Hôm Nay Ăn Gì

Nhớ xôi bắp miệt Cà Mau

Tuesday, 12/05/2020 - 11:52:15

Đỗ Mười ngủ một giấc, ngáy rang cả xóm. Sáng hôm sau, mặc dù vẫn còn móc mùng nhưng Đỗ Mười ngứa rang cả người vì muỗi đốt.

(Tom/ Viễn Đông)

 

 

(Tom/ Viễn Đông)

 

Bài TOM

Nói tới xôi bắp, người ta nghĩ tới xôi bắp Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn hoặc những nơi có thể trồng được cây bắp như Cẩm Nam - Hội An chứ chẳng ai nghĩ tới vùng đất quanh năm hoặc nhiễm phèn, hoặc ngập mặn như Cà Mau. Thế nhưng tôi từng có một bữa xôi bắp đáng nhớ nhất ở Cà Mau, nghĩa là ở cái nơi mà cách đây mười năm, được xem là khỉ ho cò gáy như Cà Mau, có những chuyện hết sức thú vị và lúc đó, con người nơi đây hoàn toàn sống hòa mình với thiên nhiên, thánh thiện và trong lành, giữa cái bối cảnh ấy, tôi may mắn được ăn xôi bắp nhà anh Tư và nghe những chuyện cười đến chảy nước mắt.

Xin nói thêm, mười năm trước, người miệt Cà Mau, đặc biệt ở Đất Mũi (nơi có biểu tượng mũi tàu đánh dấu vùng cuối của đất nước, nhìn ra vịnh Thái Lan), là những con người chân chất không thể chân chất hơn. Ví dụ như sáng sớm, bạn đi lang thang để kiếm thứ gì đó ăn sáng thì nếu quen đường, sẽ ra chợ Đất Mũi, nằm ngay bên cạnh bến Đất Mũi để ăn hủ tiếu hoặc bánh mì bò kho, chỉ có đúng một quán của bà Loan mẹ cô Nhung bán, không có gì khác. Nhưng chắc chắn, trên đường đi, nếu đi bộ, bạn có thể không cần ra tới quán. Bởi trên đường đi, nếu gặp gia đình nào đó đang ăn sáng, mà phải là món đặc biệt, họ đủ tự tin để mời khách thì sẽ có người chạy ra mời bạn vào nhà để ăn cùng với họ. Lời mời thật tình, nếu bạn không ăn thì người mời sẽ rất buồn. Và khi ngồi ăn, cứ chuyện nối chuyện, cuối cùng là trưa lúc nào không biết và liền có can rượu, vài con cua, con ghẹ luộc, vài con cá tươi hấp, chén muối tiêu ớt chanh mang ra mời bạn cùng uống rượu, như vậy có nghĩa là bạn có nguy cơ rời nhà của họ lúc chiều và về thẳng phòng trọ, nhà trọ.

Tôi nhớ năm đó, tôi đi một mình, đến thành phố Cà Mau lúc 4 giờ chiều, mua vé tàu cao tốc chạy dọc sông Tiền, qua những rừng ngập mặn, đước, sú, vẹt, qua mấy ngôi làng nằm dọc hai bên sông, cảnh càng lúc càng hiu hắt và buồn, cuối cùng cũng tới được Đất Mũi, trời đã nhá nhem tối. Vấn đề là tôi chưa đặt trước phòng và đi theo kiểu giang hồ nên hơi khó, may sao vẫn còn một phòng trọ để ngủ. Sáng hôm sau lang thang tìm chỗ ăn sáng, đi lòng vòng một hồi lọt vào khu xóm chài, không thấy quán ăn nào cả, chỉ thấy cầu ngang cầu dọc, toàn cầu khỉ. Đang lang thang tìm đường về chỗ cũ thì một người đàn ông chạy ra hỏi, “Anh trai đi ăn sáng phải không? Ở đây kiếm chỗ khó lắm!”

Tôi chưa kịp cảm ơn và hỏi nhờ chỉ chỗ thì ông này nói tiếp, “Tui tên Tư, ở đây vui lắm, sống thân tình lắm, anh trai vào đây đi, đừng ngại, sáng nay có xôi bắp, nhiều lắm, mời anh dzô ăn một miếng cho dzui!”

Miệng nói tay kéo, thôi thì nhắm mắt đưa chân vào ngồi ăn xôi bắp với ông Tư, mà cũng chưa biết tuổi ai lớn hơn, vì đàn ông miệt Tây Nam Bộ sống hồn nhiên, vô tư nhưng lại rất mau già, lạ chỗ này. Ngồi một lúc thì vợ Tư bưng xôi lên, Tư cho biết vừa tròn ba mươi, vậy là Tư nhỏ tuổi hơn tôi nên cũng không có gì ngại ngần về chuyện xưng hô. Tôi định bụng ngồi ăn một chút và tặng cho mấy đứa nhỏ con của Tư chút tiền vì Tư cũng khá là nghèo, nhà cây lợp lá dừa nước tuềnh toàng, khó khăn.

Tư bỏ miếng lá chuối ra tấm bạt và cho xôi bắp vào, sau đó cho dừa bào, muối mè đậu phụng vào. Và cả nhà cùng ăn. Ăn xong, Tư mới kể chuyện về gói xôi bắp của Đỗ Mười, tôi ngờ ngợ, hỏi Tư là ở trong xóm có người tên giống ông tổng bí thư ngoài Bắc vậy à. Tư lại cười sảng khoái, bảo rằng, “Chính nó chứ không có ai giống đâu! Hồi xưa ông ta về đây, lúc đó tôi còn nhỏ thôi, nhưng cười chết bỏ!”

Cái “cười chết bỏ” của Tư là chuyện ông Đỗ Mười ghé xuống Đất Mũi chơi, tối lại treo võng nằm ngủ ngoài sông cho mát, võng treo trên hai cây đước, loại cây này phát triển khá là nhanh. Buổi chiều, nước lên, mấy tay cán bộ treo võng lên giữa cây đước và thả mùng, cho mùng vén vào cái nệm của chiếc thuyền đặt bên dưới. Gió mát trăng thanh, có vài ly rượu với thức ăn ngon, Đỗ Mười ngủ một giấc, ngáy rang cả xóm. Sáng hôm sau, mặc dù vẫn còn móc mùng nhưng Đỗ Mười ngứa rang cả người vì muỗi đốt. Nhìn xuống thấy cái mùng bị hỏng tít trên cao, cả người và võng treo lơ lửng trên thân cây, chiếc thuyền thì chóng chành bên dưới cách cả gần hai mét. Hoảng quá, Mười gọi lính và hỏi sao lại có chuyện kỳ cục như vậy. Đám lính cũng không trả lời được, mấy cán bộ thì không dám nói là do khi móc mùng thì nước lớn, sáng ra nước ròng. Nói vậy sợ cả đám bị Mười trị tội vì không lo chu đáo. Vậy là thưa thốt rằng đước là một loại cây có thể mọc với tốc độ cực nhanh, một đêm tới sáng đã cao cả mét, cộng thêm hôm nay nước hơi ròng nên đâm ra bị hỏng chân…

Nghe vậy, Đỗ Mười xua tay ra lệnh, “Loại cây này phải phổ biến trên cả nước!” Câu chuyện tới đây thì dừng, nhưng Tư cười nắc nẻ, Tư bảo “chả hiểu làm lãnh đạo kiểu gì mà bị đám choi choi nó lừa, còn định mang cây ngập mặn về phổ biến trên cả nước nữa chứ!”

“Vậy liên quan chi tới gói xôi bắp hả Tư?”

“À, bữa đó đám lính làm điểm tâm cho cụ Tổng, nghiệt nỗi cụ không tin tưởng ai hết, nên mới tìm cách mua lại gói xôi bắp em đang ăn để ăn tạm, vì lúc đó nhìn thê thảm và bực bội lắm. Sau cái vụ mùng treo hỏng như vậy, giọng nói khản ra và đầy vẻ khó chịu, đám lính mặt xanh như đít nhái, loay hoay sao muộn bữa điểm tâm cụ Tổng, vậy là mệt hung. Em đang ăn gói xôi bắp, cụ đòi mua, nhưng em không bán vì sợ cụ quá! Nhìn mặt cụ dữ tợn lắm!”

“Có khi nào ông ta giỡn thôi chứ đâu đến nỗi!?”

“Giờ em nghĩ lại thì chắc ông Tổng đùa thôi, nhưng vì mình sợ quá nên cụ đâm cáu, mà nhìn mặt dữ vậy sao không sợ được. Đã không bán mà còn bỏ chạy, chạy được mấy bước thì nghĩ trong bụng nếu mình không vứt gói xôi lại thì bị rượt kịp, bị cướp, giết. Nghĩ vậy là vừa chạy vừa vứt ngược gói xôi lại… Cũng ấn tượng thật!”

Hóa ra, xôi bắp cũng không khó nấu là mấy. Chỉ cần ít nếp, ít bắp (bắp nếp hay bắp Mỹ đều được), ít đậu xanh, ít dừa nạo và đậu phụng là chuẩn bị có dĩa xôi ngon lành.

Đầu tiên vo sơ qua nếp, ngâm chừng khoảng hơn 1 giờ đồng hồ để nếp nở. Đậu xanh thì ngâm nước rồi đãi hết vỏ hoặc có thể dùng đậu xanh không vỏ, rửa sạch, cũng ngâm khoảng 1 giờ để đậu mềm ra. Nếu có nồi hấp thì dùng nồi hấp, đặt nếp vào một góc xửng hấp, đậu xanh một góc và bắp một góc rồi bắt đầu hấp. Vì nếp và đậu đã ngâm sẵn nên chỉ cần hấp từ 20 đến 25 phút thì đã chín.

Trường hợp không dùng nồi hấp, chỉ cần dùng nồi cơm điện cũng có thể có một dĩa xôi ngon. Nếp, bắp trộn đều với nhau, thêm chút dầu, chút muối, chút đường, thêm nước vào cho xâm xấp mặt nếp, bắp rồi bắt đầu cắm điện. Khi nồi cơm báo đã chín thì mở nắp, cho thêm ít dừa nạo vào, đảo đều và đậy nắp lại trong khoảng 15 phút nữa. Đậu xanh cho vào nồi, thêm nước xấp mặt đậu, đậy vung và nấu chín.

Đậu phụng đem rang, giã vừa, trộn thêm chút muối, chút đường. Xôi hấp (nấu) xong, xới ra dĩa, một ít xôi nếp, một ít bắp, một ít đậu xanh chín, thêm một chút muối đậu phụng, chút dừa nạo và chút hành phi là đã có thể thưởng thức.

Món ăn này trở nên ngon ở Đất Mũi, không phải vì đây là vùng đất xôi ruộng mật hay cái vựa bắp, mà vì nó quí ở tấm lòng, và vì một điều gì đó khó nói, khiến nó trở nên ngon và ý vị!

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT