Thế Giới

Nhóm “Chiếm Đóng” biểu tình ở các cửa hàng bán lẻ

Saturday, 26/11/2011 - 02:20:45

“Thứ Sáu Đen”  là ngày mà các cửa tiệm bán lẻ tự coi mình là “in the black”, trong tiếng Anh có nghĩa là thu được nhiều lợi nhuận.

Một người biểu tình trong nhóm Chiếm Đóng Seattle trước cửa tiệm bán lẻ WalMart hôm Thứ Sáu, 25-11-2011, ở Renton, tiểu bang Washington - ảnh: Erika Schultz/The Seattle Times.


Bạch Vân/Viễn Đông


SANTA ANA, California – Trong một nỗ lực nhằm nói cho những người đi mua sắm vào ngày Thứ Sáu Đen biết về lòng tham lam và những sự đóng góp tiền bạc vận động chính trị của các công ty, những người biểu tình trong phong trào Chiếm Đóng đã tụ tập bên ngoài các cửa hàng WalMart khắp Hoa Kỳ vào hôm qua 25-11-2011. Những cuộc biểu tình này bắt đầu từ hồi đầu tuần, đặc biệt với nhóm Chiếm Đóng Quận Cam phản đối chuyện WalMart và một số cửa hàng bán lẻ khác mở cửa sớm, để tăng lợi nhuận lên tới mức tối đa, vào ngày mua sắm tấp nập nhộn nhịp nhất trong năm: ngày Thứ Sáu Đen.

Thứ Sáu Đen là ngày kế tiếp ngay sau Lễ Tạ Ơn, bắt đầu mùa mua sắm cho dịp Lễ Giáng Sinh. Người ta thường gọi ngày này là “Thứ Sáu Đen”, vì đó là ngày mà các cửa tiệm bán lẻ tự coi mình là “in the black”, trong tiếng Anh có nghĩa là thu được nhiều lợi nhuận.

Những người biểu tình Chiếm Đóng Quận Cam tin rằng những người chủ của WalMart – có lẽ đang ở nhà với gia đình mình vào dịp Lễ Tạ Ơn – đang thu được lợi nhuận tối đa, bất chấp gây thiệt hại cho những nhân viên của WalMart phải rời khỏi gia đình để đi làm, có người từ lúc 10 giờ tối trong đêm Lễ Tạ Ơn. Chiếm Đóng Quận Cam là một phần thuộc Phong Trào Chiếm Đóng lớn rộng hơn. Phong trào phản kháng này bắt đầu với những cuộc biểu tình ở New York và San Francisco, trong tháng 9 năm 2011. Họ chịu ảnh hưởng của những cuộc biểu tình đòi dân chủ nổ ra trước đó trong năm nay, ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi.

Cùng với sự lan rộng của Phong Trào Chiếm Đóng, nay ra tới tận nhiều thành phố trên khắp thế giới, những yêu sách của phong trào này bao gồm một phạm vi lớn rộng. Tuy nhiên, tin tức loan tải cho biết rằng những người biểu tình này đang kêu gọi thay đổi kinh tế và xã hội. Một bản tuyên cáo của nhóm Chiếm Đóng Quận Cam viết: “Chủ đề căn bản của Phong Trào Chiếm Đóng là những đại công ty và những ngân hàng lớn đã bị lũng đoạn và trở nên tham lam, thu những mức lợi nhuận rất lớn từ trên lưng những người Mỹ trung bình. Những người đứng đầu các công ty tự trả cho mình những khoản tiền thưởng khổng lồ, trong khi vẫn cứ cắt giảm lực lượng nhân công cũng như xén bớt lương bổng”. Chiếm Đóng Quận Cam cũng đặt vấn đề về quá trình đóng góp vận động chính trị của hệ thống bán lẻ WalMart, từ những chiến dịch tranh cử cho đến những nhà vận động hành lang, đóng góp tiền bạc nhiều nhất cho Đảng Cộng Hòa.

Vì WalMart có nhiều địa điểm trên khắp nước Mỹ, nên chuyện mở cửa vào những giờ rất sớm và những cuộc biểu tình Chiếm Đóng không phải chỉ xảy ra ở Quận Cam mà thôi. Trong thực tế, Chiếm Đóng Quận Cam đang hành động đoàn kết với những nhóm Chiếm Đóng khác trên toàn quốc Hoa Kỳ, gọi ngày 25-11-2011 là ngày “Blackout Black Friday” (Thứ Sáu Đen Không Đèn Điện), hoặc “Đừng Chiếm Đóng WalMart”.


* WalMart New York, WalMart địa phương

Cô Jeanine Mucci, một nhân viên của cửa tiệm WalMart mở cửa 24 tiếng đồng hồ ở Plattsburgh, New York, nói với nhật báo Viễn Đông rằng cô nghĩ các cửa hàng nên đóng cửa vào lúc 4 giờ chiều, trong ngày Lễ Tạ Ơn, để cho người ta có đủ thì giờ hưởng dịp lễ này. Tuy nhiên, cô cũng hiểu rằng việc đi mua sắm gắn liền với Thứ Sáu Đen là “một phần của nền văn hóa Mỹ”.

Cô Mucci không phải đi làm vào đêm Lễ Tạ Ơn, mặc dù cô quen thuộc với tiến trình của cửa tiệm này trong việc đón khách đến đây sớm để mua sắm. Cô nói: “Chúng tôi rất đói tiền, chúng tôi phải mở cửa như thế thôi”. Cô Mucci cho biết thêm rằng cô có nói chuyện với viên quản đốc từ một cửa hàng WalMart bán suốt 24 giờ ở Long Island, New York, về cách mở cửa tiệm sớm. Cô Mucci nói, cửa tiệm đó đóng cửa, không tiếp khách hàng nữa vào lúc 9 giờ tối. Sau đó tiệm mở cửa lại lúc 10 giờ đêm, mặc dù chỉ cho phép cùng một lúc 100 khách hàng vào mà thôi. Tiến trình này bắt đầu sau vụ thiệt mạng xảy ra trong năm 2008, tại WalMart ở Long Island, New York, khi một nhân viên bị giẫm đạp cho đến chết, bởi những người mua sắm háo hức bắt đầu cuộc mua hàng đại hạ giá. Vì những khách hàng mua sắm có thể đông hơn so với khối lượng những mặt hàng được giảm giá, một vụ như vậy xảy ra quả là chuyện không may, mặc dù cũng không phải không thể xảy ra.

Còn tại Siêu Thị Walmart Superstore ở Santa Ana, California, thì bầu không khí vào khoảng 10 giờ sáng kể là bận rộn nhộn nhịp, nhưng không lộn xộn hỗn loạn.

Một nhân viên tên Eduardo nói với một khách hàng rằng mọi thứ đã êm cả rồi, nhưng khi ông chấm dứt ca làm việc vào lúc 3 giờ chiều ngày Lễ Tạ Ơn, thì vẫn còn những người cắm lều trại ngồi chờ ở chung quanh. Khi Eduardo bắt đầu ca làm việc vào lúc 3 giờ sáng ngày Thứ Sáu Đen, mỗi quầy tính tiền đều mở. Ông không nhắc đến những người biểu tình của nhóm Chiếm Đóng Quận Cam, và cũng không thấy có ai ở đó, mặc dù có nhiều cửa hàng bán lẻ khác mở cửa, với những mức lợi nhuận cần phải tăng lên tối đa, và có các khách hàng để nói cho mà biết. - (BV)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT