếng Anh và tiếng Việt.)
Nhà trường cần những giáo viên này vì có những học sinh không hiểu bài khi nghe giáo viên giảng bằng tiếng Anh. Những học sinh đó sẽ được giáo viên dạy lại bằng tiếng Việt. Tuy nhiên, thường thì nhà trường có những lớp Anh ngữ giúp các học sinh này tăng tiến trình độ Anh ngữ của các em. Giáo viên song ngữ cũng có khả năng và hội đủ điều kiện dạy môn tiếng Việt khi nhà trường mở chương trình tiếng Việt. Hiện nay tại miền Nam California có hai học khu có chương trình tiếng Việt là học khu Garden Grove và học khu Westminster.”
Theo Thầy Quyên Di, để tốt nghiệp với tính cách là giáo viên song ngữ, các sinh viên sư phạm cần phải hoàn tất mọi đòi hỏi dành cho một sinh viên sư phạm; ngoài ra sinh viên ấy phải lấy thêm hai lớp trên đại học, một lớp về Sư Phạm (Methods) và một lớp về Văn Hoá (Culture). Đại học CSU Fullerton thường mở những lớp về Sư Phạm. Đại học CSU Long Beach thường mở những lớp về Văn Hoá. Sinh viên trong hệ thống đại học CSU có thể học những lớp này tại hai trường đó và được trường mình đang theo học chấp nhận. Tôi đang dạy lớp Văn Hoá Việt Nam ở CSU Long Beach, lớp này mang danh số ASAM 333 (Asian American Studies), có tên là “Vietnamese American Experience”.
Ngoài ra, Thầy Quyên Di cho biết thêm: “Các sinh viên học để trở thành giáo viên song ngữ còn phải thi đậu cuộc thi CSET (The California Subject Examinations for Teachers). Sinh viên Sư Phạm nào muốn tốt nghiệp cũng phải đậu cuộc thi này. Bài thi CSET dành cho sinh viên Sư Phạm Song Ngữ còn có những câu hỏi liên quan đến ngôn ngữ, văn chương, ngữ học, lịch sự, địa lý, văn hoá Việt Nam. Những câu hỏi này được soạn thảo dựa trên trình độ Cử Nhân.
Ngoài chương trình tiếng Việt, hiện nay hai học khu Garden Grove và Westminster còn bắt đầu thành lập chương trình song ngữ hai chiều (dual language immersion program) Anh-Việt. Học sinh gốc Việt chọn học chương trình này không phải là những học sinh kém Anh ngữ, nhưng muốn rằng sau khi hoàn tất chương trình kéo dài 13 năm (K12) sẽ thông thạo cả hai ngôn ngữ và am tường cả hai nền văn hoá Mỹ-Việt. Những học sinh Mỹ khác khi tham gia chương trình này cũng có mục đích như vậy.
“Các giáo viên dạy chương trình tiếng Việt thuộc học khu Garden Grove có những buổi họp hằng tháng để học hỏi và trao đổi kinh nghiệp giảng dạy, kiến thức Việt ngữ. Hầu hết các giáo viên ấy là cựu sinh viên của tôi, tốt nghiệp ngành sư phạm tại các đại học CSU Long Beach và CSU Fullerton. Thỉnh thoảng tôi được mời dự những buổi sinh hoạt này. Tôi rất vui vì các thầy cô giáo ấy càng ngày càng có sự hiểu biết sâu xa về tiếng Việt và văn hoá Việt, cũng như có tâm huyết đối sứ sứ mệnh bảo tồn và phát huy tiếng Việt, văn hoá Việt cho các thế hệ đàn em.”

Những ưu tư của giáo viên dạy tiếng Việt

Chia sẻ niềm vui trong quá trình dạy Việt ngữ suốt hơn 10 năm qua của mình tại trường La Quinta, thầy Dzũng bạch bày tỏ: “tôi nhận thấy hiện nay bên ngoài lớp học, các em nói tiếng Việt rất nhiều, các em đã hãnh diện khi nói được tiếng Việt. Chứ còn những năm đầu tôi dạy, các em nói trọ trẹ, ngại ngùng, tiếng Việt đối với nhiều em lúc đó là không cao cấp gì cho lắm và có em rất xấu hổ khi nói tiếng Việt, có em cho đó là tiếng nhà quê… Nhưng bây giờ các em học tiếng Việt giỏi hơn những năm đầu tôi dạy. Các em vui vẻ và thích thú với việc học, nhất là những em học lên đến lớp Việt 4 là yêu tiếng Việt lắm và cố gắng nhiều lắm”.
Thầy Dzũng Bạch nói thêm: “Khi dạy tiếng Việt cho các em, tôi luôn luôn nói với các em tiếng Việt là một ngôn ngữ gia tài. Người học ngôn ngữ gia tài tự mình phải có gắn bó, chính từ gắn bó lịch sử nhập vô gắn bó cá nhân. Người đó sẽ có khuynh hướng gìn giữ ngôn ngữ cho thế hệ mai sau, vì thế ngôn ngữ gia tài có liên hệ chặt chẽ với người học. Tại California, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Việt là ngôn ngữ gia tài, còn tiếng Pháp, tiếng Đức… thì không phải ngôn ngữ gia tài của ai hết”.
Cô giáo Lan Nguyễn hiện đang dạy lớp tiếng Việt tại trường trung học Westminster thì chia sẻ ước mong của mình: “Tôi rất mong những tổ chức của cộng đồng hãy để ý đến các lớp Việt ngữ trong các trường công lập, đúng là cộng đồng có quan tâm đến những lớp Việt ngữ ở các trung tâm Việt ngữ, nhưng lớp Việt ngữ ở các trường công lập dường như bị bỏ rơi. Nhiều khi các hội đoàn trong cộng đồng nghĩ là học khu đã lo cho các lớp Việt ngữ này rồi. Nhưng thật sự thì với lớp Việt ngữ ở trường Westminster, học khu Hungtington Beach cũng không tha thiết lắm, vì môn Việt ngữ là môn học chọn lựa, không bắt buột, nếu không học Việt ngữ thì chọn học Tây Ban Nha hoặc tiếng Pháp.
“Nếu cộng đồng chúng ta không nâng đỡ, không để ý tới các em torng những lớp Việt ngữ thì đó là điều đáng tiếc. Tôi dạy các em tôi hiểu các em còn cần sự nâng đỡ của cộng đồng nữa, không chỉ từ gia đình mà còn từ cộng đồng nữa. Nếu khích lệ cho các em bằng cách có phần thưởng cho những em giỏi về học vấn, ngoan về hạnh kiểm và có đóng góp trong cộng đồng chẳng hạn, bằng những phần thưởng để khích lệ các em, giúp các em hăng say hơn với những sinh hoạt trong cộng đồng.”
Ngoài ra, cô Lan Nguyễn cũng bày tỏ về mối ưu của mình: “Tôi có nguyện ước phụ huynh Việt Nam hãy khuyến khích con cái học tiếng Việt nhiều hơn, để có thể yêu mến tiếng Việt. Khi các em yêu mến tiếng Việt, thì các em cũng sẽ yêu mến hiểu biết ông bà cha mẹ của chúng hơn, thông cảm với ông bà, cha mẹ chúng hơn. Còn hơn là ông bà nó nói mà nó không hiểu, sẽ càng xa rời nhau hơn, là điều không tốt với những gia đình Việt Nam tại hải ngoại.
“Có một điều tôi cũng trăn trở là hiện nay các lớp tiếng Tây Ban Nha học sinh Việt học rất đông, phụ huynh Việt Nam và các em nghĩ rằng các em đã biết tiếng Việt ở nhà rồi, học thêm tiếng Tây Ban Nha để giao tiếp với người nói tiếng Tây Ban Nha. Nhưng học 2 hay 3 năm đâu có thể giao tiếp thông thạo bằng tiếng Tây Ban Nha nếu không có môi trường giao tiếp tại gia đình.
“Nhiều người cho rằng con em đã học ở trung tâm Việt ngữ cuối tuần là đủ rồi, nên cho con học thêm tiếng Tây Ban Nha hoặc tiếng Pháp để biết thêm một ngoại ngữ nữa. Phụ huynh nghĩ vậy là phải, nhưng tôi thấy các em học ở trung tâm Việt ngữ cuối tuần chưa đủ, nhiều em văn phạm không biết, nói có thể khá hơn những em không học, hiểu tiếng Việt khá hơn, nhưng vẫn chưa gọi là thông thạo khi viết câu văn không đúng, bỏ dấu lung tung.”
Đồng tình với ý kiến của cô Lan Nguyễn, Thầy Quyên Di chia sẻ: “Chương trình tiếng Việt của các trung tâm Việt ngữ dạy một, hai tiếng vào mỗi cuối tuần nó khác hẳn chương trình dạy tiếng Việt ở trường trung học, ngày nào cũng học, mà văn ôn võ luyện thì mới giỏi. Do đó nếu phụ huynh nào muốn con mình khá tiếng Việt thì nên khuyên con ghi danh học tiếng Việt trong trường trung học (nếu trường đó có môn tiếng Việt). Vì sau này, em nào sinh ra ở đây mà thông thạo tiếng Việt sẽ trở thành hiếm và quý vô cùng, vì sẽ không còn nhiều đâu.
“Nên ai mà nói thông thạo, hiểu sâu xa tiếng Việt thì sẽ làm nhiều người ngạc nhiên, cảm thấy thích thú lắm. Trong các ngành nghề về xã hội ở đây, ai mà biết hai ngôn ngữ thì sẽ có lương khá hơn, hoặc cơ hội kiếm được việc làm cũng dễ hơn. Chi bằng là mình nên đào sâu ngôn ngữ mẹ đẻ mà mình đang có.”
Thầy Quyên Di nói thêm: “Nói vậy không có nghĩa là học tiếng Việt ở trường trung học có thể thay thế được học tiếng Việt ở trung tâm Việt ngữ đâu. Hai nơi học đó đều quan trọng ngang nhau. Vì những em học khá trong các lớp tiếng Việt ở trung học, đại học, hỏi ra thì các em đều có học tiếng Việt trước đây ở những trung tâm Việt ngữ cuối tuần trong cộng đồng. Chính những trung tâm Việt ngữ được mở ra là để dạy cho những em đó chuẩn bị có căn bản để vào học trong trung học, đại học. Đó là lý do đó để các trường Việt ngữ cuối tuần phát triển hơn. Vì có mục đích rõ rệt, học để chuẩn bị vào trường trung học, đại học. Cả hai đều bổ trợ cho nhau, không nơi nào bị mất đi học sinh hết.”
Được biết trong tháng 10 năm 2011, Thống Đốc Jerry Brown đã ký ban hành luật AB 815, vinh danh những học sinh tốt nghiệp trung học bằng một ấn chương đặc biệt in vào trên những tấm văn bằng hoặc học bạ của họ, nếu họ đạt được trình độ thành thạo cao trong việc nói, đọc và viết Anh ngữ, cũng như một hoặc nhiều ngôn ngữ khác.
Để nhận được con dấu đặc biệt này, các học sinh như vậy phải hoàn tất những điều kiện nhất định, chẳng hạn như tốt nghiệp với một mức điểm trung bình ít nhất là 3.0 GPA, trong chương trình ngoại ngữ bậc trung học kéo dài trong bốn năm. Vì các học sinh có thể chọn theo học một lớp ngoại ngữ để tốt nghiệp từ một trường trung học California, và phải học hai năm ngoại ngữ để nhập học tại một trường đại học nằm trong hệ thống công lập UC hoặc CSU, các học sinh nhận được “Seal of Biliteracy” (Ấn Chương Song Ngữ) sẽ phải chứng minh rằng mình sẵn sàng đạt mức xuất sắc vượt lên trên cả mức độ cần thiết.
Theo cô Lan Nguyễn, những học sinh học lớp tiếng Việt tại trường Wesminster, nếu đạt được mức độ thông thạo, học đủ 4 năm, khi dự lễ tốt nghiệp ra trường, sẽ nhận nhận được “Seal of Biliteracy” (Ấn Chương Song Ngữ) và được đeo sợi dậy màu xanh ngọc. Cô Lan Nguyễn nói “Môn ngoại ngữ là môn học bắt buột để các em tốt nghiệp trung học, các em phải học ít nhất là 2 năm. Nếu các em không được khuyến khích từ gia đình ghi danh học, thì sẽ chọn ngoại ngữ khác. Khi lên đại học, nếu các em suy nghĩ lại và muốn chọn học tiếng Việt, thì cũng sẽ không kiên nhẫn học, vì không có căn bản từ trước, tiếng Việt lại là ngoại ngữ rất khó với nhiều em, dấu thanh nhiều quá... Vì vậy thời gian ở trung học là là thời gian nối kết của các em với ngôn ngữ, văn hóa Việt. Hơn nữa học ở trung học, các em không phải tốn tiền, còn lên học đại học thì phải đóng tiền nhiều và học khó hơn.” (bh)
(Còn tiếp)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT