Đạo và Đời

Như Thầy đã yêu

Thursday, 12/05/2022 - 07:18:34

Chúng ta đang bước vào tuần lễ thứ năm Mùa Phục Sinh, nhưng bài Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta ngược về...


Tranh của họa sĩ Ý Giotto di Bondone vẽ năm 1303-1305 về sự việc Giuđa (Judas) hôn Chúa để báo tín hiệu giúp lính đến bắt Chúa. (Universal Images Group via Getty Images)


Bài LM VINCENTÊ PHẠM NGỌC HÙNG

Chúng ta đang bước vào tuần lễ thứ năm Mùa Phục Sinh, nhưng bài Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta ngược về với bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu, trước khi Ngài bước vào cuộc khổ nạn, sự chết và phục sinh. Tại sao lại là câu chuyện của bữa Tiệc Ly trong Mùa Phục Sinh? Mùa Phục Sinh có tất cả bảy tuần, và trong những tuần cuối này Giáo Hội muốn chuẩn bị cho chúng ta đi từ vinh quang Phục Sinh của Chúa Giêsu đến sự vinh hiển Thăng Thiên của Ngài.

Để cho chúng ta dễ dàng nhận ra vinh hiển của Chúa Giêsu, Thánh Gioan đã dùng một hình ảnh tương phản, đó là khi Giuđa lặng lẽ rời bỏ bàn tiệc đi vào trong đêm tối. Con người Giuđa đầy bóng tối, và khi bóng tối này chìm vào trong bóng tối của đêm đen thì nó là dấu chỉ, báo trước những sự dữ sắp xảy đến. Tuy nhiên chúng ta thấy Chúa Giêsu rất bình thản trước bóng tối đang đe dọa, và Ngài chỉ hướng tâm trí các Tông Đồ đến ánh sáng vinh hiển mà Ngài sắp tỏ ra cho họ. Ngài nói, “Bây giờ Con Người được vinh hiển và Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người.” Giuđa đã bỏ lại vinh hiển của Chúa Giêsu để đi vào trong bóng đêm, nhưng Chúa Giêsu đã tiêu diệt bóng đêm của Giuđa và bè lũ để đem lại ánh sáng vinh hiển cho chúng ta.

Một điểm quan trọng khác nữa trong bài Tin Mừng hôm nay, đó là giới luật yêu thương Chúa Giêsu đã để lại cho các Tông Đồ, “Thầy ban cho các con điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau.” Đối tượng của tình yêu trong giới luật này được Chúa mở rộng cho hết tất cả mọi người, không chỉ có các tông đồ với nhau, nhưng bất cứ ai các ông gặp gỡ trong sứ vụ truyền giáo. Điều này cũng có nghĩa, “Yêu thương nhau” không chỉ dành riêng cho những người trong gia đình, nhưng còn là cách chúng ta đối xử với những người bên ngoài gia đình.

Chúa sợ rằng các Tông Đồ không hiểu được phải yêu như thế nào, nên Ngài nói thêm, “Như Thầy đã yêu thương các con, thì các con cũng hãy yêu thương nhau.” Chúa muốn nói, hãy yêu thương nhau với cùng một tình yêu thập tự mà Chúa đã làm gương cho chúng ta, và Ngài nhấn mạnh rằng đó là tình yêu cao cả nhất vì, “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình.” Đó là tấm gương Chúa đã để lại, và Ngài truyền dạy chúng ta hãy noi gương Ngài.

Mahatma Gandhi, một nhà hiền triết vĩ đại của Ấn Độ, đã có lần nói các nhà báo, “Tôi yêu Đức Kitô của quý bạn, nhưng những Kitô hữu của quý bạn lại không giống Đức Kitô.” Có lẽ ông đã không gặp được những tín hữu Kitô Giáo có thể chiếu tỏa tình yêu của Đức Kitô nơi cuộc đời của họ. Đây thực sự là một điều đáng tiếc. Nếu như Gandhi có dịp sống và làm việc chung với chúng ta, không rõ ông có nhận xét gì về lối sống của chúng ta? Hàng ngày, chúng ta tiếp xúc với rất nhiều “Gandi”. Vậy chúng ta đang thể hiện mình là một Kitô hữu như thế nào?

Chúa Giêsu đã chiến thắng bóng đêm của Giuđa để đem lại ánh sáng vinh hiển nước trời cho chúng ta, nhưng chúng ta đang đón nhận ánh sáng đó như thế nào, hay vẫn ưa thích bóng tối hơn sự sáng. Có lẽ chỉ khi nào chúng ta tuân giữ đúng lệnh truyền của Chúa, “Các con hãy yêu thương nhau… như Thầy đã yêu thương các con,” chúng ta mới thực sự bước vào ánh sáng vinh hiển của Chúa.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT