Bình Luận

Tiết lộ bí mật

Saturday, 27/05/2017 - 10:06:17

Bộ Trưởng Quốc Phòng Do Thái, ông Aigdor Liberman, tuyên bố, “Chúng tôi đã đối phó xong với việc bí mật bị bật mí, và liên hệ Do Thái-Hoa Kỳ vẫn rất chặt chẽ.”

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Trong bản tin phát hành hôm thứ Năm, 25 tháng 5, đài BBC loan báo cơ quan cảnh sát Anh ngưng, không chia sẻ tin tức với cảnh sát Mỹ về vụ điều tra cuộc đánh bom khủng bố tại thành phố Manchester nữa, vì ngay khi nhận được tin, cảnh sát Mỹ thông báo cho truyền thông Mỹ biết mọi chi tiết mật, khiến mọi người -kể cả bọn khủng bố- đều biết rõ những hướng nỗ lực chính của cảnh sát Anh.

Hệ thống chia sẻ tin tức an ninh trên thế giới gồm 5 nước: Anh, Canada, Mỹ, Tân Tây Lan và Úc; và vì có 5 thành viên nên hệ thống tin tức này được gọi là “Five Eyes” -5 cặp mắt.

Loan tin Nha Chống Khủng Bố Anh Quốc ngưng cung cấp tin tức Manchester cho Mỹ, đài BBC còn nói thêm là quyết định đoạn tin chỉ áp dụng cho vụ Manchester thôi- ngoài ra tổ chức “Five Eyes” vẫn hoạt động bình thường.

Thủ Tướng Anh, bà Theresa May, đặt vấn đề bảo mật với Tổng Thống Donald Trump trong giờ ăn trưa ngày thứ Năm 5/25/2017, nhân dịp họ gặp nhau bên bàn hội nghị Liên Phòng Bắc Đại Tây Dương. Vốn không thiện cảm với sinh hoạt truyền thông tự do của Hoa Kỳ, Trump ra tuyên ngôn xác nhận, “những điều gọi là “tiết lộ” đó quả đáng lo; chính phủ Mỹ sẽ tìm hiểu cặn kẽ.” Tổng thống còn hứa sẽ chỉ thị bộ Tư Pháp và những cơ quan khác có liên hệ cứu xét toàn bộ vấn đề, và truy tố kẻ phạm pháp.

Truyền thông Mỹ là những “kẻ” tiết lộ bí mật của cảnh sát Anh; nhưng họ có phạm pháp hay không còn tùy luật Mỹ. Năm 1971, trong lúc chiến tranh Việt Nam diễn ra khốc liệt, tờ The New York Times khởi đăng tài liệu The Pentagon Papers, một tài liệu do bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ soạn thảo, ghi nhận mọi liên quan của Mỹ với Việt Nam từ năm 1945 đến 1967.

Phản ứng sơ khởi của tổng thống Richard Nixon là ... không làm gì cả, vì nội dung của Pentagon Papers chỉ liên quan đến hai vị tổng thống tiền nhiệm Johnson và Kennedy; nhưng cố vấn Kissinger thuyết phục Nixon là đối phó với việc truyền thông tiết lộ bí mật cũ, để ngăn chặn họ tiết lộ những bí mật của chính Nixon.

Nixon đồng ý và truy tố tờ The New York Times về tội tiết lộ bí mật quân sự, một tội hình sự trong tinh thần đạo luật Espionage Act, 1917.

Một tòa án liên bang ra án lệnh bắt tờ The New York Times ngưng loạt bài Pentagon Papers, sau khi đăng bài thứ 3. Tờ báo chống án, và vụ án mang tên New York Times Co. v. United States (403 U.S. 713).

Ngày June 18, 1971, tờ The Washington Post nhảy vào vòng chiến để đăng một văn bản khác cũng của tác phẩm Pentagon Papers; ngay trong ngày hôm đó, Bộ Trưởng Tư Pháp William Rehnquist yêu cầu Washington Post ngưng đăng; Washington Post không ngưng, Bộ Tư Pháp yêu cầu tòa ra án lệnh bắt Washington Post phải ngưng. Thẩm Phán Murray Gurfein từ chối không thực hiện ý muốn của chính phủ.

Ngày 30 tháng Sáu 1971, Tối Cao Pháp Viện biểu quyết với tỉ số 6-3, bác đơn kiện của chính phủ, và cho phép truyền thông tiếp tục đăng tải tài liệu Pentagon Papers.

Qua kinh nghiệm Pentagon Papers, chính phủ Trump sẽ không truy tố những tờ báo đăng tin -dù là tin mật- về vụ nổ Manchester được. Bảo mật là trách nhiệm của chính phủ, không phải trách nhiệm của truyền thông.


Tổng thống Mỹ hứa với thủ tướng Anh là Mỹ sẽ trừng phạt những tờ báo có lỗi

Tiền lệ Pentagon Papers có thể là câu trả lời cho khiếu nại của thủ tướng Anh Theresa May; nhưng bà vẫn khiếu nại và Tổng Thống Trump vẫn cảm thông nhanh chóng với sự bực bội của bà, mặc dù chính ông cũng bị tố cáo là tiết lộ cho ngoại trưởng Nga biết một điều bí mật quân sự mà Do Thái chuyển cho ông.
Chính phủ Trump từng chống lại việc tin tức tình báo bị lọt ra truyền thông, nhất là việc bộ tham mưu tranh cử của ông liên hệ với Nga; ông gọi bọn rò rỉ tin mật cho truyền thông là mối nguy hại cho nền an ninh quốc gia, và đòi truy tố những kẻ có trách nhiệm.

Bộ Trưởng Quốc Phòng Do Thái, ông Aigdor Liberman, tuyên bố, “Chúng tôi đã đối phó xong với việc bí mật bị bật mí, và liên hệ Do Thái-Hoa Kỳ vẫn rất chặt chẽ.”

Việc tiết lộ bí mật Manchester không gây trở ngại cho Liên Phòng Bắc Đại Tây Dương, mà liên minh quân sự này đang đứng trước nguy cơ tan vỡ khác: Tổng Thống Trump không chấp nhận Điều 5 của bản điều lệ Liên Minh -nguyên lý cốt lõi của tổ chức này.

Điều 5 này là nguyên tắc mà mọi thành viên của tổ chức Liên Phòng Bắc Đại Tây Dương cam kết sẽ coi cuộc tấn công quân sự vào một trong 28 quốc gia thành viên của Liên Phòng như cuộc tấn công vào toàn khối Liên Phòng.

Trong lịch sử Liên Phòng, Điều 5 chỉ được nêu lên một lần duy nhất là lần Hoa Kỳ bị quân khủng bố Al Qaeda tấn công ngày 11 tháng 9, 2001; lần đó Liên Phòng đã thực hiện 8 hành động phản công quân sự chống Al Qaeda, trong 8 hành động này có việc họ tham dự 2 cuộc hành quân Eagle Assist và Active Endeavour.
Từ năm 1949 -năm thành lập Liên Phòng Bắc Đại Tây Dương- chưa vị tổng thống Hoa Kỳ nào phản đối Điều 5 của Liên Phòng quyết liệt như Trump.

Trong lúc mọi người chờ đợi ông khẳng định lập trường của Hoa Kỳ chấp nhận Điều 5, ông nêu lên nguyên tắc công bằng trong chi phí Quốc Phòng; nguyên tắc này ấn định các thành viên trong Liên Phòng phải chi phí tối thiểu 2% GDP (tổng sản lượng quốc gia) vào quân phí, và 20% ngân sách quốc phòng phải được chi dùng vào việc võ trang quân đội.

Biểu đồ dưới đây cho thấy chỉ có 4 quốc gia tuân hành quy ước này, số còn lại không chi phí đến 2% GDP. Trước ông Trump, nhiều vị tổng thống Hoa Kỳ khác cũng đã đặt vấn đề.



Tuy nhiên vấn đề chỉ được đề cập đến trong tinh thần nhắc nhở, hơn là đòi hỏi, một phần lớn vì ưu tư chung của Tây Âu và Hoa Kỳ là không để Nga bành trướng bằng cách xâm lấn các lân quốc của Nga.
Có thể tổng thống Trump không chia sẻ niềm ưu tư chung này nữa. (ndt) 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT