Phóng Sự

Người Việt trong nghề giáo tại quận Cam (kỳ cuối)

Sunday, 05/07/2015 - 10:38:54

Nhận xét về mô hình giáo dục đại học tại Hoa Kỳ, Tiến Sĩ Trần Chấn Trí nói, “ Nếu ở Việt Nam, mô hình giáo dục theo kiểu Pháp, có hẳn trường sư phạm, về mặt chuyên môn thì tôi nghĩ đây là điều hay, khi vào học trường Sư Phạm thì sau này sẽ đi dạy, đã được định hướng từ lúc đầu rồi.

Bài BĂNG HUYỀN

           
Những nét hay của mô hình giáo dục tại Hoa Kỳ

Hoa Kỳ là một trong những quốc gia phát triển nhất trên thế giới về mọi mặt: kinh tế, giáo dục, công nghệ khoa học...Nhiều nhà sử học Hoa Kỳ đều cho rằng rất nhiều tiến bộ về kinh tế, chính trị, khoa học, văn hóa của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đạt được trong thời gian khá ngắn ngủi là nhờ vào sự phát triển của giáo dục. Có thể nói giáo dục chính là một phần căn bản của “Giấc mơ Mỹ.” Vì mục tiêu lớn của giáo dục là “làm cho bản thân trở nên tốt hơn,” hoặc “vươn lên trên thế giới này.”
Vì thế có hàng triệu người di dân tới Mỹ thường gắn liền những hy vọng của họ mong muốn có được một cuộc sống tốt đẹp hơn với một nền giáo dục tốt cho chính bản thân họ và quan trọng nhất cho con cái họ. Hoa Kỳ là một quốc gia đa chủng tộc, là nơi sinh sống của nhiều người có nhiều nguồn gốc quốc gia và chủng tộc khác nhau, vì thế, những quan điểm như giáo dục cần phải góp phần cải tạo xã hội, làm giảm bớt những khác biệt về nguồn gốc xã hội cũng như về chủng tộc đã và đang được nhiều người chấp nhận.



Về cơ bản, Hoa Kỳ luôn hướng tới cơ hội giáo dục bình đẳng, bất kể tầng lớp xã hội, nguồn gốc dân tộc, hay sắc tộc nào. Giáo dục Hoa Kỳ có ưu tiên rõ rệt cho những ai có khả năng và muốn theo đuổi việc học tập. Nếu từ cấp lớp mẫu giáo đến lớp 12, các học sinh đều bị bắt buột phải đi học và được học miễn phí tại các trường công (public schools), thì sau lớp khi tốt nghiệp lớp 12, người học sẽ tiếp tục chọn cho mình chương trình học giáo dục bậc cao (cử nhân, cao học hay tiến sĩ) hoặc học nghề.
Hoa Kỳ không chỉ có các trường dạy nghề, các trường đại học, trường cao đẳng cộng đồng… rất đa dạng với nhiều loại bằng cấp khác nhau, phù hợp với nhu cầu và trình độ của từng cá nhân, mà còn có nhiều chính sách hỗ trợ học phí cho sinh viên, các học bổng khác nhau, hay những khoản tiền cho vay dài hạn với lãi xuất thấp (loan program) và sinh viên không phải trả lại cho đến khi đi làm, những khoản tiền trợ cấp (grant) của từng bang để sinh viên có thể trang trải chi phí học tập và sinh hoạt...Đặc biệt khi sinh viên học lên đến trình độ cao học, hoặc tiến sĩ, hầu hết các trường đại học đều có những chương trình học bổng tài trợ cho việc học.
Nhận xét về mô hình giáo dục đại học tại Hoa Kỳ, Tiến Sĩ Trần Chấn Trí nói, “ Nếu ở Việt Nam, mô hình giáo dục theo kiểu Pháp, có hẳn trường sư phạm, về mặt chuyên môn thì tôi nghĩ đây là điều hay, khi vào học trường Sư Phạm thì sau này sẽ đi dạy, đã được định hướng từ lúc đầu rồi. Ví dụ muốn làm giáo viên dạy tiếng Anh, thì vào học trường Sư phạm chuyên về tiếng Anh và có lớp học phương pháp sư phạm.
Còn ở Hoa Kỳ trước đây khoảng thập niên 1930- 1940, cũng có những trường Sư phạm, nhưng sau này họ cải tổ về giáo dục, đã bỏ đi. Ở Mỹ nay không còn trường chuyên về Sư Phạm nữa, chỉ có khoa về giáo dục, nhưng không phải vào học khoa này rồi lấy bằng đi dạy như ở Việt Nam. Bằng cử nhân về giáo dục thì chỉ là để nghiên cứu về giáo dục, chứ không phải để đi dạy.
Đi dạy đại học ở đây bằng cách khi đang học cao học, tiến sĩ, thì cho làm phụ giáo, tự mình học cách dạy là chính. Trường chỉ huấn luyện một phần nào, thông qua một lớp hướng dẫn cách dạy tổng quát và cách dạy ngành riêng của mình. Vào những buổi họp trong khoa, mình rút điều hay điều dở, tự học hỏi lẫn nhau, hoặc sẽ có thầy cô dự giờ khi mình dạy, rồi chỉ ra ưu khuyết điểm của mình khi dạy. Đa số những sinh viên như vậy có thể làm phụ giáo trong thời gian dài từ 3- 6, 8 năm, nhưng học một cách không có hệ thống như được học ở trường Sư phạm hẳn hoi. Nên khi đi dạy chính thức, có người dạy hay, có người dạy không hay, vì không được huấn luyện dạy một các có hệ thống.”
Tiến Sĩ Trần Chấn Trí nhận xét, “Tuy nhiên cái hay của giáo dục Hoa Kỳ là các lớp học không theo từng năm, mà theo chương trình học. Ví dụ cử nhân có bao nhiêu lớp, phải lấy đủ thì mới được ra trường, dĩ nhiên phải có lớp lấy trước, sau đó mới được lấy lớp kế tiếp, tùy theo sự sắp xếp của người sinh viên. Cái hay là trong loại lớp học đó có nhiều lớp khác nhau để sinh viên lựa, tốt nghiệp cử nhân ở Mỹ, kiến thức vừa giống nhau mà cũng vừa khác nhau, đây là điều rất hay.
Ví dụ môn đòi hỏi suy luận, một người có thể lấy lớp toán, người khác có thể lấy lớp ngôn ngữ học, người khác lấy lớp về luận lý học. Nghĩa là lớp đó đưa tới cho sinh viên khả năng về suy luận. thành ra chọn lớp học là tự do của sinh viên, tùy theo khả năng và sở thích của mình. Tuy hai người đó có bằng cử nhân của trường đó, nhưng nhìn vào lớp học của sinh viên đó đã lấy trong 4 năm học, sẽ thấy những lớp chính thì bắt buộc phải giống, nhưng lớp phụ thì khác nhau.
Được biết, phương châm giáo dục tại Hoa Kỳ được hình thành từ “chủ nghĩa nhân bản và tự do cá nhân,” vốn rất thịnh hành ở các nước phương Tây vào thời kỳ Phục Hưng. Tư tưởng này cho rằng mỗi cá nhân hơn ai hết là người hiểu rõ nhất năng lực và nguyện vọng của mình, và vì vậy họ phải được toàn quyền tự quyết trong cuộc sống và trong nỗ lực mưu cầu hạnh phúc của riêng mình. Vì vậy giáo dục ở Hoa Kỳ theo hướng đáp ứng đúng nhu cầu và trình độ của từng cá nhân.
Sinh viên có quyền tự chọn lựa những môn học phù hợp với sở thích, khả năng và theo đuổi của mình. Hơn nữa, một trường đại học có đến hàng trăm môn học khác nhau, và có khi cùng một môn học lại có đến hai ba lớp (section) riêng, do một hay nhiều giáo sư giảng dạy. Sinh viên không chỉ lựa chọn lớp học mà còn lựa chọn luôn cả giáo sư giảng dạy nữa. Ưu điểm của phương thức lựa chọn lớp học này là phát huy một cách hiệu quả nhất những điểm mạnh của sinh viên đồng thời tạo cho sinh viên có cảm giác hứng thú học tập.
Một học kỳ, sinh viên đại học chỉ học 4 đến 5 môn, rất ít có sinh viên nào chọn học 6 môn một học kỳ. Một năm học là 9 tháng nhưng thời gian học thực tế chỉ thường khoảng 7 tháng vì sinh viên ở đây có rất nhiều kỳ nghỉ xuyên suốt một năm học. Dù thời gian lên lớp không nhiều, nhưng việc học vẫn vô cùng vất vả, đòi hỏi sinh viên phải nỗ lực cao. qua việc tự học và tự nghiên cứu. Ngoài giờ lên lớp, sinh viên thường phải hoàn thành một số lượng lớn các bài tập về nhà, bài đọc, bài viết.
Riêng với những người theo đuổi việc học để hoàn tất bằng tiến sĩ, có hai công việc chính mà một tiến sĩ mới ra trường sẽ theo đuổi, đó là làm việc ở một phòng nghiên cứu chuyên nghiệp nào đó, hoặc trở thành một giảng viên hoặc giáo sư ở một trường đại học.
Ở Hoa Kỳ điểm học trung bình môn học của một nghiên cứu sinh khi học tiến sĩ tối thiểu để có thể được tiếp tục học khoảng chừng từ 3.3 đến 3.5 hoặc trên 4.0 (tùy theo trường), tuy nhiên điểm số này không phải để đánh giá một tiến sĩkhông quan trọng bằng số lượng và phẩm chất của các bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành và các công trình nghiên cứu khác.
Theo tiến sĩ Natalie Trần thì “Trong 5, 6 năm đầu sau khi đã có bằng tiến sĩ, dù người đó theo đuổi công việc giảng dạy để sau này trở thành giáo sư hay là một nhà nghiên cứu tại cơ quan nghiên cứu, thì áp lực viết báo và xin tiền làm nghiên cứu còn nặng hơn khi còn là nghiên cứu sinh (thời gian viết luận án tốt nghiệp tiến sĩ) nữa. Trong thời gian thử thách 5 năm khi người tiến sĩ đó muốn giữ được công việc của mình tại trường đại học, là phải có những bài báo nghiên cứu được đăng trên tạp chí chuyên ngành (của nhiều hiệp hội ở khắp nước Mỹ hoặc khắp thế giới).
Nếu một tiến sĩ trẻ không khẳng định được mình trong 5 năm đầu tiên này thì thường là sẽ không giữ được công việc. Áp lực này rất nặng. Nhất là những bài báo đều là các công trình sáng tạo mà trước đó chưa có ai làm, chưa có ai nghĩ ra. Các bài báo này đều được phê bình, đánh giá đạt phẩm chất hay không bởi các chuyên gia lâu năm trong cùng ngành. Các bài báo không đóng góp gì nhiều hoặc không có ích, sẽ không được nhận đăng. Và dĩ nhiên số lượng là thứ yếu, phẩm chất của những bài báo mới quan trọng.
Một bài báo, bài nghiên cứu, công trình nghiên cứu có phẩm chất cao sẽ được nhiều người biết đến rất sớm và đương nhiên các bài báo được đăng phải trên những tạp chí chuyên ngành có uy tín thì mới có giá trị. Đây có thể nói là một áp lực rất lớn, vì làm thế nào mà ai đó có thể đảm bảo một năng suất sáng tạo nhất định trong một thời gian dài suốt 5 năm thử thách như vậy. Chưa kể sự cạnh tranh trong môi trường đại học là rất lớn. Ít nhiều có sự kỳ thị, không chỉ về chủng tộc, phái tính mà cả tuổi tác nữa. Nếu họ thấy mình trẻ, lại là nữ giới, không có kinh nghiệm, họ rất dễ thử thách khả năng mình. Nếu họ thấy mình có kiến thức rộng, vững vàng thì họ mới thay đổi thái độ.
Vì vậy, một tiến sĩ ở Hoa Kỳ, sau khi xin được việc tại một đại học danh tiếng, nhưng muốn trụ được tại những đại học này đòi hỏi người tiến sĩ đó phải có thực tài, chứ không thể là “tiến sĩ giấy” hay “tiến sĩ ma” như tình trạng tại Việt Nam hiện nay mà các báo chí đề cập tới trong thời gian qua.
Thầy Trần Chấn Trí nói, “Ở Mỹ trừ những trường đại học dạy online thì họ cho viết luận án tốt nghiệp online thì tôi không rõ, nhưng khi đã học Tiến Sĩ tại trường đại học tại đây, thì dĩ nhiên rất khó, nhưng thấy một điều khách quan khác là cũng tùy trường, vì áo quần thì cũng hiệu này hiệu kia, trường đại học thì cũng tên này tên kia, thành ra mình tốt nghiệp ở trường nào, nội tên của trường đó thì người ta cũng biết giá trị tới mức độ nào.
Nhưng nói chung ở trường của Mỹ, chuyện về phẩm chất giáo dục cũng được tôn trọng nhiều hơn. Chính vì vậy mà mỗi trường đại học có sự chứng nhận của cơ quan giáo dục nào đó ở địa phương hoặc trong tiểu bang. Tiến trình chứng nhận phẩm chất về trường đó là cứ vài năm có sự chứng nhận lại một lần, để luôn bảo đảm phẩm chất giáo dục của trường đó tương đối ổn định.”
Phụ huynh có nên ủng hộ cho con mình theo nghề giáo?
Tiến sĩ Trần Chấn Trí bày tỏ, “Chúng ta không thể hiểu rõ nghề nghiệp nào đó nếu không phải chính mình làm nghề nghiệp đó. Có người nghĩ làm nghề dạy học quá cực, có người thì nghĩ là quá nhàn, vì được nghỉ 3 tháng hè. Nếu so công việc khác, một người làm 8 tiếng một ngày thì giáo sư hay giảng viên dạy đại học có khi chỉ 4 tiếng thôi, hoặc có ngày không có lớp, có khi ngày chỉ có 2 tiếng thôi, nhưng thật ra một giờ đứng trong lớp thì phải mất 3, 4 tiếng soạn bài ở nhà. Nếu mùa này dạy lại lớp mình từng dạy rồi, thì có thể dùng lại bài cũ và thêm thắt vào một số cái mới, đỡ mất thời giờ. Nhưng nếu dạy một lớp mới, thì phải soạn lại từ đầu. phải chấm bài, soạn đề thi… dầu sao cũng đỡ hơn những công việc khác là thời gian đó rãi ra, mình có thể làm những việc đó ở nhà… Nói chung nghề nào cũng vậy, sẽ có những cái hay và những cái không hay, nhưng miễn là mình yêu nghề thì sẽ vượt qua được những khó khăn.”
Tiến sĩ Natalie Trần chia sẻ, “Natalie hiểu là tâm lý phụ huynh gốc Việt luôn muốn con có ngành nghề vững chắc, kinh tế ổn định để khỏi lo lắng cho con, có nhiều phụ huynh cho rằng những người theo nghề giáo thì rất nghèo. Nhưng thật ra nghề giáo tại Hoa Kỳ không giàu, nhưng cũng không nghèo, tuy nhiên theo Natalie nghĩ, nghề gì cũng vậy, khi con yêu thích nghề nào, thì phụ huynh nên ủng hộ, vì khi con yêu thích thì mới làm giỏi, mà khi mình giỏi thì tiền cũng sẽ kiếm được khá. Tuy nhiên để đến với nghề giáo, người đó phải có lý tưởng, chính lý tưởng là động lực thúc đẩy mình dấn thân và học hỏi, tìm những kỹ năng tốt nhất để hoàn thiện mình mỗi ngày và trụ được với công việc mà không bị đào thãi vì sự cạnh tranh cao.”
Người viết xin mượn lời tâm sự của tiến sĩ Trần Chấn Trí để làm lời kết cho bài viết này, “Tôi thấy hiện nay các phụ huynh gốc Việt đã cho con mình lựa chọn môn học yêu thích, chứ không còn ép con học ngành mình muốn, nhưng vẫn còn một số phụ huynh ép con học ngành mình muốn như bác sĩ, dược sĩ…Theo tôi, phụ huynh nên thấy rằng con em mình chịu đi học, học hành đàng hoàng, chăm học, là quan trọng nhất, còn ngành nghề thì không quan trọng.
“Vì mình là phụ huynh qua Mỹ trễ hơn, hội nhập chậm, thì có thể mình không thành công lắm. Còn các em sinh đẻ tại Mỹ, nói tiếng Anh lưu loát, đi học có bằng cấp Mỹ, thì sau khi tốt nghiệp bất cứ ngành nào, ra trường cũng có thể kiếm việc làm. Có thể việc này không nhiều tiền bằng việc kia, nhưng quan trọng hơn hết là các em làm được việc các em thích. Vì khi các em chọn ngành học yêu thích, thì khi đi làm ngành mình thích sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn.
“Ngay như tôi rất thích đi dạy, nhưng có những hôm thức dậy, tôi lại chán đi dạy. Vì vậy tôi nhủ thầm rằng làm nghề mình thích rồi, mà vẫn có những ngày mình chán, còn những người phải làm những việc họ không thích thì sao mà không chán được. Tóm lại mình nên làm những công việc mình thích, để những ngày mình cảm thấy chán (nếu có đi nữa) thì cũng sẽ rất ít. Còn hơn là mỗi ngày đi làm công việc chẳng thích thú gì.” (bh)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT