Sức Khỏe

Những bệnh ngoài da của trẻ sơ sinh

Friday, 04/10/2019 - 07:32:07

Em bé sơ sinh thường có một làn da trắng hồng mịn màng đầy những lông tơ khiến cha mẹ rộn lên niềm thương yêu khi nhìn ngắm em.

Em bé sơ sinh thường có một làn da trắng hồng mịn màng đầy những lông tơ khiến cha mẹ rộn lên niềm thương yêu khi nhìn ngắm em. Nhưng đôi khi em bé lại bị những bệnh ngoài da khiến em bớt vẻ mũm mĩm dễ thương làm cho cha mẹ rất đỗi lo âu. May thay những bệnh này thường chỉ thoáng qua và tự hết đi mà không cần chữa trị. Có thể kể những bệnh sau:

1. Lở chốc da đầu trẻ sơ sinh

a. Bệnh lở chốc da đầu này còn có một tên gọi bình dân hơn: cứt trâu. Vì bệnh này là bệnh viêm ngoài da với những màng dầy mầu xanh đen loang lổ trên đầu các em bé. Bệnh tuy không gây ra nguy hiểm chết người nhưng trông rất “mất thẩm mỹ” khiến các bà mẹ rất lo lắng và buồn lòng, sợ người khác cho rằng mình để con “ở dơ”.

b. Triệu chứng
- Trên da đầu có những vùng lở, có vẩy, đóng mài dầy
- Hoặc da đầu có đầy những vẩy vàng hay những mảnh trắng
- Đầu có đầy mảnh trắng như gàu
- Da đầu hơi đỏ
- Những vùng khác như tai, mí mắt, mũi, háng. . . cũng có những vết tương tự

c. Bệnh này thông thường nhất là ở trẻ em sơ sinh. Bệnh không lây và không ngứa nên có lẽ không làm em bé khó chịu

d. Nguyên nhân
- Nguyên nhân chính xác của bệnh lở chốc này chưa được tìm ra. Tuy nhiên, người ta cho rằng kích tố truyền từ mẹ sang con ngay trước khi sinh là một yếu tố, khiến các tuyến chất nhờn trong da và chân tóc tiết ra rất nhiều những chất nhờn, gây ra bệnh.
- Một yếu tố khác có thể là một loại vi khuẩn tên malassezia mọc trong các chất nhờn ờ da đầu cùng với các vi trùng khác. Thuốc chống vi khuẩn tên ketoconazole thường chữa hữu hiệu bệnh này khiến giả thiết này càng được công nhận.

e. Bệnh lở chốc da đầu thường hết sau vài tháng. Tuy nhiên, nếu bệnh kéo dài quá lâu và lan thêm ra, bạn nên đem em đi khám bệnh.

f. Chữa trị
- Bệnh lở chốc da đầu này thường không cần chữa trị và sẽ hết trong vòng vài tháng. Trong thời gian chờ đợi, gội đầu em bé mỗi ngày bằng xà bông nhẹ và chải da đầu để làm các vảy bong ra. Nếu không đỡ, có thể hỏi ý kiến bác sĩ của bé trước khi dùng xà bông gội đầu mạnh hơn như xà bông chống gàu có chất tar, ketoconazole hay selenium. Có thể dùng kem hydrocortisone 1% ngày 1 lần để giảm bớt sưng đỏ.
- Những em lớn hơn có thể bị nhiễm trùng “ringworm” tức nhiễm vi khuẩn trên da đầu trông giống như bệnh lở chốc nhưng cần được chữa bằng thuốc gội đầu có chứa chất giết vi khuẩn. Ngoài ra còn một bệnh khác trông cũng giống bệnh lở chốc là bệnh dị ứng khô da eczema.

g. Cách chữa tại nhà
Những thuốc mua tự do và những cách săn sóc sau đây có thể dùng chữa bệnh lở chốc da đầu trẻ sơ sinh:
- Chà nhẹ da đầu bằng miếng vải mềm để bong các vẩy ra
- Gội đầu em bé bằng xa bông nhẹ, chà da đầu với bàn chải mềm trước khi xả nước.
- Nếu các vẩy trên da dính quá chặt, có thể bôi chất nhờn petrolim jelly hoặc mineral oil trên da đầu, chờ cho dầu ngấm vào rồi mới chải bằng bàn chải mềm trước khi gội đầu. Không nên để chất dầu nguyên trên da đầu vì sẽ làm bệnh lở chốc nặng thêm.
- Sau khi các vẩy của bệnh lở chốc đã rụng hết, tiếp tục gội đầu cho em vài ngày một lần bằng xà bông rất nhẹ

2. Mụn trắng của trẻ sơ sinh (milia)

a. Triệu chứng
- Milia là những mụn nhỏ mầu trắng trên mũi, đôi khi ở cằm và má của bé sơ sinh. Milia có thể xẩy ở bất cứ tuổi nào nhưng thường nhất là ở trẻ sơ sinh. Tuy đây là một bệnh không có gì nguy hiểm nhưng luôn được các bà mẹ chú ý vì làm “xấu” khuôn mặt của em bé.
- Em bé sinh ra là đã có những mụn sát dưới da mầu trắng , cằm hay gò má, đôi khi có thể ở thân mình hay tay chân.
- Đôi khi có những mụn trắng tương tự xuất hiện ở nóc vọng hay nướu răng, gọi là “ngọc Epstein”. Một số các em có thể bị mụn trứng cá của trẻ sơ sinh là những mụn đỏ có cùi trắng trên má, cằm hay trán.
- Milia thường tự hết không cần chữa. Tuy nhiên, nếu bệnh không hết trong vòng 3 tháng, nên đem em đi khám bệnh.

b. Nguyên nhân
Milia gây ra do những mảnh da nhỏ li ti bị kẹt trong những hốc nhỏ gần mặt da.

c. Tự chữa
Không cần phải dùng thuốc gì, milia cũng tự hết. Các vị phụ huynh có thể theo những cách sau để giúp bé mau hết bệnh:
- Giữ mặt bé sạch bằng cách rử mặt em với nước ấm mỗi ngày
- Chậm khô mặt bé thật nhẹ nhàng bằng vải mềm
- Không cố nặn “mụn” ra bằng tay hoặc bàn chải. Không bôi lotion, dầu hay kem lên da bé.

3. Mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh

a. Triệu chứng
- Nghe tên bệnh này ai cũng lạ vì không nghĩ là trẻ sơ sinh cũng bị mụn trứng cá nhưng thực ra bệnh này rất thông thường. Đây là những mụn đỏ nhỏ hay có mủ bên trong trên má, cằm và trán của em bé, xuất hiện vào 3 hay 4 tuần sau khi khi sinh.
- Mụn trứng cá của bé sơ sinh thường tự hết trong vòng vài tuần. Tuy nhiên, nếu cha mẹ thấy lo lắng vì mặt con đầy mụn coi không đẹp hoặc mụn không hết sau 3 tháng, nên đem em đi khám bệnh.

b. Nguyên nhân
- Nguyên nhân gây ra mụn trứng cá thường là do kích tố từ mẹ truyền qua cho con trong thời gian mang thai.
- Trẻ em trai dễ bị mụn hơn là trẻ em gái.
- Đôi khi mụn có thể là triệu chứng rối loạn kích tố trong người em bé.

c. Chữa bệnh
- Thường không cần chữa, bệnh mụn trứng cá cũng sẽ hết trong vòng vài tuần. Đôi khi bệnh có thể kéo dài đến vài tháng khiến bác sĩ phải dùng thuốc. Nếu bệnh là do những nguyên nhân khác, các nguyên nhân này cần được chữa trị. Cũng như trên, cha mẹ có thể săn sóc cho em như sau:
- Giữ mặt bé sạch bằng cách rử mặt em với nước ấm mỗi ngày
- Chậm khô mặt bé thật nhẹ nhàng bằng vải mềm
- Không cố nặn mụn bằng tay hoặc bàn chải. Không bôi lotion, dầu hay kem lên da bé.
(còn tiếp)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT