Người Việt Khắp Nơi

Những giờ phút cuối cùng với Trung Tá Nguyễn Phú Thọ

Hồ Đắc Huân Monday, 14/11/2011 - 02:31:09

Trung Tá Nguyễn Phú Thọ từ trần ngày 7-11-2011 trong niềm thương tiếc của người thân, đồng đội. Linh cữu được quàn tại Westminster Memorial Park, Westminster. ...

Hồ Đắc Huân

LTS: Trung Tá Nguyễn Phú Thọ từ trần ngày 7-11-2011 trong niềm thương tiếc của người thân, đồng đội. Linh cữu được quàn tại Westminster Memorial Park, Westminster. Lễ vinh danh và phủ kỳ VNCH sẽ được tổ chức vào ngày Thứ Ba, 15-11-2011, lúc 9 giờ sáng tại nhà quàn.
Cựu Thiếu Tá Hồ Đắc Huân vừa gửi đến cho nhật báo Viễn Đông một bài viết của ông về những lần gặp gỡ cuối cùng với Trung Tá Thọ cũng như cuộc đời của vị quân nhân này. Tòa soạn xin trân trọng gửi đến quý độc giả như một nén hương lòng vĩnh biệt một vị anh hùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.


Trung Tá Nguyễn Phú Thọ, tức Thọ Râu, vừa vĩnh viễn lìa trần ngày 7-11-2011 tại Quận Cam, Nam California, hưởng thọ 70 tuổi, bỏ lại gia đình, người thân, các chiến hữu và bằng hữu. Tôi và Trung Tá Nguyễn Phú Thọ có thời gian phục vụ cùng đơn vị tại Trung Tâm Huấn Luyện Quốc Gia Vạn Kiếp. Chúng tôi thân nhau, mến nhau từ dạo ấy. Sau khi Thọ định cư tại Canada, hai chúng tôi vẫn thường liên lạc, có khi gặp mặt, có khi qua điện thoại viễn liên. Trong những ngày vừa qua, anh có dịp sang California, chúng tôi lại gặp nhau nhưng không ngờ lần gặp nhau này lại là lần cuối cùng chúng tôi vĩnh viễn xa nhau!
Cảm mến một người bạn hết sức thân thương, tôi ghi lại đây những giờ phút cuối ngồi bên anh, nghe anh nói và dặn dò như những lời trăn trối làm tôi xúc động tột cùng. Nhớ anh tôi viết đôi dòng về anh để bạn đọc cùng cảm thương anh hơn nữa.
Ngày 1-11-2011, 9 giờ sáng, chuông điện thoại reo. Đầu máy bên kia là anh Thọ. Tôi nghĩ Thọ từ Canada gọi, song không phải. Thọ nói:
- Thọ hiện ở Bolsa.
Tôi hỏi:
- Thọ qua lâu chưa?
- Mới qua ít hôm - Thọ đùa - Gọi để báo anh biết. Tư Lệnh Vùng ở đây không báo sớm đâu có được.
Rồi Thọ cười hà hà. Tôi hỏi:
- Chương trình chắc kín rồi phải không?
- Huynh đệ nhiều quá mà anh. Tôi sẽ thu xếp gặp anh.
Rồi Thọ nói:
- Vừa rồi qua màn ảnh tôi thấy anh em bên này phối hợp tổ chức buổi lễ tưởng niệm Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Điềm và Đại Tá Võ Toàn sau khi tìm được hài cốt. Tôi thấy việc làm này rất có ý nghĩa, nói lên tình chiến hữu đậm đà của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trước sau nguyên vẹn, cùng làm cho gia đình người quá cố thêm ấm lòng.
Qua ý nghĩ của Thọ tôi thấy cùng hợp trong tâm ý tôi. Trước khi cúp máy Thọ chúc tôi và gia đình luôn khỏe rồi Thọ tiếp mong gặp lại tôi.
Tôi trả lời:
- Mình cũng mong gặp lại Thọ.
Ngày 5-11-2011, 8:30 sáng, điện thoại cầm tay reng... Nghe qua tiếng Thọ, tôi hỏi:
- Rảnh rồi phải không?
Thọ thông báo:
- Anh ra ngay Cà Phê Factory lai rai cho vui. Sáng nay không bận, sẵn dịp nhờ anh mời nhà báo Thanh Phong và anh Đặng Đình Liêu nhà mình ra chơi luôn.
- OK, tôi sẽ báo và ra ngay.
Tôi liền gọi hai anh Phong và Liêu để chuyển lời mời nhưng rất tiếc không gặp cả hai.
Đến Cà Phê Factory, như thường lệ tôi vào bên trong nơi bàn mà anh em chúng tôi thường gặp những lần trước đây với ông Bùi Văn Ngô Khóa 16 và ông Nguyễn Thế Đỉnh (Biệt Động Quân), bạn cùng lớp Trung Học Nguyễn Trãi với Thọ. Thấy Thọ ngồi sẵn cùng với một người bạn. Thọ đứng dậy vỗ vai, bắt tay tôi rồi hỏi:
- Còn hai ông kia đâu?
Tôi nói:
- Rất tiếc không gặp ai qua máy.
Tiếp đến Thọ giới thiệu tôi vị khách cùng bàn với anh là ông Đàm Trọng Toàn, trước đây thuộc binh chủng Nhảy Dù. Tôi bắt tay sơ giao ông Toàn rồi chúng tôi cùng ngồi trao đổi với ông đôi điều tôi biết về binh chủng Nhảy Dù.
Lần này Thọ đến Nam California được ông Toàn mời về ở chung nhà cho vui, tiện việc đi lại chung xe. Những lần trước Thọ thường ở nơi nhà anh Bùi Văn Ngô, bạn cùng Khóa 16 Đà Lạt.
Qua năm phút chuyện trò, anh Ngô đến. Sau lời chào hỏi, bốn chúng tôi bắt đầu kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Thỉnh thoảng Thọ gặp vài ba người bạn nguyên đồng môn, đồng ngũ. Trong những chiến hữu, tôi biết hai anh Đỗ Mạnh Trường, đồng môn anh Thọ, hiện là Chủ Bút Tập San Biệt Động Quân và chiến hữu Bùi Vĩnh Tuyên trước phục vụ tại Vạn Kiếp.
Qua tâm sự hôm ấy, tôi nhớ Thọ nhắc lại hai lần với ông Toàn là nên thường xuyên lau bụi nơi bàn thờ. Thọ kể đã hai lần sắp xếp lại bàn thờ nơi nhà ông Toàn. Kế đến anh Thọ nhờ tôi liên lạc với bà quả phụ cố Đại Tá Lê Minh Quý xin một cái hẹn để ông ta đến thắp nhang (ông Quý nguyên Chỉ Huy Trưởng Vạn Kiếp, qua đời ngày 10-5-2011).
Tôi có gọi phone đến bà Quý nhưng không thấy ai trả lời.
Tiếp đến Thọ hỏi:
- Anh Huân còn nhớ bài thơ Thi Sĩ Hà Thượng Nhân viết riêng cho tôi, tôi đã gởi cho anh trước đây không? Tội nghiệp ông đã bỏ tôi ông đi trước. Kỳ này đến San Jose dự họp mặt Khóa 16, nhân tiện tôi sẽ đến nhà ông để thắp cho ông một nén nhang (Thi Sĩ Hà Thượng Nhân và Thọ là hai bạn đồng tù trong ngục tù Cộng Sản ở Miền Bắc).
Cuộc vui nào cũng có sự khởi đầu rồi đến phút chia tay. Tàn tiệc, Thọ xem đồng hồ, nở nụ cười tươi đứng lên rồi nói:
- Thôi bây giờ anh em mình tạm chia tay. Mình lại có một cuộc hẹn khác.
Thọ bắt tay tôi thật chặt như không muốn rời. Đó là lúc chia tay qua lần gặp nhau lần cuối. Lời nói sau cùng của Thọ là chúc tôi và gia đình luôn khỏe, “gắng lo chăm sóc chị nhà anh nhé” và không quên gởi lời nhờ tôi chuyển lại để thăm nhà báo Thanh Phong và người bạn đồng môn, đồng ngũ Đặng Đình Liêu.
Tôi cười nói với Thọ:
- Được rồi! Để tôi sắp xếp chúng mình gặp nhau vài ngày tới. Thọ còn ở đây lâu mà.
Ngày 7-11-2011, sáng sớm. Tôi đang xem những tờ báo trong ngày, đến mục Cáo Phó, Phân Ưu xem ai còn, ai mất. Điện thoại reo, nghe được tiếng nói quen thuộc của anh Nguyễn Văn Huy. Anh Huy cùng Khóa 16 với anh Thọ. Thường anh Huy ít khi gọi tôi giờ này, chắc có gì quan trọng. Anh Huy tiếp:
- Ông nghe chuyện gì chưa?
Nghe đến đây tôi đâm lo và đoán anh sẽ thông báo chuyện gì không lành chăng? Rồi anh Huy tiếp:
- Ông Thọ Râu qua đời đêm qua rồi!
Nghe xong, tôi hết sức sững sờ, hy vọng không phải là chuyện thật vì tôi và Thọ mới gặp nhau cách đây hai ngày mà anh Huy kể tôi nghe sự việc xảy ra đêm qua theo tin tức anh nhận được rất chính xác. Tôi liền liên lạc qua anh Toàn kiểm chứng lại với hy vọng mong manh là tin trên không có thật. Anh Toàn cho biết anh Thọ thật sự đã qua đời đêm qua.
Lần này, tôi hết sức xúc động, mất đi một chiến hữu anh hùng. Thọ là một trong những người bạn quý nhất của tôi.
Nhớ lại lần gặp mặt mới đây, Thọ kể việc dọn bàn thờ rồi thu xếp viếng thăm để nhang khói hai ông thầy: Cố Đại Tá Lê Minh Quý và Thi Sĩ Hà Thượng Nhân. Không ngờ anh Thọ lại sớm giã từ chúng tôi để theo hai ông thầy. Có một điều tôi ân hận là hôm ấy không ghi lại được bức hình chúng tôi gặp nhau vào những giờ phút cuối cùng.

Thân thế và binh nghiệp Trung Tá Nguyễn Phú Thọ
Song thân của Trung Tá Nguyễn Phú Thọ là Cụ Ông Nguyễn Xuân Đản và Cụ Bà Nguyễn Thị Nữ. Sinh quán tại Hà Nội.
Sau Hiệp Định Genève 1954 chia đôi đất nước, ông bà Nguyễn Xuân Đản, các con đã cùng hàng triệu đồng bào miền Bắc di cư vào miền Nam để tìm tự do. Vào Nam, gia đình ông bà định cư tại Sài Gòn để khởi đầu cuộc sống mới.
Hai cụ sinh hạ được 9 người con gồm: 5 trai và 4 gái. Ông Nguyễn Xuân Phúc là con thứ sáu. Ông Nguyễn Phú Thọ là con thứ bảy trong số chín anh chị em.
Hai ông Phúc và Thọ yêu đường võ nghiệp. Trong binh nghiệp, hai ông nằm trong số những sĩ quan cấp Tá nổi danh đặc biệt trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Nói đến Robert Lửa (biệt danh của ông Nguyễn Xuân Phúc) trong binh chủng Thủy Quân Lục Chiến hoặc Thọ Râu (biệt danh của ông Nguyễn Phú Thọ thuộc Sư Đoàn 1 Bộ Binh), trong hàng Sĩ Quan rất đông đều biết đến hai vị này.
Lúc còn trẻ, ông Phúc học tại Trung Học Nguyễn Trãi và Chu Văn An, còn ông Thọ học tại Trung Học Nguyễn Trãi. Hai ông Phúc và Thọ được song thân và các anh chị luôn hướng dẫn và khuyến khích trong việc học hành nên cả hai đều tiến bộ nhanh, thường nhảy lớp nên tốt nghiệp Tú Tài sớm hơn một số bạn học khác.
Hai trường Trung Học công lập Chu Văn An và Nguyễn Trãi từ miền Bắc, 1954 di chuyển vào Nam. Học sinh của hai trường phần đông sinh quán từ miền Bắc. Các trường này đã sản sinh rất nhiều nhân tài nổi danh trong mọi lãnh vực tại Việt Nam Cộng Hòa và thế giới.
Khoảng năm 1959, ông Phúc và Thọ nghe nói về việc đào tạo Sĩ Quan tại Trường Võ Bị Quốc Gia rất hấp dẫn làm hai ông đam mê mong muốn theo học. Cũng kể từ năm đó Cộng Sản Bắc Việt bắt đầu phát động chiến tranh du kích nổi lên đánh phá chính quyền Quốc Gia.
Để bảo vệ và xây dựng Tổ Quốc, các thanh niên đến tuổi theo luật định phải tòng quân giúp nước.
Hưởng ứng lời kêu gọi trên, hai ông Phúc và Thọ trình lên song thân xin được nghỉ học để gia nhập Quân Đội. Lúc này Cụ Nguyễn Xuân Đản hiện là Giám Đốc Nha Địa Dư tại Đà Lạt dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Song thân hai ông không những đồng ý mà còn hoan nghênh, khuyến khích con mình theo con đường võ nghiệp nên cả hai anh em làm đơn xin thi tuyển để nhập học vào Khóa 16 trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam.
Qua tuyển chọn, hai ông trúng tuyển trong số 300 tuyển sinh.

Nhập ngũ theo học Khóa 16 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam
Ngày 23-11-1959, hai anh em ông Phúc, Thọ cùng khoảng 300 bạn đồng Khóa khác dự lễ khai giảng khóa học để trở thành Tân Khóa Sinh Khóa 16.
Qua 8 tuần huấn nhục, anh em ông trở thành SVSQ năm thứ nhất.
Sau năm học thứ nhất, nhà trường thanh lọc lại khả năng học vấn, hai ông nằm trong số những SVSQ được tiếp tục học sang năm thứ hai.
Theo chương trình Khóa 16 học lúc bấy giờ là 4 năm, song học qua năm thứ ba thì tình hình lúc bấy giờ khẩn trương, nên chính phủ đã cho rút ngắn chương trình học, do đó Khóa 16 học hơn 3 năm đã được tổ chức thi Mãn Khóa.
Kết quả 226 SVSQ trúng tuyển, trong số kể cả các SVSQ theo học quân chủng Không Quân và Hải Quân.
Sau khi thăng cấp hiệu Thiếu Úy Thực Thụ Hiện Dịch, ngoại trừ quân chủng Không Quân và Hải Quân, hầu hết các Thiếu Úy Lục Quân đều bổ sung đến các đơn vị tác chiến.

Mãn Khóa 16 Ấp Chiến Lược
Vào ngày 22-12-1962, Khóa 16 làm Lễ Mãn Khóa dưới sự chủ tọa của vị Tổng Tư Lệnh Tối Cao Quân Đội là Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Tổng Thống đã đặt tên Khóa 16 là Khóa Ấp Chiến Lược. Vào thời điểm này chính phủ đặt nặng và chú tâm vào quốc sách Ấp Chiến Lược. Hình thành Ấp Chiến Lược rất có hiệu quả, bao vây và cô lập Việt Cộng về hoạt động nơi thôn ấp (Tổng Thống Ngô Đình Diệm cũng đích thân chủ tọa Lễ Mãn Khóa 13 tại Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức và Khóa 3 Hiện Dịch Đặc Biệt tại Trường Hạ Sĩ Quan Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa. Hai Khóa này cùng đặt tên Khóa Ấp Chiến Lược).

Hai Thiếu Úy Phúc và Thọ lựa chọn đơn vị
Vị Thủ Khoa Khóa 16 là Thiếu Úy Bùi Quyên (cấp bậc sau cùng là Trung Tá) chọn về binh chủng Nhảy Dù, còn Á Khoa là Thiếu Úy Nguyễn Xuân Phúc, do đó ông Phúc được tuyển chọn về binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, còn Thiếu Úy Nguyễn Phú Thọ được bổ sung về Sư Đoàn 7 Bộ Binh (nhiều Tân Sĩ Quan mong muốn chọn hai binh chủng Dù và Thủy Quân Lục Chiến nhưng cấp khoản ít, hơn nữa phải đỗ cao cùng vóc dáng).

Vài hàng về Trung Tá Nguyễn Xuân Phúc

Kể từ ngày ra trường (gần 13 năm), Thiếu Úy Phúc chọn về binh chủng Thủy Quân Lục Chiến. Suốt binh nghiệp, ông đều phục vụ trong Sư Đoàn này, thăng cấp từ Thiếu Úy lên Trung Tá. Cấp bậc hoặc huy chương thường đặc cách tưởng thưởng qua chiến công tại mặt trận. Trung Tá Phúc nguyên Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên và Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 369 Thủy Quân Lục Chiến. Ông làm bạt vía quân thù trên cổ thành Quảng Trị. Ông nổi danh trong binh chủng Thủy Quân Lục Chiến với biệt danh là Robert Lửa. Trung Tá Phúc mất tích vào những ngày cuối tháng 3 năm 1975 tại Đà Nẵng khi ông cùng quân sĩ chiến đấu đến giây phút cuối cùng.

Trung Tá Nguyễn Phú Thọ theo dòng binh nghiệp

Ra trường, Thiếu Úy Thọ về Sư Đoàn 7 Bộ Binh, thăng Trung Úy, giữ chức vụ Đại Đội Trưởng trong Sư Đoàn. Sau vì nhu cầu huấn luyện, Trung Úy Thọ được Tổng Cục Quân Huấn thuyên chuyển về Trung Tâm Huấn Luyện Quốc Gia Vạn Kiếp. Tại đây ông được cử làm Trưởng Ban Chương Trình. Công việc có tính cách tham mưu, cuối tuần nhảy về Sài Gòn rất nhàn hạ nhưng tâm nguyện ông muốn được phục vụ ở các đơn vị tác chiến. Ông làm đơn xin thuyên chuyển đôi ba lần mới được toại nguyện xin ra Sư Đoàn 1 Bộ Binh nơi địa đầu giới tuyến. Ông được bổ nhậm Đại Đội Trưởng Đại Đội 3/4/2. Sau đó ông làm Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 2/2, không bao lâu giữ chức Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2/2. Sau khi thăng Trung Tá giữ chức Trung Đoàn Phó Trung Đoàn 3. Sau Hiệp Định Paris, tình hình lắng dịu nên cấp trên đề cử ông theo học Khóa Chỉ Huy Tham Mưu.
Mãn khóa học, ông thuyên chuyển về Định Tường làm Quận Trưởng kiêm Chi Khu Trưởng Quận Giáo Đức. Không bao lâu được cử giữ chức Tiểu Khu Phó Định Tường cho đến cuối tháng 4 năm 1975.

Hai anh em gặp nhau nơi chiến trường
Hai ông Phúc và Thọ thỉnh thoảng gặp nhau trên chiến trường, tuy hai người hai binh chủng khác nhau, hai trọng trách khác nhau.
- 1968: Hai ông gặp nhau trong trận phản công địch Tết Mậu Thân.
- 1971: Hai anh em gặp nhau trong cuộc hành quân Lam Sơn 719 Hạ Lào.
- 1972: Ông Phúc trấn giữ phòng tuyến Mỹ Chánh, ông Thọ trấn giữ đồi Bastogne thuộc vùng hỏa tuyến.
- 1973: Cả hai anh em cùng gặp nhau trong khóa học Chỉ Huy Tham Mưu tại Đà Lạt.
- Từ tháng 3-1975 hai anh em không còn gặp nhau nữa!

Trung Tá Thọ thăng thưởng qua thành tích chiến công

- Cấp bậc: Thời gian phục vụ tại Sư Đoàn 1 Bộ Binh, ông Thọ được đặc cách thăng cấp Đại Úy, Thiếu Tá và Trung Tá tại mặt trận.
- Huy chương: Ông Thọ được tưởng thưởng nhiều huy chương quân sự và dân sự, trong đó có khá nhiều huy chương Anh Dũng Bội Tinh Sao Vàng và Nhành Dương Liễu. Đặc biệt được tưởng thưởng Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương kèm Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu. Về huy chương Hoa Kỳ có Bronze Star With V.

Trung Tá Thọ bị tù Cộng Sản
Sau tháng 4 năm 1975, ông Thọ cùng phần lớn Quân, Cán, Chính Việt Nam Cộng Hòa rơi vào lao tù Cộng Sản. Ông trải qua các trại tù từ Nam ra Bắc với thời gian tổng cộng: 11 năm, 1 tháng, 1 ngày. Trong lần Việt Cộng đưa ông đi mổ, 4 ngày sau ông trốn khỏi bệnh viện, cải trang thành thầy bói, thầy giáo, tìm đường xuống Cà Mau, may mắn được người hướng dẫn vượt biên. Qua chuyến thứ tư mới thoát và qua đảo Palau Bidong năm 1986. Đến năm 1987 được nhận qua định cư tại Canada, nhờ đó ông cùng các anh chị em ông tại Canada lo bảo lãnh các con ông là Nguyễn Phương Thảo, Nguyễn Phương Thi và Nguyễn Phú Thoa sang Canada.

* Mai mốt là mùa Xuân

Vào ngày 9-2-2009, từ Canada anh Thọ có gởi cho tôi một lá thư nội dung chính cám ơn chúng tôi tổ chức thành công ngày họp mặt gia đình Vạn Kiếp. Trong thư có kèm bài thơ do Thi Sĩ Hà Thượng Nhân sáng tác với tựa đề “Mai mốt là Xuân” gởi cho Nguyễn Phú Thọ. Thọ gởi cho tôi như một món quà tặng anh em Vạn Kiếp.
Thi Sĩ Hà Thượng Nhân đã mãn phần vào ngày 11-10-2011. Hưởng thọ 90 tuổi.
Nay anh lại đi tiếp để gặp Thi Sĩ, tức Trung Tá Phạm Xuân Ninh, một thời Giám Đốc Đài Phát Thanh Quốc Gia (chức vụ cuối cùng của ông là Chủ Nhiệm Nhật Báo Tiền Tuyến của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa).
Tôi xin đăng lại bài thơ tuyệt bút này xem như một nén nhang để anh em Vạn Kiếp chào vĩnh biệt Thọ, đồng thời tưởng nhớ nhà thơ Hà Thượng Nhân, một nhà thơ xuất khẩu thành chương, có nhiều tác phẩm hay, đặc biệt về lịch sử để lại cho đời sau.

Mai mốt là Xuân

Hà Thượng Nhân
(Gởi Nguyễn Phú Thọ)

Nguyễn Phú Thọ! những ngày cơ cực cũ
Ta gặp nhau và ta bỗng thân nhau
Ta mang chung tất cả một niềm đau
Một nỗi nhục làm tên quân thất trận
Có nhiều buổi bừng bừng trong lửa giận
Ta nhìn trời hứa hẹn với lòng ta
Tám mươi hơn, Lã Vọng vẫn chưa già
Thua một trận chưa là thua vĩnh viễn
Ta chấp hết mọi gian nguy hung hiểm
Trong cơ hàn nguyên vẹn một niềm tin
Không cam tâm làm một thứ ăng ten
Chúng ta biết tuy chân trần nón lá
Nhưng mai mốt núi sông và tất cả
Thuộc về ta, đất nước của riêng ta!
Trời bao la và ruộng bãi bao la
Ta chỉ mất chính quyền, không mất nước
Nước ta đó, kẻ nào hòng chiếm đoạt ?
Ôi Việt Nam còn mãi mãi muôn đời
Những Bà Trưng, Bà Triệu, những con người
Cất cao giọng không bao giờ chịu nhục

Ta không chịu vẩy bùn cho nước đục
Sống qua ngày như những kẻ lưu manh
Vì thế nên tôi mới lại còn anh
Anh đội trưởng, kẻ thù đừng mua chuộc
Lòng của Thọ làm sao lay chuyển được?
Phải xứng danh với Võ Bị hào hùng
Những Lô, Nhàn, sống trong cảnh khốn cùng
Vẫn ngạo nghễ là sĩ quan Đà Lạt

Giờ bỏ nước làm lũ người phiêu bạt

Nhiệm vụ mình còn đó bạn tôi ơi!
Tôi già rồi, anh cũng lại già rồi
Nhưng con cháu chúng ta còn rất trẻ
Chúng phải học vá trời và lấp bể
Con đường xưa cứu quốc vẫn còn đây
Chúng đứng lên! rừng núi sẽ vui lây

Thọ ơi Thọ! Mùa Xuân rồi đấy Thọ

Nhớ đến Thọ bỗng lòng tôi quặn nhớ
Những ngày xưa ở Nghệ Tĩnh lầm than
Dân Việt Nam còn nhầy nhụa cơ hàn
Mới thoáng chốc nhìn nhau đầu đã bạc
Tôi gởi Thọ một niềm tin vằng vặc
Niềm tin tôi chẳng vì tháng năm qua
Niềm tin tôi mãi mãi vẫn không già
Đến Mông Cổ thanh danh rồi hủy hoại
Đến đế quốc Hít Le cũng đành cam thất bại
Không vì dân tất cả sẽ tan tành


Lúc cuối năm tôi viết gởi sang anh
Có chính nghĩa thì cờ vàng vẫn đó
Ta chưa có nhưng mà ta sẽ có
Nay mùa Đông mai mốt sẽ là Xuân


Chúc Thọ và các cháu luôn luôn vui mạnh.
Nhớ nhau nhiều.

(Ký tên: Hà Thượng Nhân)

Anh em gia đình Vạn Kiếp bàng hoàng khi nghe tin Trung Tá Nguyễn Phú Thọ từ trần.
Sau khi được tin ông Thọ qua đời, gia đình Vạn Kiếp đã kịp thời thông báo tin buồn. Được tin anh em vô cùng sửng sốt, đau buồn và thương tiếc.
Anh em định cư tại Hoa Kỳ, Canada, Úc, Âu Châu và Việt Nam gởi tới tấp email về Hội để chuyển lời chia buồn đến tang quyến.
Cùng xin góp lời cầu nguyện Chiến Hữu Nguyễn Phú Thọ được sớm tiêu diêu miền cực lạc.

Đôi lời vĩnh biệt Nguyễn Phú Thọ
Anh Thọ quý mến,
Tôi thật sự xúc động, muốn viết về anh nhiều hơn với người bạn đồng ngũ khi tôi từ Sông Mao về Vạn Kiếp nhưng nước mắt cứ ứa tràn làm tôi không thể viết tiếp được nữa!
Đời người thật ngắn ngủi! Mới thấy đó rồi lại mất đó. Tôi với anh và mấy người bạn hôm đó ở Cà Phê Factory chắc chẳng ai nghĩ hôm đó là buổi cà phê cuối cùng với anh nhưng Thọ ơi! Cuộc đời là bể khổ. Anh đã hy sinh hết mình cho Tổ Quốc. Những trang quân sử sau này chắc chắn sẽ ghi chiến tích hào hùng của anh, của một sĩ quan QLVNCH đã hy hiến đời mình cho đại cuộc. Tiếc rằng anh không còn sống để mai này được thấy Tổ Quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta không còn bóng dáng quân Cộng Sản hung tàn, dân tộc Việt Nam sẽ được tự do, no ấm như lòng anh hằng mong ước.
Chúc anh thượng lộ bình an trên đường về miền miên viễn. Vĩnh biệt! Vĩnh biệt Thọ Râu của tôi.
- (HĐH)


Trung Tá Nguyễn Phú Thọ (phải) và tác giả - ảnh: tác giả cung cấp.


Từ phải: Tác giả, Hoàng Mão, Thọ Râu và Hồ Đắc Liệu - ảnh: tác giả cung cấp.



Kỷ niệm ngày họp mặt Gia Đình Vạn Kiếp 15-6-2008. Từ phải: Nguyễn Phú Thọ, Nguyễn Văn Học
- Tổng Cục Quân Huấn, tác giả và ông bà Lê Minh Quý - ảnh: tác giả cung cấp.


Nam California, 11-11-2011

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT