Thế Giới

Nhật tập trận chống đổ bộ chiếm đảo trong đêm

Saturday, 23/06/2018 - 10:43:24

Tàu tuần duyên của Trung Quốc nhiều lần tiến vào vùng biển quanh quần đảo thời gian qua. Nhiều nguồn tin chính phủ Nhật Bản nghi ngờ Trung Quốc còn cho trang bị vũ khí cho các tàu cá đến gần Senkaku/Điếu Ngư.

TOKYO - Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc lần đầu tiên tổ chức tập trận chống "lực lượng nước ngoài" đổ bộ chiếm đảo vào ban đêm. Cuộc tập trận dự kiến diễn ra tại một hòn đảo xa bờ, thuộc tỉnh Kagoshima, phía tây nam Nhật Bản. Tình huống giả định được đặt ra là một nhóm lực lượng quân sự "nước ngoài" âm mưu đổ bộ đánh chiếm một hòn đảo của Nhật Bản trong đêm. Các lực lượng tham dự cuộc tập trận bao gồm cảnh sát biển, tuần duyên và nhiều binh chủng thuộc Lực lượng Phòng Vệ Nhật Bản JSDF.
Hoạt động chưa từng có tiền lệ này có thể được tổ chức vào tháng tới. Chính phủ Nhật Bản từng cho tập trận chống đổ bộ chiếm đảo vào năm 2016 và 2017 nhưng đều diễn ra vào ban ngày. Ngoài ra, Hải quân Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ lần đầu tiên hợp tác diễn tập chiến đấu chống hạm trong tháng tới. Các hoạt động sẽ diễn ra trong một loạt các cuộc tập trận Hải quân Vành Đai Thái Bình Dương (RIMPAC) với Hoa Kỳ là nước chủ nhà, kéo dài từ ngày 27 tháng 6 đến 2 tháng 8. Tổng cộng 630 quân nhân thuộc Lực lượng Phòng Vệ Nhật Bản trên đất liền (JGSDF) và trên biển (JMSDF) sẽ cùng Hải quân Hoa Kỳ dùng hỏa tiễn chống hạm và pháo tầm xa tiêu diệt các mục tiêu giả định trên biển.
JSDF kỳ vọng gia tăng hợp tác Hải quân Mỹ - Nhật và củng cố khả năng phòng thủ chuỗi đảo xa bờ ở phía nam. Quyết định tập trận được công bố giữa lúc Nhật Bản có nhiều lo ngại an ninh đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Quần đảo này là tâm điểm tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Tàu tuần duyên của Trung Quốc nhiều lần tiến vào vùng biển quanh quần đảo thời gian qua. Nhiều nguồn tin chính phủ Nhật Bản nghi ngờ Trung Quốc còn cho trang bị vũ khí cho các tàu cá đến gần Senkaku/Điếu Ngư.

Hòa Lan: Tòa soạn bị tấn công bằng hỏa tiễn
AMSTERDAM - Một thành viên băng đảng tại Hòa Lan đã bị bắt, sau khi phóng hỏa tiễn chống tăng vào trụ sở một tờ báo tại thủ đô Amsterdam. Cảnh sát Amsterdam hôm thứ Sáu cho biết đã bắt nghi can bắn hỏa tiễn chống tăng vào trụ sở một tờ báo ở thủ đô Amsterdam vào đêm 21 tháng 6. Vụ tấn công làm hư hại một phần tòa nhà, nhưng không gây thương vong. Các nhân chứng cho biết đã nghe thấy tiếng nổ rất lớn lúc 11 giờ tối. Ống phóng hỏa tiễn được tìm thấy gần hiện trường và đang trong quá trình kiểm tra. Nghi can là nam giới 41 tuổi, được cho là người đứng đầu một nhánh của băng đảng Caloh Wagoh.
Tòa nhà bị tấn công là trụ sở của hãng truyền thông Pijper Media, chuyên phát hành nhiều báo và tạp chí trên lãnh thổ Hòa Lan. Cảnh sát vẫn chưa xác định được cách nghi can có được vũ khí chống tăng, cũng như mục đích của vụ tấn công. Tuy nhiên, một tạp chí của Pijper Media gần đây đã đăng loạt bài về thế giới ngầm tại thủ đô Amsterdam. Họ từng bị một băng đảng đe dọa vào năm 2014 và phải ngừng các bài viết về tổ chức này. Các phóng viên bày tỏ sự hài lòng khi nghi can bị bắt và nóng lòng chờ đợi lời khai của kẻ này. "Điều duy nhất chúng tôi có thể làm bây giờ là tiếp tục công việc càng sớm càng tốt,” ban biên tập tờ báo khẳng định.

Tổng thống Zimbabwe thoát âm mưu ám sát
BULAWAYO – Một vụ nổ đã xảy ra tại một sân thể thao của Zimbabwe vào hôm thứ Bảy, trong sự việc được chính phủ nước này coi là âm mưu ám sát nhắm vào Tổng Thống Emmerson Mnangagwa, người đang có cuộc vận động ngay tại sân thể thao này. Ông Mnangagwa không bị ảnh hưởng gì, nhưng nhiều người khác đã bị thương và được đưa vào bệnh viện. Vụ nổ xảy ra tại sân thể thao White City ở Bulawayo. Đại diện chính phủ Zimbabwe cho biết cuộc điều tra đang được thực hiện, và đã có nhiều âm mưu ám sát tổng thống diễn ra trong 5 năm qua.
Hai phó tổng thống của Zimbabwe có mặt trong nhóm 8 người bị thương. Ông Kembo Mohadi bị thương ở chân, và ông Constantino Chiwenga bị thương nhẹ ở mặt. Một số viên chức khác bị thương bao gồm cả bộ trưởng môi trường và tổng thư ký đảng cầm quyền ZANU-PF. Hãng truyền thông Zombabwe cho biết 3 nhân viên của họ cũng bị thương. Vào tháng tới, Zimbabwe sẽ có cuộc bầu cử tổng thống, cũng là cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên kể từ khi quân đội nước này buộc Tổng Thống Robert Mugabe, người đã cầm quyền gần 40 năm, phải từ chức trong vụ đảo chính hồi tháng 11 năm ngoái.

Nhật đề nghị giúp Bắc Hàn hủy cơ sở hạt nhân
TOKYO - Chính phủ Nhật Bản tuyên bố có thể gởi các chuyên gia tới Bắc Hàn để hỗ trợ nước này thực hiện phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Trong trường hợp Bình Nhưỡng và Washington đồng ý phá hủy cơ sở hạt nhân Yongbyon, Tokyo có thể chia sẻ kinh nghiệm và gởi chuyên gia hỗ trợ quá trình tháo dỡ lò phản ứng tại đây, theo nguồn tin chính phủ Nhật Bản hôm thứ Sáu cho biết. Tokyo muốn tham gia nhiều hơn vào các diễn biến trên bán đảo Triều Tiên, trong bối cảnh có nhiều ý kiến cho rằng nước này đã bị gạt ra khỏi những nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết các căng thẳng với Bình Nhưỡng trong năm nay.
Trong cuộc họp với Tổng Thống Donald Trump tại Singapore hôm 12 tháng 6, Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong-un đã cam kết hợp tác hướng tới giải trừ hạt nhân hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên. Tokyo bày tỏ ý định góp mặt vào quá trình phi hạt nhân hóa, cũng như gánh một phần chi phí cho hoạt động kiểm tra của Cơ quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế IAEA tại Bắc Hàn.
Nhật Bản cũng dự định chuyển giao công nghệ khử nhiễm xạ cho Bắc Hàn để xử lý khu vực quanh nhà máy hạt nhân Yongbyon và bãi thử Punggye-ri. Tuy nhiên, chưa rõ Bắc Hàn có cho phép chuyên gia Nhật Bản tham gia vào quá trình tháo dỡ nhà máy Yongbyon hay không. Cơ sở Yongbyon nằm ở tây bắc Bắc Hàn, hoạt động từ năm 1986. Đây được cho là nơi cung cấp nguyên liệu plutonium cho đầu đạn hạt nhân của Bình Nhưỡng, cũng như thử nghiệm công nghệ lò phản ứng nước nhẹ do Bắc Hàn tự phát triển.

Hỏa tiễn nổ, chiến hạm Đức bốc cháy
NA UY - Tàu hộ vệ hỏa tiễn Sachsen của Đức gặp trục trặc khi diễn tập ngoài khơi Na Uy, khiến 2 thủy thủ bị thương. Hải quân Đức hôm thứ Sáu xác nhận, tàu hộ vệ tối tân Sachsen đã gặp trục trặc khi bắn hỏa tiễn phòng không SM-2 trong cuộc diễn tập tại biển Bắc. Quả đạn phát nổ ngay sau khi rời bệ phóng, gây cháy boong tàu và làm hư hại kết cấu tầng trên trước đài chỉ huy. "Chúng tôi phải đối mặt với một bức tường lửa nóng rực", hạm trưởng của tàu Sachsen nhớ lại. Báo cáo sau sự việc cho biết hỏa tiễn SM-2 không có dấu hiệu hư hỏng trước khi phóng. Con tàu đã tới cảng Harstad của Na Uy để sửa chữa và điều tra nguyên nhân sự việc. Hai thủy thủ bị thương nhẹ đã được điều trị.
Sachsen là chiếc đầu tiên thuộc lớp hộ vệ hạm phòng không tối tân do Đức phát triển, được trang bị nhiều công nghệ tàng hình để ẩn mình trước radar đối phương. Mỗi tàu đều được trang bị hệ thống radar cảnh giới SMART-L và điều khiển hỏa lực APAR, cho phép phát hiện và đánh chặn nhiều loại mục tiêu, bao gồm cả máy bay tàng hình và hỏa tiễn hành trình. Dù mang danh là tàu hộ vệ hỏa tiễn, lớp Sachsen sở hữu hỏa lực không thua kém các khu trục hạm của Hoa Kỳ và đồng minh. Vũ khí chính của Sachsen là 24 hỏa tiễn phòng không tầm xa SM-2 Block IIIA, có khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 160 cây số. Bên cạnh đó là 32 quả đạn RIM-162 ESSM với tầm bắn 50 cây số.

Ấn Độ: Tai nạn giao thông, 7 người thiệt mạng
GURAJAT - Ít nhất 7 người thiệt mạng và 24 người khác bị thương trong một vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra tại bang Gujarat, miền tây Ấn Độ. Nhà chức trách cho biết, tai nạn xảy ra khi chiếc xe tải chở khoảng 32 người gặp nạn tại một chiếc cầu nhỏ gần xa lộ Havnagar-Somnath, thuộc quận Amreli vào đêm thứ Sáu. Các cuộc điều tra ban đầu cho thấy, tài xế xe tải đã chạy tốc độ cao, khiến xe mất kiểm soát, dẫn đến tai nạn. Có 7 người chết ngay tại hiện trường, trong khi những người bị thương được đưa đi cấp cứu tại một bệnh viện gần đó. Trong số những người bị thương có 5 người bị nguy hiểm đến tính mạng. Ấn Độ là một trong những nước có tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông cao nhất thế giới. Các vụ tai nạn xảy ra phần lớn là do tài xế lái ẩu hoặc đường xá và xe không được bảo trì thường xuyên.


ISIS đòi Iraq thả hết nữ tù nhân Hồi Sunni
BAGHDAD – Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ISIS vừa công bố một video vào thứ Bảy, yêu cầu chính phủ Iraq thả mọi tù nhân là phụ nữ Hồi giáo Sunni. Tổ chức này cho Baghdad thời hạn là 3 ngày, nếu không chúng sẽ hành quyết 6 người đàn ông xuất hiện trong video. Những con tin này tự nhận họ là cảnh sát và binh sĩ Iraq. Video được đăng trên trang truyền thông của ISIS, 1 tuần sau khi tổ chức này thông báo bắt cóc 17 cảnh sát và binh sĩ Iraq, chủ yếu là những người Hồi giáo thuộc dòng Shiite.
Nhà Nước Hồi Giáo đã thực hiện nhiều vụ bắt cóc trên xa lộ nối Baghdad với khu vực phương bắc, sau khi quân đội chính phủ chiếm lại thành phố Mosul vào năm ngoái. Thủ Tướng Haidar al-Abadi đang đối mặt nhiều áp lực trong những tuần gần đây, về tình trạng thiếu an ninh ở khu vực bên ngoài thủ đô. Phát ngôn viên quân đội Iraq nói quân đội đã biết về video con tin, và nói rằng các lực lượng quân sự đang truy lùng nhóm tay súng ISIS được cho là đứng sau vụ này.

Iraq không kích cuộc họp của ISIS, diệt 45 quân
BAGHDD - Quân đội Iraq vừa thực hiện đợt không kích ngắn trên lãnh thổ Syria, tiêu diệt nhiều chỉ huy cao cấp của Nhà Nước Hồi Giáo ISIS. "Chiến đấu cơ F-16 Iraq thực hiện thành công đợt không kích nhằm vào cuộc họp của các chỉ huy của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại khu vực Hajin trên lãnh thổ Syria. Mục tiêu bị phá hủy hoàn toàn, 45 tên khủng bố đã bị tiêu diệt,” theo thông cáo từ Bộ tư lệnh các chiến dịch liên quân của quân đội Iraq hôm thứ Bảy cho biết.
Trong số các phiến quân bị tiêu diệt có người đưa tin riêng của thủ lĩnh ISIS Abu Bakr al-Baghdadi, chỉ huy lực lượng an ninh và nhiều thủ lĩnh cấp cao khác của tổ chức này. Phiến quân ISIS từng chiếm hơn 30% lãnh thổ Iraq. Quân đội Iraq tuyên bố đánh đuổi hoàn toàn ISIS khỏi đất nước này vào tháng 12, 2017. Tuy nhiên, các tay súng ISIS vẫn tiếp tục mai phục, thực hiện các vụ ám sát và đánh bom trên lãnh thổ Iraq, đặc biệt là khu vực dọc biên giới với Syria.
Baghdad đang duy trì mối quan hệ ngoại giao tốt với Tehran và Moscow, đồng minh thân cận của Damascus, đồng thời nhận được sự hậu thuẫn lớn của liên quân do Washington dẫn đầu. Quân đội Iraq đã nhiều lần không kích mục tiêu ISIS trên lãnh thổ Syria, với sự đồng thuận của chính quyền Tổng Thống Bashar al-Assad và liên quân Hoa Kỳ.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT