Người Việt Khắp Nơi

Nhà thờ, chùa chiền của cộng đồng người Việt trở thành nơi cứu trợ sau bão Harvey

Sunday, 10/09/2017 - 10:37:29

Hôm thứ Hai, cộng đồng người Việt ở Houston và các vùng phụ cận điều động tình nguyện viên tới nhiều khu vực lân cận để giúp những người như ông Chân, không có đủ thời gian di chuyển đồ đạc lên cao hơn trước khi chạy trốn cơn bão.



Huỳnh Huy làm việc tại Chùa Liên Hoa ở Houston ngày 4 tháng Chín, 2017. (Vernon Bryant/ Dallas Morning News)


HOUSTON - Sự đoàn kết trong cộng đồng người Việt tại hải ngoại đã được báo chí Hoa Kỳ chú ý trong hậu quả của bảo Harvey tại Texas. Từ thành phố Dallas, ký giả Eva-Marie Ayala của nhật báo Dallas Morning News đã đến Houston để chứng kiến sự trợ giúp lẫn nhau của người Mỹ gốc Việt. Dưới đây là ghi nhận của bà Eva-Marie Ayala được đăng báo ngày 6 tháng Chín, 2017.


Ông Trương Tính của Cộng Người Việt tại Houston và anh Nguyễn Khoa từ San Jose, California đang dọn dẹp một căn phòng trong nhà của ông Nguyễn Văn Chấn tại Katy ngày thứ Hai, 4 tháng Chín, 2017. (Vernon Bryant/ Dallas Morning News)

Ông Nguyễn Văn Chân bị đỏ mắt sau những đêm không ngủ, nhưng rồi ông mỉm cười biết ơn khi hàng chục tình nguyện viên xuất hiện chộn rộn chung quanh và bên trong nhà ông. Ông Chân mừng rỡ chào đón họ bằng tiếng Việt.

Khu vực Houston là nơi có cộng đồng người Việt Nam lớn thứ ba trên toàn quốc. Theo số liệu của cuộc điều tra dân số năm 2015, có khoảng 120,000 người Việt Nam sống tại những khu vực đô thị. Nhiều người là cư dân Texas thế hệ thứ hai, tuy nhiên vẫn còn một số lớn đáng kể đang phải vật lộn với tiếng Anh. Việc thiếu tiếng Anh có thể gây ra sự phiền hà cho cộng đồng, nếu họ gặp thiên tai như giông bão hoặc hỏa hoạn. Cơn bão Harvey vừa qua đi thậm chí mang lại tổn thất nặng nề hơn cho những người không biết tiếng Anh bị mắc kẹt trong cơn bão.

Sau khi mưa bắt đầu giảm và mực nước bắt đầu rút xuống, cộng đồng người Việt Nam trên toàn quốc nhanh chóng huy động và tụ tập, lên kế hoạch cứu trợ nạn nhân bị lũ lụt. Họ chọn "ngôi nhà chung" để mọi người có thể tới tặng quần áo, thực phẩm, chỗ ở tạm và nhiều thứ khác nữa. Họ tự nguyện làm thông dịch viên, hoặc biên dịch viên, giúp người không biết tiếng Anh điền đơn xin cứu trợ thảm họa liên bang, hoặc tới những vùng còn nước lấp xấp, giúp chủ nhà dọn dẹp.

Ông Chân gặp một cặp vợ chồng, là chủ nhà hàng Việt Nam, lái xe xuyên qua những con phố ngập nước, phân phát mì nóng và hoa quả tươi cho người di tản. Sau đó, họ lấy khăn tay bịt mặt, đeo găng tay, cầm xô, cầm chổi, phụ giúp chủ nhà dọn dẹp rác rưởi trên lề đường. Vài phút sau, một ủy viên của một trường học địa phương lái xe tới, mang ra nhiều hộp thức ăn và nhiều thùng nước uống cho những người đang có nhu cầu.


Các Sơ đang giúp điền mẫu đơn FEMA tại Hội Văn Hóa và Khoa Học tại Houston ngày 4 tháng Chín. (Vernon Bryant/ Dallas Morning News)

Trong phòng tắm ở phía sau nhà ông Chân, một sinh viên từ đại học California tìm cách tháo gỡ những mảnh gỗ bị bão Harvey xé toạc, sửa lại ống nước cho gia đình ông. Ông Chân cảm động đến muốn khóc khi biết anh sinh viên gốc Việt từ thành phố San Jose, lái xe không nghỉ trong nhiều giờ đồng hồ, tới thành phố Houston, giúp ông và giúp nạn nhân bị lũ lụt. Ông Chân muốn nói lời cảm ơn nhưng nước mắt cứ trào ra, khiến ông không thể nào thốt nên lời. 
 
Mỗi đêm, các nhóm tình nguyện người Việt Nam họp lại để bàn cách hoạt động phối hợp cho ngày hôm sau. Đôi khi họ cùng làm việc cho một dự án, ví dụ như tổ chức một đoàn caravan gồm hơn 15 chiếc xe van và xe truck, trên đó chở đầy nước uống và dụng cụ dọn dẹp vệ sinh cho thành phố Beaumont và thành phố Port Arthur.

Không còn rào cản ngôn ngữ

Tại hai trường trung học ở Học Khu Alief, sau khi mọi thứ được chuyển đổi để trở thành nơi ẩn náu tạm thời, viên chức nhà trường cố gắng giải thích cho cư dân về tình trạng của cơn bão, và lựa chọn của họ trong việc tìm kiếm cứu trợ thảm họa liên bang, nhưng rào cản ngôn ngữ làm cho mọi việc trở nên khó khăn.

Giám Đốc Học Khu Alief ông H.D. Chambers cho biết chung quanh ông có rất nhiều người nói tiếng Tây Ban Nha, nhưng số gia đình và người chỉ biết nói tiếng Việt hoàn toàn áp đảo. Vì vậy, ông phải liên lạc với cộng đồng người Việt Nam để xin sự giúp đỡ. Ông nói, "May quá, lập tức sau đó tôi nhận được câu trả lời."

Vài phút sau, nhóm thành viên của nhà thờ người Á Đông xuất hiện. Họ tình nguyện đến phiên dịch và biên dịch cho các gia đình người Việt Nam không biết nói tiếng Anh. Trước đó, nhiều nhóm người Việt cũng điều động thành viên của họ tới những trung tâm tạm trú để giúp đỡ bất cứ ai có nhu cầu.
Ông Lê Hưng, là lãnh đạo lâu năm của Hiệp Hội Văn Hoá và Khoa Học Việt Nam, cho biết, "Cộng đồng người Việt Nam rất tự thân vận động. Đó là văn hóa của chúng tôi. Chúng tôi không ỷ y vào các cơ quan của tiểu bang hoặc liên bang. Chúng tôi hỗ trợ lẫn nhau. Giúp đỡ những người trong cộng đồng chính là văn hóa của chúng tôi."

Hôm thứ Hai, cộng đồng người Việt ở Houston và các vùng phụ cận điều động tình nguyện viên tới nhiều khu vực lân cận để giúp những người như ông Chân, không có đủ thời gian di chuyển đồ đạc lên cao hơn trước khi chạy trốn cơn bão.

 Ông Chân nhìn chung quanh nhà, buồn thảm nói, "Tôi không kịp mang theo bất cứ thứ gì. Tất cả những gì còn nguyên vẹn là bộ đồ dính trên người. Nhờ có cộng đồng, những thứ hư hỏng vì ngấm nước lâu ngày đều được mang ra ngoài."

Tình nguyện viên của Chùa Liên Hoa mang tới hàng trăm thùng nước uống để tiếp tế cho khu vực nhà ông Chân. Tại đây nước vẫn còn lấp xấp dọc theo lề đường. Chùa Liên Hoa cũng mở cửa cho hàng trăm người Việt Nam và cư dân địa phương tới tạm trú. Chùa cũng là nơi phát chẩn cho người có nhu cầu, từ bịch tã trẻ em, quần áo các cỡ, dụng cụ dọn dẹp vệ sinh, thậm chí một tô mì ấm bụng cũng có sẵn.   

Giúp đỡ, nhưng cũng biết lắng nghe

Tại Trung Tâm của Hiệp Hội Văn Hoá và Khoa Học Việt Nam, khoảng nửa chục tình nguyện viên đang giúp đỡ các gia đình điền đơn xin Cơ Quan Quản Lý Khẩn Cấp Liên Bang viện trợ cho thiên tai thảm họa, đồng thời giúp theo dõi thông tin về các quỹ cứu trợ khác nhau do các nhóm địa phương thành lập.
John Hoàng, 63 tuổi, đã điền đơn xin Cơ Quan Quản Lý Khẩn Cấp Liên Bang viện trợ cho ngôi nhà bị ngập nước của ông ở Houston. Mặc dù nói được tiếng Anh, ông John không thể diễn tả được tình trạng hư hỏng của ngôi nhà, cũng không biết lúc này ông có nên bắt đầu dọn dẹp nhà không, sau khi mực nước bên trong dâng lên hơn hai feet.

Các Sơ Dòng Đa Minh Dominica giúp ông John điền đơn và biết rằng trường hợp của ông vẫn phải chờ sự kiểm tra của các viên chức FEMA. Họ giải thích rằng ông có thể bắt đầu dọn dẹp nhưng phải chụp hình tất cả những chỗ bị hư hỏng trong nhà để làm hồ sơ. Hầu hết các Sơ đều kiên nhẫn lắng nghe khi ông mô tả những gì đã trải qua.

Sơ Bernadette Nguyễn biết rõ tất cả các bước hành động khi có thiên tai thảm họa xảy ra. Sơ trở thành một chuyên gia về FEMA sau cơn bão Katrina năm 2005. Năm đó, tu viện của Sơ trở thành nơi tạm trú cho 300 người di tản khỏi thành phố New Orleans. Nơi đây cũng là thành phố có đông đảo cư dân người Việt.

Nhưng trong khi làm công việc từ thiện, sơ Bernadette biết rằng không chỉ việc cung cấp sự cứu trợ nhanh chóng là điều quan trọng, mà việc biết lắng nghe những lời than phiền cũng quan trọng không kém. Trong những ngày gần đây, sơ Bernadette dành ra khá nhiều thời gian của mình để viếng thăm các trung tâm tạm trú địa phương, nói chuyện với những gia đình hầu như bị mất tất cả mọi thứ.
Sơ Bernadette nói, "Họ cần kể ra câu chuyện của họ. Đối với họ, không gì quan trọng bằng có người lắng nghe và hiểu rõ họ đang chịu đựng những bất hạnh nào, rồi giúp họ vượt qua chấn động tâm lý này. Họ cần nhìn thấy sự quan tâm của ai đó, biết lắng nghe và chia sẻ."

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT