Mẹo Vặt

Nhất da nhì dáng

Friday, 26/09/2014 - 10:26:56

Nói về sản phẩm phục vụ da, chúng ta có “bột” tắm trắng, có lồ-sần, có phấn, và bao nhiêu thứ nước hoa. Có thể bạn không dám dùng “bột” tắm trắng vì cái gốc China lộ liễu quá. Nhưng ngay cả ở những quốc gia văn minh bậc nhất, người ta cũng không thể loại hết hóa chất độc hại ra khỏi sản phẩm. Có chăng là chúng được hóa trang một cách tinh vi hơn mà thôi.

Vũ Hằng

“Nhất da nhì dáng” là cái câu chúng ta thường nghe nói, và ai cũng biết rằng đó là tiêu chuẩn của sắc đẹp. Cô giáo em bảo sở dĩ “da” được coi trọng hơn là vì, da bao quát khắp thân thể; nó là bộ phận lớn nhất, có ảnh hưởng nhất, không những tới sắc đẹp mà còn cả sức khỏe của mỗi người chúng ta. Trong khi ai cũng nghĩ rằng mình chăm sóc da rất kỹ càng – dù mỹ phẩm làm đẹp da có đắt đến đâu, chúng ta cũng không ngại bỏ tiền ra mua về để thoa - thì các quan thầy của giới nội tướng lại bảo rằng, “Không đúng, những gì chúng ta đang thoa lên thân thể phần lớn là hóa chất, có thứ chỉ thuần là sản phẩm của phòng thí nghiệm, tuy giúp mình trắng hơn, thơm hơn trong nhất thời, nhưng có thể để lại di chứng độc hại về sau”. Ngẫm ra thì …. Ờ há! Tại sao bây giờ mình có nhiều thuốc men hơn, mà lại xuất hiện nhiều chứng bệnh ngày xưa ông bà mình không có? Phải chăng vì chúng ta dùng nhiều hóa chất tinh vi nhưng độc hại hơn?
Nói về sản phẩm phục vụ da, chúng ta có “bột” tắm trắng, có lồ-sần, có phấn, và bao nhiêu thứ nước hoa. Có thể bạn không dám dùng “bột” tắm trắng vì cái gốc China lộ liễu quá. Nhưng ngay cả ở những quốc gia văn minh bậc nhất, người ta cũng không thể loại hết hóa chất độc hại ra khỏi sản phẩm. Có chăng là chúng được hóa trang một cách tinh vi hơn mà thôi.
Nói riêng về nước hoa theo phân tích của các tổ chức bảo vệ môi trường thì nhà sản xuất phải sử dụng tới hơn 3,000 hóa chất để chế ra những sản phẩm hiện rất được ưa chuộng, trong số đó thế nào chẳng có Chanel N. 5, Miss Dior, Ralph Laurel… hoặc thương hiệu nước hoa mình vẫn xài…. Theo lẽ, các nguyên liệu chế biến đều phải được ghi rõ trên bao bì, nhưng thực tế, có mấy ai để ý những chữ nhỏ li ti ấy? Với lại, nếu có ai để tâm đọc, thì những dòng chữ ấy cũng không phản ảnh trung thực.
Kết quả một cuộc nghiên cứu được phối hợp tổ chức bởi Environmental Working Group (EWG) và Campaign for Safe Cosmetics, công bố vào năm 2010, cho thấy những loại nước hoa hiện bán chạy nhất trên thị trường nước Mỹ chứa khoảng 14 hóa chất nguy hại, nhưng tên của chúng lại không được ghi ra trên bao bì, kể cả những chất rất độc hại như diethyl phthalate dẫn đến triệt tiêu hormone nữ, và chất paraben, có thể dẫn đến ung thư nhũ hoa.
Theo kết quả một cuộc nghiên cứu khác do Womens Voices for the Earth công bố năm 2013, việc sử dụng các loại nước hoa gây ra dị ứng trong 11% dân số, tương đương 34 triệu người trên nước Mỹ, qua những triệu chứng sẩn ngứa và mề đay.
Bạn có thể đặt câu hỏi, “Vậy nhà chức trách ở đâu? Cơ quan FDA đầy quyền lực của nước Mỹ ở đâu?”
Đặt câu hỏi như vậy là đúng chỗ rồi đó: Với trách nhiệm về an toàn thực phẩm-dược phẩm, FDA đã cấm 11 thứ nguyên liệu độc hại, không cho phép sử dụng trong kỹ nghệ mỹ phẩm. Rõ ràng là các thầy cô FDA có làm việc. Nhưng nếu biết rằng ở Âu Châu, người ta cấm đến 1,300 thứ thì mới hay các thầy cô nhà mình quá dễ dãi, chỉ làm việc lấy lệ! Nói vô phép một chút: Hay các thầy cô đã được “lòn tay” rồi (ở Mỹ người ta gọi là “lobby” ấy mà)? Tổ chức EWG nhận xét, “Trong số hơn 500 nguyên liệu mỹ phẩm được bán ở Hoa Kỳ nhưng bị cấm chỉ tại Nhật, Canada và Âu Châu, có tới 100 chất bị Hiệp Hội Nước Hoa Quốc Tế (international fragrance association) xếp vào sổ đen, vì không an toàn!”
Hóa ra ở Âu Châu mấy ông bà chính phủ thương dân hơn ở Mỹ sao? Nói như vậy chắc không đúng hẳn, có lẽ chính phủ Mỹ lo cho dân cách khác: Họ khuyến khích thương mại làm cho xã hội giầu lên để người dân có nhiều cơ hội “enjoy”, và cổ động phát minh nhiều loại thuốc men để nếu dân có bệnh thì trị ngay, lo gì!
Trong sự suy nghĩ hạn hẹp của em thì sự việc có vẻ đúng như vậy thật khi nhà nước Hoa Kỳ nại ra nguyên tắc bảo vệ bí mật nghề nghiệp để miễn trừ cho giới sản xuất khỏi phải kê khai tất cả thành phần nguyên vật liệu trên các loại mỹ phẩm. Những người “công bộc” này có bê trễ bổn phận với dân chúng không? Có đúng là họ chủ trương khuyến khích tìm tòi thuốc trị bệnh, mà coi nhẹ vấn đề phòng bệnh, hoặc nếu có, thì đó không phải là ưu tiên, so với việc khuyến khích thương mại để làm ra tiền không?
Hằng không có đủ tầm cỡ để bàn những chuyện lớn như vậy. Nhưng bảo rằng đừng dùng mỹ phẩm nữa thì em chả chịu! Hay là …. “thây kệ, thiên hạ xài thì mình xài; Đau bịnh là chuyện sau này, còn bây giờ, hãy cứ đẹp, cứ thơm trước đã!” Chẳng lẽ lại không có một mẹo vặt nào gỡ bí cho mình hay sao?
Vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT