Bình Luận

Hai cuộc tháo chạy khó hiểu

Monday, 13/11/2017 - 11:50:34

Nhưng tổng thống không quan tâm đến truyền thông -quyền lực thứ tư của Hoa Kỳ- chỉ đứng sau các quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp- ông mệnh danh truyền thông là fake news -bọn loan tin thất thiệt.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Mỹ tháo chạy ra khỏi Việt Nam lần này là lần thứ nhì, và cũng khó hiểu như lần trước -năm 1968, họ tháo chạy sau trận Mậu Thân; lần đó họ giải thích cuộc tháo chạy của họ là thắng tại Việt Nam, nhưng thua tại Hoa Thịnh Đốn.

Người thắng trận Tổng Công Kích Mậu Thân là Trung Tướng Frederic Weyand, tư lệnh Lực Lượng 2 Diện Địa Mỹ tại Việt Nam; trong lúc đại tướng Westmoreland trúng kế nghi binh của quân Bắc Việt, dồn quân Mỹ ra phía Bắc Nam Việt chờ một trận sống mái kiểu Điện Biên Phủ tại Khe Sanh; tướng Weyand tuyên bố trận đánh lớn sẽ xảy ra quanh thủ đô Sài Gòn. Ông chuẩn bị đón đánh Việt Cộng trên chiến trường Nam Việt.
 

Tướng Frederic Weyand vị tư lệnh cuối cùng của Mỹ tại Việt Nam

Lịch sử xác nhận ông đúng hơn vị tướng bốn sao Westmoreland, tổng tư lệnh quân lực Mỹ tại Việt Nam; và chính ông Weyand xác nhận là QLVNCH đã chiến thắng toàn bộ trên 100 cuộc đột kích của VC vào nhiều quận lỵ, tỉnh lỵ Nam Việt, và các thành phố Sài Gòn, Nha Trang, Huế.

Nhận định về chiến tranh VN, Weyand nói, "Mỹ tự đánh bại mình." Thắng trên chiến trường, rồi Hoa Thịnh Đốn ra lệnh cho các đơn vị Mỹ cuốn cờ bỏ chạy; bỏ chiến trường, bỏ đồng minh chạy thoát thân. Ngoại Trưởng Mỹ -Henry Kissinger- khăn gói sang Tầu, xin dâng Nam Việt cho cộng sản. Người Nam Việt lãnh toàn bộ hậu quả cuộc tháo chạy của đồng minh Mỹ.

Cuộc tháo chạy thứ nhì vừa diễn ra tại Đà Nẵng hôm thứ Bảy, 11 tháng 11, 2017; thật ra tổng thống chỉ công khai hóa một quyết định ông đã công bố từ 10 tháng trước: ba ngày sau lễ đăng quang, ông ký một sắc lệnh rút Hoa Kỳ ra khỏi tổ chức thị trường chung TPP gồm 12 quốc gia sống trên ven biển Thái Bình Dương.

Ngày đó tổng thống tuyên bố, "Mọi người hiểu việc tôi làm chứ gì?" Rồi ông giải thích là từ nay, người Mỹ không bị ràng buộc vào nạn “thế giới hóa” kinh tế nữa, để lại được tự do, tự lực vươn lên trong thắng lợi. Ngay lúc đó nhiều cơ quan truyền thông đã báo động là rút chân ra khỏi thị trường Á Châu -thị trường phồn thịnh nhất thế giới- sẽ tai hại cho tiềm năng sản xuất của xí nghiệp Hoa Kỳ. Từ bỏ vai trò hội viên lãnh đạo TPP, là Hoa Kỳ chấp nhận hàng sản xuất tại Mỹ xuất cảng sang các nước thành viên TPP sẽ phải đóng thuế nặng hơn, không cạnh tranh được với hàng Nhật, hàng Nam Hàn, được ưu đãi thuế nhẹ vì là quốc gia thành viên của TPP.

Nhưng tổng thống không quan tâm đến truyền thông -quyền lực thứ tư của Hoa Kỳ- chỉ đứng sau các quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp- ông mệnh danh truyền thông là fake news -bọn loan tin thất thiệt.

Ông cũng không quan tâm đến công khó của người tiền nhiệm -Tổng Thống Barack Obama; ông này đã ngăn cấm không cho Trung Cộng tham gia TPP, để bảo vệ sản phẩm của kỹ nghệ tự do, không phải tranh thương bất công với sản phẩm quốc doanh, được chính phủ Trung Quốc trợ giá.

Năm nay hội nghị Thượng Đỉnh APEC họp tại Việt Nam với sự có mặt của cả Trung Cộng lẫn Nga.
Trong bài diễn văn đọc hôm mùng 10 tháng 11, 2017, Tổng Thống Trump tuyên bố ông không dung dưỡng những lợi dụng doanh thường kinh niên trên nền kinh tế Hoa Kỳ nữa.

Nhân viên Bạch Cung phủ nhận việc tổng thống buông bỏ thị trường Á Châu Thái Bình Dương cho Trung Cộng tự do thao túng. Họ cho biết tổng thống có nhiều kế hoạch kinh tế khác, toàn hảo hơn, nhưng ông chưa tiết lộ.

Trên bình diện bang giao quốc tế, tổng thống nói với phóng viên tháp tùng ông trong chuyến bay từ Đà Nẵng ra Hà Nội, "Trung Quốc thích tôi. Tôi hợp với họ; tôi cũng hợp với các quốc gia khác nữa.” (China likes me. And I get along with them; I get along with others, too.)

Có thể Tổng Thống Trump cũng hợp với chủ tịch Trần Đại Quang; ông chủ tịch này có thành tích kín miệng không kém gì bà Đệ Nhất Phu Nhân Việt Cộng; hai ông bà đứng im lặng bên nhau cả tiếng đồng hồ chờ quốc khách tới dự Hội Nghị Thượng Đỉnh APEC, với quyết tâm không ai nói với ai một tiếng nào, và cũng không nói với quan khách.
 
[2]Ông bà chủ tịch đón khách

Nhưng tổng thống lại không hạp với cô nữ ca sĩ Mai Khôi; cô này hỗn với tổng thống, vì cô đòi “tè” vào tổng thống.


Nữ ca sĩ Mai Khôi duyên dáng trên sân khấu, nhưng can đảm trong đấu tranh.


Nữ ca sĩ Mai Khôi với bích chương “Tui tè vào ông đó, ông Trump ơi.”

Chuyện xảy ra ngày Chủ Nhật, 12 tháng 11, cô Mai Khôi và ông chồng Benjamin Swanston, người Úc, được công an đến tận nhà, mời ra khỏi thủ đô Hà Nội, vì chính phủ Việt Cộng không thích cách cô “nghênh đón” tổng thống Hoa Kỳ, vài tiếng đồng hồ trước đó.

Cô cầm biểu ngữ “Peace on you Trump” đứng bên đường chờ tổng thống, nhưng khi đoàn công xa sắp tới, cô lấy bút sơn đen, gạch chữ Peace, và sửa thành chữ Piss.
Cô giải thích, "Tôi chỉ nói việc tôi thích nói với ổng.”

Vở bi hài kịch tonton chưa hết màn thứ nhất, còn đến trên ba màn nữa; mỗi màn đều gồm nhiều cảnh ngoạn mục, vừa bi thảm, vừa hài hước, lại mang tính chất lịch sử nữa.
So với cuộc tháo chạy ra khỏi chiến trường Việt Nam, cuộc tháo chạy lần thứ nhì nhộn hơn, nặng tính hài hơn, lại không tanh máu.

Cảnh trái ngược là vai hùng duy nhất bên cạnh vô số vai hề, lại do một phụ nữ đảm nhận -cô Mai Khôi.
Xin hoan nghênh hành động uy dũng và can đảm của cô, nhưng cũng xin cô chỉ dọa tổng thống chơi cho zui thôi, đừng tè thật, kỳ lắm.




Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT