Phóng Sự

Những lớp học dành cho người cao niên (kỳ 5)

Tuesday, 19/08/2014 - 01:51:20

"Ở Việt Nam, người già thường phải sống dựa vào con cháu, con cháu không có hiếu, thì họ khổ. Còn ở đây, chính phủ dành nhiều chương trình cho người già để chúng tôi có thể sống độc lập và có được những chăm sóc tối thiểu rất tốt"

 
Cô Lily Huệ Trần (áo đen bông trắng) bên các học viên lớp điện toán.

Những lớp học dành cho người cao niên
(kỳ 5 và cũng là kỳ cuối)

Bài và hình: Băng Huyền/ Viễn Đông


Đi làm bán thời gian, luyện khí công

 

Ông Vũ Lộc từng làm tài xế xe bus cho hãng tư nhân khoảng 20 năm, nhưng đến năm 2009 vào thời điểm kinh tế nước Mỹ suy thoái nặng nề, ông bị thất nghiệp, khi đó ông gần 65 tuổi, chưa đủ tuổi lãnh tiền già, ông thấy mình vẫn còn khỏe mạnh và vẫn muốn tiếp tục đi làm, nhưng với tuổi cao, chỉ có kinh nghiệm lái xe, nếu muốn đổi qua một công việc mới, vậy có cơ hội nào dành cho ông không?

May mắn thay, được bạn bè giới thiệu về chương trình việc làm cho quý vị cao niên của Orange County One Stop Center, ông đã nộp đơn, nhưng do thời điểm bấy giờ có quá nhiều người thất nghiệp, ông phải ngồi chờ đến hai năm sau mới được nhận vào chương trình này. Hiện nay, ông đã làm việc cho chương trình được hai năm, và vẫn còn tiếp tục hai năm nữa sẽ kết thúc.

Nói về cái hay mà chương trình này mang lại cho mình nói riêng và người cao niên nói chung, ông Vũ Lộc cho biết, “Đây là chương trình cung cấp việc làm bán thời gian, dạy nghề dựa trên dịch vụ cộng đồng cho người thất nghiệp, những người có thu nhập thấp từ tuổi 55 trở lên, được ngân sách liên bang trả tiền lương bán thời gian và được gửi đi huấn luyện nghề trong các tổ chức bất vụ lợi của cộng đồng, hay các văn phòng chính phủ… Người tham gia chương trình này sẽ được trau dồi kỹ năng kỹ thuật, tiếp cận các cơ hội đào tạo mới, thường thì làm các công việc tại văn phòng, liên quan đến máy điện toán, trực điện thoại…”

Ông giải thích, “Khi ghi danh vào chương trình này, mình sẽ được nhận trong 4 năm, mình là người Việt, thì sẽ được trung tâm gửi đến những tổ chức bất vụ lợi của cộng đồng Việt như Hội Cao Niên Á Mỹ, BPSOS, Trung Tâm Y Tế Nhân Hòa, Trung Tâm Y Tế Á Châu, Trung Tâm Công Giáo, Thư Viện Việt Nam, Hội Cộng Đồng Người Việt Quận Cam … Trong 4 năm, mình sẽ được gửi đến mỗi năm một tổ chức bất vụ lợi khác nhau, sau khi làm tại đó 1 năm, mình sẽ được qua tiếp một nơi khác.

“Ví dụ năm trước tôi làm tại hội cao niên Á Mỹ, được những người tại đây hướng dẫn việc sắp xếp các lớp học, trực điện thoại, giúp những sự kiện đặc biệt của hội tổ chức như giỗ tổ Hùng Vương, phát thực phẩm cho người nghèo… Năm nay, tôi được phân công làm việc tại BPSOS, trực điện thoại, nhận ghi danh các lớp học tại đây cho các học viên.”

Ông Vũ Lộc nói thêm, “Khi đã ghi danh vào chương trình này rồi, ai cũng thích hết, không ai muốn bỏ ngang. Nhiều người xong 4 năm, muốn tiếp tục nữa cũng không được, vì phải nhường chỗ cho người khác. Mình làm có tiền lương, dù chỉ là lương tối thiểu, nhưng nhờ đi làm, tôi thấy tinh thần vui vẻ hơn, lúc trước hai năm nằm nhà, tôi buồn chán vô cùng.”

 

Bà Vương Hà (59 tuổi) cũng giống ông Vũ Lộc, được nhận vào chương trình việc làm cho quý vị cao niên, nhưng tổ chức mà bà nộp đơn là Napca. Bà cho biết bà mới thất nghiệp cuối năm ngoái, may mắn khi nộp đơn vào Napca khoảng 2 tháng, bà được nhận vào liền, hiện bà đang học việc tại BPSOS.

Bà tâm sự, “Tôi thấy đời sống bên này rất tốt, chính phủ có nhiều chương trình giúp cho trung niên, người già rất hay. Ở Việt Nam, người già thường phải sống dựa vào con cháu, con cháu không có hiếu, thì họ khổ. Còn ở đây, chính phủ dành nhiều chương trình cho người già để chúng tôi có thể sống độc lập và có được những chăm sóc tối thiểu rất tốt. Nhờ đi làm, dù chỉ bán thời gian 18 tiếng một tuần, theo tôi biết những tháng cuối năm, nếu còn dư ngân quỹ thì sẽ được khoảng 22 giờ/ tuần, lương không nhiều, nhưng công việc phù hợp, nhẹ nhàng, có giao tiếp bên ngoài, tôi thấy mình rất hạnh phúc khi sống tại quê hương mới này.”

Còn bà Lily Huệ Trần hiện đang là thiện nguyện viên dạy điện toán tại BPSOS cho biết, trước đây vào năm 2003, bà cũng đã ghi danh vào chương trình Napca, khi đó ngân quỹ chỉ cho làm trong vòng 2 năm. Bà được gửi đến BPSOS, đảm nhận việc dạy điện toán tại đây, vì bà có bằng 2 năm điện toán học từ trường cộng đồng. Sau khi hết thời gian 2 năm với Napca, lúc bấy giờ BPSOS có ngân quỹ, nên đã mướn bà dạy điện toán tại đây cho học viên cao niên và có trả lương cho bà.

Bà nói thêm, “Những việc mình học thường là việc trong văn phòng, vì lớn tuổi rồi, không thể làm những việc tay chân nặng nhọc, mà cũng vì lớn tuổi, tiếp thu cái mới cũng chậm hơn người trẻ, nên khi được đưa đến nơi học việc, cũng sẽ được phân những việc phù hợp với khả năng.”

Theo bà chương trình Napca và One Stop Center rất hay, giúp cho người trung niên, lớn tuổi có công ăn việc làm hợp khả năng của mình. Người già đi làm vẫn vui vẻ hơn ở nhà, lại có được chút đỉnh tiền để sống, sau khi hết hợp đồng với Napca hoặc One stop center, thì họ vẫn có khả năng được những nơi nhận học việc mướn lại làm, hoặc người đó nhờ thời gian học việc, quen biết thêm nhiều nơi khác để trở lại làm thiện nguyện viên, tinh thần sẽ luôn thoải mái.

Ông Hoàng Hà Daniel Nguyễn (70 tuổi) cho biết, với ông, niềm vui của tuổi già là phục vụ những việc thiện nguyện từ kinh nghiệm mà bản thân ông có, ông là thiện nguyện viên của BPSOS trong chương trình của BPSOS mở ra mấy năm nay giúp chăm sóc sức khỏe cho người thợ nail, ông thường đến những tiệm nail của người Việt để giới thiệu về cách dùng những trang thiết bị nào để bảo vệ sức khỏe cho thợ nail, ngoài ra ông có tập dịch cân kinh, là một phương pháp điều hòa kinh mạch, giữ sức khỏe cho cơ thể, nên ông còn giới thiệu phương pháp tập này cho các thợ nail để giữ sức khỏe. Theo ông, mỗi người nên có những cách tập luyện dưỡng sinh khác nhau phù hợp với mình để giúp khỏe mạnh, sống lâu, riêng tôi thấy môn này hợp với tôi, nên tôi tập môn này nhiều năm rồi.

Còn bà Tuyết Lan (75 tuổi) cho biết để giúp khỏe mạnh mà đã ghi danh học nhảy Aerobic tại hội người già thành phố Midway mỗi sáng thứ hai từ 8 giờ 30 đến 10 giờ 30. Nhờ tập môn này hơn 1 năm nay, bà thấy mình khỏe ra và tinh thần luôn vui tươi.

Một trong những môn thể dục hữu hiệu đang được nhiều người tập luyện là môn Thể Dục Khí Công Hoàng Hạc do võ sư bác sĩ Phạm Gia Cổn, Giảng sư Đại Học Y Khoa UCLA, Võ Sư Đệ Bát Đẳng Tae Kwon Do, Chủ Tịch Tổng Hội Hapkido Việt - Hàn sáng lập tại Nam Cali từ năm 2006, đến nay mỗi thứ Tư, thứ Năm, thứ Bảy và Chủ Nhật có hàng trăm đồng hương đủ mọi lớp tuổi đến tập luyện một cách thoải mái và hoàn toàn miễn phí tại Võ đường Hapkido, 9032 Hazard Ave, Westminster (góc Magnolia).

Ông Đỗ Kim Thiện là một học viên của lớp họ này trên một năm qua nói về ích lợi của môn khí công Hoàng Hạc, “Năm nay tôi hơn 70 tuổi rồi, nhờ học khí công mà khỏe ra, tôi đi bộ, nhiều người quen hỏi sao đi nhanh nhẹn vậy, tôi cho biết nhờ học ở đây. Tôi từng tham gia những môn thể thao để luyện sức khỏe, bơi lội, đi bộ trên máy tập… nhưng tôi thích nhất môn khí công Hoàng Hạc, nên bỏ hết mấy môn kia, chỉ tập trung đến đây luyện tập, môn này giúp tôi trẻ hơn, khỏe hơn, vui hơn. Tôi nghĩ mình tuổi lớn rồi, danh vọng không cần thiết nữa, chỉ cần sức khỏe mà thôi.”

Bà Thục Nguyên theo học khoảng 6 năm qua cho biết trước đó bà cũng muốn tìm một môn dưỡng sinh nào đó để tập, nhưng thời gian đó bận đi làm, vô tình đọc bài báo về Hoàng Hạc, nên đến học thử và thích thú, vì nó rất nhẹ nhàng, nếu tập thể dục thể lực thì nó hơi mạnh đối với tôi, còn môn này thì nhẹ nhàng.

Bà kể, “Trước khi nghỉ hưu tôi chỉ đi làm, chứ không sinh hoạt ở đâu hết, từ khi gắn bó với lớp Hoàng Hạc, tôi thấy tinh thần vui vẻ hơn. Một tuần tôi tập thứ Tư, thứ Bảy, Chủ Nhật, tổng cộng 6 tiếng, ở nhà tôi cũng tập thêm. Theo tôi sống khỏe tốt hơn là sống thọ mà không khỏe. Ngoài sinh hoạt với lớp dưỡng sinh, tôi còn tham gia vào trong ban tiếp tân của gia đình Hoàng Hạc, tập hát trong ban hợp ca Hoàng Hạc, quen với một số chị em rất hợp tính với nhau, thường hay tổ chức đến nhà nhau ăn uống và hát hò, rất vui.”



Buổi học của gia đình khí công Hoàng Hạc

Ông Phạm Hữu Thừa đã tham gia với gia đình khí công Hoàng Hạc khoảng 5 năm. “Tôi vốn là người khá năng động, thích những sinh hoạt này kia, tôi từng tập võ từ nhỏ, môn Thái Cực Đạo, Nhu Đạo tập hồi còn trẻ, sau này ngưng Nhu Đạo, chuyển sang Taichi, Thái cực Quyền. Tôi thường tập vào mỗi buổi sáng, đó là thói quen từ nhỏ rồi. Nhưng khi tham gia với Hoàng Hạc, tôi thấy nó hợp, vì căn bản môn khí công Hoàng Hạc rất mềm mại, liên tục, tự nhiên, đó là 3 điều phù hợp với tôi. Khi tôi đến Hòang Hạc, tôi được 55 tuổi lúc đó chưa gọi là già, nhưng cũng không còn trẻ nữa, do đó võ không còn hợp với tôi nữa, vì phải vận dụng sức mạnh, nó mau mệt, khi tôi tập Khí Công Hoàng Hạc, thì tôi thấy phù hợp điều kiện lúc đó tôi có, tôi cảm thấy thích. Lẽ dĩ nhiên qua thời gian tập 5 năm, thì nó có tác dụng tốt, nên tôi vẫn còn tập đến bây giờ.”

Bà Minh Hiếu cho biết vì hay đi giày cao gót, nhờ tập môn này, đã bớt đau lưng, những động tác tập, giúp giây thần kinh thư giãn hơn.

Bà Linh Hoàng (76 tuổi) tập 3 năm tại Hoàng Hạc nói rằng thấy rất tốt cho sức khỏe, trước tay bị cong, rất đau, không kéo thẳng được, nhưng nhờ tập khí công Hoàng Hạc, tay không còn đau nữa. Chân bà từng té gãy đầu gối, nhờ tập, đi lại dễ dàng hơn.

Tiến sĩ cơ khí học Nguyễn Đức Trình đã gắn bó với gia đình Hoàng Hạc hơn 5 năm, đi đều đặn 3 ngày, có phụ thầy Cổn hướng dẫn lớp từ 8 đến 9 giờ (ngày thứ Tư) cho biết ông có chơi đánh trống trong ban nhạc, đi biểu diễn với các hội đoàn trong cộng đồng, những động tác cổ tay khi tập luyện khí công Hoàng Hạc rất tốt cho ông. Những động tác chân của môn này còn tốt hơn đi bộ. Vì đi bộ là mình dồn hết cơ thể lên đôi chân, khiến đôi chân mệt.

Xin được mượn lời tâm sự của võ sư bác sĩ Phạm Gia Cổn để thay lời kết cho bài viết này, ông nói, “Theo định nghĩa sức khỏe của cơ quan y tế quốc tế có 3 phần: tinh thần, thể chất và xã hội, đây là sự hoàn hảo nhất của sức khỏe. Gia đình khí công Hoàng Hạc đáp ứng được nhu cầu đó, nên có thể nói đây là tâm huyết của tôi, muốn phổ biến ra. Ai ai cũng sợ lão hóa, tuổi già làm cho mình suy sụp về tinh thần, thể chất. Trong Y học chứng minh được, nếu có sinh hoạt tập thể, sẽ làm tinh thần thoải mái. Đối với những người già rất dễ từ từ suy sụp tinh thần, dẫn đến trường hợp lú lẫn, nếu có sinh hoạt tập thể, sẽ kéo việc bị lú lẫn chậm lại. Người trung niên, người già hãy tham gia bất kỳ sinh hoạt nào, chứ không riêng gì với gia đình Hoàng Hạc. Trong lối tập luyện của gia đình Hoàng Hạc, tinh thần thoải mái, không bị gò bó, không bị áp lực từ bên ngoài, về thể chất đem lại sức khỏe.


Võ sư bác sĩ Phạm Gia Cổn đang hướng dẫn các học viên môn khí công Hoàng Hạc

“Theo tôi có sự khác nhau giữa sức khỏe và sức mạnh. Tập thể thao đem lại sức mạnh cho bắp thịt, còn tập khí công Hoàng Hạc, đem lại sức khỏe cho nội tạng. Vì cơ thể của chúng ta nói một cách giản dị, rất cần thức ăn dưỡng khí để tạo năng lượng, tập khí công Hoàng Hạc, giúp nuôi dưỡng những cơ quan nội tạng trong người khỏe mạnh, giúp luôn sức khỏe cho bắp thịt không bị èo uột, đồng thời tinh thần thoải mái và nơi đây còn có sinh hoạt tập thể, đáp ứng được điều kiện về xã hội. Lối tập khí công Hoàng Hạc nhẹ nhàng, thoải mái, thích hợp với mọi thể trạng, ai cũng có thể làm được theo khả năng của mình.

“Mình tập bắp thịt mỏi chứ không bị mệt, dưỡng sức khỏe không bị phung phí, không đòi hỏi sự cố gắng nhiều. Không giới hạn tuổi tác, tôn giáo. Gia đình khí công Hoàng Hạc luôn mở rộng chào đón mọi người tham gia. Đóng góp quan trọng nhất chính là tinh thần của mọi người, đến để vui vẻ bên nhau, đó là đóng góp quý nhất. Đồng thời, mỗi người đóng một tháng $10 mỹ kim để gia đình có kinh phí sinh hoạt chung, ví dụ tổ chức tiệc dịp tết, hay những buổi kỷ niệm, picnic chung. Mỗi người khi nghe về gia đình Hoàng Hạc thì sẽ ghi nhận một kiểu khác nhau. Muốn biết rõ ràng, thì hãy đến để tận mắt và “phe phẩy” chung với chúng tôi.” (bh)

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT