Thế Giới

Nhiều quốc gia ủng hộ Mỹ đánh ISIS

Friday, 12/09/2014 - 08:12:10

Các quốc gia Ả Rập Sunni cũng sẽ không thoải mái nếu bị xem là ủng hộ một nỗ lực do người Shiite cầm đầu. Tại Iran, dư luận cũng không mấy ủng hộ việc hợp tác với các nước Sunni.

Từ bên trái là Ngoại Trưởng Ai Cập Sameh Shoukry, Ngoại Trưởng Kuwait Sabah Al-Khalid al-Sabah, Ngoại Trưởng Ả Rập Saudi Saud al-Faisal, Ngoại Trưởng Mỹ John Kerry, Ngoại Trưởng Omani Yussef bin Alawi bin Abdullah, Ngoại Trưởng Bahrain Khaled bin Ahmed al-Khalifa và Ngoại Trưởng Lebanon Gebran Bassil. Họ đứng chụp hình chung tại phi trường quốc tế ở Jeddah hôm thứ Năm. (Brendan Smialowski/Getty Images)


JEDDAH, Ả Rập Saudi – Trong cuộc vận động dư luận thế giới trước khi thực hiện cuộc hành quân tấn công lực lượng Hồi Giáo Quốc ISIS, chính phủ Hoa Kỳ đang nhận được sự hỗ trợ của nhiều quốc gia hơn so với cuộc vận động đánh Iraq vào năm 2003.
Hiện nay Pháp đã chuẩn bị phi cơ tham dự uộc không tặc chống lực lượng Hồi vũ trang tại cả hai Iraq và Syria. Vương quốc Ả Rập Saudi đã cho phép Hoa Kỳ sử dụng các căn cứ để huấn luyện lực lượng đối lập tại Syria. Trong khi đó, hầu hết các quốc gia ở Trung Đông và Vịnh Ba Tư đều cam kết đứng chung một chiến tuyến để chống khủng bố. Tại Âu Châu, các quốc gia Tây Phương nói rằng họ sẽ không đứng yên trong lúc lực lượng Hồi vũ trang chém giết thường dân để thành lập một Hồi Quốc Giáo.
Khối liên minh này đang thành hình sau khi Tổng Thống Barack Obama kêu gọi thế giới hãy trợ giúp trong nỗ lực diệt trừ quân Hồi cực đoan đang tung hoành ở Iraq và Syria. Sự ủng hộ dành cho Hoa Thịnh Đốn lần này đã xem có vẻ rộng lớn hơn so với lời kêu gọi lần trước vào năm 2003 khi Hoa Kỳ chuẩn bị đưa quân đến Iraq.
Thế nhưng cùng với một lực lượng hỗn hợp gồm nhiều quốc gia, nỗ lực đánh quân ISIS sẽ gặp một số vấn đề liên quan đến sự phức tạp trong mối quan hệ thù nghịch giữa hai khối Hồi giaó Sunni và Shiite ở Trung Đông. Nỗ lực đoàn kết hai khối này để cùng chống một lực lượng vũ trang quá khích al Qaeda do người Sunni chỉ huy sẽ phải giải quyết một số xung đột trong nội bộ các quốc gia trong khối liên minh.
Trong các quốc gia Islam, hai khối đối nghịch được đại diện bởi hai thế lực Iran và Ả Rập Saudi. Các quốc gia thuộc hai khối này sẽ tránh hợp tác công khai.
Các viên chức Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ không tìm cách kêu gọi sự trợ giúp của Iraq. Lý do là Hoa Kỳ sẽ gặp sự chống đối từ phía Iraq, các quốc gia Ả Rập Sunni, Thổ Nhĩ Kỳ và Do Thái. Các quốc gia này sẽ cảm thấy bất an trước sự hợp tác giữa Hoa Thịnh Đốn và Tehran. Thế nên mặc dù cá viên chức Hoa Kỳ đã báo cho Iran biết về kế hoạch của Mỹ tại Iraq, cả hai bên đều tránh nói rằng hai quốc gia đang hợp tác với nhau.
Các quốc gia Ả Rập Sunni cũng sẽ không thoải mái nếu bị xem là ủng hộ một nỗ lực do người Shiite cầm đầu. Tại Iran, dư luận cũng không mấy ủng hộ việc hợp tác với các nước Sunni.
Tuy vậy, sự hưởng ứng của nhiều quốc gia trước lời kêu gọi của ông Obama đã làm cho Hoa Thịnh Đốn vui mừng. Trong cuộc vận động tấn công lực lượng ISIS tại Trung Đông, Ngoại Trưởng John F. Kerry đang đặt chỉ tiêu đạt sự ủng hộ của một số lượng lên tới 100 quốc gia.
Chỉ tiêu này có thể đạt được vì hầu hết các quốc gia ở Âu Châu cũng như Trung Đông đều xem lực lượng Hồi Quốc Giáo là một mối đe dọa lớn cho an ninh toàn vùng. Lực lượng này đã chiếm khoảng một phần ba lãnh thổ của Syria và Iraq.
Mặt khác, và không tốt cho nỗ lực đánh ISIS, dư luận tại Hoa Kỳ đã mệt mỏi sau hơn một thập niên tham dự chiến tranh tại Iraq và Afghanistan, và các đồng minh của Hoa Kỳ trong khối NATO đang phải đối phó trước mối đe dọa của Nga tại Ukraine.
Tại các quốc gia Sunni ở Vịnh Ba Tư và Ả Rập Saudi, các lãnh đạo rất lưỡng lự trước sự việc phải đứng chung với Hoa Kỳ và các phe nhóm Shiite tại Iraq và Syria trong một sứ mạng quân sự chống người Hồi giáo.
Đó là chưa kể những phức tạp giữa các quốc gia hưởng ứng Hoa Kỳ. Chẳng hạn như Ai Cập, một quốc gia đang được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Ả Rập Saudi và Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, đang gia tăng đàn áp nhóm Huynh Đệ Muslim, một nhóm Hồi được thành lập lâu đời nhất tại Trung Đông, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar vẫn tiếp tục hỗ trợ nhóm Huynh Đệ Muslim và những nhóm khác như Hamas, một tổ chức vừa tạm ngưng cuộc giao tranh với Israel tại Dải Gaza.
Trong cuộc họp tại Jeddah, Ả Rập Saudi hôm thứ Năm, Ngoại Trưởng John Kerry đã khuyến khích các quốc gia hãy tìm cách ngăn chặn tiền tài trợ từ giới giàu có cực đoan dành cho lực lượng ISIS.
Trong ngày thứ Sáu, ông Kerry cũng sẽ vận động Thổ Nhĩ Kỳ để quốc gia này ngăn chặn những binh sĩ ngoại quốc được ra vào lãnh thổ Syria. Trong hai năm qua Thổ Nhĩ Kỳ đã làm ngơ trước sự việc người ngoại quốc dùng lãnh thổ để xâm nhập Syria nhằm đánh quân đội của Tổng Thống Bashar Assad.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT