Đạo và Đời

Nhân mùa Phật Đản PL.2556 cảm nghĩ về Ni Sư Thích Nữ Chân Thiền,Viện Chủ Thiền Viện Sùng Nghiêm

Thursday, 24/06/2021 - 09:11:02

Đặt chân đến Hoa Kỳ tỵ nạn tôi may mắn được sống tại miền Nam California, nơi được mệnh danh là thủ đô tinh thần của Người Việt Quốc Gia tại hải ngoại.


Ni Sư Chân Thiền (bên trái) và Ni Sư Chân Diệu trước bàn thờ Phật trong chánh điện Thiền Viện Sùng Nghiêm. (Thanh Phong/ Viễn Đông)


Bài THANH PHONG

GARDEN GROVE - Đặt chân đến Hoa Kỳ tỵ nạn tôi may mắn được sống tại miền Nam California, nơi được mệnh danh là thủ đô tinh thần của Người Việt Quốc Gia tại hải ngoại. Thủ đô Saigon của miền Nam Việt Nam mất tên vào năm 1975, người Việt bỏ nước ra đi tìm tự do, đa số đến định cư tại hai miền Nam, Bắc tiểu bang California, và tại miền Nam, danh xưng “Little Saigon” được hình thành ngay vài năm đầu tỵ nạn. Từ đó, Little Saigon được biết đến như thủ đô tinh thần của người Việt hải ngoại.

Ngoài ý nghĩa đó, ít ai nghĩ rằng thủ đô tinh thần là nơi tập trung nhiều tín ngưỡng khác nhau, nhiều vị lãnh đạo tinh thần khác nhau, tất cả giúp con người thăng hoa cuộc sống và hướng thiện. Với đạo Phật, khu vực Little Saigon có rất nhiều ngôi chùa, thiền viện, tự viện lớn nhỏ, trong đó có Thiền Viện Sùng Nghiêm tọa lạc tại địa chỉ 11561 Magnolia St, Garden Grove, CA 92841 do Ni Sư Thích Nữ Chân Thiền làm Viện Chủ và Ni Sư Thích Nữ Chân Diệu trụ trì. Đây là hai Ni Sư rất đáng mến mà chúng tôi muốn chia sẻ với quý đồng hương Phật tử nhân mùa Phật Đản PL.2556.

Với dáng người cao ráo, mảnh khảnh và luôn khoác trên người bộ tu phục màu nâu, ai đã có dịp gặp hai vị Sư nữ này đều nhận được trước tiên một nụ cười hiền hòa, sau đó là những lời thăm hỏi chân tình. Thiền Viện Sùng Nghiêm là một nơi thờ tự tôn nghiêm nhưng cũng là chốn thanh tịnh cho những tâm hồn có khát vọng tìm về chân thiện mỹ. Ni Sư Chân Thiền tuân hành y chỉ của Đức Phật nên chỉ ngồi thiền và giảng, thì giờ còn lại Ni Sư dành cho việc viết sách, viết nhạc, làm thơ và hướng dẫn một số thiền sinh tu học.

Đến nay cây trồng đã sinh hoa kết trái, một thiền sinh vừa từ bỏ mái tóc óng ả, mượt mà, từ bỏ những bộ áo quần sang trọng để khoác vào mình bộ tu phục màu nâu như hai vị Thầy của mình; người đó là Sư Thu Vân, Pháp danh Chân Minh. Đặc biệt vị sư mới này đã là Bác Sĩ tại Việt Nam, và tốt nghiệp Tiến Sĩ Dược Khoa, là Toxicologist (Dr. Dược Học) tại Hoa Kỳ. Hiện đang giảng dạy cách bào chế thuốc trị ung thư kỳ thứ tư cho company, đang bào chế 30 ngày một tháng không ngưng nghỉ. Với khả năng và điều kiện thuận lợi cho một cuộc sống sung túc tại Hoa Kỳ, nhưng Thu Vân đã bỏ hết để trở thành sư nữ Chân Minh khiến nhiều người hết sức ngạc nhiên.

Với kiến thức văn hóa và qua nhiều năm tu học, nghiên cứu Phật pháp, Ni Sư Chân Thiền, bút hiệu Thanh Tịnh Liên đã ấn hành và xuất bản các tác phẩm: Thiền Thơ Không Tên, Cùng Vầng Trăng Soi, Như Lai Tạng, Những Liên Hệ Đến Cái Chết Cần Biết Rõ, Tại Sao Không Mở Mắt Vãng Sinh Khi Đang Hiện Sống?, Đóng Cửa Luân Hồi, Tiếng Chuông Ngân (Kinh) 1 & 2, Bát Nhã Tâm Kinh, Bát Nhã Tâm Kinh (Trực Chỉ Lý Giải Ngắn Gọn với những phần cốt lõi trong Kinh Lăng Nghiêm).

Ngoài ra, với bút hiệu Thanh Tịnh Liên, Ni Sư còn sáng tác 43 bài thơ được nhạc sĩ Tuấn Khanh và Phạm Duy phổ nhạc và được in trong Thơ Nhạc Thiền 1. Trong cuốn Thơ Nhạc Thiền thứ 2 là 87 vần thơ do Ni Sư viết được các nhạc sĩ Lê Cao Phan, Nguyễn Hiền, Nghiêm Phú Phát, Uy Thi Ca, Giác An, Nam Hưng, Nguyên Hà, Nguyễn Tuấn, Xuân Trường và Chính Mung phổ nhạc. Cả hai tập nhạc được in ấn công phu, hình thức trang nhã. Với mục đích dùng khả năng trí tuệ của mình giúp chúng sinh hiểu thấu đáo giáo lý cao siêu của Đức Phật, và hướng dẫn chúng sinh có cuộc sống thanh cao. Do đó, tất cả các ấn bản trên Ni Sư đều chỉ để tặng cho thân hữu, Phật tử vào những dịp quan trọng như lễ Phật Đản, Lễ Vu Lan, Tết Nguyên Đán v.v.. Tuyệt nhiên không viết, không in để bán.

Ngoài xã hội, một người viết và mới xuất bản được một quyển sách nhiều người đã phong tặng cho danh hiệu “Nhà Văn.” Ni Sư Chân Thiền, Thanh Tịnh Liên là một vị tu hành khiêm nhường nên dù đã viết và xuất bản hàng chục cuốn sách, làm hàng trăm bài thơ được các nhạc sĩ tên tuổi phổ nhạc, Ni Sư vẫn khiêm tốn viết: “Dù rằng với sự hiểu biết của Tác Giả còn quá non nớt, với trình độ chưa học hết một chữ A trong Đạo, Pháp bao la, bát ngát của Đức Phật! Do đó Tác Giả cúi xin những lời chỉ dậy cao siêu của toàn thể quí vị Thiện Tri Thức, để Tác Giả được học hỏi thêm, được trau dồi thêm trên bước đường Tu Hành còn quá nhiều tăm tối...” (Trích Lời Nói Đầu trong cuốn Bát Nhã Tâm Kinh (trực chỉ lý giải ngọn ngành). Cũng thế, trong cuốn “Cùng Vầng Trăng Soi”, Ni Sư Chân Thiền,Thanh Tịnh Liên lại có bài thơ “Xin Tha Thứ” với những lời thơ nhẹ nhàng từ tốn, khiêm hạ:

“Tôi đây Thanh Tịnh Liên
Thơ tập làm chưa quen
Nhịp điệu đều sai trật
Lỗi lầm tất tự nhiên
Cúi xin người dậy khuyên
Những phép tắc chưa chuyên
Chỉ cốt tìm thật lý
Nhịp điệu, vần xin quên
Cúi xin người chỉ khuyên
Đạo lý chưa tròn viên
Lỗi lầm nào chẳng vẹn
Xin cải hoán chuyển liền
Cúi xin người bảo khuyên
Tha thứ chỉ tầm lý
Hiểu chân ý bỏ lời
Chung nét đẹp cho đời.”


Các thiền sinh do Thiền Viện Sùng Nghiêm hướng dẫn đang hợp ca nhạc phẩm do Ni Sư Chân Thiền (Thanh Tịnh Liên) sáng tác, nhạc sĩ Nam Hưng điều khiển. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Chúng tôi may mắn được nhiều dịp đến Thiền Viện làm phóng sự trong các dịp đại lễ như Phật Đản, Vu Lan... nên đã được nghe những bài chia sẻ của Ni Sư với đại chúng, những bài chia sẻ về giáo lý Phật giáo, về cách thực hành những điều giảng dạy của Đức Phật rất đơn sơ nhưng có tác động đến nhiều người vì những điều Ni Sư hướng dẫn rất dễ nhớ, thực tế và rất dễ thực hành; lại học được nơi Ni Sư tính khiêm nhường, bỏ cái tôi vị kỷ của mình và tập dần cách buông xả như trong bài thơ “Buông Xả Tuyệt Đối là “Tuyệt Đối.

Trong 6 đoạn thơ, có đoạn Ni Sư viết “Buông xả đây, là bỏ hết ưu phiền/Bỏ tuyệt đối, mọi tập khí đảo điên/Bỏ tham, sân, si, mạn nghi, lười biếng/Thù hận, ghét ghen, ích kỷ liên miên....Nếu mỗi người trong chúng ta tập “buông xả” như lời Ni Sư căn dặn, chắc chắn tâm hồn mình sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản. Về điều này, trong một bài phóng sự cách nay khoảng ba, bốn năm chúng tôi đã sơ sót, viết sai một câu trong lời phát biểu của Ni Sư Chân Thiền khiến Ni Sư bị một số vị hiểu lầm. Nếu không “buông bỏ,” chắc chắn Ni Sư sẽ rất buồn lòng và oán trách người viết, nhưng trong cuốn “Đóng Cửa Sáu Nẻo Luân Hồi, trong đó có bài “Lễ Mộc Dục” Ni Sư Chân Thiền viết “Để phù hợp với Chân Tâm Phật Tính ấy, thì dĩ nhiên chúng ta nên buông bỏ tận cùng mọi tập khí là những thói hư tật xấu như: ích kỷ, ghét ghen, tranh giành, ngạo mạn, ác độc....” và Ni Sư đã thực hiện lời nói đó, tuyệt nhiên không có một lời thở than, oán giận người gây ra đau khổ cho mình. Ni Sư đã buông xả hết và vẫn thương yêu chúng tôi như từ trước đến nay. Đó là những bài học quý giá tôi học được nơi hai Ni Sư của Thiền Viện Sùng Nghiêm.

Những nhà tu hành, bất kể thuộc tôn giáo nào muốn đạt đến Chân, Thiện, Mỹ cũng phải trải qua thời gian tu tập rất lâu, nói theo ngôn ngữ nhà Phật là phải tu nhiều đời, nhiều kiếp. Nhưng để hiểu rốt ráo Chân, Thiện, Mỹ là gì? Trong cuốn “Đóng Cửa Sáu Nẻo Luân Hồi” Ni Sư Thích Nữ Chân Thiền đã giải nghĩa rõ ràng: CHÂN là chân thật, chân thành, tuyệt đối từ ý nghĩ, lời nói và hành động, dĩ nhiên không hề còn một mảy may gì của những giả dối, điên đảo, nịnh bợ, mưu mô, đổi chác, thủ đoạn v.v.. THIỆN là lòng từ bi tuyệt đối với muôn loài, muôn vật trong mọi hoàn cảnh, mọi môi trường, trong từng giây từng khắc, từng sát na. MỸ là tươm tất, tốt đẹp, hoàn mỹ, tuyệt mỹ, mỹ mãn, mỹ thuật tuyệt vời, cũng là ba yếu tố căn bản tự động của “Zen”, là “Thiền Tối Thượng”. Là cái tuyệt đối, là cái nhiều người gọi là Thiên Đường hay Cực Lạc, tức là cái Toàn Chân, Toàn Thiện, Toàn Mỹ trọn vẹn cả Đạo/Đời và cái Toàn Mỹ này còn là cái không hề có chút sơ hở nào trong mọi công việc dù lớn tới đâu hay nhỏ bé tới đâu.

Nhân dịp Thiền Viện Sùng Nghiêm phát hành Kỷ Yếu (Cùng Nén Tâm Hương), người viết xin được chia sẻ vài nét về Ni Sư Chân Thiền, Thanh Tịnh Liên. Người đời có câu “Bên cạnh sự thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của người đàn bà.” Ở đây, chúng tôi xin đổi lại: “Bên cạnh sự thành công của Ni Sư Chân Thiền luôn có người em đồng hành bên cạnh là Ni Sư Chân Diệu. Tất cả các ấn bản chúng tôi vừa nêu đều do Ni Sư Chân Thiền trước tác nhưng đánh máy, trình bày, điều chỉnh bản thảo đều do Ni Sư Chân Diệu phụ trách.

Cầm trên tay cuốn Kỷ Yếu và đọc những kinh, sách, những nhạc phẩm do Ni Sư Chân Thiền và Ni Sư Chân Diệu cộng tác thực hiện, chúng ta cám ơn hai Ni Sư đã mang lại cho chúng ta những món ăn tinh thần quý giá, giúp cuộc sống của mỗi người thêm thăng hoa và tiến đến Chân, Thiện, Mỹ .Từ ý nghĩ này chúng tôi khám phá ra một điều kỳ diệu khi hai nhà sư ngay từ khi xuất gia đã chọn cho mình pháp danh CHÂN THIỀN (Chân, Thiện, Mỹ) và CHÂN DIỆU thật là sự chọn lựa quá vi diệu.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT