Người Việt Khắp Nơi

Nhiếp ảnh gia Trần Công Nhung đã trở về với cát bụi

Monday, 03/01/2022 - 09:06:04

Một nhà giáo, nhà văn, một nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên chụp ảnh quê hương Việt Nam, đã từ giã cõi trần...


Hình chụp Trần Công Nhung năm 2005 trên đỉnh núi Lũng Cú, tỉnh Hà Giang (nóc nhà Việt Nam, theo ghi chú của tác giả).


WESTMINSTER - Một nhà giáo, nhà văn, một nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên chụp ảnh quê hương Việt Nam, đã từ giã cõi trần để lên đường trong chuyến du hành cuối cùng vào ngày đầu năm 2022. Đó là nhiếp ảnh gia Trần Công Nhung, người đã từng cống hiến cho quý độc giả của nhật báo Viễn Đông những bài viết kèm hình ảnh nghệ thuật trên mục Quê Hương Qua Ống Kính được đăng hàng tuần trong nhiều năm trước khi xảy ra đại dịch.

Ông Trần Công Nhung đã du hành trên khắp đất nước Việt Nam sau năm 1975, viết lại nhiều câu chuyện dân gian cũng như lịch sử, kèm với hình ảnh từ thành thị đến các địa phương xa xôi hẻo lánh để mang về California, nơi ông đã sống nhiều năm nhưng trái tim luôn hướng về quê hương ở bên kia bờ Thái Bình Dương.

Cô Trần Phan Nhã Thư, con của ông Trần Công Nhung, nói với báo Viễn Đông vào chiều thứ Hai, rằng ông đã nhắm mắt lìa trần vào trưa thứ Bảy, ngày 1 tháng Giêng, 2022 tại một bệnh viện ở thành phố Fresno, California, hưởng thọ 87 tuổi.

Trong mấy năm gần đây, ông Trần Công Nhung đã bị bệnh tim. Tuy nhiên, ông rất khỏe mạnh và đã không mất vì bệnh tim. Theo lời của cô Thư, người nghệ sĩ nhiếp ảnh đã bị xuất huyết não và nằm bệnh viện hai tuần trước khi từ giã cõi đời vào khoảng gần 12 giờ trưa thứ Bảy. Ông để lại người vợ 77 tuổi, cùng bảy người con gồm một trai và sáu gái cùng các cháu (năm người con của ông sống ở Mỹ và hai người ở Việt Nam).

Cô Thư nói với báo Viễn Đông, “Má con lớn tuổi, lại yếu nữa, nên con không dám nói cho Má biết Ba đã mất. Nhưng Ba con rất tâm linh, Ba đã về báo cho Má biết. Ba mất lúc 12 giờ trưa. Đến khoảng 2 giờ thì Má nói Má biết Ba đã mất.”

Cô Thư cho biết lễ an táng sẽ được tổ chức tại thành phố Westminster, Nam California, nơi ông có nhiều bạn hữu còn nhớ cách kể chuyện rất khôi hài và thông minh của ông. Ngày giờ an táng sẽ được gia đình thông báo sau.

Tuần qua California đã có những ngày mưa lớn hiếm có. Cô Thư đã kể về một lần thăm cha trong ngày mưa, “Con nói Ba ráng sống nha. Ba nói Ba khỏe, đừng lo, Ba sẽ về với con. Nhưng Ba nói mà mắt mở không ra được, bị nhắm chặt lại trên giường bệnh. Con thương Ba quá. Bệnh viện ở xa tới bốn tiếng lái xe. Lúc về trời mưa tầm tã, con nhớ lời cuối Ba nói mà không cầm nước mắt lại được. Vài bữa sau thì Ba đi luôn, không về nữa. Con buồn quá.”

Ông Trần Công Nhung chào đời tại Quảng Bình ngày 24 tháng 8, 1935. Ông đã học ở Huế từ nhỏ, là giáo sư môn toán trung học ở Nha Trang, định cư tại Hoa Kỳ năm 1993. Trần Công Nhung gia nhập làng nghệ thuật nhiếp ảnh năm 1969. Năm 1970 thắng giải các giải Đặc Biệt, Huy Chương Vàng; năm 1971 được Huy Chương Đồng Quốc Tế. Năm 2000 Huy Chương Bạc PSA tại Hoa Kỳ.

Ông đã sáng lập và giữ chức Chủ Tịch Hội Nhiếp Ảnh Khánh Hòa năm 1970; hội KBC năm 1972; Hội Nhiếp Ảnh South Bay (PASB) tại California năm 1998).

Tại Việt Nam 1972, ông tổ chức Triển Lãm Cứu Trợ Nạn Nhân Chiến Cuộc tại Nha Trang. Những bài viết kèm với hình ảnh của ông đã được đăng trên nhiều báo tịa hải ngoại như tờ Việt Báo, Người Việt, Thằng Mõ, Trẻ Magazine, Hương Văn, Văn Hóa, Viethome Magazine, Giao Mùa, Saigon Times, Cái Đình, Vietnam Review, Thế Giới Ngày Nay, Tinh Tấn Magazine, và cuối cùng là mục Quê Hương Qua Ống Kính trên nhật báo Viễn Đông.

Những tác phẩm đã in của ông gồm có Quê Hương Qua Ống Kính tập 1 (2002) đến tập 11 (2011), Mùa Nước Lũ (Truyện), Thăng Trầm (hồi ký buồn vui một đời người), Về Nhiếp Ảnh (mạn đàm, nhân vật, phê bình), Buồn Vui Nghề Chơi Cây Kiểng. Vào năm 2020 ông xuất bản tác phẩm cuối cùng là Quê Hương Qua Ống Kính - Tâm Tình Với Độc Giả.


Một số tác phẩm của Trần Công Nhung

Trong một bài viết đăng báo Viễn Đông trước đây mang tựa đề “Khó Khăn Quê Nhà,” Trần Công Nhung từng tâm sự: “Nói khó khăn quê nhà người đọc sẽ không hiểu, nói thế tổng quát mông lung quá: đời sống khó khăn? Thời tiết cay nghiệt? Bão lũ quanh năm, ô nhiễm môi trường? Đau không bệnh viện? Chết bó chiếu chôn? Ôi kể mấy cho hết nỗi khổ, khổ tức khó khăn.

“Khó khăn người viết muốn nói ở đây là khó khăn cá nhân, trong phạm vi hẹp. Nhiều năm trước tôi có kể chuyện "ngộ độc," do nặng lòng với quê cha đất tổ mà mỗi năm tôi thường đi về, chẳng phải để kinh doanh hay du hí, làm gì có tiền để ở khách sạn sang, ăn món ngon nhà hàng.

“Mang tiếng là người Mỹ gốc Việt mà trông tôi lúc nào cũng như anh công nhân. Tôi chỉ có mỗi ước vọng là đi tìm giáp mặt tên tuổi mọi miền quê hương mà nhà trường, sách vở đã gieo trong tôi từ thời thơ ấu. Những hình ảnh trong ca dao, trong câu hát ru em đã vẽ ra trong tôi những khung trời huyền ảo thơ mộng:

“ Trên trời có đám mây xanh / Giữa đám mây trắng chung quanh mây vàng / Ước gì anh lấy được nàng / Để anh mua gạch Bát Tràng về xây / Xây dọc rồi lại xây ngang / Xây hồ vọng nguyệt cho nàng rửa chân.

“Tôi đã ru em câu hát trên mỗi ngày từ thuở lên năm. Gạch Bát Tràng chắc quí lắm, Bát Tràng ở đâu, ước gì mình được đến đấy xem cho biết. Lớn lên một chút tôi có dịp lần mò vào kho tàng Tự Lực Văn Đoàn, dần dà tôi bị cuốn hút vào thế giới lãng mạn mộng mơ của Khái Hưng, Nhất linh, Hoàng Đạo... Hình ảnh chùa Long Giáng với chú tiểu Lan, con sông Yến vào chùa Hương, hang Cắc Cớ chùa Thầy.

“Bao nhiêu ước mơ ấy sụp đổ ngay sau ngày 30 tháng Tư...

“Chuyện của cả một dân tộc chẳng phải riêng mình. Hàng trăm, hàng vạn, hàng triệu người như bị lũ cuốn trôi đi nhiều ngả: Ra biển cả, lên rừng sâu, vào lao tù... lúc ấy sống chết có đó mất đó trong nháy mắt, không ai biết nguyên do...”

Xin chào vĩnh biệt Trần Công Nhung, người nghệ sĩ nhiếp ảnh đã gìn giữ được những nét đẹp cổ kính của quê hương qua ống kính của ông. Xin cầu nguyện cho ông sớm về cõi Phật, nơi mà ông đã từng nhiều lần gieo duyên qua những tấm ảnh ghi lại những tôn tượng, những mái chùa của một đất nước mà ông đã không đành lòng dứt bỏ ra đi.



Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT