Bình Luận

Chiến tranh không chiến thắng

Wednesday, 23/08/2017 - 07:34:43

Chiến thắng chót của Mỹ là Trận Thế Chiến Thứ Nhì - đã cũ đến 72 năm; trong suốt 72 năm đó, Hoa Kỳ gửi quân tham dự nhiều cuộc chiến tranh trên khắp thế giới, trong số đó có ba trận lớn là Chiến Tranh Triều Tiên, Chiến Tranh Việt Nam, và Chiến Tranh Trung Đông (hiện còn đang tiếp diễn).

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Trong bài diễn văn đọc tại Fort Myer, Arlington, tiểu bang Virginia, tối thứ Hai, 21 tháng Tám 2017, Tổng Thống Donald Trump tuyên bố, “Người Mỹ mệt mỏi vì chiến tranh triền miên mà không có chiến thắng.”
Câu ông nói không chỉ đúng thôi, mà còn chính xác đến mức đau đớn nữa.

Chiến thắng chót của Mỹ là Trận Thế Chiến Thứ Nhì - đã cũ đến 72 năm; trong suốt 72 năm đó, Hoa Kỳ gửi quân tham dự nhiều cuộc chiến tranh trên khắp thế giới, trong số đó có ba trận lớn là Chiến Tranh Triều Tiên, Chiến Tranh Việt Nam, và Chiến Tranh Trung Đông (hiện còn đang tiếp diễn).

Trong số ba cuộc chiến tranh lớn đó Mỹ thua một (tại Việt Nam) và không thắng hai. Trong bài diễn văn tại Arlington, Trump mưu tìm một chiến lược đưa đến chiến thắng -việc khó đến mức gần như không thể làm được, nhất là trong hoàn cảnh quân đội tác chiến dưới quyền ông-vị tổng tư lệnh không có một tí kiến thức quân sự nào cả.


Trump nói, “Người Mỹ mệt mỏi vì chiến tranh mà không có chiến thắng.”

Ông chủ trương quân đội Mỹ chưa vội rút ra khỏi chiến trường A Phú Hãn để tránh những hậu quả tại hại của một cuộc tháo gỡ quá sớm, mặc dù rút quân sau 16 năm tham chiến không thể gọi là “tháo gỡ quá sớm.”

Bằng giọng nói hiền từ, nhỏ nhẹ, nhưng đầy kịch tính, Trump nói, trước khi đắc cử, ông cũng cho là không nên nấn ná ở lại vũng lầy A Phú Hãn, mà phải lập tức rút quân; nhưng kể từ khi nhậm chức, ông hiểu rút lui là tạo ra một khoảng trống mà bọn khủng bố al-Qaeda, và Hồi Giáo sẽ ngay lập tức trám vào. Ông ý thức được tầm vóc to lớn của nguy cơ Hồi Giáo khủng bố và chiều sâu của vấn đề.

Vị tổng thống thứ 41 của Hoa Kỳ -George H. W. Bush- cũng đã đề cập đến “khoảng trống mà bọn khủng bố -al-Qaeda, và Hồi Giáo sẽ ngay lập tức trám vào,” khi ông trách con ông -vị tổng thống thứ 43 của Hoa Kỳ- giết nhà độc tài Saddam Hussein, mà chính sách hiếu sát, tàn bạo đã gây khiếp sợ cho vài chục triệu công dân Iraq theo giáo phái Shia.

Saddam Hussein là tín đồ Sunny, khối tín đồ này chỉ chiếm 40% dân số, trong lúc số người Iraq theo giáo phái Shia lên tới 60%. Nhưng với một quân đội Iraq, đa số là tín đồ Sunni, Saddam thẳng tay đàn áp những cuộc nổi dậy của khối đa số Shia.

Ý Tổng Thống Bush 41 là phải để Saddam Hussein ngồi yên vị, dù chính sách bạo ngược của ông ta đi ngược lại quan điểm nhân đạo, nhân quyền của người Mỹ.


Bush 43 treo cổ khối quyền lực đè nặng trên 1 tỉ người Hồi Giáo hiếu động

Trump nói ông duy trì quân số Hoa Kỳ tại A Phú Hãn, để không tạo “khoảng trống mà bọn khủng bố -al-Qaeda, và Hồi Giáo sẽ ngay lập tức điền vào.” Ông chỉ nói như vậy, vì người viết diễn văn cho ông viết như vậy; có thể viết theo ý Tướng John Kelly, tham mưu trưởng Bạch Cung.

Kelly muốn tạo một đề tài mới và quan trọng, để dư luận xao lãng những câu tuyên bố bất hủ của Trump, coi kẻ sát nhân cũng tốt như nạn nhân anh ta giết.

Trump là người sính động, ông chủ trương Make America Great Again (tái tạo Hoa Kỳ vĩ đại trở lại); ông chủ trương duy trì những bức tượng lịch sử oai hùng của người Mỹ đánh thắng người Mỹ trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ.

Ông miễn cưỡng nói về A Phú Hãn, có thể vì tham mưu trưởng Bạch Cung bảo ông phải nói để lôi kéo sự chú ý của dư luận Hoa Kỳ sang một vấn đề khác, hầu làm mọi người quên đi câu tuyên bố ba phải “hai bên biểu tình và chống biểu tình tại Charlottesville đều tốt” -cô Heather Heyer tốt mà kẻ giết cô cũng tốt.
Ông chỉ nghiêm chỉnh nói chuyện chiến tranh, nhưng ông thích thú đến dự cuộc họp mặt những người ủng hộ ông tại Phoenix hơn. Đêm thứ Ba, 22 tháng Tám, ông đã đến đó, đã hăng say và lớn tiếng chỉ trích cả truyền thông, lẫn các nghị sĩ Cộng Hòa, và “bọn” dân chủ cản đản, không thông qua đạo luật tạo ngân sách cho ông xây Trường Thành Biên Giới.

Tổng thống cũng tuyên bố sẽ ân xá ông Cò Joe Arpaio đang bị truy tố về tội khinh mạn tòa án; tòa ra lệnh ông không được bắt giam những người ông tình nghi là di dân lậu, mà phải tìm đủ bằng cớ họ là di dân lậu thật sự mới được bắt, được giam; bất chấp lệnh tòa, ông thản nhiên “do it my way,” cho đến lúc bị truy tố và cất chức.


Cò Arpaio

Trump nhận định, “Cò Arpaio là người rất tốt, cái tội duy nhất của ông ta chỉ là kỵ người Mễ,” rồi hỏi cử tọa, “Có cần truy tố một viên chức, vì ông ta tận tụy với nhiệm vụ không?”
Dĩ nhiên những người cuồng Trump đồng ý với tổng thống là Cò Arpaio vô tội, nên ân xá.
Bên trong Trung Tâm Hội Thảo Phoenix cử tọa hò hét “ân xá, phải ân xá Cò Arpaio,” bên ngoài, người biểu tình đòi hỏi loại bỏ chính sách kỳ thị chủng tộc, chấm dứt dối trá, lường gạt.


Người biểu tình chống Trump tại Phoenix

Trong bài diễn văn dài trên một tiếng đồng hồ, tổng thống đề cập đến mọi vấn đề ông không ưng ý; ông bất mãn với thái độ của Canada và Mễ không nhận những thay đổi ông đề nghị cho hiệp ước NAFTA (North American Free Trade Agreement-Hiệp ước tự do giao thương Bắc Mỹ), và tuyên bố ông có thể hủy bỏ thương ước đó.

Ông cũng không hài lòng và kết tội truyền thông đã xuyên tạc những câu nói ngay tình của ông về vụ xô xát tại Charlottesville, khiến dư luận toàn quốc hiểu sai ý ông. Móc túi lấy ra tờ giấy ghi chép ba câu tuyên bố của ông, đọc lớn cho cử tọa nghe, rồi bảo họ, “You know where my heart is,” (quý bạn biết quả tim tôi nằm chỗ nào mà).

Dù tổng thống có ngay tình, thì cuộc tái hội kiến của ông với những cử tri ủng hộ ông vẫn không giải quyết được vấn đề; và vấn đề là ông đang chia đôi quần chúng Hoa Kỳ, những người chủ trương Quyền Lực Da Trắng (QLDT), và những người chủ trương Bình Đẳng Sắc Tộc.
Ngay trong những người biểu tình chống ông cũng có rất nhiều người da trắng -những người chống chính sách QLDT; họ không thấy chia đôi nước Mỹ ra là Make America Great Again.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT