Thế Giới

Nhà hoạt động Thái được giải thưởng nhân quyền, nhưng bị giam vì tội khi quân

Thursday, 22/06/2017 - 10:52:35

Cha mẹ của nhà hoạt động sinh viên này đã đòi chính phủ Thái Lan xin lỗi, vì chính phủ cho rằng con trai họ có tội, ngay cả trước khi ngày giờ xét xử chưa được ấn định.


Anh Jatupat Boonpattararaksa nói chuyện với báo chí từ trong nhà tù. (Prachatai English)


BANGKOK – Anh Jatupat Boonpattararaksa, một sinh viên người Thái Lan đã bị bắt giam, vì từng chia sẻ một tài liệu của đài BBC nói về tiểu sử quốc vương mới của Thái Lan trên Facebook. Thế nhưng anh được một tổ chức quốc tế trao tặng một giải thưởng nhân quyền cao quí.

Jatupat đang bị giam chờ ngày ra tòa xét xử, và có thể lãnh một án tù giam nhiều năm, chiếu theo luật khắc khe của nước này về tội khi quân.

Cha mẹ của Jatupat đã có mặt ở Nam Hàn để thay mặt anh nhận Giải Thưởng Gwangju Về Nhân Quyền năm 2017, và tiền thưởng $14,000 Mỹ kim.

Trong số những người lãnh giải thưởng này trước đây có bà Aung San Suu Kyi, tù nhân lương tâm và hiện nay là nhà lãnh đạo của Miến Điện, và ông Xanana Gusmao, người cầm đầu một cuộc nổi dậy và là cựu thủ tướng của Đông Timor.

Eatpant Pindavanija là giám đốc Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Và Nhân Quyền của Đại Học Mahidol, nơi đề cử sinh viên Japutat lãnh giải thưởng này. Ông Pindavanija nói, “Jatupat đã làm nhiều hoạt động vì nhân quyền vì lợi ích của công chúng.”

Hơn 2,000 người đã chia sẻ hồ sơ của đài BBC về tân quốc vương Vajiralongkorn của Thái Lan. Thế nhưng chỉ có Jatupat Boonpattararaksa bị buộc tội khi quân, cũng như tội vi phạm Đạo Luật Tội Phạm Máy Điện Toán.

Vụ án này được coi là một cuộc trắc nghiệm về cách thức luật phỉ báng quốc vương sẽ được thi hành dưới triều đại của vị vua mới, người kế vị vua cha là Bhumibol, vị quốc vương được nhiều người sùng kính.

Jatupat được biết đến nhiều hơn với cái tên là “Pai”, nghĩa là cây tre. Lúc đầu anh được phóng thích sau khi nộp tiền thế chân để tại ngoại hầu tra. Nhưng điều đó đã bị thu hồi, sau khi anh đăng những tấm ảnh chụp cảnh anh chúc mừng với bạn bè ở bên ngoài tòa án.

Jatupat cũng đã từ chối gỡ bỏ các mục đăng trên Facebook. Anh lập luận rằng việc ấy sẽ phá hủy bằng chứng trước khi cuộc xét xử được mở ra.

Các giới chức Thái Lan nói rằng anh đã tỏ thái độ không tôn trọng tòa án. Từ đó ít nhất sáu lần tòa đã bác đơn của anh xin nộp tiền thế chân để tại ngoại.

Trước khi những cáo buộc này được đưa ra, anh được biết đến nhiều nhất vì vụ làm gián đoạn một bài diễn văn của thủ tướng Thái Lan, Tướng Prauruth Chan-o-cha, để đưa ra một cữ chỉ chào mừng bằng ba ngón tay, lấy cảm hứng từ bộ phim The Hunger Games.

Một cuộc tranh cãi thêm đã nổ ra về một bức thư do tòa đại sứ Thái Lan tại Seoul gửi cho ban tổ chức giải thưởng ấy.

Đại sứ Sarun Charoensuwan viết.  “Tôi muốn nhân cơ hội này để chỉ ra cho thấy rằng anh Jatupat Boonpattararaksa đã làm những hành động vi phạm pháp luật của Vương Quốc Thái Lan. Anh đã được cho phép đóng tiền thế chân để tại ngoại. Tuy nhiên điều đó đã bị thu hồi, khi anh lặp lại những vụ vi phạm, do đó vi phạm những điều kiện đóng tiền thế chân. Tôi muốn nhấn mạnh rằng Thái Lan ủng hộ và đánh giá cao quyền tự do ngôn luận, lập hội và tụ họp. Tuy nhiên những quyền này không phải là tuyệt đối, và cần phải được thực thi trong khuôn khổ luật pháp.”

Cha mẹ của nhà hoạt động sinh viên này đã đòi chính phủ Thái Lan xin lỗi, vì chính phủ cho rằng con trai họ có tội, ngay cả trước khi ngày giờ xét xử chưa được ấn định.

Họ cũng nói rằng những hành động của anh không vi phạm bất cứ điều khoản nào của việc anh được phóng thích sau khi nộp tiền thế chân.

Eakpant Pindavanija, thuộc Viện Nghiên Cứu Nhân Quyền Và Hòa Bình, nói, “Bộ Ngoại Giao hành động như thể người bị cáo buộc trong vụ án này đã bị kết tội rồi. Trường hợp của anh ấy vẫn chưa được làm chứng tại tòa án, vì vậy nói rằng anh vi phạm pháp luật là không đúng. Mọi người đều xứng đáng có được hưởng công lý.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT