Phóng Sự

Những lớp học dành cho người cao niên (kỳ 2)

Sunday, 27/07/2014 - 11:47:00

Đối với người già, trầm cảm là một trong những vấn đề về sức khỏe tâm lý rất đáng lo ngại. Được biết tại Mỹ, có khoảng 10 triệu người cao tuổi mắc chứng trầm cảm. Phần lớn trầm cảm ở người cao tuổi bắt đầu từ cảm giác cô đơn, lạc lõng, tâm lý bi quan, lo lắng. Trầm cảm nói chung và riêng với người già

Băng Huyền/ Viễn Đông



Thầy Đoàn Đức dạy điện toán tại văn phòng BPSOS chi nhánh Quận Cam.


 
Lớp học điện toán

Đối với người già, trầm cảm là một trong những vấn đề về sức khỏe tâm lý rất đáng lo ngại. Được biết tại Mỹ, có khoảng 10 triệu người cao tuổi mắc chứng trầm cảm. Phần lớn trầm cảm ở người cao tuổi bắt đầu từ cảm giác cô đơn, lạc lõng, tâm lý bi quan, lo lắng. Trầm cảm nói chung và riêng với người già nếu cứ kéo dài sẽ dễ dẫn đến bệnh Alzheimer, nguy cơ tự sát và các rối loạn nghiêm trọng khác về sức khỏe, tâm lý.

Trong một tài liệu được phổ biến trên mạng lưới toàn cầu, Shelia Cotten, giáo sư tại Đại học bang Michigan, Mỹ, người phụ trách dự án nghiên cứu cuộc sống của hàng nghìn người trên 60 tuổi đã nghỉ hưu tại Mỹ cho thấy, “Việc sử dụng mạng Internet có thể giúp người già giảm khả năng mắc chứng trầm cảm tới hơn 30%. Việc sử dụng Internet có ảnh hưởng rất mạnh mẽ. Việc này giúp những người cao tuổi có thể duy trì các mối quan hệ, giao lưu trên mạng xã hội, và không cảm thấy cô đơn, chưa kể các vị cao niên sử dụng Internet hằng ngày sẽ có quyết định khá hơn và có thêm kỹ năng lý luận trong những vấn đề phức tạp.”

Từ trước đến nay người ta vẫn thường khuyên các người lớn tuổi nên chơi ô chữ, các trò chơi đố (puzzles), các trò đố vui (quizzes), sodoku, v.v. với mục đích giữ cho chất xám trong não hoạt động tốt. Nhưng từ khi thế giới đã trở nên “phẳng,” con người bước vào một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên số. Những phương tiện tương tác trực tuyến: mạng xã hội, trang web, blog, diễn đàn... cũng phát triển rầm rộ. Cả thế giới rộng lớn được thu nhỏ lại trong chiếc điện thoại bỏ túi, thiết bị di động hoặc chiếc máy điện toán để bàn, máy điện toán xách tay.... Mọi nhu cầu của con người đều được giải quyết chỉ với vài cái chạm màn hình hay vài cú nhấp chuột. Khi đó, người ta còn khuyến khích các người lớn tuổi nên “bay lượn” trên mạng lưới toàn cầu để phòng ngừa bệnh lú lẫn, tránh được sự cô đơn, khai thác được những tiện ích mà công nghệ mang lại, nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như nhu cầu giải trí.

Nhiều năm trước đây, những người cao niên gốc Việt sống tại Hoa Kỳ nói riêng, tại các quốc gia khác nói chung chắc hẳn không tưởng tượng là một ngày nào đó, họ sẽ có thể dễ dàng “bay lượn” trên internet. Chính nhờ sự phổ biến của internet cao tốc, việc giảm giá cả các dụng cụ điện tử và nhu cầu “không thể tránh được” của kỹ thuật này đã thu hút ngày càng nhiều người già vào mạng lưới điện toán, những người này đã xem mạng lưới điện toán là cửa ngõ đi vào thế giới bên ngoài, là một cuốn tự điển bách khoa vĩ đại, một phương tiện kỳ diệu giúp ta có thể đi chu du khắp nơi trong khi vẫn ngồi ở nhà, đây còn là một trong những phương tiện tốt nhất để giữ liên lạc với gia đình và nhất là với các cháu sống ở những tiểu bang xa, hay đang sinh sống ở tận bên kia bờ đại dương.




Quang cảnh lớp học điện toán tại văn phòng BPSOS. Có một ông cụ đang xem bài của bà cụ ngồi bên cạnh.

Tâm sự của một số học viên

Bà Đỗ Thị Bảy (71 tuổi) đang theo học lớp điện toán tại văn phòng BPSOS chi nhánh quận Cam kể rằng trước đây chưa bao giờ sử dụng điện toán, để phòng ngừa bệnh lãng trí của người già và giúp mình không bị “lạc hậu,” bà đã ghi danh học điện toán, làm quen với việc nhấp đôi chuột trái và di chuyển chuột cho thành thạo. Dù đã già, học trước quên sau, nhưng bà vẫn kiên trì đến lớp, vì với bà việc đến lớp học được gặp gỡ những người già như mình là một niềm vui. Chưa kể việc được tiếp cận điều mới lạ của điện toán nên bà rất thích, bà biết cách lên mạng lưới tìm đường đi, đọc báo trên online, nghe nhạc, viết email cho các con và cháu ở tiểu bang Maryland. Với bà giờ đây khoảng cách không gian và thời gian bây giờ chỉ còn là... một cái nhấp chuột.

Còn với bà Nguyễn Thị Sơn (70 tuổi) vì ở có một mình, các con đều sống ở tiểu bang khác, nên bà ghi danh học cách sử dụng Internet, để tìm thấy niềm vui, theo bà đây là một sân chơi trí tuệ, giúp bà ngăn ngừa được bệnh giảm trí nhớ nên rất thích.

Ông Hoàng Hà Daniel Nguyễn (70 tuổi) đã thông thạo những kỹ thuật căn bản của điện toán, nhưng vẫn ghi danh học với thầy Đoàn Đức dạy tại BPSOS, vì thầy rất giỏi trong việc hướng dẫn cho các học viên đủ mọi trình độ, từ căn bản đến nâng cao, học những cách ứng dụng internet, khai thác công cụ tìm kiếm thông tin, phục vụ cho nhu cầu thiết thực của cuộc sống hàng ngày như mua đồ trên mạng. Càng học, ông càng say mê vì những tiệc ích và hay ho mà phương tiện kỹ thuật internet mang lại. Giúp ông tìm kiếm tin tức nhanh hơn để tiết kiệm được nhiều thời gian, giải trí, du lịch vào các trang nhà về du lịch. Trao đổi hình ảnh, lời nhắn, chuyện dí dỏm với những người bạn đồng tuổi qua mạng lưới toàn cầu, đề cập đến những đề tài về sức khỏe, thú vui của người lớn tuổi.

Nhiệt tình của thầy cô

Cô Lily Huệ Trần là một giảng viên chuyên dạy điện toán căn bản cho các vị cao niên tại một số địa điểm trong cộng đồng, cô cho biết: người cao niên chưa bao giờ sử dụng máy điện toán đến học, sẽ được hướng dẫn những kiến thức từ cơ bản nhất về máy tính, kỹ năng gõ phím, trình bày văn bản, tài liệu; bảng tính, xử lý ảnh; đến nội dung ứng dụng internet, khai thác công cụ tìm kiếm thông tin, đọc báo, chat với con cháu phương xa, chat với bạn già, chơi game, viết blog, giúp xóa đi quan niệm: Người già dường như “miễn nhiễm” với thế giới công nghệ.

Điểm chung của lớp học điện toán mở ra khá nhiều trong cộng đồng, nơi có các học viên đều bước vào tuổi “Hạc” thường là các cụ ông, cụ bà đều lớn tuổi, mắt mờ nên họ phải nhìn thật sát vào màn hình, lần mò tìm từng chữ cái rồi cứ thế mà... gõ từng ngón tay. Nhiều người chưa từng biết về điện toán, nay đã già mới bắt đầu học, gặp khó khăn vì không nhớ. Người học đã khổ, người dạy còn khổ hơn vì dạy cho người già rất kỳ công.

Theo kinh nghiệm đã có của mình, thầy Đoàn Đức, vốn là một kỹ sư điện toán, nay đã nghỉ hưu, nay đi dạy điện toán thiện nguyện tại nhiều nơi như ở Thư Viện Việt Nam Toàn Cầu, BPSOS, tại khu nhà mobil home của người cao niên, cho biết dạy cho người già phải nói đi nói lại để nhắc bài cho các cụ, lại phải thật mềm mỏng vì sợ các cụ giận. Cụ nào “chậm” thì xuống tận nơi chỉ dẫn. Không làm cho các cụ quê khi các cụ không nhớ. Theo thầy nhờ dạy các cụ cao niên sử dụng Internet, giúp thầy luyện được tính kiên nhẫn. Với những cụ nào chưa có khái niệm về Internet nên thầy không dùng từ chuyên môn khi dạy. Dễ nhất là dùng biện pháp so sánh: hộp thư Yahoo, giống như hộp thư trước nhà, cách lên mạng lưới như cách ra freeway.

Chính nhờ sự tận tình của thầy, lại cùng cảnh “mù mờ công nghệ” như nhau từ những học viên cao tuổi nên các học viên cũng cởi mở hơn. Nhiều người có con cháu rành điện toán ở chung nhà, nhưng vẫn đến những lớp học này trong cộng đồng, vì muốn có bạn học cùng tuổi để trò chuyện, và cũng vì thường con cháu không có thời gian, các con, cháu nói nhanh không kiên nhẫn phổ cập cho những cái đầu đã lão hóa, đến lớp học, thầy dạy chậm mới hiểu.

Thầy Đoàn Đức tâm sự thêm: “Dạy cho các vị cao niên không chỉ giỏi về phương pháp giảng dạy mà còn phải thật kiên nhẫn. Nguyên tắc của tôi là cứ lặp đi lặp lại. Mục đích của tôi giúp họ vui, giới thiệu những cái mới của điện toán, họ nhớ được thì nhớ, không nhớ được thì không sao. Họ đâu cần trả bài, nên họ đến học rất thoải mái. Người già đừng nghĩ mình lớn tuổi rồi không học được. Đầu óc vẫn hoạt động, sẽ không bị bị bệnh lãng trí. Người già thích gì thì cứ làm, miễn đừng hại ai thôi. Người già gốc Việt không biết tiếng Anh, thường sợ giao tiếp những gì dính đến tiếng Anh, mà điện toán thì vừa là kỹ thuật vừa tiếng Anh nên thường họ rất sợ. Theo tôi không nên sợ điện toán, hãy làm quen với nó, hãy đến những lớp học được các tổ chức bất vụ lợi trong cộng đồng mở ra rất nhiều. Thế giới của internet là thiên đường để người già thoát ra ngoài bốn bức tường khi cô đơn ở nhà.”

Thầy Đoàn Đức nói thêm: “Trong tương lai, theo tôi thành phần người già gốc Việt sẽ vào các nursing home tăng dần lên, bây giờ với kỹ thuật điện toán hiện đại, người già trong nursing home có thể nhìn thấy con, cháu của mình ở nhà qua máy điện toán, webcam. Người con có thể lắp đặt máy ở nhà, nơi phòng sinh hoạt gia đình, để cha mẹ, ông bà tại nursing home có thể nhìn thấy con cháu của mình để nhìn thấy con cháu mỗi ngày.”

Theo thầy Đoàn Đức khi dạy các học viên với những kỹ thuật khó mà học viên tiếp thu được, nhìn thấy họ thích thú, bản thân thầy cũng rất hạnh phúc, vì vậy thầy vẫn kiên nhẫn nhận dạy tại nhiều nơi, không nhận thù lao, mà còn bỏ tiền túi để đổ xăng đến dạy các học viên, với thầy đây cũng là cách giúp thầy sống khỏe, tránh bệnh lãng trí trong tuổi nghỉ hưu của mình.

Mặc dù việc sử dụng internet thật sự có ích cho trí nhớ của người già, giúp người già có nhiều niềm vui thông qua mạng lưới toàn cầu, nhưng thầy Đoàn Đức cũng nhấn mạnh, điều quan trọng nhất vẫn là mức độ sử dụng Internet phải hợp lý, điều độ.

Thấy nói, “Nếu người già ngồi trước máy điện toán nhiều giờ trong ngày, quên mất những vai trò thực tế của họ và những việc họ cần làm trong cuộc sống, thì việc này sẽ có ảnh hưởng tiêu cực, không tốt cho thị giác và cột sống. Nhưng nếu họ sử dụng Internet với mức độ vừa phải và làm những việc giúp cải thiện cuộc sống, thì việc này sẽ có tác dụng tốt với sức khỏe và tâm lý.” (bh)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT