Đời Sống Việt

Nhật Ký Tháng Tư 2019: Keramut - Air Raya – Letung. Biệt ly, nhớ nhung từ đây

Thursday, 28/04/2022 - 09:59:28

Kết thúc Nhật Ký Tháng Tư 2019, không thể không trích dẫn bài viết sau đây của ký giả James P. Sterba trên...


Cầu nguyện trước mộ tập thể của đồng bào vượt biển tử nạn. Keramut 2019.


Kết thúc Nhật Ký Tháng Tư 2019, không thể không trích dẫn bài viết sau đây của ký giả James P. Sterba trên nhật báo New York Times, số ra ngày 28 tháng 7, 1979.

“Quảng bá về lòng tốt đối với người tị nạn làm phiền lòng Jakarta

“Terempa, Indonesia:

“Hơn 200 hải đảo thuộc quần đảo Anambas có thể là thiên đàng hạ giới cho mọi người, trừ người dân đảo, khoảng 50,000 người, và 35,000 người tị nạn Việt Nam. Hầu hết người tị nạn đều muốn đến California, và hầu hết người Indonesia đều rất vui khi thấy người tị nạn được đến đó. Khi được cho biết về lòng tốt của người dân tại quần đảo Anambas với người tị nạn, chính phủ Jakarta lại nài nỉ các ký giả, truyền thông báo chí làm ơn đừng nhắc đến sự thật đó!


Bãi trước đảo Keramut, nơi con thuyền tị nạn bị đắm tấp vào đảo, 2019.

“Cho dù Jakarta có đóng bộ mặt cứng rắn và lãnh đạm về cách quốc gia này muốn đối xử với người tị nạn, có lẽ họ cũng muốn mạnh tay như người anh em Mã Lai đang làm, nhưng sự thật thì Jakarta không nhẫn tâm xua đuổi người tị nạn ra biển lại, họ cố tìm những nơi có thể tạm sống được trong thời gian người tị nạn chờ được cứu xét, và trong khi chính phủ còn loay hoay đối phó, người dân ở các đảo nhỏ thuộc quần đảo Anambas sẵn lòng nhường cơm xẻ áo cho người tị nạn, hầu hết tấp vào các đảo này với hai bàn tay trắng, dù chính họ cũng chỉ đủ sống qua ngày. Chính phủ Jakarta có cố che dấu cũng không thể phủ nhận sự tử tế và lòng hiếu khách có sẵn của người dân đảo.

“Gần Letung, nằm về phía nam của Anambas, hơn 27,000 thuyền nhân Việt Nam đã cập bến trên hơn 150 con thuyền. Tháng 7 năm 1979, khoảng 12,000 người đang tạm trú tại hai trại có tên là Kuku và Air Raya. Khoảng 1,500 người ở Pulau Tulai, và 1,800 ở Pulau Benhala. Những người có tiền, hơn 1,000 người, còn có thể tự thuê phòng của người Indonesia ở thị xã Letung.


Đảo Keramut 2019

“Gần Terempa, về phía bắc của Anambas, dưới 6,000 thuyền nhân cập bến, và ở rải rác tại 5 trại tị nạn. Có hơn 140 đảo nhỏ tại phía bắc của Anambas, theo lời Quận Trưởng Zubir (Johnny) D., chính phủ địa phương cố gắng thu xếp cho người tị nạn tạm trú tại các đảo nhỏ, co nước ngọt và những phương tiện sinh sống thiên nhiên khác.

“Tuy vậy, hầu hết người tị nạn đều mong được tạm trú ở Pasir Merah, vì đó là nơi duy nhất trong vùng phía bắc Anambas họ có thể đánh điện tín và gởi thư ra thế giới bên ngoài. Tại Pasir Mehar, thị xã mở cửa cho người tị nạn vào từ 11 giờ sáng tới 4 giờ chiều, nhường cho người địa phương sinh hoạt những giờ thuận tiện hơn.


Mộ tập thể thuyền nhân tị nạn Việt Nam được người địa phương chôn cất và đánh dấu trên bãi cát đảo Keramut 2019.

“Đối với người tị nạn, tụ tập quanh những nơi nhận đánh điện tính và bưu điện, mong thư nhà, hoặc tiền từ thân nhân ở hải ngoại, xác nhận người nhà đã biết tin thuyền nhân còn sống sót, đó là điều duy nhất họ mong chờ. Khi có báo chí ngoại quốc vào trại, điều kiện sống thiếu vệ sinh, không thuốc men, chậm trễ thực phẩm cứu trợ từ các tổ chức Liên Hiệp Quốc, trẻ em và người lớn tuổi thiệt mạng ngày càng tăng, trong khi mùa mưa bão sắp tới.

“Các bác sĩ trong trại, cũng là thuyền nhân, nài nỉ gấp rút thuốc men cần thiết: trụ sinh, thuốc sốt rét và tiêu chảy, các chứng do muỗi và ký sinh trùng gây ra. Quan trọng hơn cả, người tị nạn mong được mở hồ sơ tại đinh cư, phải mất 33 tiếng đường biển để tới được đảo Britan, nơi có văn phòng của chính phủ địa phương. Chỉ có vài hãng khai thác dầu hoả trong vùng có phương tiện phi cơ nhỏ và trực thăng để di chuyển, hải đảo quá xa xôi và thiếu phuong tiệndi chuyển, phái đoàn của các quốc gia Tây phương có tới được cũng còn lâu lắm. Người tị nạn không còn cách nào khác là bó gối chờ đợi.

“James P. Sterba
“28 tháng 7, 1979.”
(New York Times)

Keramut


Căn nhà trước đây từng cho thuyền nhân Việt Nam tạm trú. Keramut 2019.

Từ Letung, những ngày kế tiếp chúng tôi tiếp tục đến hai địa điểm khác có mộ đồng bào: Keramut và Air Raya.

Keramut nhỏ xíu, có lẽ chỉ khoảng hai, ba ngàn dân, ngay ở phía bãi trước của đảo, khuất sau hàng dừa, là nơi người địa phương đánh dấu nơi chôn cất cả một con thuyền tị nạn bị đắm tấp vào đảo mùa bão. Không còn nhớ chính xác năm nào của thập niên 80, và số người thiệt mạng trên con thuyền mong manh có thể cả trăm người.


Thuyền cập bến đảo Air Raya

Tại đây phái đoàn Sydney có đánh dấu trên viên đá chữ VBP và ngày được người dân đảo chỉ chỗ ngôi mộ này tháng 3, 2017. Chúng tôi cũng được biết còn hai ngôi mộ thuyền nhân trong vuờn dừa trên đảo, và một mộ trên đỉnh đồi, đều là đất tư nhân, nhưng thời gian gấp rút vì không báo trước cho chủ nhân các vùng đất này, đành không viếng mộ đồng bào kịp. Như tại các đảo khác trong vùng, đoàn cũng ghé qua trường tiểu học trên đảo tặng quà, đặc biệt cho các bé mồ côi.

Tôi chậm lụt, đi đâu cũng muốn dừng lại quan sát, bị bỏ lại đằng sau, đang loay hoay kiếm đường ra lại bãi trước của đảo, một thiếu nữ nắm tay tôi giữ lại, nói bằng tiếng Anh, “Chị ngồi đây đi, đoàn của chị thế nào cũng quay trở lại con đường duy nhất của đảo này.”

Mới ngồi xuống băng ghế gỗ của một căn nhà đơn sơ, thì chủ nhà, một người đàn ông khoảng 60 bước ra, hai bên thấy nói gì đó, mà ông chủ nhà có vẻ bẽn lẽn, còn cô gái thì cười khúc khích.


Mộ còn tên trên Air Raya 2019

“Ông này hồi đó có cho hai gia đình thuyền nhân Việt Nam tạm trú ở đây.”

“Em hỏi dùm bao lâu,”

“Sáu, bảy tháng.”

Người làng kéo đến, người mở cell phone, người cho tôi củ khoai luộc, cả dừa mới chặt, và rồi cố gắng liên lạc với một phụ nữ người Việt, từng là thuyền nhân, ở đảo Keramut này, nhưng nay đã dọn lên tỉnh.

Ríu rít, cô gái kể, “Hồi nãy em đi theo chị vì thấy chị giống chị đó, tưởng là chị em.” Rồi chỉ ông chủ nhà, cô lại cười khúc khích, “Ông này cũng nói vậy, ông ấy tiếc hồi đó không có mẹ già như mẹ chồng của chị đó, nếu không thì chắc ông ấy cũng lấy được vợ người Việt rồi.”


Mộ còn tên trên Air Raya 2019

Đến đây tôi mới nhớ ra đã nghe các anh chị trong nhóm kể năm 2017 có được nghe chuyện người đồng hương ở lại trên đảo vì đi vượt biên có hai mẹ con, người mẹ mất, được gia đình cho tạm trú chôn cất ngay trong vườn của họ, rồi chăm sóc cô con gái như con trong nhà, cô cảm động vì tình thương chợt có, chọn ở lại, và lập gia đình với người con trai học ở ngoài tỉnh, thỉnh thoảng về thăm nhà. Chuyện như tiểu thuyết, và kết thúc quá hạnh phúc.

Chia tay Keramut quá đáng yêu, chúng tôi lên đường qua đảo Air Raya.


Air Raya

Từng là trại tị nạn với gần hai chục ngàn người, Air Raya bây giờ hoang vắng, chỉ còn lại khoảng hơn mười ngôi mộ. Chúng tôi bật khóc khi đứng trước mộ của đồng bào, sao mà hiu hắt, vắng lạnh đến thế. Không như Letung, Keramut, mộ nằm ấm áp trên đất có người dân đảo nhớ đến, không như Kuku, còn có cả đài tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam do chính phủ sở tại xây tưởng nhớ thuyền nhân Việt Nam, còn có người lui tới, Air Raya lặng lẽ điêu tàn. Đảo trơ trọi, không bóng mát, những ngôi mộ cỏ vàng úa, cháy nắng, một mộ lớn, có vẻ là mộ tập thể, còn bị moi ruột, chỉ có nấm đất đắp cao và hàng rào tre khô cằn chung quanh (ngôi mộ này còn hình dáng y hệt như trong hình phái đoàn đài truyền hình Canada đã quay trong đoạn phim tài liệu tháng 7,1979.)


Mộ còn tên trên Air Raya 2019

Chúng tôi tụ nghe những bước chân mình chua xót, rã rời, xuống thuyền rời xa Air Raya.


Letung

Không có máy bay về, chúng tơi ở lại thêm hai ngày ở Letung. Ngoài việc mỗi sáng, mỗi chiều, chạy lên thăm mộ đồng bào, chúng tôi còn được thưởng thức bãi biển Padang Melang cát trắng xoải dài đẹp như mơ trên đảo, và suối nước bảy tầng, nước mát lạnh như ướp đá. Nghe nói có nhà thờ Công Giáo, một nhóm nhỏ chúng tôi nhờ chủ nhà trọ tìm cho bốn chiếc xe gắn máy chở nhau đến nhà thờ. Nhóm chúng tôi chỉ có tám người, mà cả xứ ra đón! Nói “cả xứ” nghe cho oai, vì là xứ Hồi Giáo, người Công Giáo rất ít, trên đảo này còn có nhà thờ, các đảo lân cận đều không có, giáo dân khoảng hai mươi người, từ cụ già đến em bé. Cả năm may ra thì có Linh Mục đến mùa Phục Sinh hoặc Noel, còn thì hàng tuần giáo dân cùng qui tụ tự dâng lễ cầu nguyện. Thánh lễ kết thúc, mọi người bắt tay vui vẻ chào tự biệt, thì có bà cụ khoảng trên bảy mươi đến ôm lấy tôi, “Con gái, người Việt Nam khổ lắm, chết nhiều lắm.”


Bà cụ người đảo còn nói được ít tiếng Việt, Letung.

Tay cụ chỉ vòng quanh đảo, hơi rươm rướm nước mắt, “Bà ơi, bà nói được tiếng Việt hay quá.”

“Ờ, thì hồi đó người Việt tới đây nhiều lắm, nhà bà cũng có ba, bốn gia đình ở chung, khổ lắm, mà giỏi lắm, ai cũng giúp bà mọi việc.”

Đi lễ về, chúng tôi lại chạy lên nghĩa trang thăm mộ đồng bào, ngôi mộ vàng yêu kiều của chị Ta Tu Yên vẫn có gì đó quyến luyến bước chân. Về gần đến nhà trọ, thì có người trong nhóm chạy theo đằng sau, “Lẹ lẹ, ra tiệm cắt tóc, có chuyện lạ lắm, đi nghe, tôi tìm thông dịch.”


Nhà Thơ Lâm Hảo Khôi trước tiệm cắt tóc, Letung.

Đến nơi đã thấy nhà thơ Lâm Hảo Khôi đứng trước tiệm, ngay dưới chân đồi lên nghĩa trang, “Không biết có chuyện gì, mà mấy người trong tiệm nói tụi mình chờ, quan trọng lắm.”

Cô vợ chú nha sĩ trong nhóm (đẹp như cô tiên) đi làm tóc trong tiệm, cũng bỡ ngỡ không kém, “Mới vô gội đầu, cậu chủ tiệm hỏi mình là người Việt Nam hả, nói đúng rồi, người tị nạn về thăm mộ thuyền nhân trên kia, vậy là cậu bỏ chạy đi gọi điện thoại, rồi kêu mình ngồi chờ.”

Tiếng xe gắn máy ngừng trước cửa tiệm, cô chủ tiệm tóc đem theo một bọc ny lông ôm trong người, giao cho người em trai, rồi hai chị em nói gì đó, chắc có ý đợi ông thông dịch viên người Indo, trước đây từng làm trong trại tị nạn Kuku. Hơi sốt ruột, cậu em mở bọc ny lông cho chúng tôi xem, khi giấy tờ cuộn tròn trong bọc vừa mở ra, chúng tôi sững sờ, tấm hình 4x6 trắng đen của một cô gái Việt Nam rớt ra, cô đeo kính cận, miệng cười xinh xắn, mái tóc ngắn ôm lấy khuôn mặt sáng như trăng rằm, rồi một tấm bản đồ có 5, 6 ô vuông một ô đánh dấu chữ X và hàng chữ viết tay, một tấm giấy nữa còn cuộn tròn, chưa kịp mở tấm còn lại, anh Lâm Hảo Khôi kêu lên thảng thốt, “Cô này có mộ chôn trên nghĩa trang, coi nè, vị trí của ngôi mộ ngay sát đường đi, nằm phía ngoài cùng.”


Mộ còn tên trên Air Raya 2019

Nước mắt tôi bắt đầu trào ra, tay run rẩy, tờ giấy cuối cùng mở ra trước mặt, giấy khai tử của chị Ta Tu Yen, 23 tuổi, mất ngày 6 tháng 6, 1979, giấy khai tử ngày 7 tháng 6, 1979.

Anh Lâm Hảo Khôi kể, “Năm 2016 tụi tôi đi với Văn Khố Thuyền Nhân, có hai người cũng từ Úc đi theo tìm mộ thân nhân, đã xin phép chính phủ sở tại xin được đào lên một khoảng đất có viên đá đánh dấu trên nghĩa trang, nghi ngờ là chị của họ, khi đào trúng một miếng áo vàng, thì cả hai người em bật khóc, đúng là mộ chị rồi, chị bị bệnh mất, hai người em còn nhớ mặc cho chị chiếc áo vàng đẹp duy nhất đưa đi chôn, mấy chị em được một gia đình người Indo gốc Hoa nhận nuôi, và chính người cha trong gia đình đi xin miếng đất của nghĩa trang người Hoa chôn cất chị.”


Bản đồ vẽ tay đánh dấu nơi chôn cất chị Ta Tu Yen trong Nghĩa Trang Letung


Di ảnh chị Ta Tu Yen

Hai người em lúc ở đảo mới có 9, 10 tuổi, sau khi đắp đất lại và thuê người địa phương xây mộ cho chị, họ đặt tấm bia mầu vàng như mầu áo chị, có điều không kiếm được hình chụp chân dung, chỉ có hình vẽ, đặt trên mộ, có ba, bốn năm, mà hình vẽ đã phai nhạt hẳn.

Người cha trong gia đình (cha của hai chị em tiệm cắt tóc) đã nhận nuôi mấy chị em thuyền nhân. Ông đã qua đời đầu năm 2016, không kịp chứng kiến hai người em về tìm và xây mộ cho chị. Ông đợi mòn mỏi có người về tìm mộ, trước khi mất ông dặn con cháu nếu có ai đi tìm mộ thì xem người ta có thật lòng không, hay chỉ đến rồi đi thì đừng đưa. Thì ra hai chị em ấy đã quan sát chúng tôi cả tuần lễ, và quyết định chắc là “thật lòng” với đồng bào của họ.


Chia tay Letung 2019

Letung tiễn chúng tôi trong mưa, người dân đảo vui mừng, đã ba năm hạn hán, ruộng khô cỏ cháy, cơn mưa mong chờ nay đã đến.

Nước mưa hay nước mắt? Em đã thắc mắc, “Sao chị Hồ Thị Nga gần đó có hình đẹp quá, mà chị Yến không có hình?” Chị Yến ơi, “Mai chị về em gởi gì không, mai chị về nhớ má em hồng.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT