Phóng Sự

Người Việt trong nghề giáo tại quận Cam (kỳ 9)

Sunday, 12/04/2015 - 10:18:00

Trường có khoảng 110 giáo viên, thì có 16 giáo viên là người Việt dạy những môn học như Toán, Hóa, Khoa Học tổng quát, Việt ngữ, lịch sử, nữ công gia chánh...

Bài Băng Huyền

Giáo viên dạy tại trường trung học (tiếp theo)

Tâm tình của thầy Huy Phạm
“Tôi nghĩ phần thưởng cho việc dạy học chính là niềm vui được nhìn thấy sự tiến bộ của học trò mình không chỉ ở kiến thức, tri thức khoa học, mà còn giúp các em hình thành ước mơ trong tương lai sau này”. Đây là những lời tâm sự của thầy Huy Phạm là giáo viên dạy môn Hóa Học tại trường Westminster High School kiêm vai trò huấn luyện viên Tennis tại trường. Thầy Huy kể ba má thầy là thuyền nhân đã vượt biển đi tìm tự do sau biến cố tháng 4 năm 1975, thầy được sinh ra tại Mỹ, nhưng có thể nói, viết, đọc tiếng Việt khá, vì từ nhỏ ba má thầy đã cho thầy đi học tiếng Việt tại nhà thờ. Ba má thầy mong muốn thầy học giỏi, nên thầy rất chăm học và học rất giỏi, sau khi tốt nghiệp trung học ở trường La Quinta high school, thầy Huy chọn ngành Hóa vì muốn theo nghề Y hoặc dược sĩ. Nhưng sau khi có bằng cử nhân ngành Hóa tại đại học UCI, thầy Huy Phạm lại thấy rằng người Việt tại quận Cam nói riêng, tại Hoa Kỳ nói chung rất ít người theo nghề giáo, nhất là với môn Hóa, giáo viên gốc Việt càng hiếm hoi hơn, chỉ có một số thầy giáo dạy Toán thôi. Trong thời gian thầy học tiếp để hoàn tất bằng Thạc sĩ Hóa Học tại UCI, thầy quyết định học để lấy bằng dạy trung học môn Hóa và ngay từ niên học 2007, thầy Huy Phạm đã được nhận về dạy toàn thời gian tại trường trung học Westminster. Từ đó đến nay, thầy thấy số giáo viên gốc Việt dạy trong trường nhiều hơn, chiếm khoảng 15%. Trường có khoảng 110 giáo viên, thì có 16 giáo viên là người Việt dạy những môn học như Toán, Hóa, Khoa Học tổng quát, Việt ngữ, lịch sử, nữ công gia chánh...

Thầy Huy Phạm cùng các học sinh của mình



Thầy Huy Phạm tâm sự: “Khi tôi quyết định học để trở thành giáo viên chứ không tiếp tục theo học để làm bác sĩ, ba má tôi không ủng hộ lắm, nhưng sau một thời gian thấy tôi đi dạy, giúp được nhiều em học sinh trong học tập, vào được các trường đại học nên ba má cũng ủng hộ và thấy tôi đã chọn làm giáo viên là đúng đắn.”
Nhớ lại hồi đầu mới đi dạy, thầy Huy Phạm kể rằng thầy gặp nhiều khó khăn, vì khi đi học để làm giáo viên, thầy không nghĩ rằng đi dạy mình sẽ gặp những học sinh không chịu học, chỉ thích quậy phá. “Nếu dạy cho những học sinh ham học thì dễ rồi, nhưng dạy những em không thích học là khó khăn vô cùng. Tuy nhiên nếu giúp một em học kém, lười học mà chịu học và tiến bộ thì công lao ấy của người giáo viên rất lớn. Thành công đó có giá trị hơn là thành công giúp cho một trò vốn đã “giỏi” của những lớp chuyên (honor classes), vì những em này vốn rất chăm học và học rất giỏi.”

Những khó khăn của giáo viên ngày nay
Thầy Huy Phạm lý giải rằng giáo viên không chỉ dạy tri thức khoa học, dạy kỹ năng, kỹ xảo; phát triển trí tuệ cho học sinh mà còn truyền bá cho học sinh thế giới quan khoa học, lý tưởng, niềm tin đúng đắn, khơi dậy và bồi dưỡng cho học sinh những phẩm chất đạo đức tốt đẹp, năng lực sáng tạo của một người công dân. Ngày nay, so với thời thầy còn là học sinh, những ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình dạy học ngày càng nhiều, các phương tiện kỹ thuật dạy học ngày càng phát triển hiện đại, nhưng chỉ có tác dụng giảm nhẹ sức lao động, tăng thêm năng lực dạy học, giáo dục của người giáo viên chứ hoàn toàn không thể thay thế vai trò của thầy cô giáo. Lớp học ngày nay cũng đông học sinh hơn hồi xưa, mỗi thầy cô giáo phải vất vả hơn, rất khó cho thầy cô giáo là không thể hiểu rõ được từng học trò, vì trung bình mỗi lớp có khoảng 37 em, giáo viên dạy toàn thời gian có từ 5 lớp (hoặc 6 lớp) mỗi ngày, một tiết học dài khoảng 55 phút.
Theo thầy Huy Phạm, kết quả học tập tốt của một học sinh cần 3 người, giáo viên, học sinh và phụ huynh, dù giáo viên luôn cố gắng đem đến cho học sinh niềm say mê học tập, khát khao được vươn tới những chân trời mới của tri thức. Nhưng học sinh không cố gắng và phụ huynh không quan tâm khích lệ việc học của con, thì rất khó cho giáo viên.
Sẽ chẳng có gì mới khi nói rằng, dạy học vừa là một khoa học vừa là một nghệ thuật.Các nhà nghiên cứu về giáo dục sẽ không bao giờ có đủ khả năng định ra các phương pháp dạy học phù hợp với mọi học sinh và mọi lớp học. Mỗi giáo viên phải tự xây dựng phương pháp dạy học cụ thể cho học sinh của mình tại thời điểm thích hợp. Bởi lẽ đó, phần quan trọng của việc dạy học có hiệu quả phải là nghệ thuật và với thầy Huy Phạm nghề giáo không thuần là công việc nữa mà còn là việc thầy học mỗi ngày.Thầy học để có thủ thuật dạy học để vận dụng vào từng lớp học để mọi học sinh dù là học sinh có năng khiếu, học sinh có khả năng nhận thức nhanh hay những học sinh yếu kém vẫn đạt được kết quả học tập mong đợi. Vận dụng những thủ thuật trong từng lớp học cụ thể là cả một quá trình học tập sáng tạo không ngừng của người giáo viên.Điều này là một sự thật hiển nhiên bởi lẽ “Giáo viên khó có thể nuôi dưỡng được hoạt động học tập đích thực cho người học nếu như bản thân họ lại không tham gia vào quá trình học tập”.
Học tập đích thực bao giờ cũng là một quá trình gian nan và bổn phận của những người làm thầy là làm thế nào để quá trình đó ít gian nan hơn đối với người học. Theo Thầy Huy Phạm dạy học là một công việc rất nhiều thử thách. Cứ mỗi năm trôi qua lại xuất hiện những thử thách mới vì thế giới luôn thay đổi từng ngày và giáo viên phải luôn sẵn sàng tiếp nhận và truyền lại những kiến thức mới cho học sinh của mình. Thêm vào đó, mỗi năm giáo viên lại phải đảm đương thêm những trách nhiệm mới dù thời gian, tài liệu và các nguồn lực khác không hề tăng lên. Khoa học thay đổi, nên việc soạn giáo án để dạy cũng phải đổi và cập nhật, soạn theo những gì mới nhất để dạy cho các em. Để có kiến thức vững vàng, thầy Huy thường dự những buổi hội thảo, học thêm những lớp online, đọc sách để bổ sung kiến thức cho việc dạy. Mỗi năm thầy đi học thêm những khóa huấn luyện khoảng 7-8 lần. Tuy nhiên trường không bắt buộc thầy cô giáo dạy trung học phải đi học thêm những buổi huấn luyện này, nhưng vì muốn cập nhật kiến thức cho mình, nên thầy Huy luôn đi.
Thầy Huy tâm sự: “Nhiều người nghĩ rằng làm thầy giáo dễ lắm, nhưng đâu có dễ. Mỗi ngày phải soạn bài mới, sau giờ dạy, giáo viên phải làm thêm việc như soạn bài mới, chấm bài, tìm những dụng cụ để chuẩn bị cho giờ học thí nghiệm... Theo thầy Huy dạy học là một công việc dường như không bao giờ thấy hết việc. Nó có thể dễ dàng chiếm dụng cuộc sống của người giáo viên nếu người ấy cứ để nó tiếp diễn như vậy. Để tránh bị stress, bản thân thầy Huy cho phép mình làm việc trong một khoảng thời gian nhất định và dành thời gian còn lại để nghỉ ngơi. Vì khi dành thời gian thỏa đáng cho bản thân, thầy thấy mình có nhiều năng lượng và lòng nhiệt tình cho công việc hơn. Chính thời gian các kỳ nghỉ mùa đông, mùa xuân hay nghỉ hè chính là khoảng thời gian thầy dùng để tái tạo lại năng lượng cho mình. Thời gian hè, một nửa thời gian thầy dành cho soạn bài, mua những dụng cụ để chuẩn bị cho giờ học thí nghiệm trong niên học mới, học thêm để nâng cao kiến thức, còn phân nửa thời gian còn lại của mùa hè thầy dành cho việc du lịch khắp nơi, các tiểu bang khác của Mỹ và những nước khác, thường sẽ đi những nước nghèo vừa để nghỉ dưỡng, vừa để mở mang đầu óc thêm, khi vào dạy, những chuyến đi này sẽ là những bài học thầy lồng vào để kể cho các em nghe trong quá trình dạy học.”
Mỉm cười thật hiền, thầy Huy Phạm nói thêm: “Nước Mỹ là quốc gia chăm lo về giáo dục phổ thông rất tốt, học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12 đều được học miễn phí, nếu em nào học giỏi thì lên học đại học, học xuất sắc thì vào được những trường danh tiếng, học giỏi thì có học bổng, còn nếu nhà nghèo thì xin được tiền tài trợ đại học (financial aid). Trong khi ở Việt Nam không có được điều này. Vì vậy tôi chỉ mong các em may mắn sống ở Hoa Kỳ hãy chăm học, gắng học để sau này có tương lai tốt hơn.” Thầy Huy Phạm nói nửa đùa nửa thật: “Tôi muốn những em nào không thích đi học, hãy cho qua sống ở những quốc gia nghèo khổ bên ngoài Mỹ, để trải qua những khổ cực, sau đó về lại Mỹ thì sẽ biết trân quý hơn những gì nước Mỹ cho các em trong chuyện trau dồi kiến thức, nâng cao học vấn.”
(Còn tiếp)
(B.H)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT