Thế Giới

Nhật cảnh cáo Tàu không được xâm lấn lãnh thổ

Tuesday, 02/08/2016 - 11:30:19

Hoa Kỳ cho biết họ sẽ tiếp tục những cuộc tuần tra hải quân, ở gần các rạn san hô và đá ngầm mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, để khẳng định nguyên tắc tự do hàng hải. Đây là một hành động đã làm cho Bắc Kinh nổi giận.

ĐÔNG KINH – Với thái độ và lập trường hung hăng trong các cuộc tranh chấp lãnh hải, Trung Quốc có thể gây ra xung đột ngoài ý muốn với các nước Á Châu. Đây là lời cảnh cáo của chính phủ Nhật được đưa ra ngày thứ Ba, trong một bản đánh giá về an ninh trong vùng Á Châu. Trong khi đó, bộ trưởng quốc phòng của cộng sản Bắc Kinh đã kêu gọi người dân hãy chuẩn bị cho “chiến tranh trên biển.”

 

Nhật-Mỹ cùng chống Trung Cộng. Thủ Tướng Shinzo Abe đang bắt tay Đô Đốc Harry Harris, tư lệnh quân đội Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương tại Đông Kinh trong tháng Bảy. (Getty Images)


Quân đội Nhật và Phi Luật Tân đang tập trận chống hải tặc trong Vịnh Manila trong tháng Bảy, một ngày sau khi tòa quốc tế nói Trung Cộng không có quyền chiếm Biển Đông.(Getty Images)

Những lời tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền rộng lớn trên Biển Đông đã gây báo động đến thế giới. Tại Biển Đông, Bắc Kinh đã xây dựng một loạt đảo nhân tạo có khả năng hỗ trợ cho những hoạt động quân sự, bất chấp những lời tuyên bố chủ quyền từ các quốc gia láng giềng.

Trong một bạch thư quốc phòng, Tokyo nói rằng siêu cường Trung Quốc “tiếp tục có những hành động quyết đoán,” và những hành động của họ “bao gồm những hành vi nguy hiểm có thể gây ra những hậu quả ngoài ý muốn.”

Bắc Kinh đang bị áp lực yêucầu họ phải tôn trọng một phán quyết do một tòa án đưa ra trong tháng qua. Tòa án được quốc tế ủng hộ này phán quyết rằng Trung Cộng không có cơ sở pháp lý nào để chiếm lãnh thổ trên Biển Đông, nơi mà Phi Luật Tân, Việt Nam, Mã Lai, và những nước khác cũng đang tuyên bố chủ quyền.

Bạch thư của Nhật Bản nói rằng Trung Quốc “chuẩn bị thực hiện những yêu cầu đơn phương của họ mà không thỏa hiệp” với các nước. Trong số đó, có những nỗ lực “nhằm biến những thay đổi nơi nguyên trạng qua sự cưỡng bách thành một sự việc đã rồi.”

Và một lần nữa bạch thư kêu gọi Bắc Kinh hãy tuân theo phán quyết của tòa án quốc tế. Trung Quốc nói rằng phán quyết này là một sự gian lận.

Giới truyền thông Trung Cộng đã trích dẫn lời Bộ Trưởng Quốc Phòng Chang Wan Quan (Thường Vạn Toàn) kêu gọi người dân hãy chuẩn bị cho “chiến tranh trên biển,” để chống lại những mối đe dọa an ninh từ nước ngoài và để bảo vệ chủ quyền.

Ông Toàn “kêu gọi công nhận sự nghiêm trọng của tình hình an ninh quốc gia, đặc biệt là những mối đe dọa ở ngoài biển,” theo hãng tin Tân Hoa Xã cho biết.

Trong một chuyến đi thanh tra tỉnh Chiết Giang nằm ở vùng duyên hải, bộ trưởng Toàn kêu gọi quân đội, cảnh sát, và dân chúng nên chuẩn bị sẵn sàng để bảo vệ chủ quyền quốc gia và giữ cho lãnh thổ được toàn vẹn.

Hoa Kỳ cho biết họ sẽ tiếp tục những cuộc tuần tra hải quân, ở gần các rạn san hô và đá ngầm mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, để khẳng định nguyên tắc tự do hàng hải. Đây là một hành động đã làm cho Bắc Kinh nổi giận.

Trong bản bạch thư, ngoài tình hình bất ổn tại Biển Đông, Nhật Bản cũng bày tỏ nỗi quan tâm về hoạt động quân sự đang gia tăng ở Biển Hoa Đông, nơi mà hai nước này đang tranh chấp chủ quyền trên những hòn đảo nhỏ không có người ở, gọi là quần đảo Senkaku ở Nhật Bản, và Điếu Ngư ở Trung Quốc.
Bạch thư nói, “Gần đây Trung Quốc tăng cường sự hoạt động ở gần quần đảo Senkaku, chẳng hạn như phi cơ quân sự của họ bay về phía Nam gần hơn với các hòn đảo.”

Trong năm qua nay tính cho tới tháng Ba, lực lượng không quân của Nhật Bản đã 571 lần cho các phản lực cơ bay lên chống lại các máy bay Trung Quốc bay gần không phận Nhật Bản. Đây là mức tăng lần 107 từ năm ngoái, theo bạch thư cho biết.

Trong một bản tin từ Tokyo, Tân Hoa Xã chỉ trích bản bạch thư, tố cáo Nhật Bản “đưa ra những lời bình luận vô trách nhiệm về quốc phòng của Trung Quốc, và các hoạt động hàng hải bình thường và hợp pháp của Trung Quốc tại Biển Hoa Đông và Biển Đông.”

Trong tháng qua, hai nước tranh cãi về những lời cáo buộc rằng các chiến đấu cơ của Nhật đã nhắm radar kiểm soát hỏa lực của họ lên phía máy bay của Trung Quốc.
Bắc Kinh đã gây báo động cho thế giới, sau khi họ đơn phương thành lập một khu vực nhận dạng phòng không ở Biển Hoa Đông trong năm 2013, bắt buộc tất cả máy bay phải nộp kế hoạch chuyến bay khi đi qua khu vực ấy, bao gồm những quần đảo bị tranh chấp với Đông Kinh và cũng được Đài Bắc tuyên bố chủ quyền.

Trong tháng Hai, Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Ashton Carter nói rằng sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông đã làm tăng nguy cơ xảy ra sự “tính toán sai lầm hoặc xung đột.”
Và tình hình căng thẳng cũng đã gia tăng ở Quần Đảo Natuna thuộc Nam Dương ở Biển Đông, nơi mà những chiếc tàu của Trung Quốc và Nam Dương đã đụng độ.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT