Bình Luận

Vị chính khách khổ nhất lịch sử

Saturday, 20/05/2017 - 09:35:37

Học giả Juan Manuel Santos, người đoạt giải Hòa Bình Nobel năm ngoái, hỏi xem tổng thống có tin là bức tường biên giới Mỹ-Mễ sẽ chặn đứng nguồn buôn lậu ma túy vào lãnh thổ Hoa Kỳ không?

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Hôm thứ Tư, 17 tháng 5, Tổng Thống Donald Trump đọc diễn văn trong buổi lễ tốt nghiệp của sinh viên sĩ quan Cảnh Sát Biển -Coast Guard- tại New London, Connecticut; ông than thở, “Các anh, các chị thử tìm xem trong lịch sử Hoa Kỳ có chính khách nào bị ngược đãi như tôi không? Truyền thông không chỉ xử tệ với tôi thôi, họ còn bất công nữa."

Trong một đoạn khác của bài diễn văn, ông bảo các tân thiếu úy, “Đừng bao giờ để truyền thông đàn áp; đừng để bọn thích chỉ trích, bọn chủ bại bóp vỡ mộng ước của các anh, các chị.”


Tổng thống chủ tọa lễ mãn khóa SVSQ cảnh sát biển


Lễ mãn khóa SVSQ cảnh sát biển

Trump không đề cập đến việc truyền thông Hoa Kỳ khui vụ ông tiết lộ bí mật quân sự cho Đại Sứ và Ngoại Trưởng Nga biết, khi hai nhân vật này đến thăm ông tại Bạch Cung; ông cũng giữ im lặng về việc ông yêu cầu giám đốc FBI “bỏ qua” việc ông Michael Flynn -cố vấn an ninh của ông- và nhiều nhân viên trong bộ tham mưu tranh cử ông sử dụng có liên hệ với tòa đại sứ Nga trong thời gian tranh cử.
Tổng thống khuyên các sinh viên vừa tốt nghiệp, "Nhân dịp này, tôi muốn khuyến cáo các anh, các chị là trong cuộc sống sắp mở rộng trước mặt các anh, các chị, sẽ có những điều ngang trái, không công bằng. Gặp cảnh ngang trái đó là các anh, các chị phải chống lại, chống, chống cho tới cùng."


Tổng thống đem trường hợp của chính ông ra cụ thể hóa lời ông khuyên các tân sĩ quan, “Các anh, các chị thử nhìn xem truyền thông đối xử với tôi như thế nào. Ai cũng nhận xét là họ quá đáng. Đừng bao giờ khuất phục, đừng bao giờ nhịn thua. Nghịch cảnh giúp chúng ta trở thành kiên cường hơn."

Quan khách -gồm thân nhân, thân hữu của những SVSQ tốt nghiệp- nồng nhiệt vỗ tay tán thưởng tổng thống; ông bảo họ là chỉ trong một thời gian ngắn cầm quyền ông đã thực hiện được nhiều thành tích lớn lao cho đất nước.

Ông kể việc ông chỉ định chánh án Neil M. Gorsuch vào Tối Cao Pháp Viện để giữ ưu thế Cộng Hòa cho tòa án cao nhất nước; ông cũng kể công đã làm mức xâm nhập của những người Trung và Nam Mỹ vào lãnh thổ Hoa Kỳ giảm bớt; ông còn đang đánh phá luật ObamaCare, v.v..

Ông nói, "Tôi không đắc cử để phục vụ cho truyền thông Hoa Thịnh Đốn, cũng không phục vụ cho những quyền lợi riêng tư của một nhóm người nào; mà đắc cử để phục vụ quần chúng, phục vụ những người công dân Mỹ đã bị bỏ quên trong một thời gian quá dài."

Tổng thống cam kết, "Không bao giờ tôi ngừng chiến đấu cho người Mỹ."
Chủ Tịch Hạ Viện Paul Ryan phụ họa, “Quần chúng tin tưởng vào các đài truyền hình, và tưởng là chúng tôi chỉ làm những điều tin tức truyền hình tường thuật.”

Ngày hôm sau, tổng thống lại họp báo nhân dịp Tổng Thống Juan Manuel Santos từ Colombia đến yết kiến ông xin tái cấp $450 triệu Mỹ kim viện trợ để duy trì nền hòa bình giữa chính phủ Colombia và quân nổi loạn FARC (Revolutionary Armed Forces- Quân Cách Mạng).

Phóng viên truyền thông đến dự họp báo không hỏi tổng thống về việc yểm trợ hòa bình bằng Mỹ kim tại Colombia, mà lại đem vấn đề cảnh sát trưởng liên bang James Comey tố cáo ông chỉ thị cho ông ta bỏ qua vụ cố vấn an ninh Flynn liên hệ với Nga.

Phóng viên Scott Thuman, đài phát thanh Sinclair, hỏi tổng thống xem ông có yêu cầu ông Cò Comey “bỏ qua” cuộc điều tra về bộ tham mưu tranh cử của ông thông đồng với Nga không. Thuman chưa kịp nói dứt câu hỏi, tổng thống đã cướp lời anh, và nói, “no, no; next question” (không, không. Câu hỏi khác).


No. No. Next question

Ông phủ nhận là ông không bảo ông Cò Comey bỏ qua chuyện cố vấn Flynn liên hệ với đại sứ Nga Sergey Kislyak; cuộc họp báo hôm 18 tháng 5 là cuộc gặp gỡ chót của tổng thống với phóng viên truyền thông Hoa Kỳ trên đất Mỹ, vì ngày hôm sau ông lên đường đi Saudi Arabia, Israel, the Vatican, trước khi đến Bỉ và Ý dự hai hội nghị NATO và G7.

Tổng thống lên đường công du trong lúc việc quốc nội vẫn rối beng; thứ trưởng Tư Pháp Rod Rosenstein chỉ định cựu giám đốc FBI Robert Mueller III giám sát cuộc điều tra xem có hay không có thông đồng giữa người Nga và bộ tham mưu tranh cử của tổng thống. Ông Mueller làm giám đốc FBI dưới trào hai vị tổng thống George W. Bush và Barack Obama.


Cựu giám đốc FBI Robert Mueller III

Phê bình việc chỉ định ông Mueller, tổng thống nói, “Đúng là cuộc săn phù thủy vĩ đại nhất trong lịch sử chính trị; chẳng ai thông đồng với ai cả; tôi có thể nhân danh bản thân tôi, và nhân danh người Nga trả lời là ZERO. Không hề có thông đồng. Xin tin lời tôi: tôi không thông đồng với người Nga. Người Nga rất tốt, nhưng ưu tiên của tôi là người Mỹ trên hết.”

Học giả Juan Manuel Santos, người đoạt giải Hòa Bình Nobel năm ngoái, hỏi xem tổng thống có tin là bức tường biên giới Mỹ-Mễ sẽ chặn đứng nguồn buôn lậu ma túy vào lãnh thổ Hoa Kỳ không?

Tổng thống đáp, “Trả lời câu hỏi này vừa dài dòng, vừa phức tạp; tôi chỉ có thể nói vắn tắt là: Tường biên giới rất kiến hiệu. Do Thái là một điển hình."

Vai trò quan trọng giờ này nằm trong tay ông Mueller, và ông này làm việc trực tiếp với phụ tá bộ trưởng Tư Pháp Rosenstein, vì ông bộ trưởng Jeff Sessions đã thoái thác trách nhiệm trong cuộc điều tra về bộ tham mưu tranh cử của tổng thống thông đồng với người Nga. Liên hệ này được ấn định là “Công tố viên đặc trách không làm việc dưới quyền giám thị của bất cứ viên chức nào trong Bộ Tư Pháp.”

Nói cách khác cuộc điều tra có thể đi rất xa, nhưng theo lời của chính ông Mueller thì, cũng có thể rất chậm, vì những liên hệ khá phức tạp và rắc rối.

Tổng thống có lý khi ông nói là “trong lịch sử Hoa Kỳ không chính khách nào bị ngược đãi như tôi,” mặc dù có thể ông quên không kể đến trường hợp của Tổng Thống Richard Nixon, người bị ép phải từ chức, để không bị truy tố. (ndt)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT