Thế Giới

Nhật - Trung ký 500 thoả thuận kinh tế trị giá $2.6 tỷ

Friday, 26/10/2018 - 08:27:44

Thủ tướng Trung Quốc cho rằng quan hệ Trung - Nhật "đang trở lại quỹ đạo bình thường" và hai nước đóng vai trò không thể thiếu cho việc phát triển kinh tế không chỉ ở châu Á mà cả thế giới. Ông Abe sau đó đã gặp Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

BẮC KINH – Các đại diện thương nghiệp Nhật Bản trong đoàn tháp tùng Thủ Tướng Shinzo Abe tới thăm Bắc Kinh hôm thứ Sáu đã ký khoảng 500 thỏa thuận hợp tác, trị giá $2.6 tỷ Mỹ kim, với các đối tác Trung Quốc, theo thông báo của Thủ Tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Ông Lý không tiết lộ chi tiết các thỏa thuận, nhưng trong số đó có dự án chung về thành phố thông minh ở Thái Lan. Trung Quốc và Nhật Bản cũng đồng ý tăng hợp tác về thị trường chứng khoán và tài chính.
Thủ tướng Trung Quốc cho rằng quan hệ Trung - Nhật "đang trở lại quỹ đạo bình thường" và hai nước đóng vai trò không thể thiếu cho việc phát triển kinh tế không chỉ ở châu Á mà cả thế giới. Ông Abe sau đó đã gặp Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong cuộc gặp, ông Tập nói "quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa hai nước đang trở nên chặt chẽ mỗi ngày," và hứa sẽ tăng cường hợp tác kinh tế.
Đây là chuyến thăm Trung Quốc chính thức đầu tiên của ông Abe kể từ khi nhậm chức vào năm 2012. Quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á từng rơi xuống mức thấp nhất hồi năm 2012 khi Nhật quốc hữu hóa quần đảo tranh chấp với Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Tuy nhiên, quan hệ Trung - Nhật có dấu hiệu ấm lên, khi cả hai nước phải đối mặt với áp lực thương mại ngày càng lớn từ chính quyền của Tổng Thống Donald Trump. Ông Abe dự kiến sẽ mời Chủ Tịch Tập thăm chính thức vào năm tới, nhân dịp Nhật tổ chức hội nghị G20. 

Thủ tướng Malaysia tuyên bố không chấp nhận người đồng tính
KUALA LUMPUR – Thủ Tướng Malaysia Mahathir Mohamad hôm thứ Năm đã phản đối người đồng tính, cho rằng hệ thống giá trị của Malaysia vẫn tốt, và không thể áp đặt ý kiến của phương Tây đối với cộng đồng LGBT lên đất nước này. “Vào lúc này, chúng tôi không chấp nhận cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT). Nếu phương Tây muốn chấp nhận, đó là chuyện của họ. Đừng ép buộc điều đó lên chúng tôi,” ông Mahathir nói. "Quy định về hôn nhân và gia đình giờ đây đã bị coi nhẹ ở phương Tây. Tại sao chúng tôi phải làm theo? Hệ thống giá trị của chúng tôi vẫn tốt. Nếu một ngày nào đó phương Tây quyết định khỏa thân ra đường thì chúng tôi có phải làm theo không?”
Malaysia hoạt động dựa trên hệ thống pháp luật song song, cho phép tòa án Hồi giáo xử lý các vấn đề tôn giáo và gia đình của những công dân theo đạo Hồi, khi 60% dân số Malaysia theo đạo này. Luật Hồi giáo cũng được giám sát bởi các bang trong nước. Ông Mahathir, người quay lại vị trí thủ tướng sau khi chiến thắng cuộc bầu cử hồi tháng 5, đã hứa sẽ ổn định chính phủ sau bê bối tham nhũng của cựu Thủ Tướng Najib Razak. Chiến dịch này đã làm lu mờ những lời bình luận gây tranh cãi của ông Mahathir đối với cộng đồng LGBT và người Do Thái.
Tuyên bố của chính trị gia 93 tuổi được đưa ra trong lúc các nhà hoạt động khuyến cáo về cách đối xử ngày càng nghiêm khắc của Malaysia với cộng đồng LGBT. Hồi tháng 9, chính quyền bang Terengganu xác nhận 2 phụ nữ đã bị phạt roi công khai và phải nộp $800 Mỹ kim tiền phạt, sau khi thừa nhận việc quan hệ đồng tính nữ. Vụ xét xử đã bị nhiều nhóm hoạt động nhân quyền phản đối.

Thổ Nhĩ Kỳ đòi dẫn độ các nghi can giết Khashoggi
ANKARA – Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ Sáu đã yêu cầu Ả Rập Saudi dẫn độ 18 nghi can trong vụ sát hại ký giả Jamal Khashoggi. Lời kêu gọi này nhiều khả năng sẽ bị Ả Rập Saudi từ chối, và có thể làm tăng căng thẳng giữa 2 quốc gia. Phòng công tố Istanbul đã gởi thư yêu cầu Ả Rập Saudi dẫn độ các nghi can, và Bộ Ngoại Giao Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chính thức thông báo việc này với Ả Rập Saudi. Chính quyền Saudi trước đó từng nói rằng, họ đã bắt giam và sẽ tự trừng phạt 18 nghi can liên quan đến cái chết của ông Khashoggi.
Ngoài ra, cũng vào thứ Sáu, Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã thúc giục Ả Rập Saudi cung cấp thông tin về chủ mưu vụ sát hại ký giả Khashoggi và nơi phi tang thi thể nạn nhân, đồng thời khẳng định Ankara vẫn còn nhiều bằng chứng về sự việc. Tổng Thống Erdogan cũng yêu cầu Riyadh cần cung cấp danh tính của “người cộng tác,” tức người được cho là đã nhận thi thể ông Khashoggi từ các đặc vụ Riaydh, sau khi vị ký giả bị giết và bị phân thây.
Cái chết của ông Khashoggi đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng thế giới, trở thành cuộc khủng hoảng cho chính phủ Ả Rập Saudi và Thái Tử Mohammed bin Salman, người đang nắm thực quyền điều hành vương quốc dầu mỏ. Ả Rập Saudi hôm thứ Năm nói rằng vụ sát hại ông Khashoggi là âm mưu đã được lên kế hoạch trước, và Riaydh kết luận như vậy dựa trên thông tin nhận được từ Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc điều tra chung giữa 2 nước.

Bạo động tiếp tục diễn ra tại biên giới Gaza-Isarel
GAZA – Các chiến đấu cơ Israel đã tấn công nhiều căn cứ của phiến quân trên khắp dải Gaza vào sáng sớm thứ Bảy, giờ địa phương, không lâu sau khi phiến quân bắn đạn rocket vào miền nam Israel. Các cuộc tấn công xuyên biên giới diễn ra vào vài giờ sau khi lực lượng Israel bắn chết 4 người Palestine biểu tình dọc theo hàng rào biên giới, phân chia giữa Israel và khu vực Gaza do tổ chức Hamas cai trị.
Tổ chức Islamic Jihad, một tổ chức nhỏ, đã nhận trách nhiệm vụ bắn rocket vào Israel, nói rằng họ “đã cố kềm chế, nhưng không thể đứng nhìn việc quân đội Israel tiếp tục sát hại người vô tội.” Hiện chưa có tin tức về người bị thương trong các vụ bắn rocket và không kích. Vụ tấn công lẫn nhau này đã làm phức tạp thêm nhiệm vụ của nước trung gian hòa giải là Ai Cập, quốc gia hiện đang cố gắng ngăn cản một cuộc xung đột toàn diện giữa Hamas và Israel. Vào thứ Sáu, vài ngàn người Palestine đã tập trung tại 5 vị trí tại biên giới, đốt bánh xe, ném đá, lựu đạn, bom xăng về phía binh lính Israel, và bị đáp trả bằng hơi cay và đạn thật.

Trung Cộng, Phi Luật Tân kêu gọi duy trì ổn định trên biển
BẮC KINH - Tại diễn đàn an ninh Hương Sơn ở Bắc Kinh, các viên chức quốc phòng của Trung Cộng và Phi Luật Tân hôm thứ Sáu khẳng định, việc đối thoại và liên lạc là yếu tố then chốt để bảo đảm sự ổn định trên biển. Các thông điệp này được đưa ra giữa lúc căng thẳng đang gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Trong những tuần qua, ngoài xung đột thương mại, Washington còn khiến Bắc Kinh tức giận khi điều oanh tạc cơ B-52 bay ngang biển Đông, và cho khu trục hạm thực hiện các nhiệm vụ tự do hàng hải tại vùng biển này. Vào thứ Sáu, Phó Đô Đốc Liu Yi, phó chỉ huy Hải quân Trung Quốc, lên tiếng trong phiên họp về hợp tác an ninh hàng hải tại diễn đàn Hương Sơn rằng, điều quan trọng hiện nay là các nước cần tôn trọng lẫn nhau, đặc biệt là trong những tình huống khẩn cấp.
Trước đó vào thứ Năm, cũng tại diễn đàn Hương Sơn, Bộ Trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Wei Fenghe tuyên bố, các đảo trên biển Đông “là di sản của tổ tiên người Trung Cộng, và Bắc Kinh sẽ không để mất cho dù chỉ 1 tấc đấc.”
Diễn đàn an ninh Hương Sơn năm nay có sự tham dự của hơn 500 đại diện từ 67 quốc gia cùng 7 tổ chức, và đã bế mạc vào thứ Sáu. Trước khi diễn đàn bế mạc, ông Cesar Yano, phụ tá bộ trưởng quốc phòng Phi Luật Tân, tái khẳng định tầm quan trọng của việc tự do di chuyển trên biển và trên không, và ông kêu gọi các nước tự kềm chế, tránh các hành động có thể làm tình hình thêm phức tạp.

Hiệp ước CPTPP có thể có hiệu lực năm nay
CANBERRA - Bộ Thương Mại Úc mới đây cho biết, chính phủ nước này đang chuẩn bị phê chuẩn hiệp ước thương mại Thái Bình Dương CPTPP vào ngày 1 tháng 11, mở đường cho hiệp ước bắt đầu có hiệu lực đối với 11 nước thành viên. Hiệp ước CPTPP sẽ có hiệu lực tạm thời vào 60 ngày sau khi được 6 quốc gia phê chuẩn. Hiện Singapore, Nhật, Mexico, và New Zealand, đã phê chuẩn hiệp ước này, và Canada dự kiến cũng có hành động tương tự vào thứ Hai, 29 tháng 10. Trong cuộc họp của Tổ chức thương mại thế giới WTO tại Ottawa, Canada, Bộ Trưởng Thương Mại Úc Simon Birmingham cho biết, nước này đang chuẩn bị phê chuẩn CPTPP vào ngày 1 tháng 11.
Việc hiệp ước có hiệu lực sẽ được những người ủng hộ ca ngợi là chiến thắng của hệ thống thương mại toàn cầu, điều từng bị chỉ trích bởi Tổng Thống Donald Trump, người đã rút Hoa Kỳ khỏi hiệp ước TPP, vốn là phiên bản đầu tiên của hiệp ước CPTPP hiện nay. Các nước thành viên CPTPP đại diện cho 14% tổng sản phẩm nội địa GDP toàn cầu, và đang tìm cách vận động cho ý tưởng thương mại tự do, trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Washington và Bắc Kinh vẫn đang tiếp diễn và Anh quốc đang rút khỏi tổ chức Liên Âu EU.
Nếu 6 nước thành viên CPTPP kịp thời phê chuẩn hiệp ước đúng ngày 1 tháng 11, thỏa thuận thương mại này sẽ có hiệu lực vào ngày 31 tháng 12. Đây là mốc thời gian quan trọng, vì đợt cắt giảm thuế thường niên của 10 trên 11 nước thành viên diễn ra vào ngày 1 tháng 1 mỗi năm, và Nhật sẽ giảm thuế vào ngày 1 tháng 4 mỗi năm. Nếu hiệp ước có hiệu lực vào ngày 31 tháng 12, hầu hết các nước sẽ được giảm thuế ngay ngày kế tiếp đó, nếu không, họ sẽ phải chờ thêm 1 năm.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT