Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Nhạc sĩ Văn Hoàng và tình yêu với Đờn Ca Tài Tử qua guitare phím lõm

Saturday, 14/06/2014 - 12:20:15

Trong dàn nhạc Tài Tử Cải Lương, bên cạnh các nhạc khí như: Đàn kìm, đàn Tranh, đàn Cò... có một nhạc cụ tuy xuất hiện muộn màng nhất, nhưng đã trở nên phổ biến, được dùng thay cho cả những cây đàn truyền thống, đó chính là đàn guitare. Đây là nhạc cụ từ Tây Ban Nha du nhập vào Việt Nam từ những năm 20 thế kỉ 20

Băng Huyền/ Viễn Đông



Nhạc sĩ Văn Hoàng. (Văn Hoàng cung cấp)



Nhạc sĩ Văn Hoàng chụp lưu niệm với nghệ sĩ Hương Lan. (Văn Hoàng cung cấp)
 
Về cây đàn guitare phím lõm

Trong dàn nhạc Tài Tử Cải Lương, bên cạnh các nhạc khí như: Đàn kìm, đàn Tranh, đàn Cò... có một nhạc cụ tuy xuất hiện muộn màng nhất, nhưng đã trở nên phổ biến, được dùng thay cho cả những cây đàn truyền thống, đó chính là đàn guitare. Đây là nhạc cụ từ Tây Ban Nha du nhập vào Việt Nam từ những năm 20 thế kỉ 20, đã được các nghệ nhân Việt Nam cải biến trở thành guitare phím lõm với hình dáng, cách lên dây, kỹ thuật đánh khác xa so với cây đàn gốc và được xem như là nhạc cụ của dân tộc Việt, dùng để chơi bản vọng cổ, và ra đời nhiều kiểu so dây mê hoặc lòng người như: “Dây Bạc Liêu”, “Dây Long An”, “Dây Sài Gòn”, “Dây Ngân Giang” (Bảo Chánh), “Dây Xề”, “Dây Lai”, “Dây Rạch Giá”... hoặc gắn với tên người cải biên ra cách so dây như: “dây Văn Vĩ”, “Văn Giỏi”, “Hoàng Thành”... Guitare phím lõm đã trở thành loại nhạc khí độc đáo của Việt Nam, chủ yếu chơi trong dàn nhạc của cải lương, đờn ca tài tử, là linh hồn của ban nhạc tài tử - cải lương.

Được biết từ cây đàn guitare ban đầu, người ta khoét các phím lõm xuống cần đàn chừng 1 cm, hình bán nguyệt để ngón tay có thể vừa bấm vừa rung dây đờn, tạo ra âm thanh khác biệt, tạo độ ngân rung đặc trưng, thể hiện chữ nhạc dân tộc Việt Nam rõ nét và sâu sắc hơn. Khi dùng chơi nhạc tài tử cải lương, guitare phím lõm không dùng dây 6, nó được sử dụng phổ biến với hệ thống gồm 5 dây. Dây đàn được lên theo âm giai ngũ cung. Khoảng những năm 40 thế kỷ 20, cách lên dây Lai của guitare phím lõm ra đời. Từ đó, các dây khác ít được sử dụng vì dây Lai khi chuyển hơi, chuyển cung đều rất dễ dàng và có thể chơi được cả bản Nam, bản Bắc, bản Oán cho đến vọng cổ. Tuy nhiên, khi đờn bản Bắc và bản Nam thì guitare phím lõm không hay bằng đàn kìm. Trong dàn nhạc đờn ca tài tử ngày nay, guitare phím lõm không thể thiếu vắng, vì nó góp vào những tiếng trầm, những “chữ chuyền” độc đáo mà các đàn khác không làm được.

Nhạc sĩ Văn Hoàng

Vì quá yêu vẻ đẹp của âm thanh tiếng đàn guitare phím lõm, nên cậu bé Ngọc Minh (tên thật của nhạc sĩ guitare phím lõm Văn Hoàng) bấy giờ khi mới 6, 7 tuổi, đã biết say mê tiếng đàn vọng cổ của cha, là nhạc sĩ guitare phím lõm Văn Hải (mở lò dạy ca cổ tại nhà, nơi vùng Chợ Lớn).

Tâm sự con đường vào nghề của mình, nhạc sĩ Văn Hoàng kể

-Khi tôi được 10 tuổi, ở gần nhà tôi, có anh Trừ Quang, lớn hơn tôi khoảng 9 tuổi, mở lớp dạy guitare phím lõm ngay tại nhà, tôi thường qua đó chơi và học lóm. Học trò của anh học chưa đờn được, tôi đứng xem mà đã biết đờn rồi. Anh thấy tôi thông minh, anh bèn kêu tôi vào để dạy cho tôi. Học với anh khoảng hơn 1 năm, thầy của anh là nhạc sĩ guitare Văn Tuồng, thấy tôi mới 11 tuổi mà biết đàn khá, khen tôi giỏi và có dạy thêm một ít cho tôi.

Khoảng 2 năm sau, thầy Văn Vĩ đến nhà ba tôi để đờn ca tài tử và có thâu băng cát xét lớp dựng Văn Thiên Tường. Tôi có mở băng ra nghe thấy thầy đờn hay quá, bèn tập đờn theo băng giống thầy. Khoảng 3 tháng sau thầy quay lại, tôi trổ tài cho thầy xem.

Danh cầm Văn Vĩ đã phát hiện ngón đờn trẻ triển vọng của cậu bé Ngọc Minh, thương mến nên nhận làm đệ tử, đổi nghệ danh cho ông là Văn Hoàng.

Nhạc sĩ cổ nhạc Văn Hoàng nói rằng, bấy giờ căn bản cổ nhạc và ngón đờn đã được ông nắm khá vững, theo học thầy Văn Vĩ chủ yếu là phần nâng cao, học thêm những kỹ thuật láy, chạy ngón. Vốn đam mê, lại có thiên tư, nên ông học rất nhanh. Những kỹ thuật như láy ngón đờn, những bài bản nhỏ, bài Quảng... là những bài mà thầy Văn Vĩ đàn rất hay đã được Văn Hoàng lĩnh hội vững vàng. Sau thời gian học với thầy Văn Vĩ hơn 1 năm, Văn Hoàng đã đờn những bài Quảng rất thành công, khá giống thầy Văn Vĩ.

14 tuổi ông đã đi đàn tại những đám tiệc quanh vùng, đã làm ra tiền từ tài đệm đàn của mình. Sau đó, ông còn tìm đến học với thầy Hai Ngà, Vũy Chổ... những bài bản lớn.

Bấy giờ, tại nhiều cuộc đờn ca tài tử trong vùng Chợ Lớn đều có mặt Văn Hoàng đàn guitare phím lõm. Mỗi khi có cuộc đờn ca lớn là ông được thầy Văn Vĩ dẫn đi theo để luyện nghề với các nghệ nhân, nên từ khi còn trẻ tuổi Văn Hoàng đã có cơ hội “giao duyên” với những danh cầm của cổ nhạc miền Nam như Văn Vĩ, Bảy Bá (tức soạn giả Viễn Châu), Năm Cơ....

Bước đường vào nghệ thuật từ Việt Nam đến Hoa Kỳ

Nhạc sĩ Văn Hoàng đã chính thức bước chân vào đờn cho gánh hát lúc ông 19 tuổi vào năm 1976. Ban đầu ông đi theo đoàn Hoa Phượng, đi lưu diễn ở Rạch Giá, và một số vùng quê của miền Nam. Sau Hoa Phượng, ông còn đi theo những đoàn như Trúc Giang, Sân Khấu Mới, Hoa Miền Nam...

Để tìm tương lai cho con có một cuộc sống tốt đẹp hơn, năm 1982, ông vượt biên và sang định cư tại Hoa Kỳ. Ngay lúc đó, ông đã sống tại quận Cam, trong khu vực Little Saigon, đã gặp lại nghệ sĩ Hùng Cường nơi đất khách. Vì ông từng đàn cho nghệ sĩ Hùng Cường khi còn ở Việt Nam đi hát chui với nghệ sĩ Mỹ Châu hát tân cổ giao duyên ở tụ điểm trường đua Phú Thọ những năm 1977- 1978, nhạc sĩ Văn Hoàng nhanh chóng trở lại với nghiệp đờn, thường xuyên có show vào dịp cuối tuần đều đặn nhiều năm. Ông còn sang những tiểu bang khác và đi nhiều nước châu Âu, Úc châu, Canada.. để đệm đàn cho các nghệ sĩ hát những trích đoạn cải lương, tân cổ giao duyên.

Mỉm cười tự hào, nhạc sĩ Văn Hoàng nói:

-Hầu như tôi đều có đàn cho những nghệ sĩ cổ nhạc bên Việt Nam và cả những nghệ sĩ cổ nhạc tại hải ngoại. Tại Mỹ này có bao nhiêu trung tâm, tôi cũng đều có thu âm tiếng đàn của mình đệm cho các nghệ sĩ cải lương hết.

Vẻ đẹp của tiếng đàn

Nói thêm về tiếng đờn của mình, nhạc sĩ Văn Hoàng giải thích:

-Tôi luôn tự hào vì mình đã học được với những người thầy giỏi, cộng thêm sự tìm tòi, học hỏi của mình mỗi ngày, để tạo nên những thành công cho tiếng đàn. Khi đàn, tôi có thể đàn được đủ độ cung, người nào ca thấp, tôi đàn tông thấp, người nào ca cao, tôi đàn tông cao, mà không cần phải lên dây đàn. Tôi đờn bài Bắc, thì theo trường phái Bắc, còn nếu tôi đàn bài oán là theo trường phái oán. Mỗi bài đều rõ trường phái, chứ không lẫn lộn. Khi học bản Sương Chiều Tú Anh, thường thầy dạy cung Quảng, chỉ có 1 cung thôi, nhưng tôi có thể đàn được 5 cung khác nhau bản này. Có những bài rất khó như Ngũ Châu Minh Hồ, nhiều người không đàn được. Bài đó có 5 lớp, mỗi lớp 4 câu. Dứt 8 câu này là chuyển sang cung khác, lối khác luôn, khi đang Bắc, chuyển sang Oán, Ai, Ngựa. Nhiều khi nhìn vào sách, nhiều người không đàn được, nhưng tôi có thể đàn thành thạo bài này từ dây hồi tư chuyển qua dây hồi nhất. Kỹ thuật kỳ công, nhờ kinh nghiệm lâu năm, nên tôi có thể đàn những bản trên rất dễ dàng.

Bản thân nhạc sĩ Văn Hoàng luôn nắn nót tùng chữ theo lời ca của nghệ sĩ, tiếng nhạc nức nở như tiếng lòng của nhân vật. Vẫn lối đờn mùi và êm như ngày xưa, nhưng qua nhiều năm tháng, tiếng đờn của ông càng sâu lắng hơn, trầm tĩnh và rất điệu nghệ, tạo nên những âm thanh đầy đặn liền mạch nhau trong tiết tấu, huyền hoặc, nhặt khoan, trầm bổng...

Nhạc sĩ Văn Hoàng cho rằng đàn cải lương khác tân nhạc là không có nhạc sĩ nào đàn giống nhạc sĩ nào. Với tân nhạc, cũng bài đó, thì ai đờn cũng giống nhau, nhưng cổ nhạc thì không như vậy, người nhạc sĩ cổ nhạc luôn có sự sáng tạo, không có nhạc sĩ nào đàn giống nhạc sĩ nào. Tất cả đều đàn khác nhau dù cùng 1 bài. Đây chính là điều hay của cổ nhạc, lạ hơn tân nhạc. Riêng về kỹ thuật đàn guitare phím lõm hay dở, cao thấp, hơn thua nhau ở sự ngẫu hứng, sáng tạo nhiều “chữ đờn” riêng, lối chạy chữ luyến láy, chẻ nhịp và quan trọng nhất ở cách nhấn nhá chữ “xang”.

Với lời khuyên cho những ai muốn trở thành nhạc sĩ cổ nhạc giỏi, theo ông người đó phải có thiên tư trời cho, cũng chữ đờn đó, ngay nốt đó, với người không có thiên tư, bấm nghe khác, còn người có thiên tư, đàn sẽ hay hơn. Ngoài thiên tư, cộng thêm luyện tập, chịu học hỏi, nghiên cứu và phải đam mê thì mới thành công. Không bao giờ tự hài lòng là mình đủ rồi, mà phải luyện thêm, học hỏi thêm. Ông nói:

-Dù tôi đã đờn hơn 40 năm rồi, mà nay vẫn còn tiếp tục học. Không bao giờ ngưng nghỉ hết. Nghệ thuật mà ngưng, thì nó sẽ lùi.

Bên cạnh tài năng trời cho và tình yêu cùng sự luyện tập không ngừng nghỉ để tạo nên tên tuổi của mình trong làng cổ nhạc tại hải ngoại, nhạc sĩ Văn Hoàng còn được sự ủng hộ của người bạn đời là bà Hoàng Mai (con gái của nhạc sư Tám Trí), cũng là một người rất yêu vọng cổ và thích ca Tài Tử Cải Lương. Bà luôn ủng hộ và làm điểm tựa vững chắc để chồng yên tâm đeo đuổi giấc mơ nghệ thuật

Gần trọn một đời với nghiệp Tổ, tuổi đã lục tuần mà ngón đờn của ông vẫn còn khá phong độ, tuy là vậy nhưng ông vẫn cảm thấy buồn vì cải lương không còn thịnh vượng. Nếu trước năm 2000, ông và những nhạc sĩ cổ nhạc tại hải ngoại khá đắt show, cứ mỗi cuối tuần là nhận show liên tục, dù không hẳn sống bằng nghề này, vẫn có công việc khác để mưu sinh và chăm lo cho gia đình, nhưng với những show mà ông nhận thu âm, đệm cho vở diễn, cho các nghệ sĩ, là một niềm hạnh phúc vô bờ.

Ông tâm sự:

-Khoảng từ năm 2006 đến nay, nhiều bầu show khi thực hiện chương trình cổ nhạc, không trả tiền cho nhạc sĩ ban nhạc, mà về Việt Nam thu sẵn những sound track nhạc vào CD rồi phát ra hát. Trong một vở diễn này, những bài bản như thể điệu Văn Thiên Tường, hay Phụng Hoàng, hay Xế Xảng... khi qua vở tuồng khác, cũng những điệu đó, khán giả sẽ nghe lại tiếng đàn y như vở diễn trước. Nó không có nét riêng, đặc sắc nữa. Những nghệ sĩ dùng CD thu âm sẵn, có một kiểu đờn giống nhau. Mà cải lương hay không chỉ lời ca, còn ở tiếng đờn, làm vậy, vô tình giết chết cải lương. Là người đờn, hôm nay bài Phụng Hoàng tôi đàn kiểu này, tháng sau cũng điệu Phụng Hoàng, tôi sẽ đờn khác đi một chút, nghe live, khán giả sẽ cảm xúc nhiều hơn.

Ông cũng than rằng không chỉ một số nghệ sĩ tại hải ngoại ca trên nền nhạc thu sẵn, mà buồn hơn hết là nạn hát nhép, điều này khiến cho sân khấu cải lương ở hải ngoại khó mà khởi sắc lên được, vô tình thui chột dần tài năng của người nghệ sĩ cải lương.

Hiện nay, công việc gắn với cải lương của nhạc sĩ Văn Hoàng chủ yếu là đệm đàn cho những người thích ca tài tử, mời ông đến nhà để đờn cho một nhóm bạn bè thân quen của chủ nhà, ông cũng nhận dạy ca cho nhiều người muốn vững vàng nhịp. Những chuyến đi này có khi quanh quận Cam, hoặc San Diego... Ngoài ra, ngay tại gia của mình, vào dịp cuối tuần, ông cũng tổ chức những buổi đờn ca tài tử, để tìm lại không khí những buổi đờn ca tài tử năm xưa bên tiếng đàn, lời ca tiếng hát tại quê người. (bh)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT