Thế Giới

Nhiều thị trấn Nhật bị heo rừng quậy phá

Sunday, 11/03/2018 - 09:52:01

Hồi đầu tháng 3, một con heo rừng đã tấn công một bà cụ ngoài 70 tuổi ở đảo Shikoku. Một con heo rừng khác xông vào khu mua sắm trên đảo vào tháng 10 năm ngoái, cắn nhân viên, lao từ cửa hàng này sang cửa hàng khác trước khi bị bắt.

KYODO – Heo rừng đang dần xuất hiện nhiều tại các thị trấn Nhật có nhiều người già hoặc ít dân, do không còn ai có thể kiểm soát chúng. Tỉnh Iwate chỉ có 2 con heo rừng bị bắt năm 2011 nhưng năm ngoái, con số này đã tăng lên 94. Các thành thị Nhật Bản đang trải qua hiện tượng bùng nổ số lượng heo rừng thay vì dân cư. Heo rừng chuyển vào các khu dân cư, do dân số nước Nhật đang già hóa, lượng cư dân giảm dần do nhiều người qua đời hay chuyển tới nơi khác sinh sống. Heo rừng chiếm cứ đồng ruộng, nhà cửa bị bỏ hoang.

"30 năm trước, quạ là vấn đề lớn nhất ở đây,” ông Hideo Numata, 67 tuổi, một nông dân ở Hiraizumi, thị trấn có dân số hơn 7,800 người ở tỉnh Iwate, cho hay. "Bây giờ thì heo rừng lại quậy phá, mà thị trấn quá vắng người, không đủ dọa chúng sợ hãi bỏ đi.” Nạn heo rừng quậy phá đã xuất hiện ở nhiều vùng miền nam Nhật Bản vài năm nay. Heo rừng xuất hiện ở các ga tàu, bãi đậu xe, ký túc xá trường học, thậm chí vượt biển bơi sang đảo.

Hồi đầu tháng 3, một con heo rừng đã tấn công một bà cụ ngoài 70 tuổi ở đảo Shikoku. Một con heo rừng khác xông vào khu mua sắm trên đảo vào tháng 10 năm ngoái, cắn nhân viên, lao từ cửa hàng này sang cửa hàng khác trước khi bị bắt. Tại Kyoto, ít nhất 10 con heo rừng bị phát hiện ở khu dân cư năm ngoái, và 2 con bị bắt ở một trường học hồi tháng 12.

Nhiều vùng ở Nhật Bản đang chật vật đối phó với dân số suy giảm và già hóa. Theo ước tính, Nhật Bản sẽ có 40% dân số hơn 65 tuổi vào năm 2050. Ở miền nam, dân cư đang có xu hướng chuyển vào các đô thị lớn. Ruộng đồng bị bỏ hoang do những người nông dân già qua đời và con cái họ không nối nghiệp. Những khu vực hoang vắng nay trở thành môi trường hoàn hảo cho heo rừng.

Chính quyền địa phương đang hỗ trợ nông dân xây hàng rào điện, nhưng rất ít người có đủ sức để làm. Các nhà chức trách cũng khuyến khích người dân xin giấy phép để bẫy và giết heo rừng, nhưng họ lại gặp khó khăn bởi các thủ tục hành chính. "Nhân lực thiếu thốn đang là vấn đề khó nhất,” ông Rise Suzuki, viên chức thị trấn Hiraizumi quản lý chiến dịch chống heo rừng cho hay. "Chúng tôi cần nông dân bảo vệ đất đai và chống lại đàn heo, nhưng họ không đủ sức làm bởi đa số đều là người cao tuổi.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT