Thế Giới

Nhật: Gia tăng can thiệp ở Biển Đông

Saturday, 31/01/2015 - 09:08:14

Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe là người chủ trương bành trướng nhiều dạng hoạt động ra thế giới, trong đó có cả quân sự.

TOKYO - Trước đây, các đội tuần tra không lưu của Nhật chỉ hoạt động ở vùng biển Hoa Nam, nơi Nhật và Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Điếu Ngư, giờ đây họ sắp gia tăng tuần tra ở Biển Đông. Hoa Kỳ đã lên tiếng hoan nghênh quyết định này, vì đây là một đối trọng đáng kể cho sự bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Đề Đốc Robert Thomas, chỉ huy trưởng Đệ Thất Hạm Đội Mỹ, nhận xét, “Mọi người sẽ nhìn nhận việc làm của Nhật như một lực đối trọng trong vùng. Tôi nghĩ khi lực lượng quân đội Nhật hành động trong vùng Biển Đông, điều này có ý nghĩa rất quan trọng.” Phát ngôn nhân Cao Xuân Oánh của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc lên tiếng cho là “các bên cần tránh làm gia tăng căng thẳng trong vùng, nhất là các nước không có liên quan gì trong khu vực này.” Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe là người chủ trương bành trướng nhiều dạng hoạt động ra thế giới, trong đó có cả quân sự.

Jordan: Số phận các con tin trong tay IS vẫn mù mờ
AMMAN – Chính phủ Nhật và Jordan đang ráo riết tìm hiểu số phận của các con tin của họ đang bị IS hăm dọa hành quyết, sau khi hạn chót do IS đưa ra đã trôi qua. Thủ Tướng Shinzo Abe nói, “Chúng tôi tập trung phân tích mọi tin tức, trong lúc vẫn nhờ Jordan và nhiều quốc gia khác giúp đỡ, chúng tôi nỗ lực tối đa nhằm cứu mạng anh Kenji Goto.”
Quân đội Jordan thì cho hay, các cơ quan của Jordan đang làm việc liên tục để săn tin và họ vẫn còn giam giữ nữ khủng bố gốc Iraq mà IS đòi họ trả tự do để đổi mạng cho viên trung úy phi công của Jordan. Chánh Văn Phòng chính phủ Nhật Yoshihide Suga trong một cuộc họp báo chiều thứ Sáu vẫn không cho biết liệu các cuộc đàm phán có bị đổ vỡ hay không. Bế tắc xảy ra khi đại diện chính phủ Jordan yêu cầu IS đưa bằng chứng cho thấy trung úy phi công Muath al-Kasaesbeh còn sống để họ tiến hành trao trả nữ tù nhân al-Rishawi.

Pháp: Dẫn độ nghi can vụ Charlie Hebdo
PARIS - Một nghi can có liên quan tới các tay súng tấn công tòa báo Charlie Hebdo đã bị dẫn độ từ Bulgaria về Pháp hôm thứ Sáu. Cảnh sát Bulgaria đã bắt giữ nghi can Fritz-Joly Joachin từ ngày 1/1, khi hắn mang theo con trai 3 tuổi tìm cách vượt biên vào Thổ Nhĩ Kỳ. Kẻ này là công dân Pháp gốc Haiti, 29 tuổi, và “đã nhiều lần tiếp xúc với Cherif Kouachi, một trong hai anh em tấn công tạp chí Charlie Hebdo hôm 7 tháng Một.”
Joachin đã về đến Pháp vào ngày thứ Sáu và sẽ bị thẩm vấn trong những ngày tới. Joachin đã gặp anh em nhà Kouachi trước khi rời Pháp hôm 30 tháng 12, một tuần trước khi hai tên Kouachi bắn chết 12 người trong vụ tấn công tạp chí Charlie Hebdo tại Paris. Joachin từng khai rằng hắn kết bạn với Cherif và Said Kouachi, hai kẻ tấn công tòa báo Charlie Hebdo, nhưng cho hay hắn không biết gì về kế hoạch khủng bố.
Ngoài ra, cảnh sát Pháp cũng đã bắt giữ 4 người khác vì có liên quan đến anh em nhà Kouachi và Amedy Coulibaly, kẻ đã bắt giữ và giết hại 4 con tin trong tiệm tạp hóa Do Thái tại đông Paris ngày 9 tháng 1.

Pháp: Em 8 tuổi bị thẩm vấn vì ủng hộ khủng bố
PARIS - Một học sinh tiểu học 8 tuổi, người Pháp, theo đạo Hồi, hôm 28/1 đã bị cảnh sát thẩm vấn sau khi hiệu trưởng của cậu bé nói rằng cậu đã ca ngợi những kẻ tấn công tòa báo Charlie Hebdo. Tên và địa điểm của ngôi trường không được công bố. Cậu bé bị thẩm vấn tên là Ahmed, cậu đã bỏ lễ tưởng niệm do trường tổ chức nhằm tưởng nhớ 12 nạn nhân bị tàn sát tại tòa báo Charlie Hebdo.
Một giáo viên của Ahmed nói rằng, đứa trẻ này đã bày tỏ sự đồng tình với những tay súng Hồi giáo, do đó, vị hiệu trưởng của cậu đã quyết định báo cảnh sát. Nhà chức trách nói, “Chúng tôi đã triệu tập đứa trẻ và cha của em để tìm hiểu tại sao một đứa bé 8 tuổi lại có thể có tư tưởng cực đoan đến vậy.” Đứa trẻ bị thẩm vấn trong vòng nửa tiếng, và kết quả là cậu bé 8 tuổi Ameh đã không ý thức được những gì mình nói ra. Luật sư của cậu bé Ameh cho biết, cậu bé thú nhận đã nói rằng, “Cháu ủng hộ khủng bố.” Tuy nhiên, khi cảnh sát hỏi có biết khủng bố là gì không, cậu bé trả lời, “Cháu không biết.”

Pakistan: Bom nổ, 40 người thiệt mạng
ISLAMABAD – Số người chết trong vụ đánh bom nhắm vào một đền thờ của người Shiite ở thành phố Shikarpur đã lên đến 40 nạn nhân hôm thứ Sáu. Bác sĩ Shaukat Memon trong một bệnh viện địa phương cho biết, “Vẫn chưa rõ số người bị thương là bao nhiêu, vì có nhiều người đã được mang vào các bệnh viện trong các thị trấn gần đó.”
Vụ tấn công đã xảy ra trong lúc các tín đồ Hồi giáo tụ tập trong buổi cầu nguyện thường lệ vào mỗi sáng thứ Sáu hàng tuần. Hiện nay, vẫn chưa có nhóm nào lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công này, nhưng nhà chức trách nghi ngờ rằng thủ phạm chính là các tay súng người Sunni có liên hệ với Taliban ở Pakistan. Theo ghi nhận ban đầu, ngoài số người chết, còn có hơn 50 người khác bị thương. Vụ này xảy ra trong tỉnh Sindh và người ta e ngại là con số người chết sẽ còn tăng cao vì số người bị thương nặng là khá nhiều.

Ukraine: Phe ly khai thề tấn công nếu đàm phán thất bại
KIEV – Hôm thứ Sáu, phe ly khai thân Nga đã thề sẽ gia tăng tấn công tại miền Đông Ukraine, nếu các cuộc đàm phán hòa bình với Kiev lại thất bại. Trong khi đó, chiến sự tại khu vực này lại vừa khiến 19 thường dân thiệt mạng. Trước đó, các bên liên quan đã công bố kế hoạch đàm phán tại thành phố Minsk, thủ đô của Belarus, sau khi thỏa thuận ngừng bắn vào tháng 9 vừa qua đã thất bại. Cuộc nội chiến dài 9 tháng tại Ukraine đã khiến hơn 5,100 người thiệt mạng.
Phe ly khai tại Đông Ukraine đã tuyên bố rằng, “nếu đàm phán thất bại, nước Cộng Hòa Nhân Dân Donetsk và Lugansk sẽ tiếp tục tấn công cho đến khi toàn bộ vùng Donetsk và Lugansk được tự do hoàn toàn.”

Trung Quốc: Siết chặt luật kiểm soát đại học
BẮC KINH - Bộ Trưởng Giáo Dục của Trung Quốc Yuan Guiren đã lên tiếng cảnh báo rằng, các giáo trình dùng tại các đại học Trung Quốc cần tránh việc truyền bá nền văn hóa phương Tây. Ông Yuan nói thẳng là “các đại học Trung Quốc cần có đạo đức chính trị và tránh việc chỉ trích các cấp lãnh đạo nhà nước,” trong một hội nghị về giáo dục.
Trong thời gian qua, chính phủ Trung Quốc đã gia tăng kiểm soát chặt chẽ các đại học. Trong tháng 12, giáo sư Luật Zhang Xuehong đã bị đại học Thượng Hải cho thôi việc, vì đã không xin lỗi sau khi viết bài công kích chính phủ. Trước đó vào tháng 10, một người nổi tiếng ăn nói bộc trực, nhà kinh tế Xia Yeliang, cũng bị Đại Học Bắc Kinh đuổi việc. Ông chính là người cổ súy cho việc tự do phát biểu chính kiến, và là người đồng ký tên vào Hiến Chương 08. Trước đó, Chủ Tịch Tập Cận Bình cũng đã lên tiếng hô hào cần phải kiểm tra kỹ lưỡng hơn về ý thức hệ trong môi trường đại học của Trung Quốc.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT