Người Việt Khắp Nơi

Nhà Văn Huy Phương ra mắt Ga Cuối Đường Tàu

Thursday, 20/09/2018 - 12:09:51

Hiện nay nhiều người cho rằng lúc này ít người còn đọc sách, họ đọc trên mạng. Điều đó không đúng với Huy Phương, vì hội trường báo Người Việt không còn chỗ trống trong buổi ra mắt sách, và hầu như khi ra về ai cũng cầm trên tay cuốn Ga Cuối Đường Tàu và cuốn Những Người Thua Trận.


Nhà văn Huy Phương ký tặng sách cho nhà văn Lê Anh Dũng. (Thanh Phong/Viễn Đông)

Bài THANH PHONG

WESTMINSTER - Sinh năm 1937 tại Huế, tính đến nay, năm 2018, nhà văn Huy Phương được 80 tuổi. Đánh dấu thời điểm mà người đời cho là “thượng thọ,” nhà văn Huy Phương ra mắt tác phẩm “Ga Cuối Đường Tàu” tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt chiều Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2018 vừa qua.

Hiện nay nhiều người cho rằng lúc này ít người còn đọc sách, họ đọc trên mạng. Điều đó không đúng với Huy Phương, vì hội trường báo Người Việt không còn chỗ trống trong buổi ra mắt sách, và hầu như khi ra về ai cũng cầm trên tay cuốn Ga Cuối Đường Tàu và cuốn Những Người Thua Trận.
 

Tác phẩm Ga Cuối Đường Tàu của Huy Phương. (Thanh Phong/Viễn Đông)

Tuyển tập Ga Cuối Đường Tàu bao gồm 80 bài tiêu biểu rút ra từ những tác phẩm ông đã ấn hành trước đây như: Những Người Muôn Năm Cũ, Chúc Thư Của Một Người Lính Chết Già, Nước Mỹ Lạnh Lùng, Đi Lấy Chồng Xa, Ấm Lạnh Quê Người, Nhìn Xuống Cuộc Đời, Hạnh Phúc Xót Xa, Quê Nhà Quê Người, Những Người Thua Trận, Ngậm Ngùi Tháng Tư, Quê Hương Khuất Bóng, và Nước Non Ngàn Dặm.

Với sự ra đời của tác phẩm Ga Cuối Đường Tàu, trong trang đầu Thay Lời Tựa, nhà văn Huy Phương viết: “Tôi nghĩ rằng Tuyển tập 80 này có thể là đứa con tinh thần cuối cùng, là một đứa con được đặt tên Út.” Nhiều người nghe bốn chữ Ga Cuối Đường Tàu nghĩ ngay đến tác phẩm này chắc là tác phẩm cuối cùng của tác giả. Nhưng không! Nhà văn Huy Phương vẫn còn sức viết, còn muốn viết nên ông thòng thêm một câu “Trong nhiều gia đình Việt Nam, sau Út, nếu có lỡ thêm con, thì nó sẽ được gọi là Út Thêm, Út Nữa... với tinh thần yêu thương, đón nhận của gia đình. Nếu sau này, có một, hai tác phẩm nữa sau Ga Cuối Đường Tàu thì âu đó cũng là duyên số.” Thế nên, kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, một trong hai diễn giả của buổi ra mắt Ga Cuối Đường Tàu nói với nhà văn Huy Phương, “Xin ông đừng vội xuống tàu.”
Nhà văn Trịnh Hảo Tâm, một người chuyên viết Ký Sự Du Lịch, nghe ông Nguyễn Xuân Nghĩa, nói thế liền quay sang người viết nói, “Xe lửa bây giờ nó có hai đầu, nó chạy đầu nào cũng được nên làm gì có Ga Cuối đâu mà ông Huy Phương xuống?”
 

Tiết mục Văn Nghệ do Đoàn Văn Nghệ Thiếu Nhi Lạc Hồng trình diễn với các nhạc cụ dân tộc do giáo sư Nguyễn Châu hướng dẫn. (Thanh Phong/Viễn Đông)

Nhà văn Huy Phương đã chọn hai diễn giả là kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa và nhà văn Đỗ Tiến Đức, chủ báo Thời Luận để giới thiệu tác giả và tác phẩm. Thực ra, mời hai diễn giả và Đoàn Văn Nghệ Lạc Hồng là để tô điểm thêm màu sắc cho buổi ra mắt sách chứ với nhà văn Huy Phương, thiết nghĩ không cần phải giới thiệu, vì tên tuổi ông đã đi vào lòng nhiều người. Với 80 tuổi đời, chứng kiến qua bao nhiêu hỷ, nộ, ái, ố và với lối viết Tạp Ghi độc đáo, nhà văn Huy Phương đã vẽ lên các trang giấy những buồn, vui, những nỗi cay đắng nghiệt ngã của cuộc đời.

Cái hay của Huy Phương là ông viết những chuyện thật, chuyện xảy ra hàng ngày trong cuộc sống mà người đọc, đôi khi thấy mình là một nhân vật trong đó. Bởi thế, trong mỗi tác phẩm, nhà văn Huy Phương ghi tóm tắt một số ý kiến phản hồi của độc giả gồm đủ mọi thành phần trong xã hội, ai cũng khen ngợi, thích thú đọc Tạp Ghi Huy Phương.

Trong số những lời nhận xét phê bình đó, chúng tôi tâm đắc nhất với lời nhận xét của linh mục Joseph Nguyễn Thái, nguyên Giám Đốc Trung Tâm Công Giáo VN, Giáo Phận Orange. Cha Thái nổi tiếng là người có những bài giảng được soạn công phu, ý tưởng sâu sắc. Một đoạn trong bài phát biểu của linh mục Nguyễn Thái: “Tôi là một linh mục thích đọc Huy Phương. Tôi nhận ra một tấm lòng yêu mến quê hương, dân tộc Việt Nam của Huy Phương, và tôi đồng cảm với Huy Phương ở điểm đó, và đồng thời là một linh mục nên luôn luôn tôi có cái tâm hướng thiện và tôi cũng đọc nơi Huy Phương, như ông Nguyễn Xuân Nghĩa đã giới thiệu hồi nãy, là một nhà văn có tài và có tâm.
 

Nhà văn Huy Phương tặng hoa cho cựu Đại Tá Trần Ngọc Thống, 96 tuổi, (Thanh Phong/Viễn Đông)

“Tôi cũng gặp được cái tâm của Huy Phương, cho nên ở góc độ một linh mục, đứng trên tòa giảng nhiều lần, tay cầm cuốn Phúc Âm, nhưng một tay kia, tôi lật mở những trang sách của Huy Phương để lẩy ra những câu chuyện đời, minh họa cho những lời của Chúa Giêsu nói trong Phúc Âm. Mà những câu chuyện của Huy Phương viết ra rất sống, rất thực trong cộng đồng của chúng ta.”

Với buổi ra mắt Ga Cuối Đường Tàu, ngoài việc nhận được đứa con tinh thần của nhà văn Huy Phương, các người tham dự còn được thưởng thức một chương trình văn nghệ đặc sắc do Đoàn Thiếu Nhi Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng trình diễn dưới sự hướng dẫn trực tiếp của giáo sư Nguyễn Châu.

Ngoài ra, nhà văn Huy Phương cũng chứng tỏ là một người luôn kính trọng tuổi già khi ông mời hai vị cao niên nhất có mặt là cựu Đại Tá Trần Ngọc Thống (96 tuổi) và nhà văn Doãn Quốc Sỹ (95 tuổi) lên trước sân khấu để trao tặng hai niên trưởng mỗi vị một bó hoa tươi. Cả hai niên trưởng đều ngỏ lời cám ơn nhà văn Huy Phương và chúc ông còn thọ hơn tuổi hai ông bây giờ để tiếp tục sáng tác những Út Thêm, Út Nữa.

Nhà văn Huy Phương tên thật là Lê Nghiêm Kính, sinh năm 1937 tại Huế, cựu học sinh Khải Định, Huế. Tốt nghiệp Quốc Gia Sư Phạm Saigon, Giáo Sư tại trường Trung Học Nguyễn Hoàng, Quảng Trị. Tốt nghiệp Khóa 16 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức và Khóa Sĩ Quan Thông Tin Báo Chí tại Hoa Kỳ. Nguyên Biên Tập Viên Báo Chí và Đài Phát Thanh Quân đội. Định cư tại Hoa Kỳ vào năm 1990 sau 7 năm tù dưới chế độ Việt Cộng. Ông là một người đối xử với bạn bè rất có tình có nghĩa.

Ga Cuối Đường Tàu và những tác phẩm của Huy Phương đều do nhà xuất bản Nam Việt ấn hành. Muốn mua sách xin liên lạc qua điện thoại (949) 241-0488. Email: xbnamviet@gmail.com Chi phiếu xin ghi: Nam Viet Publisher và gửi về: P.O. Box 6246 Anaheim, CA 92816.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT