Người Việt Khắp Nơi

Nhà văn Hồ Trường An "bà già trầu" đã lìa trần, thọ 82 tuổi

Tuesday, 28/01/2020 - 06:54:48

Một cây viết miền Nam với sức viết sung mãn, có biệt tài mô tả tỉ mỉ nét đẹp, tính tình của phụ nữ đã qua đời tại Pháp quốc.

 


Hồ Trường An (1938-2020)


Một cây viết miền Nam với sức viết sung mãn, có biệt tài mô tả tỉ mỉ nét đẹp, tính tình của phụ nữ đã qua đời tại Pháp quốc. Theo tin từ gia đình và các văn hữu ngày thứ Ba, nhà văn Hồ Trường An đã từ trần hôm thứ Hai, ngày 27 tháng Giêng, 2020, nhằm ngày Mùng 3 Tết tại thành phố Troyes, nơi ông đã sinh sống suốt mấy thập niên kể từ ngày lưu vong sau năm 1975.
Hồ Trường An là em ruột của nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ. Ông chào đời năm 1938 tại Long Đức Đông, Vĩnh Long, có tên thật là Nguyễn Viết Quang, viết dưới nhiều bút hiệu khác như Đào Huy Đán, Bà Già Trầu, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là Hồ Trường An được lấy theo tên của nhà văn miệt vườn Hồ Biểu Chánh mà ông rất kính mến.

Dưới đây là trích đoạn từ bài viết của phóng viên Mặc Lâm về tác giả Hồ Trường An được loan trên đài RFA năm 2010.
Ông tốt nghiệp Khóa 26 (1968) Trường Bộ Binh Sĩ Quan Thủ Đức. Trưởng ban Chiến Tranh Chính Trị tại hai Chi Khu Trị Tâm và Lái Thiêu tỉnh Bình Dương từ năm 1969 tới năm 1971. Sau đó phục vụ tại Ban Thông Tin Báo Chí Quân Đoàn III và Quân Khu 3 cho tới tháng 4, 1975. Hiện cư ngụ tại Troyes, Pháp.
Ông viết truyện ngắn, thơ, điểm sách, viết tạp ghi. Và sau này ông viết các bài nhận định về kịch ảnh, tân nhạc. Hồ Trường An cộng tác với các tạp chí Bách Khoa, Tin Văn, Tiểu Thuyết Tuần San, Minh Tinh, Sinh Hoạt Nghệ Thuật, với các nhật báo Tranh Thủ, Tiền Tuyến...
Sự nghiệp sáng tác của Hồ Trường An khó thể nói là khiêm nhường, với 22 truyện dài, 10 tập truyện, 16 bút khảo, ký sự, bút ký và 3 tập thơ được xuất bản, đó là chưa kể những bài viết rời ông cộng tác với các tạp chí trong nước và hải ngoại suốt gần 50 năm cầm bút.

Lãng mạn miệt vườn

Văn phong Hồ Trường An gần gũi với những cây bút miền nam nổi tiếng từ Hồ Biểu Chánh tới Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc và cả Lê Xuyên. Người đọc ông có thể tìm thấy cái hương vị miền Nam đậm đặc trong từng hơi thở của nhân vật nhưng người đọc cũng dễ dàng phát hiện ra cái sâu thẳm hơn trong Hồ Trường An bởi tính chất lãng mạn của một ngòi bút bật ra quá nhiều tỉ mẩn của một cô con gái dính liền với thôn dã.
Là một người đồng tính, Hồ Trường An không hề có ý định che giấu giới tính của mình; văn chương của ông như sợi lụa mỏng manh nhưng dai dẳng cột chặt người đọc từ trang này sang trang khác qua những lời kể dông dài nhưng quyến rũ về các câu chuyện của một thời xa xưa, lúc đồng bằng sông Cửu trong giai đoạn hình thành.

Hồ Trường An làm cho nhiều người đọc say sưa bởi tính chi li tỉ mẩn của ông qua từng trang sách. Tả về người đàn bà hay bất cứ điều gì có liên quan đến công dung ngôn hạnh là chừng như rồng gặp nước, ông không biết dừng và chính tính chất đặc biệt này đã giúp ông đứng riêng một cõi.
“Cô Hai Phụng vóc mình dong dỏng, nước da ngăm đen nhưng tóc cô mềm và nhuyễn, dợn sóng trước trán, mắt cô ướt rượt, nụ cười cô có duyên phô hàm răng trắng muốt như hột dưa leo. Cô mặn mòi xinh đẹp lắm. Hễ cô liếc tên trai làng nào thì tên đó bủn rủn mới có một, nhưng khi cô cười thì hắn bàng hoàng tới mười.
“Ý là cô chỉ mới biết đọc biết viết, cô lại không biết đọc tiểu thuyết, không mấy khi được coi hát bội, hát cải lương, nhưng cách nói chuyện của cô vừa nhõng nhẽo vừa mơn trớn làm tự ái đờn ông được vuốt ve. Rốt cuộc hắn sướng rơn cả người, hồn phách tâm trí hắn bị cô hớp hết vô cái miệng xạo đía của cô.”

Khi viết về đồng quê hay những kỷ niệm trong gia đình, văn phong Hồ Trường An lại rẽ qua một hướng khác, thâm trầm và sâu lắng hẳn. Hồ Trường An làm người đọc cảm nhận được hương vị quê hương một cách rõ rệt như đang nhấm nháp và sờ mó chúng. Có lẽ đây là thế mạnh của ông, biết dằn một chút muối trong nồi canh quê để người thưởng thức tự cảm nhận cái đậm đà mà họ đã đánh rơi trên suốt quãng đường gió bụi.
“Ngoại tôi không nấu canh mồng tơi suông đâu. Bà cũng hái rất nhiều lá mồng tơi, rồi cùng với rau tập tàng, rau bồ ngót, rau cải trời, rau dịu để nấu canh tôm. Những con tôm he được ngắt đầu, bóc vỏ, bỏ đuôi, rút gân máu, đem quết nhuyễn và tra thêm tiêu, hành lá, nước mắm... rồi vo từng cục tròn tròn, dẹp dẹp thả vào nồi nước sôi, trước khi bỏ rau mồng tơi và rau khác vào. Canh rau do đó, thật ngọt, được múc vào những chiếc tô sành sản xuất từ Lái Thiêu, với một nét họa phóng bút bằng tay.
“Chúng tôi nghỉ học. Tìm được tập giấy trắng và ngòi viết lá tre cũ, tôi hái trái mồng tơi pha chế thành mực tím chép những bài hát nổi tiếng đương thời. Trên nền giấy ố vàng, những hàng chữ gò gẫm, sắc nét và lối trình bày sạch sẽ cũng làm cho tập giấy có vẻ ngoạn mục riêng.
“Rồi chúng tôi bỏ Ngã Ba Trung Lương, về Vĩnh Long sống nhờ ông nội chúng tôi. Chung quanh nhà, chúng tôi rào giậu mồng tơi, trồng bồ ngót, cao kỷ, bạc hà, cây lá giấm. Mâm cơm quê nội có bát dĩa sang trọng, nhưng thức ăn rất đạm bạc.

Việt Minh đã sung công hết ruộng đất của ông nội tôi. Sản nghiệp của ông dần dần khánh kiệt. Với tài chế biến khéo léo, má tôi làm những món đạm bạc nhưng ngon lành và tinh khiết: canh rau nấu bột ngọt, cá cơm kho tương ăn với dưa leo và rau thơm, cá linh, cá rô kho sả ớt, con ruốc chấy tóp mỡ... Giậu mồng tơi quê nội đã giúp cho mẹ con tôi chịu đựng cái nghèo trong cuộc chiến tranh giữa Pháp và Việt Minh suốt chín năm.”

Viết phê bình, tiểu luận

Hồ Trường An không những sáng tác truyện dài, truyện ngắn hay tiểu thuyết… mà ông còn phê bình, viết tiểu luận văn chương và tiểu sử của những ngòi bút nữ nhân mà ông mến mộ. Hãy đọc một đoạn ông viết về Hồ Biểu Chánh:
“Cái ngôn ngữ dí dỏm, chót chét trong văn phong của Hồ Biểu Chánh thường làm cho chúng ta bật cười một cách thống khoái, dù cụ có cằn nhằn chì chiết nhân tình thế thái đi nữa. Chúng ta cảm nhận ngay sự thành khẩn của cụ. Chúng ta vụt cảm thấy tận đáy sâu của ngôn ngữ cụ, tận cái thiết tha của tình ý cụ có một hấp lực kỳ đặc, không dễ gì tìm gặp ở bút pháp kẻ khác….”
Nói về Bình Nguyên Lộc Hồ Trường An thân tình hơn, do đó có phần âu yếm:
“Văn chương Bình Nguyên lộc nồng nàn tình yêu quê cha đất mẹ. Đôi khi cái nồng nàn đó lên tới mức độ sôi nổi nên anh không làm chủ được ngòi bút của mình. Do đó văn chương ấy trở nên bộc tuệch, trống trải, cường điệu, bộc lộ cá tính Nam Kỳ.

“Cái bộc lộ ấy chưa chắc là cái khuyết điểm hay nhược điểm gì. Trái lại, nó làm cho sự diễn đạt tình ý của anh thêm minh bạch, thêm tươi rói và cực kỳ quyến rũ. Anh để mặc cho tâm sự mình phơi bày hở hang, trần truồng, không ngụy trang, không úp mở. Độc giả đa số không cần ở văn chương anh cái mánh khóe tiềm ẩn hay cái phong niêm tinh xảo để làm cho sự diễn tả được hàm súc và ý nhị. Họ chỉ cần tấm lòng tươi son bền sắt của anh đối với quê hương của anh.”

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT