Thế Giới

Nhật tưởng niệm thảm họa động đất và sóng thần

Saturday, 11/03/2017 - 07:58:58

Thủ Tướng Shinzo Abe và các viên chức chính phủ, cũng như Hoàng tử Fumihito và Công nương Kiko, nằm trong số những người dự lễ tại Nhà hát Quốc Gia ở Tokyo.

TOKYO – Nhật Bản đã tưởng niệm sáu năm thảm họa sóng thần, động đất làm hơn 18,500 người chết hoặc mất tích, 120,000 người mất nhà cửa. Phút mặc niệm được thực hiện lúc 2 giờ 46 phút chiều thứ Bảy, khoảnh khắc động đất 9 độ Richter gây rung chuyển Nhật Bản vào ngày 11 tháng Ba, 2011. Bầu không khí trang nghiêm bao trùm các tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất ở phía đông bắc là Iwate, Miyagi và Fukushima.
Một buổi lễ tưởng niệm cũng được tổ chức tại Tokyo để tưởng nhớ 15,893 người chết, 2,553 người mất tích, theo số liệu được công bố ngày 10 tháng 3 của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia. Thủ Tướng Shinzo Abe và các viên chức chính phủ, cũng như Hoàng tử Fumihito và Công nương Kiko, nằm trong số những người dự lễ tại Nhà hát Quốc Gia ở Tokyo.
Trong bài phát biểu, ông Abe cam kết tiếp tục thúc đẩy nỗ lực tái thiết. Hoàng tử lấy làm tiếc vì nhiều người không thể trở về nhà cũ do mức độ phóng xạ cao ở tỉnh Fukushima. Thảm họa hạt nhân xảy ra khi sóng thần bao trùm nhà máy điện hạt nhân Fukushim số một, khiến lõi lò phản ứng nóng chảy, khiến chất phóng xạ bị giải phóng ra môi trường. Đây là thảm hoạt hạt nhân tồi tệ nhất thế giới kể từ tai nạn Chernobyl năm 1986 ở Pripyat, Ukraine.

Tây Ban Nha: 1 con bò bị nhiễm bệnh điên
SALAMANCA – Nhà chức trách vừa thông báo về một con bò bị bệnh nhũn não BSE, thường được gọi là bệnh bò điên, theo tổ chức Y tế động vật thế giới OIE cho biết. Con bò bị bệnh thuộc đàn gia súc134 con tại một nông trại gần thành phố Salamanca, thuộc khu vực tây bắc quốc gia. Con vật mắc bệnh đã bị tiêu diệt ngay lập tức, sau khi một cuộc kiểm tra thường kỳ phát hiện con bò dương tính với bệnh BSE loại L.
Bệnh bò điên được báo cáo lần đầu tiên tại Anh vào giữa thập niên 80, và gây lo ngại do căn bệnh có thể lây sang người và gây tử vong. Dịch bệnh được kiểm soát sau nhiều đợt tiêu hủy gia súc bị bệnh, và sau khi các chính phủ châu Âu ra lệnh cấm dùng thịt và xương của các con bò bị bệnh làm thực phẩm hoặc thức ăn gia súc.

Đức phong tỏa trung tâm mua sắm vì ngại khủng bố
ESSEN - Cảnh sát Đức đóng cửa một trung tâm mua sắm, sau khi lực lượng an ninh được cảnh báo về nguy cơ tấn công khủng bố. Cảnh sát chống khủng bố của Đức hôm thứ Sáu đã ra lệnh đóng cửa và cách ly một trung tâm thương mại ở thành phố Essen, miền trung nước này, do phát hiện những dấu hiệu rõ ràng về một âm mưu tấn công khủng bố. "Các cuộc điều tra của chúng tôi cho thấy có mối đe dọa tấn công tiềm ẩn nhằm vào trung tâm mua sắm", nhà chức trách Đức cho biết, nhưng từ chối cung cấp thông tin chi tiết về mối đe dọa.
Đức vẫn trong tình trạng báo động cao kể từ sau các vụ khủng bố của phiến quân IS tại Pháp và Bỉ, cũng như cuộc tấn công bằng xe tải của một người tị nạn Tunisia vào chợ Giáng sinh ở Berlin cuối năm ngoái, khiến 12 người thiệt mạng. Mới đây nhất, một cuộc tấn công bằng rìu đã xảy ra vào ngày 9 tháng 3 tại nhà ga Dusseldorf, khiến 9 người bị thương.

Syria: Đánh bom liên tục ở thủ đô, hơn 40 người chết
DAMACUS - Ít nhất 40 người chết và hơn 100 người bị thương trong các vụ đánh bom khủng bố tại thủ đô Damascus, Syria. Một vụ đánh bom kép hôm thứ Bảy nhằm vào đoàn hành hương người Hồi giáo dòng Shiite ở thủ đô Damascus, Syria, đã làm 44 người chết và khoảng 120 người bị thương. Vụ tấn công thứ nhất xảy ra tại một bến xe bus, nơi những người hành hương đang đợi xe để đến thăm nghĩa trang Bab al-Saghir gần đó.
Vụ nổ bom thứ hai xảy ra sau đó 10 phút, gây thương vong cho nhiều nhân viên quốc phòng đang làm việc trong khu vực. Nhóm phiến quân Levant Swords, đồng minh của lực lượng nổi dậy Quân đội Syria Tự do (FSA), đã nhận trách nhiệm vụ tấn công. Tình trạng bạo lực vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm ở Syria, dù các cường quốc đang nỗ lực thiết lập các cuộc đàm phán hòa bình. Cuộc đánh bom tự sát gần nhất tại Damascus diễn ra vào tháng Một, khi một tay Hồi giáo cực đoan tấn công lực lượng cảnh sát ở quận Kafr Sousa làm ít nhất 7 người chết.

LHQ: Có nguy cơ nạn đói lớn nhất thế giới
THỤY SỸ - Liên Hiệp Quốc cho biết, khoảng 20 triệu người ở châu Phi đang cần viện trợ khẩn cấp để thoát khỏi nạn đói và bệnh dịch, trong cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất trong suốt hơn 70 năm qua. Trưởng bộ phận Nhân đạo của Liên Hiệp Quốc Stephen O'Brien hôm thứ Bảy kêu gọi thế giới chung tay cứu giúp hàng triệu người dân ở 4 quốc gia Kenya, Yemen, Nam Sudan và Somalia, đang phải đối mặt với nạn đói và dịch bệnh.
"Chúng ta đang phải đối mặt với khủng hoảng nhân đạo lớn nhất kể từ khi Liên Hiệp Quốc ra đời. Hơn 20 triệu người tại 4 quốc gia này đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực. Nếu không có nỗ lực chung của toàn cầu, người dân sẽ chết đói", ông O'Brien nói. Theo Liên Hợp Quốc, tại Somalia, hơn 6 triệu người đang cần hỗ trợ lương thực, chiếm hơn một nửa dân số nước này. Tình trạng hạn hán, nạn đói và sự xuất hiện của nhóm khủng bố Al-Shabaab đã đẩy đất nước và người dân rơi vào hoàn cảnh tuyệt vọng
Tại nước láng giềng Kenya, hơn 2.7 triệu người đang trong tình trạng thiếu lương thực và con số này có thể tăng thêm 4 triệu người vào tháng tới. Hơn 14 triệu người ở Nam Sudan và Yemen cũng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự. Liên Hợp Quốc đang mở nhiều chiến dịch kêu gọi hỗ trợ các nước này, với số tiền cần thiết lên đến hàng trăm triệu Mỹ kim.

Malaysia: Căng thẳng với Bắc Hàn không gây chiến tranh
KUALA LUMPUR - Bộ Trưởng Quốc Phòng Malaysia hôm thứ Bảy khẳng định, căng thẳng ngoại giao với Bắc Hàn sẽ không dẫn đến chiến tranh giữa hai nước, sau vụ sát hại anh trai của Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong-un. "Mối quan hệ giữa Malaysia và Bắc Hàn đang căng thẳng, nhưng tôi tin rằng chưa đến mức để hai nước phát động chiến tranh chống lại nhau", theo lời Bộ trưởng Hishammuddin Hussein. Theo ông Hussein, quan hệ ngoại giao gần đây giữa hai nước bị ảnh hưởng của những suy đoán và thuyết âm mưu, về án mạng liên quan đến ông Kim Jong-nam.
Bộ Trưởng Quốc Phòng Malaysia cũng nhấn mạnh, mối quan tâm chính của nhà chức trách hiện nay là bảo đảm an toàn cho các công dân đang mắc kẹt ở Bắc Hàn, và quá trình điều tra vụ án được tiến hành một cách minh bạch.
Quan hệ giữa Malaysia và Bắc Hàn trở nên căng thẳng, sau khi người đàn ông Bắc Hàn mang hộ chiếu với tên Kim Chol bị 2 phụ nữ sát hại tại sân bay Kuala Lumpur vào ngày 13 tháng 2. Nam Hàn và Malaysia cho rằng Kim Chol chính là Kim Jong-nam, anh của Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un. Sau sự việc, do mâu thuẫn trong quá trình điều tra, hai nước Malaysia và Bắc Hàn đã trục xuất đại sứ của nhau và cấm công dân hai bên hồi hương.

Cựu tổng thống Nam Hàn chưa rời sau khi bị truất phế
SEOUL - Một ngày sau khi bị Tòa Hiến Pháp phán quyết truất phế, cựu Tổng Thống Park Geun Hye vẫn ở trong phủ tổng thống và tiếp tục giữ im lặng. Phụ tá của bà Park và các nhà quan sát cho biết, bà có thể cần thời gian để đối mặt với phán quyết lịch sử, tước đi các đặc quyền của một tổng thống Nam Hàn, chuẩn bị đối mặt với cuộc điều tra sắp tới của các công tố viên và chỉ trích của dư luận.
“Cựu tổng thống bị sốc và có thể cần thời gian để đối mặt với những gì đã xảy ra,” một phụ tá ẩn danh của bà Park nói. Trong phán quyết được công bố hôm 10 tháng 3, Tòa Hiến Pháp cho biết hành vi phạm pháp của bà Park “nghiêm trọng không thể dung thứ” và việc bảo vệ Hiến Pháp bằng cách phế truất bà mang lại lợi ích “rất lớn.” Cựu tổng thống cùng người bạn thân Choi Soon Sil bị cáo buộc lợi dụng quyền lực để tham nhũng. Đồng thời, tòa khẳng định bà Park đã phạm luật khi cho phép bà Choi can thiệp công việc của chính phủ.
Sau phán quyết, bà Park dự kiến sẽ trở về nhà riêng ở khu Samseong-dong, quận Gangnam, phía nam thủ đô Seoul. Tuy nhiên, theo các phụ tá, bà Park vẫn ở trong phủ tổng thống vì nhà riêng của bà cần được sửa chữa và tăng cường an ninh. Cựu tổng thống được cho là sẽ chuyển về nhà vào ngày 12 hoặc 13 tháng 3. Cuộc bầu tử tổng thống mới của Nam Hàn dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 5, 2017. Từ nay đến ngày bầu cử, Thủ tướng Nam Hàn Hwang Kyo Ahn tạm thời nắm quyền tổng thống.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT