Thế Giới

Nhà khoa học Nhật được giải Nobel Y Học nhờ nghiên cứu tế bào tự ăn

Monday, 03/10/2016 - 10:18:18

Trong cuộc họp báo ngày thứ Hai sau khi nhận được tin vui, ông Ohsumi nói, "Tôi vô cùng ngạc nhiên. Tôi đang làm việc trong phòng thí nghiệm thì nhận được tin về giải Nobel."

Từ bên trái là các giáo sư Yoshinao Mishima, Yoshinori Ohsumi (người vừa thắng gỉai Nobel) và Makoto Ando chụp hình trong buổi họp báo về giải Nobel Y Học 2016 được tổ chức tại trường Tokyo Institute of Technology, Nhật ngày thứ Hai. (Ken Ishii/ Getty Images)

 

Giải Nobel Y Học năm 2016 đã được trao cho ông Yoshinori Ohsumi, một nhà khoa học Nhật Bản vì công trình nghiên cứu về cơ chế tự thực (tự ăn chính mình) và tái tạo của tế bào.
Ông Yoshinori Ohsumi, 71 tuổi, sinh ra tại Fukuoka và hiện đang là giáo sư của trường kỹ thuật Tokyo Technology Institute.

Thông báo của Hội Đồng Nobel tại Viện Karolinska, Thụy Điển nói quá trình tự thực (autophagy) là cơ chế nền tảng của tế bào. Thông báo cũng nói nghiên cứu của Ohsumi chỉ ra cơ chế tự thực (tự ăn chính mình) kiểm soát các tính năng y sinh căn bản khi các thành tố tế bào bị suy thoái và được tái tạo.
“Các khám phá của ông Ohsumi dẫn tới tư duy mới trong cách hiểu về cơ chế tái tạo của tế bào,” Hội đồng Nobel của Viện Karolinska nói khi công bố giải thưởng 8 triệu crown Thuỵ Điển (tương đương $933,000 Mỹ kim).

Trong cuộc họp báo ngày thứ Hai sau khi nhận được tin vui, ông Ohsumi nói, "Tôi vô cùng ngạc nhiên. Tôi đang làm việc trong phòng thí nghiệm thì nhận được tin về giải Nobel."

Ông Ohsumi cho biết sự nghiệp của ông chịu sự ảnh hưởng của thân phụ, vốn là một giáo sư ngành cơ khí ở Đại Học Kyushu. "Tôi đã làm quen với môi trường học thuật từ nhỏ cho đến khi trưởng thành. Nhưng trong khi bố tôi theo đuổi các ngành công nghiệp thì tôi hứng thú hơn với khoa học thiên nhiên," ông cho biết.

Khi vào trường phổ thông, ông thích nhất môn hóa học nên đã thi vào ngành này của đại học Tokyo. "Nhưng tôi nhanh chóng nhận ra môn hóa không còn hấp dẫn, vì ngành này đã được khám phá nhiều rồi," Ohsumi nói.

Sau đó, ông Ohsumi chuyển hướng sang ngành sinh học. Ông cho rằng đó là sự chuyển hướng may mắn vì "đầu thập niên 1960 là giai đoạn vàng của những nhà nghiên cứu sinh học phân tử." Ngành này cũng còn là một lãnh vực khá mới mẻ ở Nhật Bản vào thời điểm đó.

Quá trình tự thực cũng có thể nhanh chóng cung cấp nhiên liệu và năng lượng cho việc xây dựng các thành tố tế bào mới. Đây là cơ chế quan trọng để tế bào đối phó với tình trạng tế bào bị đói hoặc là các dạng căng thẳng khác.

Khi bị nhiễm trùng, quá trình tự thực của tế bào có thể ngăn chặn các vi khuẩn và virus thâm nhập xuyên tế bào. Quá trình này cũng đóng góp cho việc phát triển phôi và sự tạo khác biệt cho tế bào.
Quá trình tự thực đã được biết đến trong hơn 50 năm nay nhưng tầm quan trọng của nó đối với y sinh và y dược mới chỉ được nhận ra sau những nghiên cứu của Ohsumi trong những năm 1990.

Ông sử dụng nấm men bánh mì để xác định gen cần thiết trong quá trình tự thực. Sau đó, ông đào sâu làm sáng tỏ các cơ chế này ở nấm men.

Khám phá của Ohsumi mở ra một mô hình mới về sự hiểu biết của nhân loại đối với cách thức các tế bào tái sản sinh các thành phần của nó. Việc đột biến trong cơ chế tự thực có thể dẫn đến bệnh tật, bao gồm bệnh ung thư và các bệnh về thần kinh.

Ông là nhà khoa học gốc Nhật Bản thứ 23 đoạt giải Nobel, và là người Nhật thứ sáu được vinh danh ở hạng mục Nobel Y Học.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT