Hoa Kỳ

Nhà sáng lập WikiLeaks xin tị nạn ở Ecuador, dù tự do báo chí bị hạn chế

Bạch Vân/Viễn Đông Saturday, 04/08/2012 - 11:14:33

Chính vụ rò rỉ này đã dẫn đến chuyện một binh nhất quân đội Mỹ, tên là Bradley Manning, bị tống giam vào tù và nghe nói bị tra tấn, vì đương sự bị buộc tội đã chuyển giao những hồ sơ tài liệu ấy cho WikiLeaks.
Theo tin tức cho hay, mặc dù những cuộc cứu xét nội bộ củ

Bạch Vân/Viễn Đông

QUITO, Ecuador – Thay mặt cho người con trai của mình, một bà mẹ đã đến thăm một quốc gia Mỹ Châu La Tinh, xin cho con trai bà được bảo vệ ở đó.
Sau khi gặp được Tổng Thống Rafael Correa của Ecuador ở Quito, vào hôm 1-8-2012, bà Christine Assange nói: “Đây là một quyết định tối thượng và tôi tôn trọng điều ấy. Tôi tôn trọng chuyện ông ấy [Tổng Thống Correa] sẽ đưa ra quyết định vì lợi ích tốt nhất cho Julian, nhân quyền và đất nước của ông”.
Con trai của bà là Julian Assange, người sáng lập địa chỉ mạng truyền thông WikiLeaks, chuyên đăng tải và bình luận về những hồ sơ tài liệu của các chính phủ và các công ty bị rò rỉ ra ngoài. Từ tháng 6 năm 2012, ông Assange đã vào ở trong tòa đại sứ của Ecuador tại London, Anh Quốc, cố gắng tìm cách tránh khỏi bị dẫn độ sang Thụy Điển, nơi ông phải bị chất vấn về những lời buộc tội tấn công tình dục. Rốt cuộc, theo tin tức cho biết, ông Assange lo ngại rằng cuối cùng ông sẽ bị đem sang Hoa Kỳ và đối diện những lời buộc tội và thậm chí bị tra tấn nữa, vì vụ trang mạng WikiLeaks của ông trong tháng 11 năm 2010 đã tiết lộ những văn kiện tài liệu của chính phủ Mỹ. Chính vụ rò rỉ này đã dẫn đến chuyện một binh nhất quân đội Mỹ, tên là Bradley Manning, bị tống giam vào tù và nghe nói bị tra tấn, vì đương sự bị buộc tội đã chuyển giao những hồ sơ tài liệu ấy cho WikiLeaks.
Theo tin tức cho hay, mặc dù những cuộc cứu xét nội bộ của chính phủ Mỹ đã đưa ra bằng chứng cho thấy rằng các văn kiện bị rò rỉ chỉ gây ra thiệt hại tối thiểu cho Hoa Kỳ, nhưng các công tố viên trong vụ tòa án quân sự xét xử Manning nói rằng bị cáo đã gây nguy hại cho nền an ninh quốc gia và hỗ trợ cho những kẻ thù của Mỹ. Trong số những tài liệu bị rò rỉ, có những bức điện tín ngoại giao mang nội dung chứa đựng những lời lẽ “gây bối rối lúng túng” của các giới chức Mỹ, khi họ nói về một số quan chức của các quốc gia khác.
Cho dù con trai mình gặp phải chuyện gì đi nữa, bà Assange nói khi đang ở Ecuador: “Chúng tôi biết rằng WikiLeaks và Julian đang làm một cái gì đó tốt lành cho thế giới, và chúng tôi có hàng triệu người ủng hộ trong số dân chúng các nước trên thế giới”. Bà Assange nói thêm rằng có những vấn đề lớn lao hơn cả chuyện con trai bà và WikiLeaks. “Hiện nay đây là một vấn đề của công lý và tương lai của quyền tự do báo chí”.
“Chúng tôi là những người tranh đấu, cũng giống như các bạn đang ở Mỹ Châu La Tinh vậy, và chúng tôi không đầu hàng những kẻ bắt nạt”.
Bà Assange lên tiếng ca ngợi Ecuador và Mỹ Châu La Tinh nói chung, thế nhưng một số lời lẽ bình luận của bà xem ra có vẻ mâu thuẫn. Trong tháng 1 năm 2012, nhật báo Viễn Đông đưa tin cho biết rằng tự do báo chí ở Ecuador bị hạn chế. Viễn Đông có đưa tin về một vụ cụ thể, liên quan đến nhật báo El Universo của Ecuador, khi tờ báo này nói rằng Tổng Thống Correa đã bôi nhọ công việc của họ, sau khi một trong những tác giả viết bài đăng trên báo này gọi Tổng Thống Correa là một “nhà độc tài”.
Thậm chí Tổng Thống Correa đã đâm đơn kiện tờ báo, đòi bồi thường hàng chục triệu Mỹ kim, cũng như yêu cầu giam tù tác giả.
Một điều thú vị xảy ra như là một hậu quả của vụ WikiLeaks tiết lộ những bức điện tín ấy, đó là trong năm 2011 Tổng Thống Correa đã trục xuất nữ đại sứ Mỹ tại Ecuador, vì trong những bức công điện bà đã tố cáo rằng ông Correa có thể biết rõ về tình trạng tham nhũng thối nát đang diễn ra ở cấp cao trong chính phủ.

Lược sử Ecuador
Ecuador nằm ở Nam Mỹ Châu, phía Nam của Columbia, phía Tây Bắc của Peru, và hướng Đông của Thái Bình Dương. Đất nước có dân số hơn 15 triệu trong năm 2011.
Trước khi thực dân Tây Ban Nha đến đây vào đầu những năm 1500, khu vực về sau được gọi là Ecuador vốn là nơi sinh sống của những sắc dân thiểu số, đặc biệt người Inca đã lập ra một đế quốc riêng của họ. Cũng giống như những vùng khác tại Mỹ Châu La Tinh, nhiều người sắc tộc thiểu số đã chết vì những chứng bệnh do người ngoại quốc đem vào, chết vì những cuộc chiến tranh, và chế độ nô lệ do những người Châu Âu đưa sang đây, khi họ tìm cách mở rộng lãnh thổ của mình sang khu vực Tây Bán Cầu, thậm chí còn mang tới đây nhiều người Phi Châu làm nô lệ, bổ túc cho lực lượng lao động xây dựng thuộc địa.
Cùng với các nước Mỹ Châu La Tinh khác, nhiều người dân trong khu vực hiện nay được gọi là Ecuador đã tìm cách giành độc lập từ Tây Ban Nha. Đến năm 1822, dân chúng giành được nền độc lập của họ, thế là quốc gia Ecuador ra đời.
Tuy nhiên, nền độc lập quốc gia đã không mang lại nền độc lập cho tất cả mọi người ở trong nước. Giới giáo sĩ và những địa chủ giàu có vẫn nắm chặt quyền lực, trong khi dân nghèo vẫn bị thất thế.
Ecuador đã trải qua những cuộc cách mạng tự do, gây ra bởi tình trạng ấy, cùng với những cuộc chiến tranh đánh nhau với các nước láng giềng, và chính phủ quân sự cầm quyền trong khoảng thời gian từ năm 1885 đến năm 1979. Theo tin tức cho biết, mặc dù nền dân chủ đã được thành lập vào năm 1979, nhưng chính phủ Ecuador đã từng bị chỉ trích về tình trạng bất bình đẳng xã hội, chính trị, và kinh tế, cũng như về chuyện hạn chế tự do báo chí.

Ecuador hạn chế tự do báo chí, tương lai của ông Assange ra sao?
Theo ông Cesar Ricaurte, giám đốc Sáng Hội Andean Nghiên Cứu và Quan Sát Các Phương Tiện Truyền Thông ở Quito, thì Ecuador đang chuyển mình nhanh hơn, so với bất cứ nước nào khác, tiến tới việc hạn chế quyền tự do báo chí, sử dụng những vụ kiện tụng, luật lệ, và hoạt động tuyên truyền mạnh mẽ của chính phủ, để bịt miệng những luận điệu bất đồng chính kiến.
Theo bảng chỉ số tự do báo chí toàn cầu hàng năm, được tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới công bố hôm 25-1-2012, thì Ecuador được xếp hạng thứ 104 trong số 179 nước, xét về tự do báo chí.
Tổng Thống Correa đã lên tiếng thẳng thừng chống lại các phương tiện truyền thông độc lập, cũng như chống lại Ủy Ban Nhân Quyền Hoa Kỳ, một cơ quan trụ sở tại Hoa Kỳ có thu thập lưu trữ hồ sơ về những tìn thái độ của ông. Trong năm 2008, Tổng Thống Correa đã nhận được sự ủng hộ đối với một bản Hiến Pháp mới, trao cho chính phủ thêm quyền kiểm soát điều tiết, và đã mở đường cho việc chính phủ hạn chế bớt hoạt động của các phương tiện truyền thông độc lập.
Nhật báo Washington Post trích dẫn lại lời ông Correa nói: “Chúng tôi không phải là không bao dung đối với các phương tiện truyền thông. Điều mà chúng tôi không dung thứ được là những lời dối trá của họ”.
Theo Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả (CPJ) cho biết, các phát ngôn viên chính phủ thường xuyên phá sóng làm gián đoạn các chương trình tin tức, để bác bỏ những tin tức được loan ra, nói rằng tin tức như vậy đều không chính xác. Trong một bài diễn văn đọc trong năm 2011, tại trường đại học Columbia University, Tổng Thống Correa được trích dẫn lại lời ông nói rằng các phương tiện truyền thông đã đánh cắp danh dự của ông. Ông hỏi rằng thế thì tại sao các phóng viên lại không nên bị giam tù vì tội vu khống ông.
Trong khi ông Assange đang chờ đợi quyết định của Tổng Thống Correa, về chuyện ông sẽ được tị nạn ở Ecuador hay không, thì ít nhất có một câu hỏi lớn hơn đang treo lơ lửng: liệu ông Assange sẽ có được các quyền tự do báo chí mà mẹ ông có nói đến, nếu Tổng Thống Correa cho ông sang tị nạn ở Ecuador, hoặc liệu ông sẽ bị bịt miệng hay không – bịt miệng bắt người ta im lặng phải chăng tự bản chất là một cách thức tra tấn? - (BV)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT