Bình Luận

Thắng lợi ngoại giao

Wednesday, 09/08/2017 - 09:12:53

Nghị quyết trừng phạt Bắc Hàn đang chìm vào tiếng cãi vã ồn ào của tổng thống Hoa Kỳ với hai anh phát ngôn viên quân sự.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Hôm thứ Bảy, 5 tháng 8, toàn bộ 15 thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) đã đồng thanh thông qua đề nghị của Hoa Kỳ trừng phạt Bắc Hàn; bà đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc -Nikki R. Haley- nhận định là cuộc biểu quyết “đồng thuận” của 15 quốc gia thành viên HĐBA LHQ là bước tiến hiếm có và rất mạnh, trong quyết tâm bắt buộc Bắc Hàn phải nhận lãnh trách nhiệm về thái độ hiếu chiến của họ.
Nỗ lực của bà Haley đáng ca ngợi; bà đích thân thuyết phục đại sứ Trung Cộng Liu Jieyi -quốc gia đồng minh thân thiết nhất của Bắc Hàn.

Nội dung bản đề nghị của Hoa Kỳ đã được soạn thảo từ ngày mùng 4 tháng Bảy, 2017 -trên một tháng trước- ngày Bắc Hàn thí nghiệm quả hỏa tiễn liên lục địa đầu tiên có tầm bắn đến Alaska; ngày 28 tháng Bảy Bắc Hàn bắn quả thứ nhì, giúp Hoa Kỳ có đủ chứng minh để thuyết phục Nga và Trung Cộng -hai nước đồng minh thường xuyên hậu thuẫn Bắc Hàn- về nguy cơ chiến tranh nguyên tử.


Đại sứ Mỹ Haley thuyết phục đại sứ Trung Cộng Liu Jieyi trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra

Tuy nỗ lực ngoại giao thành công vẻ vang, nhưng Hoa Kỳ cũng phải trả cái giá nhân nhượng khá nhiều để được Nga và Trung Cộng bỏ phiếu thuận; trước ngày bỏ phiếu bà Haley trình bày với Liên Hiệp Quốc là thế giới có nhiều biện pháp trừng phạt Bắc Hàn rất hữu hiệu, như cắt nguồn tiền tệ có giá (hard currency), cắt nguồn nhiên liệu, giới hạn hoạt động hàng không và hàng hải, trừng phạt cá nhân những lãnh tụ chủ chiến.
Nhưng Mỹ phải loại bỏ những biện pháp cắt nhiên liệu và giới hạn hàng không để đánh đổi lấy lá phiếu quan trọng của Nga và Trung Cộng -hai trong năm cường quốc có quyền phủ quyết.

Một nhượng bộ khác nữa của Mỹ là hôm thứ Tư tuần trước, 2 tháng 8, Ngoại Trưởng Tillerson phải bảo đảm với Bắc Hàn là Hoa Kỳ không mưu tìm việc thay đổi chế độ tại Bắc Hàn, và cũng không vận động thống nhất Hàn Quốc.

Đại sứ Trung Cộng tại Liên Hiệp Quốc Liu Jieyi nói ông hy vọng Hoa Kỳ thực hiện những lời Ngoại Trưởng Tillerson cam kết; đại sứ Nga tại LH Q cũng nói Moscow mong họ có thể tin lời cam kết của Tillerson là Hoa Kỳ không tìm cách tháo gỡ tình hình hiện nay bằng những can thiệp quân sự.

Quốc tế chỉ đồng ý điểm chính trong kế hoạch trừng phạt của Hoa Kỳ là tạo áp lực kinh tế, khiến Bắc Hàn mất $1 tỉ Mỹ kim trong tổng số lợi tức $3 tỉ mỗi năm.

Bà Haley mô tả sự trừng phạt lớn bằng một-phần-ba tổng sản lượng quốc gia của Bắc Hàn là “nghiêm khắc nhất mà chưa nước nào phải gánh chịu; và là biện pháp tạo thiếu thốn cho giới lãnh đạo Bắc Hàn, sự thiếu thốn cho đến giờ này chỉ thường dân Bắc Hàn gánh chịu.”

Trước khi bước vào phòng để tham dự cuộc bỏ phiếu, bà Haley nói với các phóng viên truyền thông, “Tất cả những trò hỏa tiễn liên lục địa và những trò đầu đạn nguyên tử phải bị chặn đứng.”

Thái độ đồng thuận của HĐBA LHQ được dư luận coi như sự thành công quốc tế đầu tiên của chính phủ Trump, và coi như thái độ phản đối của thế giới tẩy chay trò “đùa với lửa” kéo quá dài của Kim Jong Un.
Trung Cộng thường nói liên hệ giữa Trung Quốc và Bắc Hàn là tương quan giữa môi và răng-cũng vẫn luận điệu “môi hở, răng lạnh” như họ thường nói với Việt Cộng.

Mặc dù cuộc biểu quyết đồng thuận là một thành công lớn của Hoa Kỳ và của bà đại sứ Haley, nhưng bà vẫn có thể lầm trên hai điểm; lầm lẫn thứ nhất là bà diễn dịch lá phiếu thuận của Trung Cộng lên án những lộng hành nguyên tử của Bắc Hàn như một giá trị thật sự và thật lòng; có lẽ bà không thấy là cho đến giờ này Trung Cộng vẫn thủ lợi trên lập trường quá khích của Kim Jong Un; thủ lợi vì Hoa Kỳ vẫn phải nhờ Trung Cộng kềm chế Kim.

Lầm lẫn thứ nhì là bà tưởng cái tỉ mỹ kim bị cắt, sẽ buộc giới lãnh đạo Bình Nhưỡng chia sẻ cảnh đói lạnh của nhân dân Bắc Hàn.

Trên thật tế, Bắc Kinh vẫn muốn nuôi con khủng long Kim Jong Un -dù phải nuôi kín đáo hơn- nhưng nhất định không để mất lợi khí đó; và Kim sẽ không thiếu một gram xâm cao ly nào, dù dân Bắc Hàn có chết đói, như người Việt Nam đã chết đói vì bị Nhật thu vét hết lúa gạo trong Thế Chiến Thứ Nhì.

Dù chấp nhận sự thành công của Hoa Kỳ trên quyết định trừng phạt Bắc Hàn của HĐBA LHQ, thì thành công cũng chỉ diễn ra tại ngôi nhà Liên Hiệp Quốc, rồi chấm dứt ngay tại đó, sau những phản đối hung hăng của Bắc Hàn, và những phản ứng không kém hung hăng của Donald Trump.

Một phát ngôn viên quân sự của Bắc Hàn tuyên bố là chủ tịch Kim Jong Un của họ đang nghiên cứu tỉ mỉ một kế hoạch tấn công Guam, căn cứ không quân chiến lược của Hoa Kỳ. Hãng thông tấn Bắc Hàn KCNA khẳng định thêm là mọi chi tiết đã được lên kế hoạch và chỉ còn chờ lệnh của Kim để khai pháo.

Một phát ngôn viên quân sự khác của Bắc Hàn lên án Hoa Kỳ đang hoạch định kế hoạch “chiến tranh phòng ngừa” (tấn công trước để không bị tấn công), và cảnh cáo là nếu tấn công trước Hoa Kỳ sẽ vấp vào một cuộc “chiến tranh xả láng, tàn phá toàn bộ mọi cứ điểm quân sự của Mỹ, ngay cả trên lãnh thổ Mỹ.”
Hôm thứ Ba, 8 tháng 8, tổng thống Hoa Kỳ trả lời hai anh phát ngôn viên vô danh Bắc Hàn: ông tuyên bố với phóng viên truyền thông tại New Jersey, “Tốt nhất là Bắc Hàn câm mồm lại, đừng hăm dọa Hoa Kỳ nữa, nếu họ không muốn chết chìm trong biển lửa thịnh nộ cuồng bạo nhất từ xưa đến nay.”


Bắc Hàn câm mồm lại, đừng hăm dọa Hoa Kỳ nữa, nếu họ không muốn chết chìm trong biển lửa thịnh nộ cuồng bạo nhất từ xưa đến nay.

Nghị quyết trừng phạt Bắc Hàn đang chìm vào tiếng cãi vã ồn ào của tổng thống Hoa Kỳ với hai anh phát ngôn viên quân sự.

Tờ The New York Times nhận định “dĩ nhiên sẽ không có gì xảy ra cả ngoài việc ông Trump không biết tí nào về vai trò tổng thống, và Bắc Hàn vẫn cứ hung hăng.”
Tổng thống phá hỏng thắng lợi ngoại giao duy nhất của chính phủ Trump; thật đáng buồn. (ndt)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT