Bình Luận

Nhược điểm thích ăn chao

Wednesday, 11/07/2018 - 08:25:53

Bắc Kinh mệnh danh cuộc chiến tranh đó là “cuộc chiến ngoại thương lớn nhất trong lịch sử kinh tế nhân loại.” Có thể đúng, nên Trump đang tìm cách duy trì và bành trướng chiến tranh ngoại thương.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Không nhờ Tổng Thống Donald Trump và trận giặc “Thuế Tariff” của ông ta, thì cho đến ngày xuống lỗ, Chủ Tịch Tập Cận Bình cũng không khám phá ra chứng nghiện thầm của người Trung Hoa là nghiện ăn chao.
Người tu hành ăn chao đã đành, người không tu cũng ăn chao; không ăn chao thì họ ăn xì dầu, chứ không thể nào nuốt thức ăn nêm bằng muối như người Mỹ; mà cả xì dầu lẫn chao đều là nhược điểm lớn trong hệ thống phòng thủ Vạn Lý Trường Thành của Tập xính xáng: người Tầu cần đậu nành- nguyên liệu chính để muối chao và để đổ đậu phụ -tào hũ.

Năm ngoái, họ nhập cảng trên 100 triệu tấn đậu nành của nông gia Mỹ, sau họ là Mễ; đứng thứ nhì trong danh sách khách mua đậu nành Mỹ, nhưng Mễ chỉ mua có 5 triệu tấn. Tâm địa mại bản làm Trump coi trọng Tầu -người khách xộp- và coi thường Mễ, người khách nghèo.

Nông gia Mỹ chuyên trồng đậu nành bán cho Tầu đang lo tái mặt khi Tập chủ tịch đe Trump tổng thống là đậu nành sẽ là một sản phẩm nhập cảng từ Mỹ vào Trung Quốc bị đánh thuế 25% để trả đũa việc Trump đánh thuế tariff nặng trên sản phẩm Tầu; mất thị trường Trung Quốc chỉ có nghĩa là họ phải đổi qua trồng một loại nông phẩm khác, rồi tìm một thị trường xuất cảng khác có đến 1.4 tỉ người nghiện, giống như người Tầu nghiện chao.


Bố con anh nông gia David và Benjamin Schmidt cùng một nông gia khác đang lo lắng bàn thảo việc Tầu đáng thuế 25% trên đậu nành, nông phẩm họ sản xuất.

Mức tiêu thụ đậu nành trên thị trường Hoa Kỳ ít đến mức coi như không có. Nông gia Mỹ lo mất nghiệp, trong lúc chính phủ Tầu cũng bối rối không biết làm cách nào thỏa mãn khẩu vị của 1,400 triệu người Tầu thiếu tương, thiếu chao.

Tỉnh Heilongjiang (Hắc Long Giang) nằm trên biên giới Nga-Hoa, được lệnh Bắc Kinh tập trung toàn năng tỉnh vào việc trồng đậu nành. Phong thổ và khí hậu giúp nông dân Hắc Long Giang thành công trong việc trồng nông phẩm đó; chuyên trồng đậu nành, nhưng sản phẩm Hắc Long Giang cũng chỉ thỏa mãn được 2% nhu cầu toàn quốc, do đó chính quyền tỉnh liên hệ với tỉnh trưởng của Nga và nội Mông hỏi mướn những khoảng ruộng rẫy mênh mông, thiếu khai thác của hai quốc gia đó để có thêm diện tích trồng đậu nành.


Tỉnh Hắc Long Giang nằm trên biên giới Nga-Hoa

Toàn bộ những rối loạn vừa kể đều là hậu quả của quyết định Trump tăng thuế nhập cảng đánh vào sản phẩm Made in China, và phản ứng của Tập trả đũa bằng cách cũng tăng thuế trên những món hàng Made in America bán sang thị trường Trung Hoa.

Trong lúc nhiều nhà hàng Tầu thiếu xì dầu, nhiều chùa Tầu thiếu tương, thì đậu nành Mỹ chỉ còn nước đem đi đổ hoặc biến chế làm thực phẩm nuôi cá, nuôi gà.

Khó khăn của Bắc Kinh cũng không nhỏ; bộ máy tuyên truyền của Tầu đang nỗ lực khuyến khích người Hoa bớt ăn chao, bớt chấm xì dầu, nhưng kết quả vẫn không khả quan. Nông gia Tầu đổ xô vào trồng đậu nành để thỏa mãn khẩu vị quần chúng; trong lúc nông gia Hắc Long Giang mừng với viễn ảnh bán sạch đậu nành trước khi cây đậu trổ bông. Họ quên cả nỗi ưu tư truyền thống của nông gia là “đậu nành phá đất”.



Nông gia Hắc Long Giang với rẫy đậu nành

Anh Hou Wenlin, một nông gia trẻ, có học đứng ra tổ chức Hợp Tác Xã Nông Dân Tiến Bộ, sử dụng nông cụ tối tân với những máy kéo, máy cầy hiệu John Deere đưa ra khẩu hiệu “nhờ ơn Trời, nhưng cũng nhờ nông cụ” để dung hòa công dụng của nông cơ với việc cầu nguyện cho mưa thuận, gió hòa. Máy cầy khỏe hơn trâu, lưỡi cầy sâu hơn, có sức trở phần đất bên dưới còn mầu mỡ lên trên, để nuôi cây đậu nành khiến đậu nành Mỹ nhiều chất đạm hơn đậu nành Tầu, anh Hou giải thích cho những nông gia thành viên HTX Nông Dân Tiến Bộ để họ bớt sợ truyền thuyết “đậu nành phá đất.”

Nhưng Hou cũng ý thức được khả năng của HTX Nông Dân Tiến Bộ không thấm thía gì đối với nhu cầu tương, chao khổng lồ của toàn dân Trung Hoa. Anh than, “Sức người có hạn, sức của HTX cũng chỉ có hạn.”

Khó khăn của Tầu -có vẻ cấp bách hơn- nhưng lại không bế tắc như khó khăn của Mỹ; thị trường đậu nành mở rộng tại Trung Quốc, với giá đậu tăng cao sẽ khuyến khích nông dân Việt, Thái và những nước lân cận đổ xô vào thay chỗ Mỹ. Một năm sau, dù muốn trở lại thị trường đậu nành Trung Quốc, Mỹ cũng không còn chỗ nữa.
Nông gia Mỹ trồng đậu nành và nhiều thứ trái cây đang bị Tầu đánh thuế tariff rất nặng để trả đũa thuế tariff của chính phủ Trump, đang tự xưng là “nạn nhân của cuộc chiến tranh ngoại thương” do Tổng Thống Trump phát động.

Bắc Kinh mệnh danh cuộc chiến tranh đó là “cuộc chiến ngoại thương lớn nhất trong lịch sử kinh tế nhân loại.” Có thể đúng, nên Trump đang tìm cách duy trì và bành trướng chiến tranh ngoại thương.

Ngay hôm nay -thứ Tư 11/7/18, trước đại hội Minh Ứơc Bắc Đại Tây Dương (NATO) ông đang lớn tiếng lên án các quốc gia Tây Âu trục lợi người tiêu thụ Mỹ xuất cảng nhiều sản phẩm sang Mỹ với giá thuế quá nhẹ.
Ông nói nhờ thuế nhẹ nên xe Đức, rượu Pháp mới có thể bán giá rẻ trên thị trường Mỹ, giết kỹ nghệ xe hơi và nhiều kỹ nghệ, công nghệ khác của Mỹ. Không chỉ bảo vệ mức thuế nhập cảng ông đề ra, Trump còn đòi Liên Âu đóng góp thêm vào ngân sách của NATO, tổ chức quân sự bảo vệ lãnh thổ Bắc Đại Tây Dương.

Người Tầu nghiện chao có thể nhịn thèm nửa năm, hoặc tám tháng nữa; nông dân Mỹ có thể trồng nông phẩm khác thay chỗ cho đậu nành đang trở thành ế ẩm, và người tiêu thụ Mỹ có thể trả thêm $250 để mua cái TV made in China mới tuần trước còn quảng cáo với giá $999.99.
Có ngặt thêm chút đỉnh, nhưng người nghèo sống trên lãnh thổ Mỹ cũng không thể nào nghèo hơn được, trong lúc quốc gia thâu thêm vài trăm tỉ tiền thuế tariff.
Họ đang mếu máo hoan nghênh chính sách thuế nhập cảng tạo ra cảnh dân nghèo, nước mạnh.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT