Phóng Sự

Những lớp học dành cho người cao niên (kỳ 3)

Monday, 04/08/2014 - 12:25:47

Học hát để vui và cải thiện sức khỏe thể chất, tinh thần vui tươi. Âm nhạc là một hoạt động ưa thích với nhiều người, không chỉ nghe hát mà còn cảm giác thích thú khi chính mình hát những bài nhạc yêu thích. Trong những năm qua, hình thức giải trí hát karaoke, hát với nhau đã và đang trở nên phổ biến không chỉ trong giới trẻ

Băng Huyền/Viễn Đông

Nhạc sĩ Hoài Khanh trong lớp dạy hát và đàn tại chùa Liên Hoa.
 
Học hát để vui và cải thiện sức khỏe thể chất, tinh thần vui tươi. Âm nhạc là một hoạt động ưa thích với nhiều người, không chỉ nghe hát mà còn cảm giác thích thú khi chính mình hát những bài nhạc yêu thích. Trong những năm qua, hình thức giải trí hát karaoke, hát với nhau đã và đang trở nên phổ biến không chỉ trong giới trẻ mà đối với mọi tầng lớp lứa tuổi và được đánh giá là hình thức giải trí mang lại nhiều niềm vui cho mọi người, từ người hát đến người nghe.

Riêng trong cộng đồng người Việt tại Quận Cam, từ trước đến nay đã có rất nhiều lớp dạy đàn, dạy hát được mở ra thu hút rất đông các học viên lớn tuổi ghi danh theo học, bởi đây là một hoạt động không chỉ mang lại niềm vui cho tuổi già mà còn là cách để họ rèn luyện sức khỏe. Vì ca hát là công cụ để những người già có được niềm vui trong cuộc sống, nó có thể loại bỏ trầm cảm với chức năng tương tự như các buổi tập yoga và tâm lý trị liệu. Khi mọi người hát cùng nhau, họ sẽ cảm thấy mối quan hệ cộng đồng thân thuộc và dễ dàng chia sẻ với nhau hơn.



Quang cảnh lớp học hát tại chùa Liên Hoa, giờ hát với nhau.

Nếu có dịp ghé thăm lớp học hát, học đàn tại chùa Liên Hoa vào mỗi sáng thứ Năm hằng tuần, hẳn mọi người sẽ đồng ý với nhận định trên của người viết. Buổi học bắt đầu từ 9 giờ sáng và kết thúc là 12 giờ trưa, các học viên được nhạc sĩ Hoài Khanh dạy căn bản về nhạc lý, luyện thanh, những ai muốn học đàn thì sẽ được hướng dẫn đàn guitare, keyboard, organ. Sau khi học đến 10 giờ 30, sẽ là giờ hát với nhau, lần lượt các học viên lên hát để mọi người nghe, sau mỗi phần trình diễn của học viên, nhạc sĩ Hoài Khanh sẽ cho biết những hạn chế của học viên khi ca, để học viên tránh trong lần hát kỳ sau. Những học viên khác ngồi nghe cũng là cách để học kinh nghiệm cho chính mình.

Ông Trường Thọ một học viên của lớp học cho biết, được bạn giới thiệu về lớp học này, mới đến ghi danh học được vài buổi, ông rất thích, vì nhờ học mà biết cách hát hay hơn, có thêm nhiều bạn mới.
Còn bà Tô Châu thì kể rằng vô tình một lần đến chùa để vào thắp nhang cho mẹ nhằm ngày học hát tại đây, vào học thử rồi gắn bó luôn, bà nói, “Khi cảm nhận âm nhạc, mọi bệnh tật dường như tan biến hết và chính vì vậy tôi cảm thấy rất khỏe mạnh.”

Bà Hòa Đặng thì nói rằng, “Tôi già rồi, rất cần niềm vui để không bị cô đơn, trống trải, nên đến đây học hát, là một trong những nơi sinh hoạt hữu ích cho người già.”


Nhóm nhạc Vui Sống OC đều là những thành viên ngoài 60 tuổi, thường đi hát phục vụ các cụ cao niên trong nursing home cũng là một cách để đem niềm vui đến cho mọi người và chính mình.

Bà Lan Lê cho biết, “Trước đây tôi và chị Nhung có học lớp nhạc ở hội cao niên Á- Mỹ do thầy Hải Yến dạy. Nhưng học một thời gian thầy về Việt Nam, khi thầy qua lại, thì không còn chỗ để dạy nữa. Chúng tôi bèn tìm đến thầy Chơn Thành xin mượn phòng sinh hoạt của chùa để thầy Hải Yến dạy. Lớp học tại chùa Liên Hoa được mở ra hồi đầu tháng Tám 2013, nhưng thầy dạy được khoảng 5 tháng, thầy bị bệnh, lớp tạm ngưng vài buổi, sau đó chúng tôi tìm được thầy Hoài Khanh đến hướng dẫn chúng tôi. Thường sau buổi học, chúng tôi còn tụ họp lại với nhau, tất cả đều gắn bó như trong gia đình. Lớp học càng ngày càng đông, ban đầu chỉ hơn 10 mấy người thôi, nay đã có trên 30 người. Thầy vui, học trò vui, học phí chỉ có 20 mỹ kim/ tháng, học viên được cung cấp các bài học. Nếu ai khó khăn không có tiền đóng, chúng tôi vẫn hoan nghênh họ đến học.”

Ông Nguyễn Văn Minh được các học viên giao giữ vai trò điều hành lớp, chia sẻ, “Lớp học này là một cách để giải trí lành mạnh, giúp người già chúng tôi tránh ở nhà, thụ động, buồn bã. Ngoài buổi học, cuối tuần đôi khi chúng tôi còn cùng với nhau đến nhà hàng Seafood kingdom nơi thầy Hoài Khanh đàn ở đây, chúng tôi đến đó để lên hát với nhau, khiêu vũ, là một sinh hoạt rất vui cho những người lớn tuổi như chúng tôi.”

Bà Thúy Hằng nói rằng bà thích học ở đây vì thầy dạy chậm, kiên nhẫn bởi học viên ai cũng lớn tuổi, tiếp thu không còn nhanh nhạy như hồi trẻ. Bà kể ngoài học hát tại đây, bà có sinh hoạt trong ca đoàn Thánh Linh và sinh hoạt trong nhóm hát của nhạc sĩ Lê Văn Khoa- ca sĩ Ngọc Hà tối Chủ Nhật hằng tuần, với bà âm nhạc là phương thuốc nhiệm màu cho sức khỏe thể chất và tinh thần, là cách phòng chống bệnh tật rất hữu hiệu.

Cô Huệ là một quả phụ, cho biết cô từng đến với nhiều nơi sinh hoạt tập thể nhưng chỉ ghé đến rồi đi, đến khi biết lớp học này, cô ghi danh thử và trụ lại nhiều tháng nay, vì cô rất yêu quý mọi thành viên trong tập thể này, theo cô đây là một tập thể rất gắn bó, tất cả đỗi đãi nhau thân tình. Việc học hát chỉ là phụ, cái chính là có những bạn học hòa hợp thân tình mới là cái chính giữ chân cô đến với lớp đều đặn mỗi tuần để tìm an ủi trong lúc tuổi xế chiều.

Bà Liên Lê Quang và chồng Trạch Lê Quang, cùng nhau đến học hát tại chùa Liên Hoa nói rằng trong lớp hầu như các học viên thấy lớp thiếu cái gì, mà ở nhà mình có, đều mang vào lớp, ví dụ như vợ chồng bà mang đến lớp đàn keyboard, guitare, để mọi người trong lớp cùng sử dụng. Ngoài việc học kinh nghiệm để hát hay, biết thưởng thức âm nhạc tốt hơn, bà còn học được nhiều kinh nghiệm trong đời sống từ những bạn học của mình qua những câu chuyện tâm tình với họ. Các thành viên trong lớp học luôn cảm thấy gần gũi nhau hơn vì đây là một phần của việc hoạt động theo nhóm, dù có người hát đơn ca hay song ca thì tất cả mọi người đều hát chỉ cho nhau nghe và không có khán giả nào khác. Ca hát giúp chúng tôi giải phóng năng lượng dư thừa cũng như loại bỏ căng thẳng, tăng sự hứng khởi, xoa dịu tâm hồn. Bên cạnh việc thiền thì hát là một trong những giải pháp để đối phó với những vướng mắc trong cảm xúc.

Ông Nguyễn Quốc Cẩn thì nói rằng những người già đến tuổi nghỉ hưu rất dễ cô đơn, nhất là khi chồng hoặc vợ còn đi làm, con cái ở xa, ngoài máy điện toán, tivi ra, thì không còn gì, ngoài bốn bức tường. Tôi thấy việc học hát sẽ giúp người già tránh được các chứng bệnh trầm cảm và còn có thể giảm khả năng mắc bệnh mất trí nhớ. Nhưng ngoài ra, ca hát còn có nhiều tác dụng khác đối với sức khỏe thể chất của con người mà không phải ai trong chúng ta đều biết. Những người thường xuyên ca hát sẽ có hệ hô hấp và hệ miễn dịch hoạt động tốt. Vì, khi hát chúng ta thường thở bằng bụng mà không cần tốn nhiều sức lực. Lúc này, hệ thống hô hấp làm việc hết công suất và chúng ta thở dễ hơn, thở sâu hơn, thải được nhiều khí độc trong người ra bên ngoài, cung cấp khí oxy nhiều hơn cho cơ thể. Khi hát, chúng ta phải đứng hoặc ngồi thẳng, cổ ngẩng cao và thả lỏng vai. Tư thế này rất tốt cho lưng, đặc biệt ở cột sống, nên có thể giúp chúng ta giảm đau lưng.

Ca sĩ Bích Vân hiện đang dạy đàn và hát tại studio của mình, có khá đông các học viên lớn tuổi đến học, nói, “Với các học viên trước khi học hát thường hát nhỏ hoặc khi hát lên những nốt cao thì không thể hát được, hay hát xuống những nốt trầm thì không nghe thấy. Nhưng các bác, cô, chú có thể thay đổi được giọng hát của mình qua lớp học thanh nhạc. Khi học, các học viên sẽ tự tin, thoải mái hơn trong ca hát. Học viên sẽ được học cách lấy hơi, nhả chữ. Vận dụng hơi thở để hát không bị khản giọng, không bị căng cứng cơ thể, không phải gào khi hát, hát có cảm xúc, luyện tai nghe, hát đúng tiết tấu và giai điệu của bài hát. Nhịp điệu trong khi ca hát hữu ích cho những người có vấn đề về phát âm. Điều trị cách này có thể giúp vượt qua tình trạng nói lắp. Trị liệu bằng ngôn ngữ cũng thích hợp để đối phó với tình trạng cứng cổ, làm tăng hoạt động môi và lưỡi, kiểm soát dòng chảy của không khí. Tập cho trí nhớ, khi học lời bài hát, mình cũng phải nhớ cách hát, nhớ lời cũng là cách tập cho trí nhớ.”

Ích lợi của học đàn

Bên cạnh việc học hát, việc học các nhạc cụ cũng có tác dụng rất tốt với người già, giáo sư- nhạc sĩ Nguyễn Châu giám đốc nghệ thuật của đoàn văn nghệ dân tộc Lạc Hồng bày tỏ, “Thực tế cho thấy rằng những người cao tuổi thường xuyên chơi nhạc có bộ não trẻ trung tuyệt vời. Quá trình chơi nhạc có ảnh hưởng lớn đến khả năng cảm nhận trực giác của con người. Dường như khi chơi đàn, các mạch trong cơ thể được mạnh mẽ lên hơn bình thường, và hơn hết những chức năng này rất quan trọng trong việc phát triển khả năng ngôn ngữ."

“Hiện tôi có nhận dạy đàn cho một số học viên là những vị cao niên, đến học đàn để thư giãn, để gặp bạn bè biểu diễn cho nhóm bạn của mình nghe. Lớn tuổi nhất có cụ 85 tuổi. Khó khăn của những cụ này là vấn đề di chuyển. Nhiều cụ ở xa, không nhờ được con cái chở vì các con bận đi làm, thì các cụ đi xe bus. Mùa hè thì đi xe bus không sao, nhưng đến mùa Đông, 4- 5 giờ chiều trời tối. Học phí chỉ lấy tượng trưng, nhưng dạy cực hơn dạy các em nhỏ, các em học nhanh nhẹn, ôn bài, trả bài, dạy bài mới dễ dàng, vì các cụ lớn tuổi học chậm. Hầu như cụ nào cũng có cell phone, tôi luôn đề nghị trong lúc học, các cụ mở máy ra thâu lại đoạn nhạc học trong ngày hôm đó, vì nhiều khi có cụ học tuần này, tuần sau lại vô bệnh viện nhờ thu lại, về nhà các cụ mở lên nghe và đờn lại.

“Có cụ nhìn bản nhạc nhưng không đọc nốt thì không đánh được, nhưng nghe là có thể đàn lại được liền. Tùy theo mỗi cách mà dạy, chứ không phải dạy cụ nào cũng như nhau. Lớp học có khi một thầy một trò, có khi 2, 3 cụ học chung với nhau.

Thường giáo sư Nguyễn Châu chỉ dạy các cụ vào ngày thường, còn thứ 6,7, Chủ Nhật dạy các em nhỏ rất ồn ào, nên rất khó để các cụ đến học những ngày này.

Nhiều cụ đa phần là nữ đến học đàn tranh, đàn bầu.

Bà Thanh Trúc (89 tuổi), phu nhân của ông Lê Khắc Thí (93 tuổi) đến học đàn mandolin và đàn bầu cho biết, “Tôi học đàn mandolin từ nhỏ, nhưng khi lập gia đình, không có thời gian ôm đàn. Đến hơn 60 năm sau, bước vào tuổi già, thấy rằng lớn tuổi cần có hoạt động giúp mình vui, nên quyết định đi học nhạc lại từ năm 2006. Học lại mandolin và học thêm đàn bầu, mới có bài “Con thuyền không bến”, mà học vẫn chưa xong, chưa đàn được hết bài, vì già rồi, tiếp thu chậm lắm, nhưng tôi thích đến đây học, vì rất thương các em nhỏ, thầy cô và các học viên giống như tôi, tôi được mọi người thương mến và tôi cũng yêu mến mọi người, xem đây như một nơi để giải trí, khi đoàn có tổ chức sinh hoạt gì, thì tôi đều tham gia. Theo tôi lớn tuổi, đi học đàn, học ca là một cách giải trí rất hay.” (bh)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT