Tiêu Thụ

Những điều ít người biết về tiền An Sinh Xã Hội ở nước Mỹ

Friday, 28/01/2011 - 09:15:19

Dĩ nhiên, cầm 1 tờ giấy với một vài chữ số nguệch ngoặc không “đã tay” bằng đỡ lấy cái phong bì nặng chịch “tiền tươi”. Đã vậy, cái con số ...

Eric Trần/Viễn Đông

Người đi làm ở Mỹ, cũng như ở nhiều quốc gia kỹ nghệ hóa khác, đều lãnh lương bằng một tấm ngân phiếu, chứ không phải một phong bì dầy cộm như chúng ta thường được ở Việt Nam.



Dĩ nhiên, cầm 1 tờ giấy với một vài chữ số nguệch ngoặc không “đã tay” bằng đỡ lấy cái phong bì nặng chịch “tiền tươi”. Đã vậy, cái con số ghi trên tờ giấy ấy lại bị trừ trước trừ sau, trừ lên trừ xuống... thường được gọi chung là trừ thuế. Không biết thì thôi, chứ để ý một chút, thì không ai là không đau lòng, khi nhìn thấy tiền mồ hôi nước mắt của mình bị cứa đi nhiều như thế. Thực ra, tiền đóng thuế để chi tiêu cho công ích xã hội chỉ chiếm một phần nhỏ, phần lớn số tiền bị khấu trừ phần chính là để tiêu xài cho bản thân đương sự - hoặc trước mặt hoặc trong tương lai - mà thôi, chứ chẳng có ma nào chấm mút vào đấy. Chẳng hạn như tiền đóng Social Security, có thể nói là tiền dành dụm, bó buộc dành dụm để nữa già yếu, thì lại rút ra mà xài cho bản thân mình. Chắc bạn ngạc nhiên về cách giải thích “lạc quan ... tếu” này, phải không? Thì đúng như vậy!

Sau đây là một vài điều ít người biết về cái khoản “khấu trừ” trực tiếp, mà tất cả dân đi làm trên đất Mỹ đều phải chịu, trừ những người luôn luôn khai “No Income” trên giấy báo thuế hàng năm. Và biết đâu sau những tiết lộ đơn sơ này, bạn lại có thể rút được những kết luận đáng giá, giúp bạn tận dụng những món tiền đóng góp ấy một cách có lợi nhất cho mình.

Social Security là gì?

Chúng ta vẫn thường gọi nó là An Sinh Xã Hội. Nó dính liền với cái thẻ mà bất cứ ai sinh sống trên đất Mỹ cũng phải có. Nó là cái “chứng chỉ” xác nhận bạn là người ngụ cư hợp pháp trên cái xứ sở văn minh sung túc hạng nhất này, chứ không giống mấy anh di dân lậu chực chờ kiếm việc ở một góc phố nào đó. Ngay từ lúc đầu đặt chân xuống phi trường để “tái định cư làm Việt Kiều tại Mỹ, ai trong chúng ta - và mọi di dân bất kể thuộc một nguồn gốc nào khác - cũng mong sớm có thẻ an sinh xã hội để đi làm. Nhưng khi có thẻ rồi thì không ai muốn trình ra khi đi làm cả. Ai cũng thích có một công việc trả “tiền mặt”, nghĩa là lãnh cái phong bì dầy cộm một thứ “giấy” đặc biệt, không mất đi đâu một cắc! Nhưng rồi đa số đều phải nhận tiền lương qua ngân phiếu, và ngậm ngùi nhìn một phần tiền ra đi để đóng thuế, đóng An Sinh Xã Hội, đóng bảo hiểm sức khỏe… và nhiều thứ linh tinh khác. Lúc bấy giờ ít ai nghĩ tới những con đường thật đẹp cho vòng bánh xe của mình lăn đi mỗi ngày, ít ai nghĩ tới những công viên tươi xanh mà con bé út nhà mình thích chạy ra chơi mỗi chiều Chủ Nhật, và trăm thứ đẹp đẽ khác, mà đất nước này cống hiến nhờ vào đồng tiền của những người đi làm đóng thuế…

Nhưng khoan hãy nói về cái bổn phận đóng góp để kiến tạo những tiện nghi, nay đã trở thành những điều không thể thiếu. Chỉ xin nói về cái khoản đóng góp An Sinh Xã Hội trích từ ngân phiếu tiền lương. Như trên đã đề cập, đây là số tiền dành dụm cho bản thân mình, nhưng là tiền bắt buộc dành dụm mà mình lại không được giữ. Để chờ đến tuổi về hưu, mình sẽ được lãnh lại mỗi tháng một ít, “tỷ lệ thuận” với số tiền mình đã đóng trước kia. Nói là tỷ lệ thuận thực ra không đúng lắm. Đối với nhiều người, con số này tổng cộng lại có thể lớn hơn số tiền mình đã đóng góp trong cả thời gian còn đi làm.

Tại sao lại được như vậy? Chúng ta chỉ nên hiểu một cách vắn tắt rằng, số tiền được mang đi đầu tư để sinh lời, rồi từ đó phân phát lại cho người đi làm nay đã về hưu. Bởi vì xã hội luôn luôn có người đi làm, đồng thời luôn luôn có người lãnh tiền hưu, đồng tiền trong quỹ An Sinh Xã Hội lúc nào cũng luân lưu, như một dòng sông lấy nước từ nguồn rồi chảy ra tưới tắm ruộng đồng. “Dòng sông” đó có lúc nào khô kiệt không? Trên nguyên tắc thì không, nhưng thực tế… quả thực khó nói. Nhưng nói ra thì chắc chắn có nhiều người muốn nghe, bởi vì nó ảnh hưởng tới đại đa số những người dân đã đi làm, đang đi làm, và ước muốn có một cái thẻ an sinh xã hội, để sẽ đi làm trong cái xứ sở đẹp đẽ nhiều phúc lợi này. Chúng ta sẽ tiếp tục đề tài này trong bài lần tới.

Eric Trần

Erictran15751@gmail.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT