Người Việt Khắp Nơi

Nhà văn Dương Nghiễm Mậu đã từ trần

Tuesday, 02/08/2016 - 11:28:57

Là một trong các nhà văn tiên phong trước năm 1975, ông đã bị đi tù cải tạo sau khi cộng sản chiếm miền Nam Việt Nam, và khi rời tù ông sống bằng vẽ tranh sơn mài để kiếm sống.

Dương Nghiễm Mậu, 1972 (Ảnh Trần Cao Lĩnh)


SÀI GÒN - Một nhà văn vẫn “avant-garde đối với văn học Việt Nam” và “gần gũi với triết học hiện sinh” sau mấy thập niên đã qua đời tại nhà riêng ở Sài Gòn vào đêm thứ Ba, ngày 2 tháng Tám, 2016, hưởng thọ 80 tuổi.

Người thân của nhà văn Dương Nghiễm Mậu cho biết ông đang ngồi trên bàn viết thì đột ngột bị nhồi máu cơ tim. Dù được gia đình mau chóng đưa đi cấp cứu, ông đã vĩnh viễn ra đi.

Là một trong các nhà văn tiên phong trước năm 1975, ông đã bị đi tù cải tạo sau khi cộng sản chiếm miền Nam Việt Nam, và khi rời tù ông sống bằng vẽ tranh sơn mài để kiếm sống.

Dương Nghiễm Mậu tên thật là Phí Ích Nghiễm, sinh ngày 19 tháng 11, 1936 tại quê nội làng Mậu Hòa (quê ngoại làng Dương Liễu), huyện Đan Phượng, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Từ 12 đến 18 tuổi sống ở Hà Nội. Học tiểu học ở trường Hàng Than, trung học, Chu Văn An, viết đoản văn, tùy bút cho báo trường và các báo có phụ trang văn nghệ học sinh. Năm 1954 di cư vào Nam với gia đình, năm đầu ở Huế, năm sau ra Nha Trang, hè 1957 vào sống Sài Gòn, và ở đó cho đến ngày qua đời.

Nhà phê bình Thụy Khuê cho biết từ 1957 trở đi ông viết rất nhiều trong các thể loại tạp văn, tùy bút, đoản văn, truyện ngắn, truyện dài. Tiểu thuyết đầu tay Đầy Tuổi Tôi được đăng trên tạp chí Văn Nghệ năm 1961. Truyện dài Gia Tài Người Mẹ của ông được giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc (miền Nam) năm 1966.

Năm 1966 ông nhập ngũ, làm phóng viên quân đội từ năm 1967 đến 30 tháng Tư, 1975. Lập gia đình năm 1971, với Hồ Thị Ngọc Trang, giảng viên Anh ngữ. Sau 30 tháng Tư, 1975 ông bị bắt giam, đến1977 đươc tạm tha và từ đó ông học nghề sơn mài và sống bằng nghề này tại Sài Gòn.
Vào năm 2004, nhà phê bình Thụy Khuê ở Pháp đã viết về nhà văn này:

Hơn bốn mươi năm sau khi xuất hiện, Dương Nghiễm Mậu vẫn còn là nhà văn avant-garde đối với văn học Việt Nam bởi lối suy tưởng và cách đặt vấn đề của ông vẫn giữ nguyên những mấu chốt bí mật; nhiều truyện ngắn với cấu trúc rất lạ, vẫn còn nằm trong vòng trăn trở tìm tòi của người viết hôm nay. Mỗi nhân vật của Dương Nghiễm Mậu là một trường hợp tự phân, tự hủy, bị kết án chung thân phải sống, họ thuộc thế giới những thân phận lầm lũi đau, âm thầm chết, thui chột, khô khốc một mình, không kẻ đoái hoài, không phương điều trị.

Với Dương Nghiễm Mậu, những bi đát trong cuộc hiện sinh này không chỉ là những vết thương "nhìn thấy" như cảnh cường hào đàn áp nông dân trong Tắt Đèn [của] Ngô Tất Tố, như xã hội trộm cắp sa đọa trong Bỉ Vỏ [của] Nguyên Hồng... mà còn là những vết thương không nhìn thấy trong con người. Nhưng những "nội-tâm-thương" ở Dương đã khác nhiều với vết thương nội tâm trong văn học tiền chiến, nó "trẻ" hơn, dữ dội hơn, có những đòi hỏi phức tạp hơn, mang tính bản thể hơn là tâm lý, và khác biệt hẳn những ngòi bút phân tích Khái Hưng, Nhất Linh...”

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT