Chuyện Nước Pháp

Nhà ga xe lửa miền Đông tại thủ đô Paris (kỳ 1)

Saturday, 04/11/2017 - 10:04:37

Đối diện với Marks & Spencer mà đèn hiệu neon in lên tấm kiếng của tiệm bia Pháp trứ danh Brasserie FLO thành lập từ năm 1918. Tiệm này có gốc rễ mọc lên từ vùng Alsace của Pháp với những chuyến giao thức uống là bia ngon miệng từ năm 1871 cho hai nhà ga Bắc và Đông của thủ đô Paris.

Bài NGỌC DIỄM

Thật lạ lùng và cũng thật bình thường khi nhiều người dân thủ đô có thể không biết đến lịch sử nhà ga thuộc loại lớn lao nơi đây là nhà ga miền Đông (gare de lEst, bên cạnh nhà ga miền Bắc, gare du Nord). Trong một chuyến đi từ thành phố bên ngoài số 54 đến thủ đô số 75 tôi lấy vé xe lửa cao tốc (hoặc xe lửa thường cũng có với giá hạ hơn nhưng thời gian lâu gấp đôi, còn xe buýt tốn năm tiếng đồng hồ và chi phí chia cho bốn) và tới nhà ga này.
Đây là một nhà ga tiềm ẩn nhiều chuyện lịch sử nhất trong số sáu nhà ga danh tiếng ở thủ đô theo thứ tự thuộc về quận nào: gare Saint-Lazare (quận IX), gare de lEst (Đông, quận X), gare du Nord (Bắc, quận X), gare Lyon (quận XII), gare Austerlitz ở quận XIII, và chót hết là gare Montparnasse quận XIV.  


Nhà ga nhìn từ phía mặt tiền, đối diện với hầm xe điện ngầm qua trục đa đại lộ.
 
Người viết bài đã tới lui cả chục lần nhà ga này, nhưng hôm nay quả tình là cùng khám phá lịch sử của nó với quý bạn đọc thân mến. Điểm hay là sự cập nhật phổ thông vào năm 2017 qua thế kỷ 21 có nhiều chuyện mới mẻ để chúng ta ghi nhận cùng lúc với hệ thống chằng chịt xe điện ngầm métro trứ danh thế giới của Pháp.

Thủ đô Ánh Sáng đã từ từ xây dựng được nhiều đường xe hoả chạy trên các đường rầy bởi nhiều công ty chuyên môn khác nhau kể từ năm 1837. Năm ấy là chuyến xe lửa nối từ Paris đến Saint-Germain-en-Laye, ngoại ô thủ đô thuộc vùng Yvelines số tỉnh 78; nhà ga mang tên Saint-Lazare. Kế đó là nhà ga Montparnasse thành hình rồi nhà ga Austerlitz năm 1840. Nhà ga miền Bắc xuất hiện năm 1846, rồi đến năm 1849 là hai nhà ga còn lại là miền Đông và Lyon. Vì hành khách rất đông đảo cứ tăng lên đều đều hàng năm nên các nhà ga đã từng được tu sửa, chỉnh đốn, mở rộng thêm, hiện đại hóa; đôi khi phá hủy hẵn luôn để dựng lại cái mới hoàn toàn như nhà ga Montparnasse. Đây là nơi đẹp nhất, tối tân nhất qua hình chụp; có dịp tôi sẽ ghé qua thăm nó.

Trở lại nhà ga miền Đông mà tôi vừa quen vừa lạ vì không phải ghé nó hàng ngày như đi chợ. Cách xa nhiều năm lắm lại mới có dịp đến nên nó lạ hẵn đi vì kỷ niệm cũ bắt đầu tàn phai trong ký ức. Với cái tên chính xác là Gare de Paris-Est (tên cũ là ga Strasbourg) nó là nhà ga trạm cuối cùng (terminus) như năm cái kia tập trung ở thủ đô của hãng xe lửa nhà nước tên SNCF (Société Nationale des Chemins de fer Francais). Hãng xe lửa này lớn mạnh từ năm 1937 và được xếp vào hàng thứ ba ở Châu Âu. Cạnh nhà ga miền Đông có nhà ga miền Bắc và cả hai cùng nằm trong quận X của thủ đô. Hai cái tên hầu như diễn tả đúng nội dung là chúng mang hành khách từ hai miền này đến thủ đô Paris, sau đó là các quốc gia khác kề cận qua Pháp. Hàng năm có 34 triệu khách du hành qua nhà ga miền Đông. Tuy nhiều đến thế mà nó lại sắp hạng năm trong sáu nhà ga vì phục vụ ngoại ô và các đường lớn nối liền vùng đất phía Đông tới Paris, thêm vào các quốc gia kế cận như Đức, Lục Xâm Bảo, Áo, Bảo Gia Lợi, Hung Gia Lợi, Ý và Thổ Nhĩ Kỳ.

Lần du hành này, cách trang hoàng nhà ga miền Đông bên trong thay đổi rất lạ mắt đối với người lâu quá không ghé qua đây. Các tấm ảnh khổng lồ treo trên phía trần nhà ga được chống đỡ bằng các thanh sắt dọc ngang thật đẹp mắt và chủ đề khác nhau. Mới vào cửa là gặp ngay tiệm thực phẩm với bảng hiệu Marks & Spencer Food mở cửa cả tuần hàng ngày từ bảy giờ sáng đến chín giờ đêm, Chúa Nhật mở trễ hơn từ 10 giờ sáng đến tám giờ tối. Tôi thật sự bị thu hút bởi thương hiệu Ăng Lê danh tiếng nên đứng lại chụp cho được tấm ảnh dù biết giờ xe lửa sắp chạy gần kề rồi. Đây là điều mới cập nhật, cửa hàng này chưa có đó khi tôi đến nhà ga lần chót. Tôi vào cửa chính của nhà ga từ công trường Place du 11 Novembre 1918 trực tiếp sau khi băng qua trục đại lộ giao nhau xe cộ chạy đông đúc tứ giăng. Tôi vừa tách rời hầm xe điện ngầm đường số 4 để xuống trạm nhà ga miền Đông.


Đây là tiệm bán thực phẩm trong nhà ga thuộc chuỗi Marks&Spencer. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Câu chuyện kể về nhà sáng lập ra chuỗi hàng thương mại M&S của Anh cũng khá ly kỳ. Chàng trai gốc Nga Biélorussie tên Michael Marks qua Anh bán hàng dạo năm 1882 chưa biết tiếng Anh gì nhiều. Chàng ta khéo xoay sở, dán tờ giấy nhỏ ghi là «Đừng hỏi giá, chỉ có một penny thôi» trên xe hàng dạo đẩy đi khắp nơi trên đường phố thuộc vùng đất tên Leeds. Thế là thu hút khách như ruồi bu thịt cá vì giá vừa túi tiền đa số người lúc ấy. Hai năm sau, Marks gặp Spencer và hợp tác thành công mở cửa hàng buôn bán từ đồ ăn đến nhiều thứ khác. Từ đó về sau, chúng ta được biết đến thương hiệu nói trên đã phất lên như diều gặp gió bay đi và phát triển trên khắp thế giới.

Đối diện với Marks & Spencer mà đèn hiệu neon in lên tấm kiếng của tiệm bia Pháp trứ danh Brasserie FLO thành lập từ năm 1918. Tiệm này có gốc rễ mọc lên từ vùng Alsace của Pháp với những chuyến giao thức uống là bia ngon miệng từ năm 1871 cho hai nhà ga Bắc và Đông của thủ đô Paris.


Tiệm ăn có bia ngon vùng Alsace với logo FLO kiểu chữ Tân Nghệ Thuật. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Từ bia uống qua thức ăn thường xuyên là đồ nhậu biển như sò ốc, nghêu, tôm cá, cua. Có 33 tiệm Flo như vậy trên toàn quốc không kể hàng trăm cái với danh hiệu khác như Taverne des Maitres Kanter hay Hippopotamus. Ra đến Châu Âu cũng có 150 tiệm quốc tế của nhóm FLO kể cả bên Tàu.
Thế rồi đến sâu vào bên trong với những tấm ảnh nhiều màu sặc sỡ hay tế nhị treo chắc chắn trên cao hai bên lối cổng vào trái và phải. Đây cũng là điều mới lạ luôn nữa so với lần trước. Khi đó, trần nhà ga trên cao trống hoảnh với các đà sắt dọc ngang trông thật đơn điệu. Nay thì không gian ấm lên nhiều hơn nhờ tranh ảnh vui mắt người nhìn tuy phải ngước lên mới thấy rõ.
 

Bên trong một phần nhà ga, phía bên trái trên cao với ảnh lớn trang hoàng. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)


Bên phải với nhiều ảnh đẹp, chính giữa là tranh quý hiếm. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)


Bước tiến vào gần hơn nhìn rõ bên trái và phải cùng hình ảnh chính giữa. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Tất cả hình ảnh nơi đây và những cửa tiệm chỉ là một phần bên cánh trái của nhà ga khổng lồ này, vốn dĩ là nhà ga lớn nhất Paris mặc dù là đứa con sinh sau đẻ muộn nhất luôn thể vào năm 1850. (nd)
(Còn tiếp một kỳ)






Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT