Tiêu Thụ

Những câu hỏi phải trả lời khi muốn vay tiền ngân hàng (kỳ 2)

Eric Trần/Viễn Đông Wednesday, 24/10/2012 - 02:16:00

Dường như phía chủ nợ có thể chất vấn chúng ta về tất cả mọi điều, nhưng tuyệt đối không được điều tra 2 lãnh vực được coi là vùng cấm và “cực kỳ nhạy cảm”

Eric Trần/Viễn Đông

Lúc này mua một căn nhà để ở xem ra dễ dàng, bởi vì giá cả “mềm” hơn. Nhưng tiêu chuẩn vay tiền thì khó hơn. Dư luận chung cho rằng, đó là vì có nhiều người đã mượn tiền trước kia không giữ lời hứa trả nợ do giá nhà xuống thấp - quá thấp đến nỗi có bán đi cũng chẳng đủ để trả nợ, nên họ bỏ nhà luôn, khỏi cần ở và cũng khỏi trả nợ. Chính vì thế nhà băng phải cứu xét kỹ càng hơn trước khi “chọn mặt gửi tiền”, tức là chấp thuận cho vay. Nếu là người đang làm đơn vay mượn, bạn hãy chuẩn bị để trả lời những câu hỏi xem ra rất tọc mạch… như một số câu đã đưa ra lần trước. Tuy nhiên, dù có khó tính đến đâu, chủ nợ cũng không được xâm phạm một số lãnh vực…

Hai điều chủ nợ không được phép hỏi đến
Dường như phía chủ nợ có thể chất vấn chúng ta về tất cả mọi điều, nhưng tuyệt đối không được điều tra 2 lãnh vực được coi là vùng cấm và “cực kỳ nhạy cảm”, hỏi tới là vi phạm pháp luật. Bạn không cần trả lời, ngược lại có thể kiện hoặc khiếu nại vì bị hỏi tới những chuyện này, đó là:
1. Kế hoạch hóa gia đình, tức là chuyện ngừa thai, phá thai…
Theo Đạo Luật Tín Dụng Công Bằng (Equal Credit Opportunity), không một chủ nợ nào được phép hỏi là có tính kế hoạch hóa gia đình không. Trong quá khứ, khi đạo luật nói trên chưa ra đời, giới chủ nợ có thể đào sâu chuyện này để kỳ thị phụ nữ, bởi vì phụ nữ thường nghỉ việc khi bắt đầu mang thai. Nghỉ việc thì làm gì có lương mà trả nợ, dĩ nhiên đó là nỗi lo sợ chính đáng đối với giới chủ nợ, nhưng về phương diện xã hội, nó bị coi là kỳ thị phụ nữ. Tuy nhiên, nếu bị hỏi là có bao nhiêu người sống lệ thuộc vào bạn, hoặc về việc đã lập gia đình hay còn độc thân, ly dị hoặc quả phụ… thì lại là chuyện khác, không được coi như thuộc vấn đề “kế hoạch hóa gia đình”: Bạn không có lý do gì từ chối trả lời, bởi vì đây là những câu hỏi giúp chủ nợ xác định xem bạn có phải là người mua nhà lần đầu không, và xem bạn có đủ tiêu chuẩn để hưởng những chương trình mượn nợ đặc biệt dành cho những người hạn chế về lợi tức hay không.
2. Chuyện bệnh tật, sức khỏe hoặc đau yếu
Theo Đạo Luật Nhà Ở Công Bằng và Công Dân Hoa Kỳ có Tật Bệnh, chủ nợ bị cấm chỉ không được phân biệt những người có tật bệnh hoặc khiếm khuyết cơ thể. Vì thế họ không được phép hỏi về tình trạng sức khỏe của bạn. Dĩ nhiên, không ai lại hiểu lầm hoặc cố tình bắt bẻ cả những câu chào hỏi xã giao, “Sao anh chị có khỏe không?” (How are you? How are you doing?) và cho rằng đó là câu hỏi điều tra về tình trạng sức khỏe.
Tóm lại, nếu tính làm đơn vay mượn tiền, bạn phải sẵn sàng trả lời tất cả những câu hỏi từ phía chủ nợ, ngay cả những câu nghe ra rất kỳ cục và có vẻ soi mói. Nhưng nếu cảm thấy khó chịu hoặc nghĩ rằng bị điều tra về những đề tài không liên quan, hoặc vi phạm 2 đề tài cấm kỵ, bạn có thể chất vấn ngược lại người đó, hoặc lẳng lặng đi tìm một văn phòng khác.

Đi tìm một văn phòng khác?

Câu hỏi trên đặt ra cho chúng ta một câu hỏi khác: Trong vị thế người đi vay nợ, chúng ta có thể tiếp xúc với những văn phòng nào để có thể mượn được số tiền cần thiết? Từ kinh nghiệm bản thân và kinh nghiệm của những người quen biết, Eric thấy rằng có 3 nguồn “nhờ cậy” sau đây:
- Người trung gian mua bán nhà (Realtor): Đây là người đã giúp bạn tìm nhà, dẫn đi coi nhà, giúp bạn trả giá nhà (making offer)… Làm việc lâu ngày với người này, bạn có cảm giác như cái gì anh ta/chị ta cũng biết… Nhưng thực tế, mua nhà là một việc, và vay tiền là chuyện khác. Người trung gian mua bán nhà, gọi đúng tên là Địa Ốc Viên (Realtor) - sau khi đã tìm cho bạn được một căn nhà ưng ý, và thỏa thuận trên giá cả - có thể giới thiệu bạn đến một văn phòng nào đó để làm giấy tờ vay mượn vì những quen biết của họ trong giới làm ăn. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải đến đúng cái văn phòng ấy. Không, bạn vẫn có thể nhờ một văn phòng khác, một người khác giúp hoàn thành thủ tục vay tiền, nếu quen biết hoặc được ai đó giới thiệu tới một nơi dễ dàng hơn.
- Người làm trung gian vay tiền (Mortgage Broker): Những người này có thể gọi bằng một danh từ bình dân là văn phòng làm “loan”. Họ không phải là người có tiền cho vay, nhưng chỉ là người trung gian, họ giúp bạn làm đơn, tìm hiểu hoàn cảnh của bạn rồi tìm một ngân hàng thích hợp… Dĩ nhiên, họ không làm việc miễn phí, không công. Nhưng họ không “ăn” tiền của bạn, hoặc ăn cách nào đó rất khéo léo và tế nhị khiến bạn không cảm thấy quá xót xa.
- Nhà băng, “người” chủ nợ: Đây mới là nơi xuất tiền cho chúng ta vay, và là nơi chúng ta phải gửi tiền trả hàng tháng. Cũng có thể đó chính là nơi bạn đã từng đến mở trương mục “checking”, trương mục “savings”. Bạn tự hỏi, “Vậy tại sao mình không hỏi thẳng nhà băng này xem họ có thể cho mình vay tiền mua nhà được không?”.
Trên đây là 3 cách để bạn có thể tìm đến với nguồn tiền, mỗi cách đều có thuận lợi và bất lợi riêng, tùy hoàn cảnh. Chúng ta sẽ bàn đến những chi tiết đó trong bài lần sau.

Erictran15751@gmail.com


Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT