Đời Sống Việt

Những Cánh Én làm nên "Mùa Xuân Tiếng Việt"

Wednesday, 24/02/2016 - 10:02:25

Giống như việc đi dạy tự nguyện hay làm từ thiện cũng vậy, nếu ta hay làm và làm thường xuyên ta sẽ thấy vui và thoải mái; còn những ai không làm bao giờ hay ít làm sẽ thấy ngại ngần và ngán ngẩm!

Viết để tặng các thầy cô giáo thuộc T.T. Việt Ngữ Nguyễn Bá Tòng

Phượng Vũ

Cách đây 1 tháng, tôi được cô Diệp, hiệu trưởng, thông báo, “Kỳ này họp mặt Tân Xuân Thầy Cô Giáo Việt Ngữ Miền Nam CA, em sẽ ghi tên cô vào danh sách Giáo Viên được Vinh Danh 2016 (thâm niên 25 năm). Hôm đó cô nhớ đi tham dự tiệc Tân Niên Bính Thân và mặc áo dài đó!”



Lâu nay tôi hay né những bữa tiệc ở các nhà hàng, nhưng chắc lần này phải đi thôi. Rồi còn vụ mặc áo dài nữa thật là... không thoải mái chút nào, nhưng bạn tôi nói Tiệc Ngày Xuân phải mặc áo dài là đúng rồi, lại là cô giáo nữa, rồi còn được vinh danh 25 năm tham gia giảng dạy Việt Ngữ. Không chịu mặc áo dài, tới đó ai cũng mặc áo dài cả thì "quê" chết!

Nghe vậy tôi đành bấm bụng mặc áo dài cho giống mọi người dù không thấy thoải mái. Không biết sao trước kia mặc áo dài đi học suốt bao năm trung học, đại học, ngay cả sau này ra trường đi dạy lúc nào cũng ngày 2 buổi đến trường với tà áo dài, còn phải đạp xe đạp nữa, mà vẫn thoải mái không sao! Vậy mà bây giờ nghe nói tới mặc áo dài là ngại vô cùng, chắc có lẽ là do thói quen thôi! Giống như việc đi dạy tự nguyện hay làm từ thiện cũng vậy, nếu ta hay làm và làm thường xuyên ta sẽ thấy vui và thoải mái; còn những ai không làm bao giờ hay ít làm sẽ thấy ngại ngần và ngán ngẩm!



Tới nhà hàng tôi mới thấy bạn tôi nói đúng, gần như tất cả giới nữ đều mặc áo dài. Những tà áo dài đủ màu với những bông hoa rực rỡ làm tăng thêm nét mùa Xuân Việt Nam của bữa tiệc Tân niên. Vì mặc áo dài, quần dài nên các cô phải mang guốc cao, rồi phải trang điểm, chải tóc, nên mỗi cô đều trở thành những bông hoa biết nói, nhất là những cô giáo trẻ ở trường tôi. Mỗi chiều Chủ Nhật đi dạy, tôi vẫn hay gặp các cô mặc đồng phục bình thường, nhưng hôm nay tôi có cảm tưởng có một chiếc đũa thần nào đó đã biến hóa các cô thành những giai nhân xinh đẹp và duyên dáng. Hèn gì người ta nói "Không có phụ nữ nào xấu, chỉ có những phụ nữ không biết làm cho mình đẹp". Cô Diệp, hôm nay cũng rất đẹp trong tà áo dài hoa đỏ, đang đi lòng vòng trong nhóm trường NBT để phát giấy và khuyến khích mọi người ghi danh tham gia thi Hoa Hậu ( dành cho nữ) và Khôi Nguyên (dành cho nam). Các em còn trẻ nên hăng hái ghi tên tham gia cho vui, tôi thấy các em đã nhộn nhịp chuẩn bị vụ mượn quần áo từ tuần rồi. Tuần trước cô hiệu trưởng rủ tôi, "Cô tham gia cho vui" -"Thôi được rồi, vụ này dành cho giới trẻ. Mình phải tỏ ra biết mình, biết người chứ, kẻo trở thành lố bịch sao?" Vậy là trường tôi giới trẻ ghi tên tham gia tới 6 người cả nam lẫn nữ. Ở đâu có các em là ở đó có vui nhộn, có hăng hái thi đua, đúng là tinh thần giới trẻ có khác. Ở gần các em tôi như được lây tinh thần trẻ trung của các em. Hơn nữa trường NBT may mắn có BĐH luôn quan tâm chăm sóc các thầy cô. Những buổi tiệc Tân niên hằng năm, những khóa tu nghiệp sư phạm dịp hè, BĐH luôn khuyến khích thầy cô tham gia, mọi chi phí do nhà trường đài thọ hết. Do đó số lượng các thầy cô TTVN Nguyễn Bá Tòng tham dự luôn đông đảo nhất, giống như TTVN Thánh Linh... Trong khi một số TTVN khác lớn hơn thì chỉ có một số nhỏ các thầy cô được chọn lựa mới được mời tham dự.

Trước đây khi tham gia dạy Việt Ngữ, tôi vẫn thường nghĩ chắc mình có "cái nghiệp" với nghề này, vì đã đi dạy một thời gian dài ở Việt Nam, nên qua đây nhớ nghề, nhớ trường, nhớ lớp. Nhất là thấy nhu cầu cần phải bảo tồn tiếng Việt ở hải ngoại, nên tích cực tham gia đi dạy Việt Ngữ. Nhưng không biết thế hệ sau có còn ai đam mê cái “nghề dạy volunteer” này không, nhất là giới trẻ ở bên Mỹ thì có quá nhiều phương tiện vui chơi giải trí đầy dẫy chung quanh cám dỗ chào mời. Không biết rồi đây "tre tàn" có măng nào mọc lên không trong môi trường và điều kiện như thế này? Nhưng ngày hôm nay, không khí náo nhiệt trong hội trường với sự tham gia hơn 2/3 là các thầy cô giáo trẻ đã làm tôi vui mừng và an tâm. Họ chính là những cánh én làm nên "mùa Xuân tiếng Việt", sẽ kéo dài bất tận nơi hải ngoại. Những băn khoăn lo lắng của tôi là hão huyền, hãy tin vào tiềm năng của giới trẻ, các em vẫn là những con người luôn hăng say muốn đóng góp gì cho văn hóa Việt Nam, cho việc bảo tồn tiếng Việt ở hải ngoại.
Tới đây có dịp gặp lại những khuôn mặt thân quen vì đã từng dạy chung một trường, học chung một khóa tu nghiệp sư phạm, mọi người tay bắt mặt mừng. Có người “10 năm không gặp tưởng tình đã cũ”, nhưng không tình vẫn còn sống động như xưa, vì khi gặp lại nhau ở chốn này, nghĩa là niềm đam mê bảo tồn tiếng Việt vẫn còn tràn đầy trong tâm. Chúng ta vẫn còn là những "tri âm" của nhau.



Tôi nhớ lại những năm đầu khi mới qua Mỹ, cuộc sống chưa ổn định còn đầy những khó khăn trong việc mưu sinh cho gia đình. Tôi phải vừa đi làm, vừa đi học, khi theo 1 lớp học college, giáo sư giao cho cả nhóm 4,5 người làm chung một “presentation”, nên cần phải có 1 buổi họp nhóm để phân công ai lo phụ trách phần nào... Ngày thường ai cũng bận đi làm, tôi đề nghị họp nhóm chiều thứ 7, chị khác đề nghị họp chiều Chủ Nhật. Tôi cho biết:
- Chiều Chúa nhật tôi bận đi dạy Việt Ngữ
- Đi dạy có lãnh lương không?
- Không, tôi dạy volunteer mà!

- Bà có khùng không? Vừa đi làm full time, vừa đi học full time, rồi còn việc nhà nữa, bộ chưa đủ “ná thở” sao mà còn ôm thêm cái vụ dạy volunteer. Thiệt là hết hiểu nổi, đúng là điên hết biết luôn!

Tôi mỉm cười, không thể trả lời được, vì có những việc làm chỉ có những người "cùng tần số tri âm" mới hiểu được nhau. Và hôm nay đây trong không gian vui vẻ này tôi đã có quá nhiều người cùng "tần số tri âm" và tôi rất vui khi thấy có quá nhiều bạn trẻ hiện diện nơi đây

Trên sân khấu, các thầy cô từ 22 trung tâm Việt Ngữ tham dự hôm nay đang thay phiên lên trình diễn văn nghệ giúp vui, bất kể già trẻ, trai gái ai cũng muốn giúp vui cho mọi người. Đặc biệt là các màn múa nón, rồi múa quạt do các cô phụ trách rất đẹp và đầy tình tự dân tộc. Tôi thật sự khâm phục các cô, ngoài giờ đi dạy voluneer, còn bỏ giờ đi tập múa trong nhiều tuần lễ, thật đáng biểu dương. Đang nói chuyện với 1 chị bạn dạy chung trường cũ, lâu không gặp, tôi ngạc nhiên khi nghe tiếng hát của 1 thầy giáo trẻ đang hát 1 bài hát nói lên truyền thống hào hùng bất khuất chống ngoại xâm phương Bắc của Tổ Tiên Việt Nam. Tiếng hát hùng mạnh của thầy như truyền cảm xúc tới người nghe, khiến tôi nhớ tới đi dạy Việt Ngữ không chỉ là dạy cho các em biết nói, đọc tiếng Việt mà còn dạy cho các em biết về lịch sử hào hùng, bất khuất của dân tộc Việt Nam, những nét đẹp đặc sắc của Văn Hóa Việt Nam. Rồi vị trí Việt Nam nằm ở đâu trên bản đồ thế giới, Hoàng sa, Trường sa là của ai mà tên nó, các em thường nghe nhắc trên các phương tiện truyền thông, báo chí. Những điều quan trọng đó các em sẽ học ở đâu nếu không phải là ở các trường Việt Ngữ.

Sau phần nghi lễ khai mạc là phần thắp nến tưởng niệm giáo sư Lưu Trung Khảo, vừa mới qua đời. Ông là một nhà giáo kỳ cựu, một chiến sĩ văn hóa dân tộc không biết mệt mỏi! Ông luôn gắn bó với ngành giáo dục và thường nhắc nhở: Nhà giáo không phải là một nghề, mà là 1 thiên chức cao quý, là 1 chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng, là kỹ sư tâm hồn cho giới trẻ. Nhà giáo phải có tư cách, đạo đức và lý tưởng...



Đến phần giới thiệu Ban Điều Hành mới trình diện và cùng hát bài "Ly Rượu Mừng" để chúc Xuân tới tất cả mọi người tham dự. Tiếp theo là phần giới thiệu các quan khách có mặt, khi nghe giới thiệu đến anh chị Long, hồi ức quá khứ như chợt quay về. Tôi nhớ lại do sự giới thiệu của bà chị họ, cho biết có trường dạy Việt Ngữ cho các học sinh đang thiếu nhiều giáo viên...Thế là tôi khởi đầu đi dạy Việt Ngữ là từ trường Hồng Bàng do anh chị Long điều hành, thuộc giáo xứ Westminter. Nếu tôi nhớ không lầm thì đây chính là trường Việt Ngữ đầu tiên ở Nam CA. Xin cám ơn anh chị là người đã có bước đi tiên phong cho phong trào học Việt Ngữ ở đây, rồi từ đó lan dần ra khắp nơi, kể cả các tiểu bang khác... Sau này vì lý do trục trặc nên trường H.B. ngưng hoạt động. Tôi, chị Nguyệt và chị H.T.Ngọc thấy các em đang học mà bị ngưng thì uổng quá, nên mới khuyến khích chị H.T. Ngọc đứng ra mở 1 trung tâm mới cũng lấy tên là Hồng Bàng, và di chuyển số học sinh ở đây sang học, đa số các thầy cô cũng theo sang để tiếp tục giảng dạy.... Vậy mà nhanh quá, thoáng cái đã 25 năm (là 1/4 thế kỷ) một thời gian tương đối dài của 1 đời người. Nếu nói theo kỷ niệm cưới thì 25 năm là lễ cưới bạc, như vậy là tôi đã gắn bó với công tác dạy Việt Ngữ ở đây dài hơn thời gian tôi đi dạy ở Việt Nam..., và có lẽ tôi sẽ còn gắn bó với nó tới cuối đời. Đời đi dạy Việt Ngữ cũng có lắm vui buồn theo năm tháng vì "Tình đời không như là mơ"... Có lúc các em học sinh cũ vui mừng nhận ra cô mà cô thì quên mất tiêu chẳng nhớ nổi tên học trò, cũng có lúc cô giáo hân hoan cảm động khi nhận ra học trò ngày xưa, bây giờ giỏi hơn cô giáo ở nhiều lãnh vực từ văn hóa đến âm nhạc.. Đúng là "hậu sinh khả úy".Tôi không nhớ rõ là đã có bao nhiêu đợt học sinh ra trường, rồi quay trở lại để làm phụ giáo trong các lớp Việt Ngữ, rồi lâu năm kinh nghiệm lại trở thành giáo viên chính thức. Thực ra dạy volunteer Việt Ngữ rất cần tới tấm lòng giống như TCS đã từng nói:
"Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng"

Nhiều phụ huynh đưa con đến trường đi học, thấy thầy cô bỏ thời giờ chăm lo dạy dỗ con mình, mà mình thờ ơ đối với công việc chung để bảo tồn văn hóa Việt thì cũng kỳ. Thế là họ bắt đầu tham gia phụ lớp rồi dần dần dính vô “nghiệp dạy Volunteer” luôn. Vì mỗi người đều cần góp một bàn tay để làm cho tiếng Việt và Văn hóa VN mỗi ngày được thêm tươi mới ở xứ người.

Ở nước Mỹ, người ta thường hay nói, “Không có cái gì Free”, nhưng mỗi cuối tuần vẫn có rất nhiều thầy cô tình nguyện đi dạy Việt Ngữ “Free” cho các em và đôi khi còn bỏ tiền túi ra mua bánh kẹo, trò chơi, để làm phần thưởng hầu khuyến khích các em hăng say học tiếng Việt hơn. Vì các em hăng hái học vui, là thầy cô giáo cũng vui theo. Đó là chưa kể những hy sinh thầm lặng khác, thỉnh thoảng những ngày weekend gia đình tổ chức đi chơi xa 2 ngày - “Không được rồi, bận dạy lóp Việt Ngữ”. Bạn bè tổ chức picnic CN sáng đi chiều về - “Kẹt, lớp Việt Ngữ rồi”. Có những hôm mưa gió bão bùng, như cách đây vài tuần bão El Nino thăm nam CA: Nhìn đồng hồ sắp tới giờ đi dạy rồi mà mưa như thác lũ làm sao đây? Không thể để học trò tới lớp mà không có cô giáo được, nên đành "đội mưa mà đi". Lái xe mưa to gió lớn quá, mưa xối xả mịt mù không còn thấy đường, quạt nước chạy không kịp với mưa tuôn... Tới trường mưa vẫn lớn, kéo cái nón len cho chặt vào đầu để khỏi ướt tóc, rồi phóng mình ra khỏi xe chạy nhanh tới lớp. Tay cầm dù, tay ôm cặp, gió mạnh đánh bật dù ngược ra sau, lo níu dù lại, vào đến lóp, rờ lên đầu mới biết cái nón len thích nhất đã bị "cuốn theo chiều gió" lúc nào không hay. Nhưng vui vì thấy các em học sinh bị ướt cũng vẫn tới trường để học tiếng Việt. Đúng là có thể sửa lại câu nói nổi tiếng của Nguyễn Bá Học ngày trước thành:

"Đường đi khó, không khó vì mưa to, gió lớn
Mà khó vì lòng người ngại gió, e mưa"

Trên sân khấu bắt đầu chương trình vinh danh các thầy cô giáo có thâm niên 25 năm, 30 năm, rồi 10 năm, 15 năm, 20 năm và các thầy cô giáo xuất sắc tiêu biểu cho từng trường. Đây là những cánh én cần cù miệt mài lo xây tổ cho mái ấm Việt Ngữ, mỗi ngày một vững mạnh theo thời gian.
Tiếp theo là một chương trình hấp dẫn và thu hút sự chú ý nhiều nhất. Đó là chương trình thi Hoa Hậu Áo Dài có tới gần 30 thí sinh tham dự, cô nào cũng áo dài tha thướt, “Mỗi cô một vẻ 10 phân vẹn 10” Mỗi cô được giới thiệu tên, trường, số năm giảng dạy và sở thích. Sau đó các cô sẽ bốc thăm câu hỏi và trả lời trong vòng 1 phút. Điều thú vị nhất là các câu hỏi đều liên quan đến việc giảng dạy Việt Ngữ, chứng tỏ ai đoạt giải Hoa Hậu phải là người vừa xinh đẹp về vóc dáng lại phải giỏi dạy Việt Ngữ. Do đó muốn trả lời đúng câu hỏi các thí sinh phải vừa nhanh, vừa thông minh và biết trả lời ngắn gọn, chính xác. Ở vòng đầu các câu hỏi tương đối dễ như "Tại sao cần phải cho con em học tiếng Việt" "Dạy tiếng Việt có cần dạy văn phạm không?" "Sự khác biệt giữa học tiếng Việt ở nhà và ở trường là gì? Cho ví dụ?" Tôi thích nhất là phần trả lời cho câu hỏi “Những yếu tố quan trọng nào sẽ giúp các em học Việt Ngữ tốt?” Đó là sự kết hợp giữa nhà trường và phụ huynh. Hằng tuần các em đến trường học có vài tiếng, nếu ở nhà phụ huynh không quan tâm cho các em "nói tiếng Việt" thường xuyên với mình, thì làm sao các em tiến bộ? Nhiều phụ huynh thấy nói tiếng Việt với con mất thời giờ quá, không đủ kiên nhẫn, nên chơi tiếng Anh luôn cho khỏe...



Nói tới vai trò quan trọng của phụ huynh, tôi chọt nhớ lại có 1 năm học, 1 chị dắt con trai lai Mỹ đến lớp tôi, “Cô ơi, em lấy chồng Mỹ nên em rất sợ con em sẽ không nói được tiếng “mẹ đẻ”, nên em đưa nó đến trường học, xin cô chăm sóc dạy con em để nó mau nói giỏi tiếng mẹ đẻ, em rất cám ơn cô.” Henry, con trai chị, vì lai Mỹ nên to cao hơn các bạn cùng lớp, khi ngồi vào lóp em có chút ngại ngần. Em nói và đọc tiếng Việt còn rất nhiều chỗ sai và ngọng nghịu, nhưng có lẽ vì sự quan tâm tha thiết của mẹ nên em chịu khó học hỏi. Cái gì thắc mắc là em hỏi liền, không như các HS Việt Nam thường chỉ im lặng nghe. Trong lớp em luôn xung phong đọc bài và lên bảng sửa bài để rút kinh nghiệm lần sau làm tốt hơn. Em làm hết bài tập đặt câu được giao mà còn đặt câu thêm để vô hỏi cô giáo coi đúng hay sai? Mỗi cuối ngày khi đến đón em, mẹ em luôn hỏi han cách học của em trong lớp, và giúp em làm bài tập ở nhà. Kết quả em tiến bộ nhanh không ngờ... Ngày tất niên tôi kêu gọi các em mặc quốc phục, ai có áo dài thì nhớ mặc, cô giáo cũng mặc luôn, và hôm đó tôi ngạc nhiên thấy Henry cũng mặc áo dài khăn đóng đàng hoàng. Khi BĐH tới từng lớp chúc Tết và phát lì xì cho các em xong, tôi ngạc nhiên thấy Henry bỗng giơ tay đứng dậy, “Dạ, em xin phép được đại điện lớp, xin cám ơn và chúc mừng năm mới các thầy cô được nhiều sức khỏe, may mắn và an khang thịnh vượng”. Ôi! quả là “big surprise”, tôi thật quá bất ngờ với cách ứng xử đầy văn hóa Việt Nam của em. Từng tràng pháo tay của các thầy cô trong BĐH và của lóp vang dội. Tôi thầm nghĩ, “Vai trò đóng góp của mẹ Henry trong sự tiến bộ của em chiếm 1 vị trí rất quan trọng.”

Sau khi BGK chọn 5 cô vào vòng chung kết, năm nay đặc biệt có thêm màn thi của các thầy, cho cân bằng với nữ giới và danh xưng người đoạt giải nhất sẽ là “Khôi Nguyên” và giải nhì sẽ là “Tuấn Tú” ( chắc là bắt nguồn từ chữ “Khôi ngô, Tuấn tú” mà ra). Giải thưởng thì thấp hơn bên nữ vì các thầy không cần sửa soạn "nhan sắc" nhiều và số thí sinh cũng ít hơn. Nhưng các thầy cũng thi mặc áo dài (quốc phục) và câu trả lời thì cũng tương tự như bên các cô, nói về kinh nghiệm giảng dạy để xem ai trả lời hay nhất, ăn nói trôi chảy nhất. Kết quả được công bố liền và thật bất ngờ 2 thầy đoạt giải “Khôi Nguyên” và “Tuấn Tú” đều thuộc về trường Nguyễn Bá Tòng. Ôi! thế là khu NBT đầy những tiếng hò reo tở mở, khua ly gõ chén tưng bừng “Ôi hôm nay sao vui quá là vui“

Tiếp theo là phần thi chung kết của 5 cô, các câu hỏi đã khó dần lên: “Nghe, nói, học và đọc tiếng Việt có cần theo trình tự không? Giải thích?" - "Cô có tin rằng tiếng Việt sẽ còn tồn tại mãi với thời gian ở hải ngoại không? Tại sao? "- "Hãy cho biết bí quyết để giúp các em hăng say học tiếng Việt? Nêu vài ví dụ cụ thể". “Nếu các em nói bằng 1 giọng rất khó nghe (giọng Trung chẳng hạn) khó hiểu, thì cô giải quyết làm sao? Cho ví dụ."

Cuộc thi thật là gay go, sôi nổi vì cô nào cũng xinh đẹp hết, bây giờ tùy theo bốc phải câu khó hay không và phần trả lời có chính xác trong vòng 1 phút hay không. Kết quả 1 cô thuộc trường NBT được chọn làm Hoa Hậu Duyên Dáng. Tôi thấy kết quả như vậy là cũng tốt rồi, vì Hoa Hậu năm ngoái đã về tay NBT, năm nay phải về tay trường khác cho vui vẻ cả làng chứ. "Hãy tập bằng lòng với những gì mình hiện có". Các Hoa Hậu cũng được đội vương miện lấp lánh và ôm bó hoa vẫy chào mọi người trong tiếng vỗ tay vang rền.

Buổi Họp Mặt Xuân thầy cô giáo Việt Ngữ đã mang lại niềm vui và hào hứng cho mọi người tham dự. Đặc biệt là niềm vui được gặp gỡ những người cùng chí hướng và tâm huyết trong việc yêu quý tiếng Việt. Người ta thường nói "Một cánh én không làm nên mùa Xuân", nhưng ở đây chúng ta có cả một đàn chim Én bay rợp trời đang cùng nhau góp sức để làm nên "Mùa Xuân Tiếng Việt" ở hải ngoại kéo dài bất tận. "Chúng ta đi mang theo quê hương" và cái quê hương cụ thể nhất, dễ mang theo nhất chính là ..."mang theo tiếng nói Việt Nam" đến khắp mọi miền trên thế giới, nơi nào có người Việt cư ngụ. Đó cũng là cách tốt nhất để chúng ta nhớ về cội nguồn Việt Nam như nhà thơ Nguyễn Đình Toàn đã viết:
Giọt nước cũng nhớ nguồn,
Lá không quên rừng,
Chắc em sẽ còn
Nhớ lại Việt Nam...

Xuân Bính Thân 2016
Phượng Vũ

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT