Bình Luận

Những đợt hậu chấn

Thursday, 10/11/2016 - 11:49:51

Cảnh sát bị đặt trong tình trạng báo động tại nhiều thành phố, cảnh sát Oakland cho biết vào lúc 7 giờ tối đám người biểu tình được ước lượng là 3,000; chỉ một tiếng đồng hồ sau, con số này đã đông gấp đôi.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Sau cơn địa chấn Donald Trump đắc cử, sinh hoạt chính trị Hoa Kỳ đang ghi nhận một loạt hậu chấn: chiều thứ Tư, mùng 9 tháng 11, vào lúc 7 giờ tối -16 tiếng đồng hồ sau khi Trump xác nhận đắc cử- hàng chục ngàn người kéo nhau xuống đường biểu tình tại nhiều thị trấn như Dallas, Oakland, Boston, Chicago, Portland, Seattle và tại nhiều trường đại học thuộc các tiểu bang California, Massachusetts, và Pennsylvania.

Cảnh sát bị đặt trong tình trạng báo động tại nhiều thành phố, cảnh sát Oakland cho biết vào lúc 7 giờ tối đám người biểu tình được ước lượng là 3,000; chỉ một tiếng đồng hồ sau, con số này đã đông gấp đôi.

Mạng SFGate.com ghi nhận người biểu tình gây vài đám cháy nhỏ, và đập phá cửa kính tiệm buôn, cảnh sát đến can thiệp, 1 cảnh sát viên bị thương. Người biểu tình cầm biểu ngữ đòi trục xuất Donald Trump, rồi đốt hình tượng của vị tổng thống vừa đắc cử.


Biểu tình tại Columbus Circle, New York hôm thứ Tư, một ngày sau ngày Trump đắc cử.

Nhiều cuộc biểu tình kéo dài suốt đêm và chỉ giải tán vào sáng hôm sau; mặc dù mang tính chất tranh đấu chống vị tổng thống chưa nhậm chức, nhưng hình thái biểu tình rất ôn hòa, không bạo động.
Tình hình Los Angeles sôi động hơn cả, biểu tình diễn ra tại nhiều chỗ; toán biểu tình tại tòa thị chánh đốt hình tượng Trump, toán biểu tình ngoài xa lộ 101 làm tắc nghẽn lưu thông.


Người biểu tình đòi ném Trump vào thùng rác

Tại New York, đoàn biểu tình đổ về Trump Tower trên Fifth Avenue và đường 56th Street vùng Midtown Manhattan, nơi cư trú của Trump.
Họ hò hét, “Trump không phải là tổng thống của tôi,” và căng khẩu hiệu “New York hates Trump” và khẩu hiệu “Dump Trump” (ném Trump vào thùng rác). Nhân viên những nhà hàng quanh đó, còn mặc đồng phục, đổ ra đường gia nhập biểu tình.


Cảnh sát đem xe rác và nhiều “con lươn” xa lộ ra bảo vệ Trump Tower

Cảnh sát huy động vài chục chiếc xe rác đậu bít hai khu phố đường, và đem xe xúc của sở cảnh sát New York khiêng nhiều “con lươn” xa lộ đến để chặn cửa Trump Tower bảo vệ vị tổng thống đắc cử.
Anh Emanuel Perez, 25 tuổi, người gốc Mễ, cư dân khu Bronx, làm việc trong một nhà hàng tại Manhattan nói với phòng viên truyền thông, “Tôi phản đối chính sách kỳ thị chủng tộc của ông ta (ý nói Trump); hàng ngàn gia đình sẽ bị ảnh hưởng, con cái sống tại Mỹ, bố mẹ bị trục xuất ra khỏi lãnh thổ Mỹ.”

Cô Bianca Rivera, 25, cư dân East Harlem, cho là việc Trump đắc cử là việc không nên để xảy ra. Cô nói, "Hoa Kỳ là cái nồi ninh, mọi người sống tại Hoa Kỳ bị ninh nhừ ra, rồi ai cũng giống ai; như vậy mà còn kỳ thị sắc tộc, kỳ thị nam nữ."

Tại University of California, Los Angeles, trên 2,000 sinh viên tổ chức tuần hành trên những trục lộ quanh khu Westwood. Cũng trong hệ thống University of California, sinh viên tại các viện đại học Berkeley, San Diego, và Santa Barbara cũng xuống đường phản đối tân tổng thống Donald Trump; sinh viên Temple University, tại Philadelphia và University of Massachusetts cũng tổ chức biểu tình phản đối vị tổng thống vừa đắc cử.

Những đợt hậu chấn của quần chúng mang tính chất “nổi”, dù hăng say và bồng bột những tương đối dễ đối phó hơn; ngược lại đợt hậu chấn chìm của giới trí thức, và giới chính khách, chuyên chở nhiều hậu quả tai hại cho tân tổng thống Trump hơn, mà cảnh sát cũng không thể đem con lươn bê tông chặn cửa Trump Tower mà bảo vệ ông được.

Một điển hình: giáo sư Richard W. Painter, trường University of Minnesota Law School, người từng giữ chức vụ giám đốc đạo đức chính trị trong chính phủ Cộng Hòa thời tổng thống George W. Bush viết, “Tôi là một trong vài triệu đảng viên Cộng Hòa bỏ phiếu bầu Hillary Clinton, chỉ vì những điều ông Donald Trump nói trong lúc tranh cử, không những đã vô nghĩa, mà còn tai hại cho người Mỹ nữa. Tôi tự an ủi, mặc dù Trump không thể là một vị tổng thống tốt, nhưng ông ta cũng sẽ không quá tệ, vì hai lý do: Một là ông ta còn lớ ngớ chưa biết gì, và hai là ông ta cũng phải hiểu những điều ông ta hứa liều để đắc cử, có nhiều điều không thực hiện được.”

Một vị giáo sư khác, ông Larry M. Bartels, viện đại học Vanderbilt University, tác giả nhiều quyển sách viết về chính trị và kinh tế, chê Trump là người thụ ủy bất xứng nhất trong lịch sử đảng Cộng Hòa; lười biếng, tự cao, tự đại, rỗng tuếch và mị dân.

Ký giả Ross Douthat viết về Trump, “Bầu cử để chọn người sáng suốt mãi cũng nhàm, lần này Hoa Kỳ tổ chức bầu để tuyển một người điên.”


Giáo sư Richard W. Painter


Giáo sư Larry M. Bartels


Ký giả Ross Douthat

Mặt khác, 50 viên chức cao cấp của đảng Cộng Hòa -trong số này nhiều người từng giữ chức vụ liên quan đến nội an và quốc phòng trong chính phủ George W. Bush- đã ký chung một văn thư cảnh cáo nguy cơ Trump có thể tạo nguy hại cho Hoa Kỳ.

Trong số những viên chức này có quý ông Michael V. Hayden, nguyên giám đốc C.I.A. kiêm tổng giám đốc An Ninh Quốc gia, John D. Negroponte, phụ tá ngoại trưởng Hoa Kỳ, Robert B. Zoellick, chủ tịch World Bank, hai vị nguyên tổng trưởng Nội An Tom Ridge và Michael Chertoff, Eric S.Edelman, nguyên cố vấn nội an cho phó tổng thống Dick Cheney.

Một vài đoạn trong lá thư viết, “ ... chúng tôi đã trực tiếp tham dự vào việc điều hành những guồng máy nội an và quốc phòng trong thời chiến cũng như trong những cuộc khủng hoảng; do đó chúng tôi biết những điều kiện tối quan trọng mà một vị tổng thống Hoa Kỳ cần phải có.

“Không một người nào trong số những người ký lá thư này bầu cho ông Donald Trump.
“Qua góc nhìn đối ngoại, ông Trump không đủ tư cách để làm tổng thống hay làm tổng tư lệnh quân đội. Chúng tôi còn nghĩ là ông ta sẽ là một vị tổng thống nguy hiểm, sẽ đưa đất nước vào tình thế ngặt nghèo. ...”

Có thể nói tổng thống Donald Trump chưa được ai ca ngợi về bất cứ điều gì cả; nhưng cái tuyệt diệu của nền dân chủ Hoa Kỳ là mọi người -dù không thương ông, không kính phục ông- vẫn tuân lệnh ông vì ông được bầu vào địa vị tổng thống.

Sáng thứ Năm, Tổng Thống Barack Obama đã mời ông đến Bạch Cung để thảo luận vê việc bàn giao quyền hạn.


Cuộc gặp gỡ giữa vị tổng thống đắc cử và vị tổng thống sắp mãn nhiệm

Sau 90 phút thảo luận, ông Obama bảo ông Trump, “Thưa ông Tổng Thống đắc cử, tôi nhấn mạnh với ông là chúng tôi muốn làm mọi việc để giúp ông thành công, vì sự thành công của ông là sự thành công của đất nước.”
Tổng Thống Trump nhận định là buổi tiếp xúc “tuyệt hảo” và đề tài thảo luận rộng rãi. Ông nói, "Chúng tôi thảo luận về mọi tình huống, những cơ hội tuyệt vời, và nhiều trường hợp khó khăn. Tôi hy vọng sẽ còn được thảo luận với Tổng Thống Obama thêm nhiều lần nữa, kể cả việc vấn kế ổng.”

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT