Hoa Kỳ

Nhiều người Ấn Độ tìm đường vào Mỹ qua biên giới Mễ Tây Cơ

Saturday, 18/08/2018 - 11:41:41

Trước khi khám phá điều trên, vị Dân Biểu Dân Chủ từ Riverside này đã dự đoán mình sẽ gặp nhiều di dân bị giam ở đây là từ Trung Mỹ, trong số này có những người cha bị tách ra khỏi con của họ.


Các công nhân đang lắp tường rào ngăn chặn di dân tại biên giới Mỹ-Mễ ở California giáp ranh Tijuana, Mexico trong tháng Bảy, 2018. (Mario Tama/Getty Images)

Trong chuyến thăm mới đây tại nhà tù liên bang ở Victorville, Nam California, Dân Biểu Liên Bang Mark Takano đã gặp chuyện khiến ông ngạc nhiên. Trong số hàng trăm người di dân bị giam giữ ở đó, ông khám phá ra rằng có tới 40 phần trăm là người từ Ấn Độ để Mỹ xin được tị nạn.

Trước khi khám phá điều trên, vị Dân Biểu Dân Chủ từ Riverside này đã dự đoán mình sẽ gặp nhiều di dân bị giam ở đây là từ Trung Mỹ, trong số này có những người cha bị tách ra khỏi con của họ.

Hầu hết những người xin tị nạn bị giam này đều không nói tiếng Anh. Họ đã chọn một người đại diện, và người này nói với Dân Biểu Takano rằng họ là những người ủng hộ hai đảng phái chính trị khác nhau, và đã bị đàn áp bởi Đảng Bharatiya Janata đang cầm quyền tại Ấn Độ.

Ông Takano nói, “Những người tị nạn nói rằng họ thường bị bắt nạt khiến họ phải làm những việc phi đạo đức. Họ phải vận chuyển ma túy, dùng bạo lực để đánh lại những người khác.”

Theo các viên chức di trú và các luật sư, trong những năm gần đây, số người Ấn Độ vượt biên vào nước Mỹ qua ngả Mexico đã gia tăng - mặc dù họ chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng số những người bị giam giữ. Những công dân Ấn Độ này nằm trong số hàng ngàn người di cư từ Haiti, Phi Châu và Á Châu. Họ đi bộ xuyên qua Châu Mỹ La Tinh, tận dụng các con đường, hoặc đường dây, mà người Latino đã dùng để nhập lậu vào nước Mỹ.

Vào đầu tháng Tám, khoảng 380 trong số 680 người di cư tại trại giam Victorville là công dân Ấn Độ, theo cơ quan FBI cho biết. Những người Ấn Độ này được gửi tới giam tại đó với tư cách là những tù nhân dân sự chứ không phải là tù nhân hình sự, trong lúc chờ kết quả cứu xét đơn xin tị nạn của họ.

Ngoài ra, trong số những người bị giam giữ tại cơ sở di trú Imperial Valley của Cơ Quan Di Trú Và Quan Thuế (ICE), có chừng 40 người là từ Ấn Độ, theo một phát ngôn viên cho biết. Trong tổng số những người bị giam tại trung tâm cứu xét Adelanto của ICE, có gần 20 phần trăm là người Ấn Độ.

Cho đến nay trong năm tài chánh 2018, trong số người bị bắt giữ bởi các nhân viên Tuần Tra Biên Giới, có 4,197 người là công dân Ấn Độ. Và nhiều người đã bị từ chối đơn xin tị nạn.

Từ những năm tài chánh 2012 đến 2017, trong số các trường hợp tị nạn từ Ấn Độ có khoảng 42 phần trăm bị từ chối, theo hồ sơ thanh lọc cho biết.

Những người bị bắt giữ từ Ấn Độ đã viện dẫn một mức gia tăng trong việc đàn áp chính trị và tôn giáo, để làm lý do cho họ xin tị nạn.

Những tín đồ đạo Sikh bị giam, cũng như những người thuộc các tôn giáo khác, than phiền về tình trạng họ không được phép tự do hành đạo.

Trong một cuộc hội họp mới đây về việc biết các quyền lợi ở nhà tù Victorville, gần 40 người đã gặp bà Meeth Soni, đồng giám đốc pháp lý tại Trung Tâm Luật Biện Họ Di Dân. Những người này đều là tín đồ đạo Sikh. Bà cho biết cả nhóm này nói rằng họ không thể đội khăn kara - những điều cáo buộc này là một phần của một vụ kiện mới đây được nộp đơn để kiện Tổng Thống Trump và cơ quan ICE.
Một tù nhân người Sikh đã “nhiều lần xin khăn đội đầu, và được cho biết là không được phép,” theo đơn kiện cho hay.

Bà Soni nói, “Họ được cho biết sẽ phải tốn $10 cho một chiếc khăn xếp - số tiền $10 mà những người này không có. ICE lột mất khăn xếp của họ, vứt khăn đi, và nay nói rằng bạn phải trả tiền cho chúng tôi để bạn có thể thực hành tuân thủ tôn giáo của bạn.”

Các luật sư nói chuyện với các tù nhân, về lý do tại sao họ rời khỏi đất nước của họ, cho biết rằng nhiều người Ấn Độ không thể tìm sự giúp đỡ của cảnh sát ở Punjab.

Bà Soni nói, “Trong một số trường hợp, việc đánh đập khá khủng khiếp. Người ta phải vào bệnh viện. Cảnh sát không làm gì cả để bảo vệ họ, và mặc dù họ tìm cách dời đi ở nơi khác, những mối đe dọa đó tiếp tục với họ và gia đình ho.”

Sau cuộc tấn công đầu tiên của những người ủng hộ đảng cầm quyền theo chủ nghĩa quốc gia Ấn Độ Giáo, cảnh sát đe dọa bất cứ người nào dám lên tiếng chống lại đảng đó. Theo một bản phúc trình của tổ chức Human Rights Watch (Theo Dõi Nhân Quyền) năm 2018 cho biết, nhiều người ở Ấn Độ đã trải qua việc bị đánh đập hoặc đe dọa tương tự bởi cảnh sát.

“Những cuộc tấn công do đám đông của các nhóm Ấn Độ Giáo cực đoan liên kết với đảng BJP cầm quyền, chống lại những cộng đồng thiểu số, đặc biệt là người Hồi Giáo, tiếp tục xảy ra suốt năm, trong lúc có tin đồn rằng họ bán, mua, hoặc giết bò để lấy thịt. Thay vì có hành động pháp lý nhanh chóng đối với những kẻ tấn công, cảnh sát thường xuyên tố cáo ngược lại các nạn nhân, căn cứ theo những luật cấm giết mổ bò.”

Các chuyên gia nói rằng chắc chắn bầu không khí chính trị ở Ấn Độ đã trở nên thù địch với nhiều nhóm thiểu số, và như thế số người tìm đến Hoa Kỳ để xin tị nạn sẽ còn gia tăng.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT