Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Nhà sưu tập tranh... hai mặt

Friday, 10/10/2008 - 10:51:37

Nội dung bản tin có những chi tiết đáng chú ý như sau: Vào năm 2006, nhà chức trách tìm thấy một bộ sưu tập nghệ thuật, về số lượng ...

fbi-picasso-tetedefemme-w.jpgTrong bài báo ngày 11.8.08, với nhan đề “Stolen Art Uncovered,” tờ New York Times giở lại hồ sơ về cái chết - ông qua đời vì đột quỵ tim - của một nhân vật kỳ bí ở New York, người nổi tiếng về trí nhớ, nhà khảo cứu thần đồng, người lúc nào cũng có một bức màn bí mật thân thế bao phủ, và chủ nhân một bộ sưu tập hơn 300 tác phẩm nghệ thuật...

[Bức “Cái đầu của người đàn bà” của Pablo Picasso, nguồn: FBI] 



Nội dung bản tin có những chi tiết đáng chú ý như sau: Vào năm 2006, nhà chức trách tìm thấy một bộ sưu tập nghệ thuật, về số lượng lẫn giá trị nghệ thuật tương đương với một bảo tàng viện cỡ trung bình, trong một căn apartment ở New York City.

 

Nhưng trong bộ sưu tập nghệ thuật đó - bao gồm tác phẩm hội họa, điêu khắc, bản vẽ phác thảo - của những nghệ sĩ bậc thầy như Picasso, John Singleton Copley, Alberto Giacometti, Giorgio Morandi và Eugene Boudin, có một số - bị khám phá ra sau ngày chết của chủ nhân - là đồ ăn trộm. Chủ nhân bộ sưu tập này là một tên tuổi rất quen thuộc, nếu không muốn nói là nổi danh, tại New York City, tên là William M.V. Kingsland, qua đời tháng 4, 2006 ở tuổi 62.

 

Lúc bộ sưu tập được tìm thấy, không ai nghĩ đó là đồ ăn trộm. Ông Kingsland không để lại di chúc cũng như không có ai nhận là thân nhân họ hàng hưởng gia tài nên thành phố New York đã mướn hai nhà đấu giá Christie's và Stair Galleries bán bộ sưu tập này. Nhưng sau đó, nhà Chrisitie's khám phá ra là một số tác phẩm đã bị đánh cắp từ thập niên 1960 và 1970. Nhà Stair Galleries đã bán được vài tác phẩm và một trong những người mua, một nhà sưu tập tranh, khám phá ra họ đã mua đồ ăn cắp. Cả hai nhà đấu giá đều báo cáo sự việc cho ông Jim Wynne, một nhân viên đặc biệt trong đơn vị chống ăn cắp nghệ thuật “Art Crime Team” của FBI.

 

Công việc của FBI là tìm ra người chủ hợp pháp của những tác phẩm bị đánh cắp để trả lại. Hai phần ba bộ  sưu tập đã có người đến nhận, chỉ còn khoảng trên 100 tác phẩm vẫn còn chờ châu về hợp phố, được chụp hình đưa lên các “website” của FBI hay của một số tờ báo để may ra có chủ nhân nào xuất hiện trình giấy tờ tài liệu chứng minh lãnh về.

 

fbi-langley-rivercows-w.jpgNgười hai mặt

 

Nhân vật trọng tâm và kỳ thú nhất trong vụ này không ai khác hơn là William M.V. Kingsland, được một bài báo của tờ New York Time số ra ngày 13.4.2006 cho biết lai lịch và đời sống của ông như một bộ tiểu thuyết đầy tính chất kỳ bí và thần thoại. Bài này viết vào thời điểm chưa ai biết sự thật về bộ sưu tập, nên mang nội dung ca ngợi con người và cuộc đời của Kingsland như là một dân New York ngoại hạng.

 

[Bức “Đàn bò bên dòng sông” của William Langley, nguồn: FBI]

 

Thiên hạ mệnh danh cho ông là một bộ tự điển địa lý biết đi. Bài báo của ký giả Gary Shapiro viết mô tả Kingsland là một nhà khảo cứu thần đồng và là một nhà gia phả học kỳ tài. Một người bạn nối khố là Eliot Rowlands cho hay, Kingsland là một bộ sách lịch sử biết đi của khu thượng lưu phía đông New York Thượng.

 

Kingsland là một người rất bí mật. Ông có nhiều bạn thân nhưng rất ít người có cơ hội được vào căn chung cư của ông. Nói chuyện với bạn bè, ông thường đánh trống lảng mỗi khi bị hỏi về thân thế, lai lịch hay về gia đình. Lúc sanh tiền, Kingsland là một tay thổ địa New York City. Một thành viên của Ủy ban bảo tồn di tích lịch sử “Landmarks Committee of Community Board 8” gọi Kingsland là một cuốn tự điển địa lý biết đi. Không địa chỉ nào mà Kingsland không biết. Ông biết người nào đã từng sống ở đó, chuyện gì đã xảy ra. Tội ác, ngoại tình, gái bỏ nhà theo trai, Kingsland biết hết.

 

Với nụ cười mỉm bí hiểm, ông Kingsland là một nhân vật nổi bật trong thế giới những người bảo tồn lịch sử, những nhà trưng bày tranh, và những nhà bán đấu giá tại New York. Mùa đông, ông đội mũ beret, đeo khăn quàng. Mùa hè, ông đội mũ lưỡi trai nhựa làm ông nhìn giống như đầu con cá mập. Khoác cái áo phủ ngoài áo sơ mi trắng Oxford, Kingsland có một lối ăn mặc tự nhiên thoải mái.

 

Kingsland là người chiến đấu cho lối sống cũ không mệt mỏi. Theo tác giả Barnaby Conrad III, Kingsland như khó chịu vì thế kỷ 20 đã xảy ra. Một người trong giới đấu giá, lần đầu tiên gặp Kingsland vào thập niên 1970, cho hay, Kingsland có kiến thức gợi lên “bóng dáng một thế giới khác.”

 

Kingsland được ủy ban di tích lịch sử Landmarks Committee of Community Board 8 mướn làm ủy viên công vụ. Trong những phiên họp, Kingsland ngồi bắt chân chữ ngũ, ngả người ra sau và chỉ nghe. Những khi phát biểu, ông ta nói rất ít nhưng chắc như đinh đóng cột.

 

Tại một phiên họp của UB Landmarks, người ta đưa ra một tấm hình chụp một căn nhà chỉ còn vỏn vẹn cái cửa ra vào, theo lời một thành viên nhớ lại, thế mà Kingsland nói vanh vách cái địa chỉ đó là gì. Ông biết giá những căn nhà townhouse, bề ngoài những tòa nhà, kiểu tân trang do kỹ sư nào vẽ, thậm chí cả lịch sử thay đổi các cửa sổ tòa nhà ông cũng biết. Ông thu thập những vi phạm di tích lịch sử rồi báo cáo cho ủy ban.

 

Thành tích sáng chói của Kingsland là những chi tiết tuy vụn vặt nhưng chính xác về đời sống trong các tòa nhà Upper East Side qua nhiều thế hệ, được kể theo lối mô tả các nhân vật tiểu thuyết của Henry James hay Edith Wharton.

 

Ông Kingsland dùng cái tài mọn nhưng độc đáo đó để giúp cho các tổ chức. Trí nhớ tuyệt luân của Kingsland đã giúp rất nhiều cho việc gây quĩ bảo tồn Park Avenue. Chả là vì ông biết hết những người sẵn sàng bỏ tiền ra làm đẹp Park Avenue. Ông Kingsland biết tổ tiên của những người này, từng là cự phú trong ngành bia hay thép hay đã từng là người hùn hạp trong công ty dầu hỏa Oil Standard làm mưa làm gió một thời. Ông lôi những hậu duệ còn sống đó ra xin mở rộng hầu bao đóng góp làm đẹp Park Avenue. Không người nào lắc đầu nổi, chỉ vì danh giá dòng họ.

 

fbi-forain-lapianiste-w.jpgÔng Kingsland giúp ủy ban phục hồi Thánh đường Ba Ngôi Church of Holy Trinity tại phố East 88th Street bằng cách đi tìm các hậu duệ dòng họ Rhinelander. Ông cũng là tình nguyện viên cho văn phòng New York của học viện American Academy tại Rome.

 

[Bức “Nữ dương cầm thủ” của Jean Louis Forain, nguồn: FBI]

 

Với nghĩa trang New York Marble Cemetery, không ai có thể chối cãi công lao đóng góp to lớn của Kingsland khi ông thiết lập một bảng phả hệ giữa người trong trong mồ nổi với những hậu duệ còn sống. Một ủy viên ban quản trị nghĩa địa, bà Anne Brown, đã thiết lập gia phả cho nghĩa trang trong thế kỷ 19, rồi trao phần còn lại cho ông Kingsland làm nốt. Ông thiết lập gia phả những ngôi mộ có niên đại từ  1905 đến 1910. Ông vùi đầu trong thư viện New York Society Library và ghi kết quả lên hàng trăm tờ giấy vàng chi chít chữ. Rồi ông gửi những gia phả đầy đủ chi tiết này cho bà Brown. Sau này bà Brown kinh ngạc khi biết ông Kingsland đã phỏng vấn hàng ngàn người còn sống, chỉ ghi chép một bản rồi gửi hết cho bà, không giữ một bản sao nào cho mình. Nhưng đến khi thảo luận với bà, ông vẫn nhớ vanh vách. Khâm phục thiên tài trí nhớ của Kingsland, bà Brown dám tuyên bố rằng: “Nếu có hết tất cả tiền trên thế giới này, chúng tôi cũng không thể nào mướn một người làm được cái việc mà ông ấy đã làm.”

 

Kingsland có thể chặn bạn bè đang đi ngoài hè phố và nói chuyện suốt ngày không hết chuyện. Kingsland có thú vui đích thân đem thư đến tận địa chỉ người nhận, không cần bưu điện. Là người có máu căn cơ, ông dùng lại các phong bì. Bạn thân thường nhận được những phong bì không có thư, nhưng có những mẩu báo cắt ra cho thấy ông đang nghĩ đến họ. Chẳng hạn, Kingsland gửi cho một người bạn đang sống tại Anh quốc một mẩu tin cắt ra từ tờ báo về cái chết của một phụ nữ tên Mrs. Going. Ông dí dỏm viết thêm: “Going, going, gone.” (Bà Going, đang đi (going), đã đi mất rồi)

 

Còn rất nhiều chuyện về nhân vật kỳ tài Kingsland vừa lập dị vừa thú vị. Ông cho biết cái tên lót viết tắt M.V. có nghĩa là Milliken Vanderbilt, khoe đã lập gia đình một lần, rằng cha mẹ ông sống tại Florida. Hiện không biết có thân nhân nào còn sống không. Một hậu duệ trực tiếp của ngài Ambrose Cornelius Kingsland, một thị trưởng New York hồi thế kỷ 19, là ông James Kingsland, cho hay, ông không tin William Kingsland có liên hệ gia phả họ hàng gì với ông.

 

Ông James Kingsland nói đúng. Sau khi ông William Kingsland chết lâu rồi, giới truyền thông mới khám phá ra ngay cái tên Kingsland cũng không phải là tên thật. Ông ta tên thật là Melvyn Kohn, những năm đầu đời cư ngụ ở Bronx, trước khi xin phép đổi tên thành Kingsland, vì ông ta cho cái tên này nghe văn chương hơn, giúp ông ta tiến thân trong xã hội thượng lưu ở Manhattan. Và ông đã suy nghĩ đúng khi đổi ra tên này.

 

Ông Kingsland để lại một ấn tượng tốt đẹp là lúc nào cũng tỏ ra nhiệt tình với bạn bè và những người được ông tình nguyện giúp việc.

 

Ở căn chung cư của Kingsland, bạn bè nhớ lại từ sàn nhà lên tới trần, ông Kingsland treo những tác phẩm  mỹ thuật la liệt, có khi chồng lên nhau, mục đích không phải là trưng bày mà để không bị hư hỏng. Những kệ sách tranh chỗ của những tấm thảm cuốn, những món đồ lạ mắt, những đồ đồng và những bản thảo trong các hộp.

 

Không ai ngờ một người lắm tài và dễ thương như thế lại là một tên trộm nghệ thuật thành New York City.

 

fbi-traub-tablewall-w.jpgNghệ thuật đang chờ “châu về hợp phố”

 

Tháng 8, 2008, tờ New York Times loan tin rằng, hai năm sau cái chết của nhân vật kỳ tài lẫn kỳ bí William M.V. Kingsland, FBI vẫn còn đi tìm các chủ nhân hợp pháp những tác phẩm trong bộ sưu tập mỹ thuật trị giá bạc triệu. Xin nhắc lại, ông Kingsland không để lại di chúc và căn chung cư biến thành kho chất đầy những tác phẩm nghệ thuật, trong đó có một bức tượng bán thân của Giacometti được đánh giá từ  $900,000 đến $1.2 triệu. Một bức họa nhỏ của Giorgio Morandi sau này bán được $600,000. Cả hai tác phẩm này được xác nhận bị mất cắp.

 

[Bức “Cái bàn và bức tường” của William Traub, nguồn: FBI]

 

Một số trong bộ sưu tập của ông Kingsland có vẻ như là của chính ông theo cái nghĩa pháp lý. Nhưng cơ quan điều tra liên bang FBI, sau khi lọc lựa phân loại kho tàng nghệ thuật có giá này, đã khám phá ra trong số hơn 300 tác phẩm tìm thấy trong căn chung cư của ông có những bức tranh ăn cắp là của Picasso, Copley, Fairfield Porter và Odilon Redon, những món khác có giá trị thương mại nhất thì cũng khó mà xác minh là của ông ta.

 

Có những chủ nhân là bảo tàng viện hay phòng trưng bày tranh, bị Kingsland ăn cắp, nay đã đóng cửa. Cho đến nay, còn 105 tác phẩm vẫn chưa biết sở hữu chủ thật là ai và hiện nằm trong tay nhà đấu giá Christie's giữ giùm. Giá trị của những tác phẩm này đang được nói đến là $2.4 triệu.

 

Nhà chức trách New York cho hay, nếu không có ai xuất hiện nhận chủ quyền những tác phẩm còn lại, họ sẽ tổ chức bán đấu giá tất cả. Tiền thu được sẽ sung vào quĩ tài sản Kingsland. Đến nay, tưởng ông ta không còn ai là thân nhân, đã có 4 người bà con và một người chú xuất hiện tự nhận là người thừa hưởng gia tài của ông Kingsland.

 

Chúng ta lại phải chờ xem màn cuối của câu chuyện về một nhân vật sống hai bộ mặt  kỳ tài và kỳ bí với bộ sưu tập ăn cắp vô tiền khoáng hậu sẽ kết thúc ra sao trước khi đi vào lịch sử thành phố New York City?

 

Có thể gọi ông Kingsland là con người hai mặt mà thế giới muôn màu muôn vẻ thành New York City sản sinh ra.

 

Vien Dong Daily News

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT