Thế Giới

Những chuyến tàu chở Hoa Kỳ vào tương lai

Tuesday, 07/09/2010 - 08:17:46

MILWAUKEE, Wisconsin – Hôm thứ Hai 6-9-2010, trong bài diễn văn đọc tại thành phố Milwaukee, tiểu bang Wisconsin, nhân dịp Lễ Lao Động, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ...

Hòa Giang/Viễn Đông

w-4cot-xeluaxalo.jpg

Xe lửa và xa lộ ở California (ảnh: Khanh Vy/Viễn Đông) – trình bày: Loan Loan/Viễn Đông.


MILWAUKEE, Wisconsin – Hôm thứ Hai 6-9-2010, trong bài diễn văn đọc tại thành phố Milwaukee, tiểu bang Wisconsin, nhân dịp Lễ Lao Động, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama loan báo một kế hoạch về xây mới và mở rộng hệ thống đường lộ, đường hỏa xa và phi đạo của Hoa Kỳ. Đặc biệt ông nhắc đến kế hoạch hiện đại hóa đường xe lửa cao tốc của Mỹ.

* Chạy nhanh hơn… cây sồi!
Trên tờ tạp chí Time ra ngày 19-7-2010, ký giả Michael Grunwald, một hành khách thường đi xe lửa cao tốc trên từ Miami tới Orlando, than phiền về chuyện tàu dừng lại nơi ga hơi lâu, bắt hành khách chờ cả nửa giờ, bên cạnh một cây sồi. Nhưng ông cũng dí dỏm nói rằng dù xe lửa Amtrak chạy không nhanh bằng loại tàu cao tốc đầu đạn (bullet train) ở Âu Châu và Á Châu, nhưng cũng nhanh hơn so với tốc độ của… cây sồi!
Hiện nay ở Hoa Kỳ chỉ có một tuyến hỏa xa được Bộ Giao Thông Hoa Kỳ gọi là đường xe lửa cao tốc (high-speed rail). Đó là dịch vụ Acela Express của công ty hỏa xa Amtrak, chạy trên Hành Lang Đông Bắc, từ Boston tới Washington, qua ngã New York, Philadelphia và Baltimore. Tốc độ trung bình của xe lửa cao tốc Acela là 109 cây số một giờ, nhưng nay đã đạt được tốc độ 240 cây số một giờ. Gọi là cao tốc, nhưng Acela chỉ chạy nhanh hơn so với những loại xe lửa truyền thống bình thường mà thôi. Thực vậy, so với những đường cao tốc tại một số quốc gia khác, thì xe lửa cao tốc của Mỹ lại chạy chậm hơn, trên những đường rầy chung với những loại xe lửa khác, như những đoàn tàu chở hàng hóa và những chuyến chở khách chạy tốc độ bình thường.
So với xe lửa cao tốc của Mỹ thì tàu cao tốc TGV của Pháp chạy nhanh hơn nhiều, với tốc độ trước đây là 177 cây số một giờ, sau đó nâng lên tới 574 cây số một giờ. Loại xe lửa đầu đạn Shinkansen của Nhật Bản, chạy trên một chặng thiết lộ dài 2.459 cây số, ban đầu với tốc độ 300 cây số một giờ, và hiện nay đã đạt kỷ lục thế giới 581 cây số một giờ. Trung Cộng cũng đang cố gắng bắt kịp tốc độ này, với loại xe lửa Maglev ở Thượng Hải, chạy với tốc độ trung bình 250 cây số một giờ, trên một đường rầy dài 30 cây số. Trong khi đó ở Mỹ, tàu điện Acela chạy nhanh nhất mới chỉ đạt đến tốc độ bằng một nửa tốc độ của các nước Âu và Á, tức chỉ được 240 cây số một giờ mà thôi.

* Đầu tư cho tương lai
Để cải thiện tình trạng thua kém này, trong năm ngoái, Tổng thống Obama loan báo dành 8 tỉ đô la để phát triển hệ thống hỏa xa của Mỹ, với ngân khoản đầu tiên lên tới 8 tỉ Mỹ kim dành cho đường xe lửa cao tốc, trong dự luật kích thích kinh tế. Những kế hoạch phát triển đường rầy tốc độ cao dự định thiết lập một hệ thống toàn quốc, gồm 13 hành lang xe lửa cao tốc. Trong số này, có đường hỏa xa nhanh từ Miami tới Orlando – mà ký giả Grunwald nhắc tới – sẽ chạy chỉ mất 2 giờ, thay vì 10 tiếng đồng hồ như trước đây. Trong bài diễn văn Tình Trạng Liên Bang đọc trong năm ngoái, Tổng Thống Obama tuyên bố: “Không có lý do nào để cho các quốc gia khác có sức xây được những đường xe lửa cao tốc, còn chúng ta lại không thể làm được”. Hôm sau vào ngày 8-1-2009, Tổng Thống Obama cùng với Phó Tổng Thống Joe Biden – nhân vật được tặng biệt danh “Amtrak Joe”, vì ngày nào cũng đi làm bằng xe lửa Amtrak chạy giữa Washington và Wilmington, tiểu bang Delaware – loan báo những ngân khoản dành cho hỏa xa cao tốc tại 31 tiểu bang.
Nhưng số tiền 8 tỉ Mỹ kim này chỉ chiếm 1 phần 8 trong tổng số ngân khoản mà chính phủ liên bang chi ra trong năm ngoái để xây dựng và tu bổ hệ thống xa lộ. Trong số tiền dành cho hỏa xa cao tốc, có 1,5 tỉ được dành cho việc xây những con đường xe lửa cao tốc mới, ở Florida và California, số tiền 4,5 tỉ Mỹ kim còn lại được chi cho việc sửa sang cầu cống và đường hầm, cũng chi cho việc nắn thẳng lại đường rầy và những mục cải thiện khác cho mạng lưới Amtrak hiện nay trên toàn quốc Hoa Kỳ. Kế hoạch xây dựng thiết lộ cao tốc cũng gây ra tranh cãi. Có những người cho rằng thay vì trải mỏng phân tán kế hoạch ra nhiều nơi, tại sao không tập trung vào tuyến hỏa xa Amtrak chính, nối liền Washington với Boston, lâu nay thu về lợi tức và được nhiều người sử dụng.

* Ngân khoản dành cho California

Trong số 31 tiểu bang nằm trong kế hoạch phát triển 13 hành lang đường xe lửa cao tốc, California nhận được 2,25 tỉ Mỹ kim, số tiền cao nhất so với các tiểu bang khác. Hỏa xa cao tốc sẽ chạy trên đường rầy riêng, từ Anaheim lên tới tận San Francisco, dọc đường sẽ đi qua nhiều thành phố chính, với tốc độ lên tới 220 dặm một giờ. Theo báo cáo của OCMetro vào hôm 26-8-2010, kế hoạch sẽ bắt đầu được thực hiện vào năm 2012, và đến năm 2017 sẽ khởi sự cung cấp dịch vụ xe lửa cao tốc cho hành khách. Trong tiến trình xây dựng, riêng ở miền nam California, dự án sẽ tạo ra hơn 57.000 công việc toàn thời gian, mà đa số sẽ nằm trong khu vực chặng đường từ Anaheim tới Los Angeles. Ngoài ra, việc xây dựng nhà ga Anaheim Regional Intermodal Transportation Center – dự trù khởi công vào năm 2011 và là nơi đón những chuyến tàu cao tốc dừng lại – sẽ làm tăng thêm từ 3.500 tới 5.000 công việc tại vùng Quận Cam. Dự đoán đến năm 2035, hệ thống hỏa xa cao tốc sẽ tăng thêm 127.000 việc làm thường xuyên trong khu vực Nam California.

* Các công ty tranh giành hợp đồng
Nhiều công ty Âu Châu và Á Châu, với kinh nghiệm dồi dào về xây dựng đường xe lửa cao tốc, đang hăm hở chờ thu lợi tức từ kế hoạch phát triển hệ thống hỏa xa Hoa Kỳ. Tuy nhiên những xem xét về mặt chính trị có thể đòi phải dành những phần hợp đồng xây dựng đáng kể cho các công ty Mỹ, vì một trong những lý do tồn tại của kế hoạch hiện đại hóa ngành hỏa xa Hoa Kỳ là tạo thêm công ăn việc làm và thúc đẩy kinh tế Mỹ phát triển. Hiện nay Hoa Kỳ chưa sản xuất loại xe lửa chạy tốc độ cao, giống như ở một số các nước khác. Nhiều công ty của Nhật Bản, Nam Hàn, Đức, Ý, Pháp, Tây Ban Nha, cũng như những quốc gia khác, đang tỏ ý quan tâm tới những dự án cao tốc của Mỹ. Riêng Trung Cộng không những đề nghị xây đường cao tốc, mà còn sẵn sàng giúp đỡ về tài chánh để xây đường xe lửa tốc độ cao của California.          

* Ngăn chặn đường cao tốc
Chưa vào cuộc, nhưng đã có công ty gặp phải rắc rối vì quá khứ hoạt động. Chẳng hạn S.N.C.F, công ty hỏa xa quốc gia của Pháp, rất quan tâm tới dự án xe lửa cao tốc của tiểu bang Florida. Nhưng những người sống sót và gia đình của họ từ cuộc diệt chủng Do Thái dưới thời Đức Quốc Xã, đã phản đối công ty này. Họ nhắc lại vai trò những đoàn xe lửa của S.N.C.F trong việc chở nhiều người Do Thái tới các trại tập trung, trong thời Đệ Nhị Thế Chiến. Công ty biện bạch rằng họ không kiểm soát được các hoạt động hỏa xa của mình trong thời kỳ ấy. Thế nhưng những lời phản đối đã được Thống Đốc Charlie Crist của Florida chú ý. Ông ra lệnh cho bộ trưởng Bộ Giao Thông tiểu bang xem xét lại thành tích của S.N.C.F.
Vào cuối tháng Tám, California cũng có hành động tương tự: cơ quan lập pháp tiểu bang đã thông qua một dự luật đòi buộc những công ty quan tâm đến chuyện ký hợp đồng xe lửa cao tốc phải tiết lộ về vai trò của mình trong thời chiến tranh.
Một vấn đề khác cũng gây trở ngại cho kế hoạch đường rầy cao tốc là sự than phiền của những cộng đồng gia cư nằm dọc theo các lộ trình xe lửa. Trong tuần qua, hội đồng thành phố Palo Alto ở California đã biểu quyết “bất tín nhiệm” đối với cơ quan Thẩm Quyền Hỏa Xa Cao Tốc California (CHSRA). Lý do quyết định là vì các tài sản trong khu vực có đường cao tốc chạy qua sẽ bị mất giá, cũng như lưu lượng giao thông, những tiếng ồn và chấn động sẽ gia tăng tại Palo Alto.
Mới đây nhất, vào hôm 7-9-2010 hãng tin AP đưa tin cho biết rằng hội đồng thành phố Raleigh City, thủ phủ tiểu bang North Carolina, đã hoãn lại quyết định sau cùng liên quan tới việc một đường xe lửa cao tốc đi ngang qua thành phố này, vì dân chúng trong khu Five Points phản đối. Họ nói rằng tàu cao tốc – nối Raleigh với Richmond ở tiểu bang Virginia, trên hành lang Đông Bắc, tốc độ 110 dặm một giờ – đi băng qua đây sẽ làm giảm trị giá nhà cửa của họ, cũng cùng một lý do như ở Palo Alto. Tuy nhiên, vấn nạn lớn nhất đối với tương lai của hệ thống hỏa xa cao tốc ở Mỹ chính là ngân quỹ kinh phí thực hiện kế hoạch. Số tiền 8 tỉ Mỹ kim vẫn chưa đủ, nhất là khi ngân khoản này trải mỏng ra cho một loạt những dự án ở nhiều nơi trên toàn nước Mỹ. Hệ thống tàu cao tốc mới của California có thể tốn tới 40 tỉ Mỹ kim. Các chính quyền cấp tiểu bang sẽ phải gánh vác một phần khá nặng trong tổng số chi phí, giữa lúc họ đang gặp vất vả điêu đứng với tình trạng thâm thủng ngân sách, nhất là California.

* Những lợi ích tương lai
Tuy còn một số khó khăn trắc trở, nhưng nhưng việc xây dựng hỏa xa cao tốc có thể mang lại nhiều triển vọng về kinh tế, môi trường và xã hội. Cũng theo bản báo cáo của OCMetro nói trên, chỉ tính riêng Quận Cam, xe lửa cao tốc có triển vọng cao mang lại những điều ích lợi thiết thực và lâu dài. Chẳng hạn, đến năm 2035, mỗi năm hệ thống tàu điện tốc độ nhanh sẽ làm giảm bớt hơn 1 tỉ pound lượng khí carbon dioxide độc hại, do xe cộ thải ra tại Quận Cam. Xe lửa cao tốc trở thành một phương tiện giao thông “xanh”, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, ngoài việc tạo thêm nhiều công ăn việc làm, đẩy nhanh hoạt động thương mại, nâng cao khả năng cạnh tranh và kích tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ.
Trong bài diễn văn ở Milwaukee nhân dịp Lễ Lao Động, và được đọc cách vài ngày sau khi một phúc trình mới cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng lên 9,6% trong tháng 8, Tổng thống Obama kêu gọi “xây dựng nền kinh tế của chúng ta trên một nền tảng mới, để cho giới trung lưu của chúng ta không những chỉ sống sót qua cơn khủng hoảng, mà còn trở nên thịnh vượng, một khi chúng ta vươn lên lại”. Sau khi nhắc tới một số thành tựu đã đạt được trong hai năm qua, Tổng Thống Obama nói: “Hiện nay, có một việc khác mà chúng ta làm, đó là những khoản đầu tư lành mạnh, mà lẽ ra phải được thực hiện từ lâu, nhằm nâng cao phẩm chất hạ tầng kiến trúc quốc gia đã lỗi thời và thiếu hiệu quả. Chúng ta không những chỉ nói đến đường sá, cầu cống, đê điều mới, mà còn đề cập đến những điều thiết yếu để cạnh tranh trong nền kinh tế thế kỷ 21. Đó là phải có một mạng lưới điện lực, hệ thống Internet và những đường xe lửa cao tốc tối tân”.
“Những khoản đầu tư cho ngày mai” mà Tổng Thống Obama nói tới, trong đó có ngân khoản dành cho kế hoạch hỏa xe cao tốc, hi vọng sẽ đem lại một nét tân kỳ, tươi tắn và lanh lẹ, trên khuôn mặt nước Mỹ thế kỷ 21, sau một thời gian ủ rũ đi vì cuộc khủng hoảng suy thoái. – (HG)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT