Phóng Sự

Người Việt trong nghề giáo tại quận Cam (kỳ 8)

Monday, 06/04/2015 - 08:38:06

Trong số 858 người trả lời câu hỏi này, lý do đầu tiên là vì yêu thích được dạy dỗ trẻ em. Có trên 80% nêu lý do này và 75% chia sẻ rằng họ muốn tạo nên điều khác biệt [Chỉ có 20% trở thành giáo viên vì những kỳ nghỉ và 10% chọn nghề giáo vì thấy hữu ích trong việc dạy dỗ con].

Bài BĂNG HUYỀN

Giáo viên dạy tại trường trung học (tiếp theo)

Theo kết quả thống kê được phổ biến trên mạng lưới toàn cầu của Hiệp Hội Giáo Viên và Giảng Viên Anh Quốc (ATL) dành cho thực tập sinh và giáo viên mới ra trường về những lý do mà những giáo viên này chọn để trở thành giáo viên.
Trong số 858 người trả lời câu hỏi này, lý do đầu tiên là vì yêu thích được dạy dỗ trẻ em. Có trên 80% nêu lý do này và 75% chia sẻ rằng họ muốn tạo nên điều khác biệt [Chỉ có 20% trở thành giáo viên vì những kỳ nghỉ và 10% chọn nghề giáo vì thấy hữu ích trong việc dạy dỗ con].
Lý do thứ hai có 57% những người được hỏi cho biết thích làm giáo viên vì tính đa dạng của nghề. Với họ, không có hai ngày nào là như nhau cả. Các nhà giáo thường nói họ đặc biệt yêu thích khoảnh khắc học trò của mình tìm ra hướng làm bài. Chính họ cũng rút ra được điều đó ngay trên lớp học của mình.
Lý do thứ ba có 32% cho biết lựa chọn nghề giáo vì dạy học là niềm vui. Sự sáng tạo trong lớp học là một trong năm điều truyền cảm hứng giảng dạy cho những nhà giáo trẻ. Khi được hỏi về yếu tố giúp cải thiện việc giảng dạy, 47% cho biết họ muốn được tự do hơn, 70% muốn có thời gian để chia sẻ hiệu quả giảng dạy của họ với đồng nghiệp.

Giáo viên và học sinh trường Westminster tham dự diễn hành trên đại lộ Bolsa vào dịp Tết 2015 vừa qua. (Hình Westminster High School)




Lý do thứ tư có 37% thực tập sinh cảm thấy họ được truyền cảm hứng từ chính những thầy cô giáo cũ. Điều thú vị là họ cũng muốn có nhiều cơ hội hợp tác giữa các giáo viên trong nghề.
Và cuối cùng, lý do thứ năm là tình yêu dành cho môn học là một lý do thôi thúc nhiều người theo sự nghiệp giảng dạy. Nghiên cứu của Hiệp hội giáo dục từ thiện Sutton Trust năm 2014 về những nhân tố của việc giảng dạy hiệu quả cho thấy hai nhân tố quan trọng nhất chính là phẩm chất giảng dạy và kiến thức của người giáo viên về môn học.

Tâm tình của cô giáo Quyên Ngô

Đây cũng là 5 lý do mà cô giáo Quyên Ngô [là giáo viên dạy môn Khoa Học Tổng Quát tại trường trung học Westminster thuộc học khu Hungtington Beach từ năm 2003 đến nay] quyết định gắn bó với nghề giáo hơn 10 năm qua. Kể lại cơ duyên trở thành giáo viên, cô giáo Quyên Ngô cho biết: “Quyên qua Mỹ từ năm 14 tuổi, trường trung học mà Quyên học là trường Westminster. Sau khi tốt nghiệp trường trung học, Quyên vào học 2 năm ở trường Orange Coast College và sau đó chuyển vào UCI, hoàn tất được bằng cử nhân về Biology (Sinh Vật học) với dự định sẽ theo học chuyên khoa trở thành Dược Sĩ, vì đây cũng là công việc mà phụ huynh của Quyên thích Quyên theo và bản thân Quyên khi đó cũng rất thích.
“Tuy nhiên đã có sự thay đổi trong thời gian đi học tại UCI, Quyên có đi làm thêm công việc dành cho sinh viên (có lương), đó là trở về trường trung học Westminster làm phụ giáo cho thầy cô ở trường, giúp thầy cô thông dịch bài học cho các em học sinh ở Việt Nam mới qua Mỹ, do những em này chưa thông thạo tiếng Anh nên không thể hiểu rõ môn học. Trong giờ dạy của thầy cô, Quyên có mặt trong lớp học để ghi nhận những phần giảng của thầy cô, em nào không hiểu, Quyên sẽ dịch lại cho em đó để các em theo kịp bài học.
“Quyên từng giúp thông dịch cho các em học sinh của trường môn Toán, môn Tiếng Anh, môn Khoa Học. Quyên làm công việc này khoảng 2 năm, chính thời gian làm việc với các em học sinh ở trường, Quyên nhận thấy làm nghề giáo có cái hay là có thể giúp được nhiều em, nên Quyên quyết định không theo học ngành thuốc nữa mà vào học ở trường Cal State Fullerton để trở thành giáo viên.”
Cô giáo Quyên Ngô cho biết ban đầu cô chưa có cơ hội về dạy tại trường Westminster ngay, dù rất mong về dạy tại trường, vì từng học ở đây, có rất nhiều tình cảm với trường. Lúc đầu cô làm giáo viên dạy thế ở học khu Santa Ana, sau đó trường Westminster cần giáo viên dạy Toán thế cho một cô giáo nghỉ dạy, cô giáo Quyên Ngô được nhận vào công việc này và đến năm 2003 cô chính thức là giáo viên toàn thời gian dạy môn Khoa Học tổng quát theo đúng ngành nghề mà cô học.
Cô giáo Quyên Ngô nói: “Cũng nhờ kinh nghiệm làm thông dịch bài giảng của thầy cô giáo cho học sinh khi Quyên còn là sinh viên đã giúp Quyên có kinh nghiệm để áp dụng vào cách dạy của mình khi trở thành giáo viên. Nhớ lại giai đoạn đầu tiên mới vào trường, Quyên rất cám ơn các Thầy cô trong trường Westminster high school đã luôn tạo điều kiện cho Quyên tiến bộ thêm mỗi ngày trong việc đứng lớp. Vì thầy cô mới ra trường không có kinh nghiệm, nhìn lại cách giảng bài hồi mới đi dạy với cách giảng bài ngày hôm nay khác xa nhiều.
“Nhìn lại điều này Quyên rất cám ơn các thầy cô đã giúp Quyên bằng những lời động viên, giúp đỡ để Quyên mới tiến bộ được như hôm nay. Dù đã có những bài dạy từng soạn trước đây trong thời gian dạy thực tập và làm giáo viên dạy thế, nhưng khi mới đi dạy, Quyên vẫn phải tạo ra những bài học mới, các thầy cô cùng khoa của trường luôn giúp Quyên, đưa những bài học mà các thầy cô đã soạn ra để Quyên dùng hoặc dựa trên đó mà soạn bài mới.”
Sau hơn 10 năm đi dạy, cô giáo Quyên Ngô nói cô đã rút ra kinh nghiệm cho mình đó là khi vào lớp, giáo viên phải luôn biết kiềm chế, bình tĩnh, kiên trì và mềm mỏng. Để có thể là người giáo viên đúng nghĩa, người giáo viên không chỉ đơn thuần dạy học sinh “chữ” mà còn dạy các em cách ứng xử để sau này khi các em đi làm, các em biết ứng xử với đồng nghiệp.
Dù giáo viên đó có kiến thức giỏi đến đâu nhưng nếu không có phương pháp giảng dạy khoa học, không khơi gợi được trong các em sự say mê học tập, phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo, động viên, khích lệ các em trong học tập, tạo hứng thú, ham thích học tập thì không bao giờ đạt được kết quả.
“Theo Quyên thấy môn Khoa Học không phải học sinh nào cũng thích học, nhiều em nghĩ đây là môn học khó, khô khan. Nên khi dạy, Quyên luôn cố gắng đưa ra những thí dụ trong đời sống hằng ngày gắn với khoa học để các em thấy đây không phải môn quá khó, không thể hiểu được. Những gì xảy ra mỗi ngày khoa học có thể giải thích được tại sao nó xảy ra. Luôn cố gắng đưa ra những ví dụ bên ngoài cho các em để các em từ bài học trong lớp ứng dụng vào thực tiễn.
“So với hơn 10 năm trước lúc mới đi dạy với thời điểm hiện nay, có sự khác biệt nhiều, việc so sánh cũng tùy em, chứ không phải em nào giống em nào, theo Quyên không chỉ nhà trường là một yếu tố, thầy cô là một yếu tố mà gia đình cũng là yếu tố quan trọng với sự thành công của các em trong việc học hành. Nếu phụ huynh luôn xem việc học là quan trọng, luôn thúc đẩy các em, thì các em đó vô trong lớp học rất giỏi, các em tập trung học, biết rằng cố gắng học thì sẽ làm được những gì mà mình thích, vô được đại học mình thích, học được những gì mà mình thích.
“Đôi khi phụ huynh lơ là việc học tập của con, không thúc đẩy các em, nhiều em vào trường mà không làm bài tập, không tập trung học trong lớp, không vào lớp học. Chính những điều này dần dần khiến các em không hiểu bài trong lớp và chán học. Thường với các học sinh Việt Nam, khi Quyên quyết định nói chuyện với phụ huynh, đa số các em rất sợ làm cha mẹ buồn, nên cố gắng thay đổi. Quyên cũng có gặp riêng những em đó nói chuyện… nhưng đôi khi cũng có những học trò không muốn thay đổi, nên Quyên cũng gặp những khó khăn trong việc dạy, trường hợp nặng nhất Quyên đành buộc phải đưa em lên phòng ban giám hiệu để ban giám hiệu mời phụ huynh vào.
“Có một số em thay đổi, nhưng cũng có em không, dù vậy lúc nào Quyên cũng phải cố gắng hết sức mình giúp đỡ các em. Và Quyên càng ngày càng yêu công việc của mình, phần lớn Quyên dạy các em lớp 9, vào đầu năm học, nhìn thấy các em chưa trưởng thành lắm, đến ngày mãn khóa, thấy các em thay đổi, chín chắn hơn, rồi đến khi gặp lại các em sau 1, 2 năm nữa hoặc đến ngày các em ra trường, các em làm lễ tốt nghiệp thì lúc đó nhìn thấy các em thành công, thì Quyên rất vui. Nhìn thấy những thành quả mà mình cố gắng làm đã có kết quả tốt.”
Cô giáo Quyên Ngô nói thêm, “Giáo viên mà là thầy thì dễ dàng hơn là cô, các em sợ thầy hơn cô. Học sinh Việt thì phần đông kính trọng thầy cô, nhưng đối với những em người Mexican, gốc Mỹ Latinh trong trường (trường Westminster có khoảng 46% học sinh gốc Việt, khoảng 48% gốc Mexico và còn lại là những sắc dân khác) phần đông ở nhà sợ bố hơn mẹ, nên khi đi học cũng sợ thầy hơn cô giáo. Vì vậy khi dạy trong lớp, dù luôn dặn mình phải thật kiên nhẫn, nhưng đôi khi gặp những em không tập trung học, mà chỉ thích gây mất trật tự, Quyên không thể dạy được, những lúc ấy rất nản và mệt mỏi.”
Đồng nghiệp của cô giáo Quyên Ngô tại trường trung học Westminster, thầy Khang Bảo (dạy môn Khoa Học tổng quát) cho rằng dạy học là một công việc rất nhiều thử thách. Cứ mỗi năm trôi qua lại xuất hiện những thử thách mới vì thế giới luôn thay đổi từng ngày và giáo viên phải luôn sẵn sàng tiếp nhận và truyền lại những kiến thức mới cho học sinh của mình. Công việc giảng dạy là một quá trình phức tạp đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng của cả giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, theo thầy Khang bảo hiện nay hầu hết các giáo viên đều gặp nhiều khó khăn là các em lười học càng ngày càng đông.
Theo thầy Khang Bảo nếu so với 10 năm trước, hiện nay các phương tiện truyền thông, giải trí ngày càng phổ biến, nào là I phone, Ipad, mạng xã hội, các chương trình giải trí trên truyền hình, phim ảnh, game chính những lý do trên, khiến cho việc ngồi vào bàn học là cả một thách thức đầy lớn lao với mỗi học sinh hiện nay.
Ngoài ra, nguyên nhân lười học của học sinh, đôi khi còn do môi trường ở gia đình tạo điều kiện chưa tốt, không ổn định. Thiếu sự quan tâm của gia đình. Học sinh ham chơi, thiếu kiềm chế trước sự rủ rê của bạn bè. Không có khả năng học tập, mất kiến thức cơ bản. Không có hứng thú trong các môn học, không xác định được mục đích của học tập. Hoặc giáo viên tổ chức các tiết học thiếu hấp dẫn…
Thầy Khang Bảo chia sẻ thêm, “Khi trò chuyện với những em không chịu học, các em nói với Khang là không muốn học lên đại học, mà chỉ muốn kinh doanh kiếm tiền, vì các em thấy những người giàu có đâu cần học đại học đâu. Có em cho rằng Bill Gate không học đại học mà vẫn thành tỷ phú, hoặc người này người kia không học đại học, đi làm luôn mà sau này vẫn giàu có. Nhưng thật ra những tỷ phú đó bỏ học là vì họ quá thông minh, biết hết những gì mà trường lớp sẽ dạy họ. Họ buộc phải lao ra trường đời, để học những bài học kinh nghiệm mới lạ hơn so với các lý thuyết trong sách vở đã đọc.
“Giới trẻ ngày nay cũng thường nghe nhạc hip hop, mà trong âm nhạc này không chú trọng dạy đạo đức, mà chỉ cách phải biết làm giàu, phải hưởng thụ đời sống cho chính mình, vì mình chỉ sống có một lần thôi, không cần phải có trách nhiệm với ai khác…hoặc các em xem những chương trình trên truyền hình tối đi tiệc tùng, sáng dậy trễ, không phải làm gì hết, chẳng cần học hành, mà vẫn hưởng thục đời sống sung túc, vì vậy nhiều em không quan tâm chuyện học nữa, do các em còn quá non nớt, cái nhìn rất cạn, bản thân không chịu rèn luyện, làm việc để biến ước mơ thành sự thật mà chỉ muốn tự nó đến với mình.”
Thầy Khang Bảo nói, “Phần đông phụ huynh gốc Việt rất quan tâm việc học của con, Khang ước mong phụ huynh hãy tiếp tục điều này và nên tham gia vào những sinh hoạt ngoại khóa do nhà trường tổ chức, như những buổi giúp các phụ huynh cách kiểm tra điểm của các em, giới thiệu về những chương trình học… những buổi này diễn ra buổi tối tại trường, luôn có giáo viên nói tiếng Việt hướng dẫn, để giúp những phụ huynh không rành Anh ngữ. Có nhiều phụ huynh than khi thấy con không đủ điểm cho môn học, thay vì phụ huynh thường xuyên kiểm tra điểm của các em, tìm cách liên lạc với giáo viên khi điểm con thấp và giúp con trong môn học thì tốt hơn là để đến kỳ kiểm tra cuối các em không đủ điểm phải học lại môn học.
“Thầy cô nào cũng có địa chỉ email hoặc số điện thoại trong trường để phụ huynh liên lạc hỏi thăm việc học của các em (liên lạc sau giờ học). Rất mong phụ huynh dù bận đi làm, nhưng hãy dành thời gian quan tâm, kiểm tra điểm bài thi, nội dung học tập của con mình, không nên xem nhẹ môn nào, hãy chủ động liên lạc với các giáo viên để kịp thời giúp các em, chứ đừng để đến lúc giáo viên phải đề nghị gặp phụ huynh, thì đó là trường hợp xấu nhất đã xảy ra.”
Theo thầy Khang, nhiều phụ huynh Việt Nam thương con, đi làm cực khổ, hay sắm cho con đủ mọi vật chất, mà các em thì không nhìn thấy sự cực khổ của cha mẹ, chỉ biết hưởng thụ. Thầy cho rằng phụ huynh chỉ nên tặng cho con món đồ gì đó dù biết nó rất cần thiết cho con, nhưng với điều kiện con đạt được điểm tốt trong học tập, chăm học… còn khi các em học kém, lười học thì ngưng không mua cho con, đừng để con thấy có được món đồ nào đó quá dễ dàng, mà không chịu khó vươn lên trong học tập.
Mỗi ngày thầy cô dạy ở trường trung học có hơn 160 học sinh cho 5 tiết học, có nhiều em ít nói, hay e thẹn, nhiều khi Khang đã không biết đến các em ấy, vì vậy Khang mong phụ huynh hãy chú ý việc học của con mình, vì các em có thành công trên đường học vấn sau này phụ thuộc rất nhiều vào sự định hướng quan tâm của phụ huynh. (bh)
(còn tiếp)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT