Hoa Kỳ

Nhà độc tài Bashar al-Assad đã đào tẩu khỏi Damascus?

Hoài Mỹ/Viễn Đông Thursday, 19/07/2012 - 08:09:45

Một phóng viên ở Beirut của đài TV Ả Rập Al-Jazeera, Rula Amin phát biểu: “Sự kiện đáng chú ý là vụ tấn công này đã xẩy ra gần cái bàn của Tổng Thống”.

Hoài Mỹ/Viễn Đông

DAMASCUS, Syria - Tổng cộng 6 cộng sự viên thân tín nhất trong chế độ của Bashar al-Assad đã bị thiệt mạng trong vụ tấn công hôm Thứ Tư ở thủ đô Damascus. Các nhà phân tích nhận định: Đây là một sự thất bại hết sức lớn lao về tâm lý đối với chế độ.
Như Viễn Đông đã đăng tải, Thứ Tư vừa rồi chế độ Assad đã bị thiệt hại do một cuộc tấn công gây tử vong cao nhất nhắm vào thành phần nòng cốt của chế độ kể từ ngày cuộc nổi dậy khởi phát ở Syria từ 16 tháng nay. Một cuộc tấn công bằng bom thẳng vào tổng hành dinh của tổ chức tình báo ở Damascus, đánh trúng vào tập thể thân cận nhất của Tổng Thống Bashar al-Assad. Theo thông tấn xã AFP, vụ tấn công này xẩy ra giữa một buổi họp của các nhân viên thượng cấp của ban an ninh quốc gia. Tổng hành dinh này là một tòa nhà kiên cố và được thường xuyên canh phòng cẩn mật, nằm ở khu vực Rawda, trung tâm Damascus.
Một phóng viên ở Beirut của đài TV Ả Rập Al-Jazeera, Rula Amin phát biểu: “Sự kiện đáng chú ý là vụ tấn công này đã xẩy ra gần cái bàn của Tổng Thống”.
Tin được xác nhận: 6 yếu nhân của chế độ Assad bị thiệt mạng gồm có:
- Tướng Dawoud Rajiha, giữ chức Tổng Trưởng Quốc Phòng kể từ ngày 8 tháng 8 năm ngoái. Theo đài CNN Hoa Kỳ và Al-Jazeera Ả Rập, Rajiha là người mang cấp bậc cao nhất của chế độ Syria bị giết hại trong cuộc xung đột trường kỳ này. Ngoài ra ông ta còn là thành viên chính phủ thuộc Thiên Chúa Cơ Đốc Giáo vốn được xếp hạng cao nhất.
- Assef Shawkat, em rể của Tổng Thống Bashar al-Assad, kết hôn với em gái Bushra của Assad, năm ngoái được cất nhắc lên chức vị Thứ Trưởng Quốc Phòng.
- Tổng Trưởng Bộ Nội Vụ Mohammad Ibrahim al-Shaar.
- Tướng Hassan Turkmani, cựu Tổng Trưởng Quốc Phòng và là đương kim Phó Tổng Thống xử lý thường vụ, bị trọng thương trong vụ tấn công nhưng sau đó tử thương.
- Hisham Bekhtyar, Giám Đốc cơ quan an ninh quốc gia của Syria bị tử thương.
- Fahad Jassim al-Feraj mà theo công ty TV quốc gia SANA vừa được bổ nhiệm làm tân Tổng Trưởng Quốc Phòng.

Đang sụp đổ
Như trên đã kể, vụ tấn công này tiêu biểu cho một sự bại trận dữ dội về tâm lý đối với chế độ. Phân tích gia Anthony Skinner trong tổ chức tư duy Maplecroft hôm qua đã nói với CNN: “Vụ này tăng tốc tiến trình loại bỏ Assad”. Chuyên gia Skinner được sự đồng thuận của nhà phân tích Rime Allaf thuộc viện nghiên cứu quốc tế Chatham House: “Sự kiện này có thể mang ý nghĩa là chế độ tự nó đang sụp đổ”.
Tổng Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, Leon Panetta cho rằng sự kiện cho biết rõ ràng về sự leo thang khốc liệt trong cuộc xung đột. Ông nói: “Điều ấy nói với chúng ta là tình thế gần như đã toàn toàn vuột khỏi sự kiểm soát. Bởi thế là việc tối ư quan trọng mà cộng đồng quốc tế nên cùng nhau đặt al-Assad dưới một áp lực tối đa là phải ra đi và bảo đảm một sự chuyển hoán ôn hòa”.
Hai nhóm nhận trách nhiệm: Cả Quân Đội Syria Tự Do (FSA/Free Syrian Army) lẫn tổ chức Hồi Giáo Liwa al-Islam (Lữ Đoàn Hồi Giáo) đều nhận trách nhiệm về vụ tấn công này. Trên trang mạng Facebook của Liwa al-Islam trình bầy mục tiêu của cuộc tấn công là “chi bộ này được đề cập đến như một phòng kiểm soát của cơn khủng hoảng ở thủ đô Damascus”; và theo đài Al-Jazeera, một phát ngôn viên cũng đã quả quyết như vậy qua đường dây điện thoại.
Thế nhưng, theo đài CNN, Malek al-Kurdi, một trong những người chỉ huy FSA lại nói rằng vụ tấn công đã được hoạch định và được phối hợp giữa các nhóm khởi nghĩa; theo đó một trái bom đã được gài trước trong phòng họp sau đó được tác động từ bên ngoài. Các nhà hoạt động cũng quả quyết trái bom đã được gài trong căn phòng từ hômThứ Ba, một ngày trước khi buổi họp diễn ra.
Một phát ngôn viên khác của FSA, Qassim Saadedine tuyên bố: “Đây là hỏa diệm sơn mà chúng tôi đã nói tới. Chúng tôi chỉ vừa mới khởi sự”. Ông còn viện dẫn là cuộc tổng tấn công trong mấy ngày qua được đặt tên là: “Operation Damascus Volcano”.
Trong khi đó chính phủ al-Assad mô tả sự kiện là một vụ “ôm bom tự sát”. Theo thông tấn xã Reuters, kẻ “ôm bom tự sát” này là một cận vệ thân tín trong “vòng nội bộ” của Tổng Thống al-Assad. Một nguồn tin an ninh đã tiết lộ như vậy với Reuters.

Shabiha khuyến cáo trả thù

Theo các Ủy Ban Phối Hợp Địa Phương ở Syria, Thứ Tư vừa rồi, tổng cộng 34 người đã bị thiệt mạng ở bên trong Damascus và 11 người ở vùng ngoại ô. Sau vụ tấn công, nhiều người đã được chở đến bệnh viện Al-Shami, nơi đây lập tức được cận vệ an ninh bao quanh. Theo nhiều cuốn phim video trên mạng điện tử, vụ tấn công này đã được “ăn mừng” ở một đường phố lớn của Damascus. Tuy nhiên một nhân chứng vì lý do an ninh được đặt một tên khác là Lena, mô tả cảnh tượng nhóm bán quân sự Shabiha thân chế độ và khét tiếng tàn bạo đã chiếm các đường phố; họ vũ trang bằng súng, dao và không ngừng la hét: “Đây sẽ là một cuộc trả thù về những gì tụi mày đã làm!”.
Theo CNN, Lena kể rằng có nhiều xác chết nằm rải rác trên các đường phố chung quanh trại di cư Yarmouk của người Palestine, nhưng dân chúng sợ hãi không ai dám ra thu nhận tử thi. Lena xác quyết: “Dân chúng rất sợ hãi. Các đền thờ phổ biến lời khuyến cáo là chúng tôi phải luôn luôn ở trong nhà”.

Hai ông Ban và Annan yêu cầu Hội Đồng Bảo An gây áp lực
Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon và Đặc Phái Viên Kofi Annan đã yêu cầu Hội Đồng Bảo An gây áp lực cả với chế độ lẫn những người nổi dậy ở Syria để chấm dứt mọi hành động bạo lực ở đất nước này. Bản tuyên cáo của văn phòng Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc viết: “Tình hình vốn đã quá tệ hại ở Syria, nhấn mạnh đến tầm cần thiết cực độ là tất cả các bên phải chấm dứt mọi hình thức của việc sử dụng bạo động vũ trang, phải tuân theo kế hoạch 6 điểm và di chuyển nhanh chóng theo hướng đến cuộc đối thoại”.
Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc đồng thời cũng kết án vụ tấn công bằng bom hôm Thứ Tư gây thiệt mạng cho Tổng Trưởng Quốc Phòng Daoud Rajha và hai thành viên lãnh đạo cao cấp nhất thuộc chế độ của Tổng Thống Bashar al-Assad.

Nga và Trung Cộng lại ngăn chặn nghị quyết-Syria
Nghị quyết này do các nước Tây Phương soạn thảo với nội dung thực hiện các biện pháp trừng phạt Syria trong trường hợp chế độ Assad không rút tất cả vũ khí hạng nặng ra khỏi các thành phố trong vòng 10 ngày.
Theo chương trình, Hội Đồng Bảo An sẽ phải biểu quyết dự thảo nghị quyết này trong Thứ Tư, nhưng ông Kofi Annan, Đặc Phái Viên ở Syria của Liên Hiệp Quốc và Liên Hiệp Ả Rập đã thuyết phục được các quốc gia thành viên trong Hội Đồng Bảo An hoãn lại việc biểu quyết một ngày với hy vọng các nước này sẽ có thể chấp nhận một cuộc điều đình. Thế nhưng thời gian dời lại đó cũng không đưa đến kết quả mong muốn nào. Nỗ lực sau cùng hôm Thứ Tư của Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama nhằm thuyết phục đồng vị Nga Vladimir Putin, nhưng Ngoại Trưởng Nga Serhej Lavrov loan báo sau cuộc điện đàm giữa hai ông Obama và Putin: “Chúng tôi không chấp thuận cái phần của bản văn nghị quyết vốn chỉ đề cập đến các biện pháp trừng phạt”.
Hôm qua Thứ Năm, lần thứ 3 trong vòng 9 tháng, Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh lại phong tỏa một nghị quyết về Syria nữa bằng cách sử dụng lá phiếu “veto” (phủ quyết) vốn dành cho 5 quốc gia thường trực (Anh, Hoa Kỳ, Nga, Pháp và Trung Cộng) trong Hội Đồng Bảo An. Trong khi đó, 11 nước thành viên khác bỏ phiếu thuận, còn hai nước Nam Phi và Pakistan không bỏ phiếu (đúng ra là đã bỏ phiếu trắng).
Mục đích của việc đề nghị các biện pháp trừng phạt là nhằm gia tăng áp lực đối với Tổng Thống Bashar al-Assad và chế độ của ông ở Damascus. Hàng chục ngàn người đã bị sát hại trong cuộc nổi dậy chống chế độ Syria vốn đã kéo dài 16 tháng nay.
Lá phiếu “veto” của Nga và Trung Cộng đã khiến Đại Sứ Mark Lyall Grant của vương quốc Anh tại Liên Hiệp Quốc phản ứng mạnh mẽ. Ông tố cáo Trung Cộng và Nga là đã “phản bội dân chúng ở Syria” và “bảo vệ một chế độ bạo tàn”. Ông Grant tuyên bố: “Tôi bị kinh ngạc!”.
Đại Sứ Nga Vitaly Churkin trả lời bằng cách tố cáo Tây Phương có “mục tiêu thuộc địa chính trị” vốn “không có chung nhau sự gì với người dân Syria”. Ông ta cũng buộc lỗi Tây Phương về việc kích động các tổ chức khủng bố ở Syria”. Theo ông Churkin, Tây phương với nghị quyết này tìm cách “mở đường cho áp lực bằng các biện pháp trừng phạt và tiếp theo là việc can thiệp bằng quân sự vào các cơ cấu bên trong của Syria”.
Còn Đại Sứ Trung Cộng phát biểu rằng nguyên tắc của Bắc Kinh là không áp đặt sự cưỡng bức lên các việc nội bộ của nước khác.

Bashar al-Assad đã tẩu thoát khỏi Damascus?
Theo thông tấn xã Reuters, một nguồn chính thức xác quyết là Tổng Thống al-Assad vẫn ở tại thủ đô Damascus và vẫn điều khiển các công tác quân sự.
Ngược lại, các nguồn tin của phe đối lập và một nguồn tin ngoại giao Tây Phương hôm qua Thứ Năm, 19-7-2012, đã quả quyết là Tổng Thống Bashar al-Assad hiện ẩn náu ở thành phố duyên hải Latakia.
Các nguồn tin trên minh xác với thông tấn xã Reuters: “Bashar al-Assad vẫn là người chỉ huy tối cao của các nỗ lực của chế độ chống lại các lực lượng khởi nghĩa ở đất nước này”. Nhà độc tài này đã không xuất hiện trong mấy ngày nay, ngay cả sau khi Tổng Trưởng Quốc Phòng cùng nhiều nhân vật lãnh đạo của ông ta bị giết hại trong một vụ tấn công bằng bom hôm Thứ Tư. Không rõ là Assad di chuyển đến Latakia trước hay sau vụ tấn công vừa được nhắc lại.
Theo tin của thông tấn xã NTB, phát ngôn viên báo chí Jay Carney ở Tòa Bạch Ốc hôm Thứ Tư vừa rồi đã tuyên bố rằng Hoa Kỳ không biết hiện Assad ở đâu.

Tướng Robert Mood chấm dứt nhiệm vụ ở Syria
Trung Tướng Robert Mood hôm qua Thứ Năm đã rời khỏi Syria và xem như công tác chỉ huy các quan sát viên Liên Hiệp Quốc của ông ở Syria đã kết thúc.
Hôm nay, Thứ Sáu, 20-7-2012, sự ủy nhiệm của đoàn quan sát viên Liên Hiệp Quốc ở Syria chấm dứt và cho tới bây giờ Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc vẫn không hay chưa gia hạn nhiệm vụ này.
Tướng Mood giải thích là trong trường hợp tính chất của công tác này thay đổi thì ông sẽ không phải là người thích hợp để điều hành một nhóm khả thể nhân viên Liên Hiệp Quốc khác ở Syria. Ông cho là người tiếp quản công tác này sẽ là một dân sự đủ điều kiện: “Định hướng chính trị xuất phát sau công tác của tôi sẽ được điều hành bởi một nhân vật dân sự vốn rất đầy đủ năng lực về chính trị”.
Nữ phát ngôn viên của quân đoàn quan sát viên, Sausan Ghosheh xác nhận với thông tấn xã NTB là Trung Tướng Robert Mood đang trên đường ra khỏi Syria. Bà tường thuật qua đường dây điện thoại từ thủ đô của Syria: “Ông Mood đã rời khỏi Damascus. Các bổn phận của ông trong vai trò chỉ huy công tác này sẽ chính thức chấm dứt trong đôi ba ngày nữa”. Bà Ghosheh đồng thời nhấn mạnh là lực lượng quan sát viên Liên Hiệp Quốc hiện chưa rời khỏi Syria. Họ ở đây để chờ đợi quyết định của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
Theo thông tấn xã NTB, Tướng Robert Mood từ Syria đã đến thẳng Genève để tường trình tình hình với Đặc Phái Viên Liên Hiệp Quốc Kofi Annan. Hai ông sẽ bàn thảo về những gì quan yếu và khả thể thực hiện chiếu theo sự biểu quyết của Hội Đồng Bảo An. Thế nhưng, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc vẫn tiếp tục các cuộc kéo co về một nghị quyết mới đối với chế độ ở Syria; và tương lai của đoàn quan sát viên là một phần của các cuộc tranh luận này.

Các trận đánh ác liệt lan rộng
Tình hình sôi động tiếp tục diễn ra ở trên khắp lãnh thổ Syria. Nhóm hoạt động Syrian Observatory for Human Rights (SOHR) loan tin là cả thảy 214 người, đa số là thường dân, đã bị thiệt mạng trong các cuộc giao chiến ở thủ đô Damascus và tại nhiều nơi khác, chỉ nội trong Thứ Tư vừa rồi; đây là một ngày đẫm máu nhất kể từ khi cuộc nổi dậy chống chế độ của Bashar al-Assad khởi phát từ tháng 3 năm ngoái. Theo SOHR, trên 17.000 người đã bị thiệt mạng trong cuộc chiến đấu trường kỳ này.
Cũng vào Thứ Tư, tin tức loan báo cả thảy 5 vụ nổ dữ dội ở khu vực Muhajire, mạn Tây-Bắc thủ đô, gần căn cứ quân sự của Lữ Đoàn 4 do Maher, em của Assad chỉ huy. Đài TV Al-Jazeera viết, đơn vị này chịu trách nhiệm về an ninh của phủ Tổng Thống ở Damascus. Tổng Trưởng Thông Tin của Syria bác bỏ tin về các vụ nổ ấy.
Vẫn theo đài Al-Jazeera, đồng thời không ngừng diễn ra các trận đụng độ ở các đường phố, kể cả ở các khu vực trung tâm Damascus, đặc biệt ở khu vực quan trọng Midan, nơi đây các kháng chiến quân vẫn đứng vững.
Nữ phát ngôn viên của đoàn giám sát Liên Hiệp Quốc, bà Sausan Ghosheh cũng xác nhận tình hình hiện nay ở Damascus rất căng thẳng. Hôm qua bà đã trình bầy với thông tấn xã NTB: “Sự bạo động đã leo thang hơn nữa trong ngày qua. Chúng tôi vẫn luôn luôn lo lắng về tình thế bạo động ở Syria, bất kể là xẩy ra ở Homs, ở Beit Ezzor hay ở Hama, và nay chúng tôi nhận thấy càng lúc càng dữ dội ở Damascus”.
Trong khi đó, như trên đã viết, các nguồn tin của phe đối lập và một nguồn tin ngoại giao quả quyết: Tổng Thống Bashar al-Assad đã đào tẩu khỏi Damascus và hiện ẩn trốn ở Latakia. Phải chăng từ thành phố duyên hải này, nhà độc tài dự tính sẽ dễ dàng hơn để đào tẩu ra ngoại quốc? Đến Nga? Trung Cộng? Hay một nước ở Phi Châu? - (HM)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT