Đạo và Đời

Nhận biết Chúa

Wednesday, 22/06/2016 - 07:56:02

Quả thật thánh Phêrô đã làm đúng như lời Chúa dạy là ai muốn theo Ngài thì phải vác thập giá mình mà theo Ngài và thánh Phêrô đã biểu lộ lòng yêu mến Thầy của mình một cách mạnh mẽ bằng việc chấp nhận bị đóng đinh vào thập giá trong chính sự tử đạo của mình tại Roma.

Lm Trần Văn Kiểm

Chúa Giêsu đang trên đường hướng về Giêrusalem và Ngài biết những gì đang chờ đợi Ngài ở đó. Việc xảy ra là khi Chúa Giêsu đang cầu nguyện riêng một nơi và có các môn đệ Ngài ở đó, thì Ngài hỏi các ông rằng: “Những đám dân chúng bảo Thầy là ai?” Câu trả lời của họ cũng không khác gì câu trả lời của những người đương thời lúc đó: Người thì bảo Thầy là Gioan Tẩy Giả, kẻ khác lại cho rằng Thầy là Êlia, kẻ khác nữa nói rằng Thầy là một trong những tiên tri đời xưa sống lại. Ngay sau đó Chúa Giêsu hỏi chính các ông: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.” Không biết lúc đó Phêrô có hiểu đúng điều mình tuyên xưng không, nhưng sau này thánh Phêrô đã làm chứng cho điều đó, bằng cách chấp nhận cái chết đóng đanh vào thập giá như Thầy mình tại Roma. Quả thật thánh Phêrô đã làm đúng như lời Chúa dạy là ai muốn theo Ngài thì phải vác thập giá mình mà theo Ngài và thánh Phêrô đã biểu lộ lòng yêu mến Thầy của mình một cách mạnh mẽ bằng việc chấp nhận bị đóng đinh vào thập giá trong chính sự tử đạo của mình tại Roma.

Trong một cuộc triển lãm tranh vào năm 1904 do Hàn Lâm Viện Hoàng Gia Anh tổ chức, bức tranh do họa sĩ Smith Kose vẽ có tên là “Bị người đời khinh thường và chối bỏ” được nhiều người chú ý. Bức tranh vẽ Chúa Giêsu đang đứng trước sân nhà thờ chính tòa thánh Phaolô, một ngôi thánh đường đồ sộ nằm giữa trung tâm thành phố Luân Đôn. Bên cạnh đó là đám dân chúng đủ mọi hạng người bước qua trước mặt Ngài, nhưng không một ai để ý đến Ngài. Người đầu tiên là một đàn ông vừa đi vừa dán mũi vào tờ báo đến nỗi suýt đâm sầm vào Chúa Giêsu. Tiếp sau đó là một nhà khoa học đầu óc mang nặng những vấn đề của phòng thí nghiệm, ông đi qua, không thấy Chúa Giêsu. Sau đó là một vị cao cấp trong hàng giáo phẩm, nghiêm trang và hãnh diện tiến đến, nhưng cũng không để ý đến sự có mặt của Chúa Giêsu. Ngay sau đó là một nhà thần học, vừa đi vừa lý luận về Thiên Chúa, ông cũng bước nhanh qua Chúa Giêsu nhưng không nhìn thấy Ngài. Xa xa một chút có một chính trị gia đang vung tay vung chân nhưng ông cũng chẳng thèm liếc nhìn Ngài. Cuối cùng một cô y tá có vẻ ngước mắt lên nhìn Chúa Giêsu nhưng cô vẫn tiếp tục đi theo con đường của mình.

Đám đông ngày xưa theo Chúa, họ không biết chính xác Ngài là ai, chỉ nghĩ Ngài là một trong các tiên tri sống lại. Simon Phêrô lúc đó nói đúng điều mà ông phải tuyên xưng về Chúa Giêsu, nhưng không biết ông có hiểu ý nghĩa điều mình nói hay không. Còn chúng ta, nhờ sự cắt nghĩa của các thánh tông đồ sau khi Chúa sống lại, nhờ sự giải thích của các giáo phụ qua nhiều thế kỷ, nhờ sự giảng dạy khi Giáo Hội thi hành quyền giáo huấn của mình, chúng ta biết rõ Chúa Giêsu là Thiên Chúa làm người. Nhưng chúng ta có nhận ra Ngài trong cuộc sống của mình hay không? Bức hoa trên rõ ràng mô tả tình trạng của con người ngày hôm nay: Người ta không thấy Chúa không phải vì Ngài vắng mặt, Ngài vẫn hiện diện nhưng người ta không nhận ra Ngài. Hãy cám ơn Chúa đã cho chúng ta nhận biết và yêu mến Ngài.

Lm Trần Văn Kiểm

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT