Bình Luận

Bài học vỡ lòng

Saturday, 21/10/2017 - 08:41:38

Trong buổi họp báo tuần vừa rồi, Tướng McKenzie nói, “Hoa Kỳ có 1,000 quân nhân tại vùng này, cộng tác với quân đội Niger; Pháp có 5,000.”

Nguyễn đạt Thịnh

Trên chiến trường, bài học vỡ lòng của người lính là BỐ TRÍ; tôi học bài học này năm 1952, bài đầu tiên trong những bài học chiến thuật tại trường Võ Bị Việt Nam. Được đào tạo để chỉ huy một trung đội 40 binh sĩ, nên ngoài phần bố trí cho cá nhân mình, chúng tôi còn được huấn luyện để bố trí binh sĩ trong những vị thế mà “họ có thể nhìn thấy địch, trong lúc địch không thấy họ, bắn được địch, trong lúc địch không bắn được họ.”

Đó chỉ là bài học đầu tiên, trong hàng trăm bài khác về nghệ thuật và khoa học chỉ huy; chỉ huy là một nghệ thuật vì không ai chỉ huy giống ai; mỗi cấp chỉ huy đều thêm bớt đôi chút vào những điều họ bảo binh sĩ phải làm, thêm bớt để linh động đáp ứng hoàn cảnh chiến trường, cái thêm bớt của mỗi cấp chỉ huy đó, tạo tính nghệ thuật cho việc chỉ huy, nhưng chỉ huy vẫn là khoa học, vì nó có những quy định rõ rệt mà mọi cấp chỉ huy đều phải tôn trọng.

Tôi dài lời như vậy chỉ để chứng minh là bốn quân nhân Mỹ bị giết hôm mùng 4 tháng Mười, 2017 tại Niger không được bố trí đúng nguyên tắc chiến thuật. Họ không hề thấy địch, mà địch thấy họ rõ như tôi đang thấy cô Ngọc Hạ làm duyên trên màn ảnh truyền hình; họ không bắn được địch, mà địch đã giết cả bốn người lính -những người mà -ngày xưa- tôi đã chứng kiến họ tác chiến rất oai dũng trên chiến trường Việt Nam; “ngày xưa” là nửa thế kỷ trước.

Tôi theo họ vào giải phóng Huế năm 1968, chứng kiến họ chấp nhận nhiều tổn thất nặng nề để trục Việt Cộng ra khỏi từng căn nhà mà chúng bố trí trong lệnh tử thủ; chúng thấy người lính Mỹ can đảm tiến tới trước mũi súng của họ, trong lúc người lính Mỹ không nhìn thấy những tên VC trí súng chờ giết anh, nhưng anh biết sự hiện diện của chúng, biết chúng chờ anh, do đó anh áp dụng lối di chuyển dưới hỏa lực địch -anh chạy thật nhanh, trong lúc một anh bạn đồng đội của anh bắn xối xả vào vị trí địch, bắt tên xạ thủ VC cúi đầu xuống thật thấp, không bắn được anh, và cũng không cản được anh trên lộ trình tiến tới để tiêu diệt chúng.

Tôi đã phỏng vấn anh thiếu úy Mỹ bị địch phục kích trên đường số 9 trong lúc anh ngồi quân xa chỉ huy trung đội trong công tác mở đường vào phi trường Khe Sanh. Tôi hỏi về cái lỗi chiến thuật không bố trí, không thấy địch, trong lúc địch thấy anh, không bắn được địch trong lúc địch bắn anh.
Tôi còn biết trước câu anh trả lời tôi, "Lệnh trên mà; tôi làm gì được."

Tôi biết, vì tôi cũng đã tuân “lệnh trên,” ngồi trên quân xa mỗi buổi sáng, chỉ huy trung đội chạy từ đồn Định Quán lên tới Bảo Lộc để “bắt tay” anh thiếu úy trung đội trưởng chạy từ Đà Lạt xuống Bảo Lộc; cái bắt tay của chúng tôi là lệnh mở đường Sài Gòn-Đà Lạt cho xe đò, xe hàng lưu thông.

Thật là vô cùng đần độn, và cũng vô cùng tắc trách: tôi mở đường mà tên VC giăng võng ngủ cách lề đường khoảng vài thước, cũng không buồn thức dậy.

Tôi hoàn toàn ý thức được cái đần độn đó, cái tắc trách đó; nhưng tôi làm gì được, “lệnh trên mà”! Điều đáng buồn là hàng vạn cái xác khô của người lính Mỹ, người lính Việt, chết gục trong công tác mở đường trên chiều dài nửa thế kỷ vừa rồi vẫn chưa đủ nhiều, để đánh thức quý vị tướng lãnh đang mọc rễ trên những cái ghế họ ngồi tại Ngũ Giác Đài.

Vị tổng tư lệnh có thành tích đưa quân đội Mỹ vào cuộc chiến tranh dài nhất lịch sử là tổng thống George W. Bush; suốt 14 năm nay ông bắt người lính đối diện với quả mìn IED improvised explosive device -mìn tự chế bằng đầu đạn đại bác, mà không ý thức được là cảnh đối diện đó có thể tránh được.



“Lệnh trên” bắt người lính Mỹ anh hùng ngồi đối diện với quả mìn IED.


Tướng lãnh ngu đần, vạn xác khô

Ba vị tổng tư lệnh tiếp nối nhau chỉ huy trận chiến dài đã 14 năm, một trong ba vị đó tìm ra chiến thuật “không chạm gót xuống đất” giúp người lính Mỹ được bố trí đúng cách -họ an nhàn ngồi trên khu trục cơ nhìn thấy địch, bắn chết địch mà địch không bắn được họ.
Vị tổng tư lệnh đó là nhân sĩ đoạt giải Nobel Hòa Bình -ông Barack Obama. Nhưng nghệ thuật cầm quân đang mai một, quân nhân Mỹ đang bị giết trong lúc chưa nhìn thấy địch, như chuyện vừa xảy ra tại Niger.
Trung Tướng Kenneth McKenzie, giám đốc bộ tổng tham mưu, tuyên bố, “Niger là một cộng tác viên quan trọng của Hoa Kỳ; chúng ta có nhiều liên quan đối với họ.” Liên quan đó giải thích việc bốn quân nhân Mỹ gồm hai trung sĩ Bryan Black, La David Johnsont, và hai binh sĩ Dustin Wright, Jeremiah Johnson, tử trận.


Trung tướng Kenneth McKenzie


Bốn lính Mỹ tử trận Bryan Black, La David Johnson, Dustin Wright, và Jeremiah Johnson.

Bốn quân nhân tử trận là những cố vấn Mỹ đang cộng tác với quân đội Niger; viên chức chính trị và quân sự đang đề cao vai trò của Niger trong công tác kiểm soát và giới hạn những xê dịch của al Qaeda và ISIS để biện minh cho tổn thất của Mỹ.

Trong buổi họp báo tuần vừa rồi, Tướng McKenzie nói, “Hoa Kỳ có 1,000 quân nhân tại vùng này, cộng tác với quân đội Niger; Pháp có 5,000.”

Bốn quân nhân tử trận không phải là một tổn thất quá đáng; quá đáng là chi tiết họ bị giết trong công tác mở đường cùng với năm quân nhân Niger. Quá đáng vì việc mở đường đã giết quá nhiều lính Mỹ và đồng minh của Mỹ, tại VN, tại Iraq, tại A Phú Hãn, và giờ này, tại Niger.

Mở đường không chỉ là một chỉ dấu tắc trách, thụ động, mà hậu quả tai hại lớn là tạo ra cái ảo giác an ninh lưu thông.

Tôi tin tưởng là 65 năm trước, nếu trung đội do tôi chỉ huy không bị sử dụng vào công tác tuần đường Định Quán-Bảo Lộc mà vào trọng trách tìm và tấn công lực lượng địch, hoạt động trên chặng đường này thì kết quả đã khá hơn.

Bài học chiến thuật vỡ lòng -bài BỐ TRÍ- nghe thì đơn giản và hợp lý, vậy mà bao nhiêu danh tướng Mỹ, danh tướng Pháp đều đã không làm được trong suốt 30 năm chiến tranh VN.

De Lattre De Tassigny thả viện binh xuống Điện Biên Phủ có bố trí thêm binh sĩ vào vị trí thấy được địch, bắn được địch không? Có làm đúng bài học vỡ lòng không? Hay ông ta chỉ tăng thêm quân số ngồi thụ động lãnh pháo địch?

Westmoreland nhốt nửa triệu lính Mỹ, một triệu lính VN trong đồn bót có bố trí họ vào thế tác chiến không? Hay chỉ nhượng mọi diện tích ngoài đồn binh cho địch?

Đã đến lúc quí vị tướng lãnh Mỹ thức dạy để sửa những lỗi lầm Khe Sanh, An Khê, Bình Định từ 50 năm trước. Nhu cầu BỐ TRÍ ĐÚNG CÁCH để tiết kiệm xương máu của binh sĩ bị bỏ quên quá lâu rồi.

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT