Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Những chuyện bên lề Giải Oscars

Thursday, 06/03/2014 - 09:48:15

Lễ trao giải Oscars không chỉ tôn vinh thành tựu của các tài năng điện ảnh, mà còn là nơi thể hiện tính cách, văn hóa của các tài tử khi họ đứng lên sân khấu, phát biểu nhận giải. Hàng chục năm qua, bài phát biểu nhận giải Oscars là một trong số những chủ đề văn hóa có sức ảnh hưởng rất lớn



Ellen DeGeneres đang giúp phân phát pizza trong buổi phát giải Oscars 2014 vừa qua. (Getty Images)
Những chuyện bên lề Giải Oscars
 
Khi các siêu sao cảm ơn chỉ trong 45 giây

Lễ trao giải Oscars không chỉ tôn vinh thành tựu của các tài năng điện ảnh, mà còn là nơi thể hiện tính cách, văn hóa của các tài tử khi họ đứng lên sân khấu, phát biểu nhận giải. Hàng chục năm qua, bài phát biểu nhận giải Oscars là một trong số những chủ đề văn hóa có sức ảnh hưởng rất lớn tại Hollywood. Những điều các tài tử nói có tác động rất lớn. Chính vì vậy mỗi một tài tử đều rút kinh nghiệm để có thể ăn nói lưu loát làm cảm động lòng người, khi đứng trước gia đình, bạn hữu, đồng nghiệp, và khán giả. Cho dù đã thành danh, sự tự tôn thái quá, sự khiêm tốn giả hiệu, sự căng thẳng, v.v. của họ, đều bộc lộ rất rõ .

Ban đầu chưa có giới hạn, các tài tử nói thoải mái. Lịch sử Oscars ghi nhận:

- Greer Garson nói đến năm phút rưỡi, khi nhận giải Tài Tử Chính Xuất Sắc cho vai diễn trong phim “Mrs Miniver.”

- Olivia de Havilland lập kỷ lục năm 1947, vì cảm ơn đến 27 người

- Melissa Leo đi tới đi lui trước mặt Kirk Douglas – người giới thiệu chương trình suốt ba phút, và bắt đầu bằng một từ thô tục.

- Angelina Jolie không kiềm chế được cảm xúc, đã nói “Lúc này tôi rất yêu anh trai của mình,” khi nhận giải.

- Khi Titanic giành 11 giải Oscar, James Cameron say sưa nói về mình, và đã kết thúc bằng câu: “Tôi là vua của thế giới.”

Bây giờ thời gian phát biểu nhận giải bị hạn chế. Các đề cử Oscars được yêu cầu nói trong 45 giây. Nói cách nào đây? Tờ New York Times đưa ra những điều các tài tử nên biết:

- Chuẩn bị: Theo Leigh Steinberg – một quản lý cao cấp trong lãnh vực thể thao –mọi người nên chuẩn bị, để có thể nói lưu loát, và nghĩ đến thông điệp họ muốn truyền giao.

- Cá nhân hóa: Những bài phát biểu tại giải Oscars và Super Bowl luôn thu hút số lượng nữ khán giả rất lớn, vì vậy nên trình bày những chi tiết về “gia đình, bệnh tật, hay tình huống mà bạn đã trải qua, bất cứ điều thiện nào đã thực hiện để làm cho thế giới tốt đẹp hơn.” Qua đó khán giả sẽ biết “bạn là ai.”

- Cảm ơn nhưng không thái quá: Nếu không biết chọn lọc, lời cảm ơn của bạn sẽ giảm giá trị, người được cảm ơn không thấy hãnh diện.

- Phi chính trị: Nếu thắng giải vì đóng một bộ phim thường, không cần nói đến chính trị. Nhưng nếu thắng giải trong những bộ phim có đề tài nhạy cảm, như AIDS hay “12 Years A Slave” mà không nói gì về bệnh Aids hay sự phân biệt chủng tộc, thật là một sự thiếu sót. Theo lời Rachel Shukert, “Matthew McConaughey đã thiếu sót vì không nói gì về bệnh AID, khi ông nhận Giải Quả Cầu Vàng.”

- Chân thành: Theo lời bà Judy Smith, cách tốt nhất để trở nên chân thành là hãy thật sự chân thành. Thế giới ngày nay tràn ngập sự kết nối ảo. Khi đứng trên sân khấu trong khoảnh khắc vĩ đại như thế, nên khiến cho mọi người gần gũi hơn với mình.

Oscars 2014 – Những chuyện đằng sau hậu trường

Báo chí Mỹ ghi nhận một số điều mà khán giả truyền hình thế giới không biết, trong chương trình trực tiếp truyền hình Lễ Trao Giải Oscars 2014 ngày 2 tháng 3 vừa qua

- Thảm đỏ bị tắc nghẽn: Khi các tài tử dừng lại tạo dáng cho nhóm nhiếp ảnh gia thảm đỏ chụp hình, ngay lối ra vào trước cửa Nhà hát Dolby, Los Angeles. Khi thông báo đề nghị khách mời vào chỗ ngồi, Brad Pitt và Angelia Jolie vẫn còn nói chuyện với vợ chồng Christian Bale; Kate Hudson ôm hôn Camilla Alves, Jennifer Lawrence và Nicholas Hoult tạm biệt người thân, trước khi vào, v.v.

- Màn nhảy khiến mọi người bất ngờ: Mở đầu chương trình, Pharrell William hát ca khúc “Happy” – nhạc phim “Despicable Me 2.” Màn trình diễn sinh động của William và các vũ công khiến Lupita Nyong’o và Amy Adams đứng lên nhún nhảy. Hình ảnh này đã được truyền đi khắp thế giới. Trong khi đó Brad Pitt cũng hăng say nhảy múa không kém và còn nhảy ra khỏi ghế ngồi, ôm chặt một nam vũ công…Nhưng hình ảnh này khán giả năm châu bốn bể không thấy.

- Nhân viên giao Pizza Edgar hoảng hồn: Khán giả theo dõi đều thấy nhân viên giao bánh là anh Edgar Martirosyan, cùng người dẫn chương trình Ellen DeGeneres đi khắp phòng phát Pizza cho mọi người. Anh nhân viên không hề biết mình sẽ “đi tour” như vậy. Nhưng anh đã sung sướng khi đưa bánh cho thần tượng Julia Roberts, cũng như đã được thưởng tiền “tip” hậu hĩnh là $1,000. ($600 do Ellen quyên tại chỗ, và $400 do chính cô bỏ ra)

- Tiệc sau giải thưởng Oscars: Tại Governors Ball, nhân viên tiếp tân mang cho thực khách rất nhiều champagne. Bữa ăn do bếp trưởng trứ danh Wolfgang Puck thực hiện, gồm có khoai tây chiên với trứng cá muốn, bánh mì nướng hình tượng Oscars phủ cá hồi, sushi, bánh nướng nhân thịt già (chicken pot pie0, và nhiều bánh chocolate tráng miệng.

Đạo diễn và biên kịch phim ‘12 Years A Slave’ bất hòa

Sự bất hòa giữa đạo diễn Steve McQueen và nhà biên kịch John Ridley của phim “12 Years A Slave,” xảy ra ngay trong đêm trao giải Oscars. Theo tờ Ace Showbiz, khi John Ridley lên nhận giải Kịch Bản Chuyển Thể Xuất Sắc Nhất, đã đi qua hàng ghế của đạo diễn Steve McQueen, mà không hề nhìn ông; trong khi đã dừng lại để nhận cái ôm hôn chúc mừng của đạo diễn David O.Russell. Truyền hình cũng cho thấy đạo diễn McQueen không biểu lộ sự vui vẻ, chỉ vỗ tay chiếu lệ trước chiến thắng của John Ridley. Họ cũng đã không hề cảm ơn nhau. Trong bài cảm ơn, Ridley cảm ơn ê-kíp làm phim, và cảm ơn Jeremy Kleiner – người đồng sản xuất phim- nhưng không nói gì đến đạo diễn McQueen. Khi đoàn làm phim lên nhận giải Phim Hay Nhất, Steve McQueen cảm ơn mọi người, cũng không hề nhắc đến Ridley.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT