Đời Sống Việt

Những cảm xúc khi tham dự Hành Trình Quê Mẹ (Chiều Nhạc Ngàn Khơi 2015)

Wednesday, 18/11/2015 - 08:08:22

Nhưng vì hoàn cảnh bắt buộc nên phải đi tìm Tự Do, tuy đi rồi nhưng lòng vẫn hoài cố hương. Hôm nay họ tìm về với nhau để cùng vui buồn, chia sẻ những gì đẹp đẽ hào hùng của Quê Mẹ với ban Hợp Xướng Ngàn Khơi.

Phượng Vũ

Hiện nay, tin tức về Biển Đông luôn xuất hiện hằng ngày như một lời nhắc nhở những người Việt xa quê hương hãy nhớ về Quê Mẹ đang còn chịu nhiều tai ương thử thách. Có người Việt nào xa quê mà trong tim quên được hình bóng quê nhà. Trong tâm tình đó, chúng tôi đã hoan hỉ mau mắn nhận lời mời của ban hợp xướng Ngàn Khơi tham dự “chiều nhạc HÀNH TRÌNH QUÊ ME” để nghe hát hợp xướng những bài hùng sử ca đầy hào khí dân tộc, cũng như nghe những ca khúc khác về tình yêu và quê hương, và “để thấy lòng mình thắm đẫm tình yêu đất nước dân tộc." Chúng tôi đã nhiệt tình đi mua vé từ khi vé chưa kịp phát hành khiến chị bạn tôi, người được phân công đi mua vé, phải lái xe chạy tới chạy lui từ nơi này đến nơi khác. Cuối cùng chị mới cầm được 4 tấm vé trong tay và vui vẻ thông báo xem như đó là buổi họp mặt để cùng nhau tham dự “bữa tiệc tinh thần” về tình yêu quê hương, đất nước. “Hành trình Quê Mẹ” sẽ được kể lại với những ca khúc, từ phần Đất Mẹ của trường ca Mẹ Việt Nam, đến những chiến thắng chống ngoại xâm, đến những bài hát vui tươi nói lên cảnh thanh bình của đất nước, rồi chiến tranh và ngày đổi đời đau thương 30 tháng Tư của dân Việt, cảnh vượt biên lìa xứ sở, và cuối cùng đến được bến bờ tự do nhưng vẫn không quên Quê Mẹ thân yêu...

Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi trong chương trình Hành Trình Quê Mẹ



Ban Hợp Xướng Ngàn khơi đã tiên phong mở đường cho truyền thống mới về hợp xướng nhạc Việt Nam. Trong suốt quá trình 26 năm, Ngàn Khơi đã vượt qua bao nhiêu thử thách để có được những buổi hợp ca đạt được phẩm chất cao về âm nhạc lại hun đúc được tinh thần yêu quê hương, “chuyền lửa” yêu đất nước đến mọi tâm hồn người Việt hải ngoại. Vì thế có ai mà không nghe nói về quá trình hoạt động và những phần trình diễn tuyệt vời của Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi qua các buổi nhạc thính phòng lớn nhấttrong cộng đồng miền Nam CA. Trong những năm gần đây Ngàn Khơi thường xuất hiện trong các DVD Asia Hùng Sử Ca và trên đài truyền hình SBTN Cable TV, rồi đưa sinh hoạt hợp xướng vào giới trẻ qua Ban Thiếu Nhi Ngàn Khơi & Ban Sóng Xanh, đưa tiết tấu và giai điệu Việt Nam thấm nhập vào những giọng hát trẻ lớn lên tại hải ngoại. Có lẽ vì uy tín và quá trình hoạt động của Ngàn Khơi, nên tôi thấy còn sớm mà khán giả đã xếp hàng dài ngoài cửa chờ giờ mở cửa để vào. Khán giả đến đây có lẽ ít nhiều cũng đều có chung một “đồng điệu” là tình yêu thương luôn hướng về Quê Mẹ và đa số là “thế hệ trẻ” trước 75. Những người mà trong lòng luôn tâm niệm:

"Cho tôi xin làm viên sỏi bên đường
Để trọn đời không rời bỏ quê hương"

Nhưng vì hoàn cảnh bắt buộc nên phải đi tìm Tự Do, tuy đi rồi nhưng lòng vẫn hoài cố hương. Hôm nay họ tìm về với nhau để cùng vui buồn, chia sẻ những gì đẹp đẽ hào hùng của Quê Mẹ với ban Hợp Xướng Ngàn Khơi.

Một ưu điểm nổi bật của Ngàn Khơi là mở màn đúng giờ, đó cũng là cách tôn trọng khán giả và cũng là nét văn hóa mới mà người Việt ở Mỹ cần thực hiện.

Phần mở đầu chương trình đã cung cấp cho người nghe những phiên khúc của "Đất Mẹ" ( Mẹ Ta - Mẹ Xinh Đẹp - Mẹ Chờ Mong - Lúa Mẹ - Mẹ Đón Cha Về") của nhạc sĩ Phạm Duy. Một điều khiến tôi ngạc nhiên là hình minh họa trên màn ảnh về "Mẹ Việt Nam" không giống như thường lệ là hình ảnh những mẹ già, lưng còng, miệng móm, tóc bạc phơ ..., mà đây lại là những cô gái trẻ Việt Nam dịu dàng trong chiếc áo bà ba, chèo thuyền, gặt lúa, đảm đương việc đồng áng. Đúng rồi phải thay đổi cách nhìn, vì bây giờ các cô 30, 40 tuổi nom hãy còn rất trẻ vẫn đảm đương chuyện nhà, chuyện công việc, chuyện đồng áng và chu đáo lo cho chồng con...

Bài hát đầu tiên mà tôi thích trong chương trình là "Vó Câu Muôn Dặm" của Văn Phụng do nhóm ca Nam trình bày. Bài hát sinh động rộn ràng tạo hứng khởi cho người nghe, đặc biệt là giọng ca của các anh rất mạnh, tạo hùng khí cho bài hát:

"Một đoàn trai đi khi xuân tới

Hẹn rằng gieo tình thương khắp nơi
Non nước tuy xa vời
Ta đã yêu thương đời
Đừng e nắng gió sương bạn ơi."

Có thể hát riêng lẻ các anh hát chưa chắc đã hay, nhưng khi hát chung giọng hùng mạnh của các anh tụ lại làm bài hát bật lên chí khí, thể hiện một quyết tâm cao độ:

"Đem chí trai can trường
Đời ta sống thác vì cố hương"

Trong những nghệ sĩ khách mời tham gia chương trình có những người trẻ tốt nghiệp đại học âm nhạc Mỹ đã từng tham gia trình diễn ở dòng chính như Teresa Mai (Nhặt Cánh Sao Rơi), Bích Vân (Chiều Về Trên Sông). Phạm Duy là người Bắc, nhưng ông cũng đã xao xuyến trước những hình ảnh tuyệt đẹp của buổi chiều trên những dòng sông mênh mông của miền Nam:

”Chiều buông trên dòng sông Cửu Long ...

Như một cơn ước mong, ơi chiều..."

Nghe lời nhạc bài này khiến tôi nhớ lại những cảm xúc khi về miền Tây, lúc đi công tác từ thiện ở những vùng quê xa xôi. Tôi thấy đời sống người dân quê luôn gắn liền với sông nước mênh mông, có lẽ nhờ vậy nên tâm hồn họ thật dung dị và hồn nhiên.
Bài hát tiếp theo Bích Vân hát là ngoài chương trình, khi cô nhắc tới vụ khủng bố mới xảy ra ở Paris làm mọi người bàng hoàng, trước đó là tin nhạc sĩ Anh Bằng vừa qua đời. Sau khi ông mất tôi mới phát hiện nhiều bài hát tôi thích là của ông như Khúc Thụy Du, Anh còn nợ em.... Bích Vân xin hát bài ""Nỗi Lòng Người Đi" như một nén hương lòng tưởng niệm đến những người vừa ra đi "Giờ đây biết ngày nào gặp nhau"? Những hình ảnh minh họa trên màn hình như chợ Bến Thành, nhà thờ Đức Bà khiến người ta càng nhớ hơn những hình ảnh của Saigon xưa: **”Hôm nay Sài Gòn bao nhiêu tà áo khoe màu phố vui”.
Nhóm Cát Trắng đã tiếp nối chương trình với bài “Dòng An Giang” (Anh Việt Thu) vẽ lên những hình ảnh dễ thương, hồn nhiên của các cô thôn nữ miền Nam bên cạnh dòng sông hiền hòa đầy thơ mộng:

”Dòng An Giang sông sâu nước biếc,
Dòng An Giang cây xanh lá thắm,
đây những người thôn nữ xinh
duyên dáng chuyền tay dắt nhau
múc mấy vầng trăng đổ đi...”

Nhóm hát làm tăng nét duyên dáng, sinh động của bài hát, nghe rất thích. Bài hát này tôi thuộc lòng từ nhỏ, nên mỗi lần nghe thấy là tôi có thể bật hát theo để thấy lòng mình gắn bó hơn với quê hương thân yêu.

Bài hát cuối của phần I chương trình là "Ải Chi Lăng" của Lưu Hữu Phước. Phải đến tận nơi, nghe tận tai, nhìn tận mặt mới thấy hết hùng khí mà ban Hợp Xướng Ngàn Khơi đã lột tả qua bài hát với những âm vang hào hùng. Chỉ mới nghe câu "U..ù...u..u Chi Lăng, Chi Lăng" ngân dài, đã như nghe lời reo hò đánh thức tấm lòng yêu nước của mọi người vùng lên:

"Chi Lăng, Chi Lăng
Bóng ai tranh hùng muôn đời."

Những âm thanh của bài hát như náo nức dội vào tim những con người xa xứ lòng tự hào chất ngất về tinh thần bất khuất chống ngoại xâm phương Bắc của tổ tiên:

Vì nước tuốt gươm đột xông
Làm cho rỡ giống Tiên Rồng

Ôi! những hào khí chất ngất của cha ông ngày xưa như vẫn còn vang dội đâu đây! Tôi nghe mà thấy rạo rực như máu chảy rần rần từ tim lan tỏa ra cả châu thân.

Trời lung lay, sấm vang, sét vang nổi lên ầm ầm.
Đồi, non, thung lũng đều long lở dưới hồi sấm.

Có lẽ không chỉ một mình tôi tràn đầy cảm xúc mà cả khán phòng đầy người đều nín lặng, nhìn mặt các ca viên Ngàn Khơi cũng tràn đầy xúc động vì họ hát từ trái tim yêu nước sâu thẳm. Ngay cả những động tác của nhạc trưởng Nguyễn Hoàng Hương cũng tràn đầy quyết liệt hào hùng, vì ông là linh hồn của bài hát. Có lẽ đây không phải là lần đầu tiên Ngàn Khơi hát bài "Ải Chi Lăng", nhưng tôi tin mỗi lần hát họ đều hát với bầu nhiệt huyết tràn đầy:

Vì nước tuốt gươm xông pha.
Lòng trung, cứu dân lầm than

Họ cất lên tiếng hát giùm cho bao nhiêu triệu con dân Việt đang quặn lòng vì đất nước Việt một lần nữa lại bị phương Bắc xâm lăng, nhưng chính quyền Cộng Sản thì khiếp nhược sợ hãi không oai hùng bất khuất như cha ông ta ngày xưa. Trong một bản tin đọc được qua Internet thì 1 vị tướng của quân đội cộng sản đã từng tuyên bố: “Trung quốc to lớn và hùng mạnh gấp bao nhiêu lần Việt Nam, làm sao ta địch lại nổi nó? Đánh nó là tự rước họa vào thân, nên cách tốt nhất là phải nhu hòa với nó. Còn ai nói giỏi thì ra mà đánh với nó đi!" Ôi thật là nhục nhã cho chí khí của 1 tướng quân đội! Với tinh thần như vậy, chưa đánh đã sợ thua, hèn gì mất nước là phải rồi. Làm như ngày xưa cha ông ta đối đầu với xâm lược phương Bắc và đánh thắng chúng vì ta ngang tầm lực lượng với chúng sao? Bởi vậy mới có câu ca dao truyền tụng đến đời sau:

"Nực cười châu chấu đá xe
Tưởng rằng chấu ngã, nào dè xe nghiêng"

Ôi hồn thiêng sông núi oai hùng một thời lẫm liệt làm cho bọn giặc phương Bắc hết vía hoảng kinh đâu rồi?

Không khí trong khán phòng như lắng xuống, mọi người như nghe nỗi đau đang thấm vào tim khi nhớ lại Trung Quốc đang ngang nhiên xâm phạm lãnh hải Việt Nam mà nhà cầm quyền thì không những khoanh tay đứng nhìn mà còn trang trọng mời kẻ xâm lăng đến thăm tổ quốc với 21 phát đại bác chào mừng, rồi trải thảm đỏ mời nó đọc diễn văn trước Quốc Hội, để nó có dịp nói những lời sáo rỗng giả dối. Tất cả im thin thít ngồi nghe, không một đại biểu cho dân nào dám giơ tay thắc mắc nói những lời ôn hòa lịch sự: "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam từ thời xa xưa, có chứng cứ lịch sử đàng hoàng. Nếu ông có lẽ phải sao ông không dám ra tòa án Quốc Tế để họ làm trọng tài phân xử...?” hay tối thiểu là đứng dậy bỏ ra ngoài để phản đối kẻ xâm lăng. Đã vậy khi nó nói xong, cả quốc hội còn đứng dậy vỗ tay dài hoan nghênh nó. Thật là nhục nhã!

Trong khi đó dân chúng bên ngoài thì từ Hà Nội tới Saigon, dù bị công an ngăn chặn, dọa nạt, bắt bớ, các cuộc biểu tình vẫn diễn ra khắp nơi phản đối cuộc viếng thăm của Tập Cận Bình. Dù họ bị đánh dập dã man, bể đầu máu chảy vẫn không hề nao núng luôn giương cao khẩu hiệu "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam". Đúng là tinh thần kiên cường của người dân Việt Nam:

"Đồng hát khúc anh hùng ca
Bền gan kết tâm cường tráng
Khuất Nam, bình Bắc, oai hùng luôn tiến".

Bài hát "Ải chi Lăng" đã kết thúc rồi, nhưng dư âm hào hùng như vẫn còn ngây ngất trong lòng người nghe, nên một lát sau cả khán phòng mới bật dậy vỗ tay rào rào. Xin cám ơn các ca viên Ngàn Khơi đã khổ công tập luyện (cả 6 tháng) để truyền đạt hùng khí yêu quê hương đó tới từng trái tim người nghe, để chúng ta cảm thấy hạnh phúc vì vẫn còn 1 quê hương để yêu thương, vẫn còn có những “tri kỷ, tri âm” để được hòa chung những cảm xúc thấm đẫm tình tự dân tộc Việt Nam. Tôi biết các anh chị là những "thiện nguyện viên" đến với Ngàn Khơi vì lòng yêu quý ngôn ngữ, âm nhạc Việt Nam. Bởi đó cũng là 1 cách gắn lòng mình với Quê hương. Tôi biết nhiều anh chị là những bác sĩ, nha sĩ...thậm chí có chị còn là bác sĩ nổi tiếng. Các anh chị vất vả tập luyện, hy sinh thời giờ quý báu của mình để đóng góp lời ca tiếng hát hầu góp phần vào việc gìn giữ ngôn ngữ Việt Nam qua âm nhạc. Ngoài Ngàn Khơi các anh chị còn tham gia nhiều công tác xã hội khác mang lại lợi ích cho cộng đồng Việt Nam. Giống như chúng tôi những người tình nguyện dạy Việt Ngữ mỗi tuần cho các em, cũng không ngoài mục đích muốn giữ gìn Tiếng Việt nơi thế hệ mai sau. Trước khi đến với chương trình "Hành Trình Quê Mẹ", trong giờ dạy Việt Ngữ tôi đã dạy các em bài Sử về Hội Nghị Diên Hồng, về tinh thần bất khuất của tổ tiên Việt Nam chống ngoại xâm phương Bắc. Tôi cũng cho các em tập bài hát "Hội Nghị Diên Hồng", vì âm nhạc dễ đi vào con tim người nghe hơn là những trang Sử khô khan. Nhưng có lẽ bài hát quá khó đối với các em, nên cô giáo phải hát để truyền cảm xúc cho các em:

"Toàn dân Tiên Long! Sơn hà nguy biến!

Hận thù đằng đằng! Nên hòa hay chiến?...
Nhưng đến phần hát trả lời thì các em hát to rất có khí thế và một số em có vẽ xúc động:
(Hỏi) Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến?
(Đáp) Quyết Chiến!
((Hỏi) Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh?
(Đáp) Hy Sinh!

Tôi biết tôi đã gieo được vào lòng các em một hạt mầm yêu đất nước Việt Nam dù nhỏ bé, nhưng cũng còn hơn không. Chúng ta mỗi người mỗi việc hãy làm những việc nhỏ nhất chúng ta có thể làm để hướng về quê hương, bởi chúng ta đã nợ quê hương quá nhiều, nợ những khúc hát đưa nôi ấm yên lúc bé thơ, nợ quê hương một thuở thanh bình ta đã lớn lên ...
(Còn tiếp)
Phượng Vũ

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT